"Nhìn" và "Thấy"
(Thành kính tri ân Thầy)
Gần 30 năm trước, cộng đồng người Việt tại một thành phố ở Mỹ mời Thầy Abhinyana đến nói chuyện (một số người gọi là giảng pháp). Hôm đó, nhân dịp Thầy từ Úc sang và ghé thăm tôi vài ngày, tôi có cơ duyên đưa Thầy đến buổi nói chuyện. Đề tài hôm ấy là "Nhìn" và "Thấy".
Thực lòng mà nói, lúc đó tôi chưa hiểu biết nhiều về tôn giáo hay đạo pháp. Tôi cũng không rõ tại sao Thầy không giảng pháp như những vị sư khác mà lại chọn một đề tài có vẻ "đời thường" như vậy. Liệu điều này có liên quan gì đến Phật giáo không? Vì thế, tôi chỉ chú ý đến cách lập luận của Thầy, nghe một lúc rồi lại ra ngoài hút thuốc, đợi Thầy nói chuyện xong để đưa về.
Mãi đến bây giờ, tôi mới dần hiểu được ý nghĩa sâu xa của bài giảng năm ấy. Hôm nay, khi Thầy đã viên tịch, nhân lúc có nhiều bạn bè, người thân thắc mắc về các hiện tượng "tín ngưỡng" và "cuồng tín" trong tôn giáo và đời sống hiện nay, tôi muốn viết vài dòng tri ân Thầy – cũng như coi đây là một lời sám hối của đứa trẻ u mê năm nào.
Trước tiên tôi xin có đôi lời là những gì tôi viết ở đây hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết chủ quan của mình. Một bài viết ngắn khó có thể truyền tải hết chiều sâu của đề tài này. Tôi vốn không muốn phụ thuộc vào kinh sách hay theo một tông phái nào cụ thể, nhưng ngôn ngữ là công cụ duy nhất để diễn đạt, nên khó tránh khỏi sự trùng lặp với những gì đã có trong kinh điển. Nếu bạn bè nào cảm thấy hứng thú, hãy đọc cho vui. Nếu ai thấy đồng cảm và muốn tìm hiểu thêm, ngày nay tài liệu về Phật pháp có rất nhiều. Còn nếu muốn tranh luận, thì tôi e rằng bài viết này không phải là nơi phù hợp.
Từ nhỏ, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Phật. Ngày rằm, mùng một ăn chay, theo ông bà cha mẹ đi chùa. Hình ảnh sư sãi, chùa chiền vốn gắn liền với cuộc sống, nhưng tôi không thực sự hiểu đúng sai thế nào. Kiến thức của tôi về Phật giáo khi ấy chủ yếu xoay quanh nghi lễ, cúng bái, theo truyền thống gia đình và xã hội.
Sau năm 1975, Phật giáo, cũng như tín ngưỡng tôn giáo nói chung, dường như bị chững lại vì ai cũng lo lắng chuyện miếng cơm manh áo. Một số ít không phải lo toan sinh kế thì lại chẳng tin vào tôn giáo, thần linh. Chùa chiền vắng bóng, sư sãi hoàn tục kiếm sống. Đến khi nước nhà mở cửa, kinh tế khá hơn, của ăn của để, nhiều người quay lại tìm kiếm đời sống tâm linh. Chùa to, tượng lớn mọc lên, và kèm theo đó là đủ loại phong thủy, cúng bái, bói toán, kinh doanh, du lịch tâm linh, phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những phương thức quản lý tôn giáo như giáo hội, hội đoàn, uỷ ban, chính sách định hướng ... cũng nhanh chóng được hình thành.
Những người chưa bao giờ tin Chúa tin Phật bỗng nhiên trở thành tín đồ ngoan đạo. Nhiều người keo kiệt bỗng chốc hào phóng cúng dường. Nhiều gia đình đang yên ổn với mồ mả tổ tiên, bỗng nhiên thấy "phong thủy" có gì không ổn, phải rước thầy về sửa lại để cầu phúc lộc. Và dĩ nhiên, khi có thóc thì có chim – vô số hiện tượng mê tín, cuồng tín cũng từ đó ra đời. Một số chùa chiền, sư sãi, đã thay đổi để bắt kịp trào lưu xã hội và phù hợp với văn hoá tín ngưỡng địa phương vùng miền. (Tất nhiên cũng có nhiều chùa chiền, tăng ni, vẫn còn tinh tấn giữ được hạnh tu của họ).
Trong sự hỗn độn này, hình thức dần lấn át cốt lõi. Phật giáo bị biến tướng đến mức nào, không ai có thể chắc chắn. Đức tin bị lạm dụng. Tôn giáo bị chia cắt thành muôn vàn cách hiểu khác nhau, ai cũng cho rằng mình đúng. Hết tông phái này đến tông phái kia, hết thiền này đến thiền nọ, hết đạo này đến đạo kia, hết chùa này đến sư nọ…Như một chiếc bánh chung, mỗi người cắn một miếng và lý giải theo cách hiểu của riêng mình. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là quy luật tự nhiên, có cái này ắt có cái kia, có sinh thì có diệt.
Thời buổi đó, như nhiều người khác, tôi cũng cảm thấy lạc lõng trong mê hồn trận của tín ngưỡng và nhận thức xã hội. Tôi bắt đầu tìm tòi học hỏi. Khi ra nước ngoài, tôi may mắn gặp được nhiều vị tăng ni từ các quốc gia khác nhau, tiếp cận với nhiều kinh điển từ những nguồn khác nhau. May mắn hơn nữa là kinh sách ở nuớc ngoài thường có phiên bản tiếng Anh, được dịch trực tiếp từ tiếng Pali hoặc Sanskrit, nên ít bị ảnh hưởng những từ ngữ Hán Nôm hoặc tiếng TQ phiên âm mà tôi thường nghe từ bé nhưng không hiểu. Cũng trong thời gian đó, tôi có cơ duyên gặp được Thầy Abhinyana. Thầy không có danh tiếng, không trụ trì, không có chùa, không tài sản, không cả mộ phần. Nhưng điều Thầy để lại là một dấu ấn sâu sắc trong lòng những ai từng được gặp Người.
Tuy nhiên, đời sống thường nhật cuốn tôi đi. Tôi mải mê công việc, bạn bè, rượu chè, hưởng thụ, và quên đi khát vọng học hỏi về đạo pháp. Mãi đến những năm gần đây, tôi mới có cơ hội nghiên cứu nhiều hơn. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy kiến thức của mình nhỏ bé và sai lệch. Những thứ tôi từng tự hào hóa ra chỉ là trở ngại, chỉ làm tăng thêm sự tự mãn và lý luận rối rắm. Càng học, càng buông bỏ, càng thấy đơn giản, và cũng càng cảm nhận sự an lạc nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống.
Nhìn lại, từ những lời giảng dạy đơn giản của Bụt ngày xưa, đến nay đã hình thành vô số kinh điển, luật luận, tông phái, và các pháp tu tập truyền thừa. Từ Luật tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông, Pháp Tướng tông (Duy Thức tông), Mật tông (Chân Ngôn tông), Thiên Thai tông (Pháp Hoa tông), Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông, Thành Thật tông..v.v.. cho đến sự phân biệt giữa hạnh nọ hạnh kia, đầu đà (dhuta), khất sĩ, Tiểu thừa, Đại thừa, Nam truyền, Bắc truyền... Ngôn ngữ, khái niệm, định nghĩa, hình thức, nghi lễ, cứ thế đan xen và biến đổi qua từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng đất nước khác nhau. Trong dòng chảy ấy, không ít người lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích, giống như câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng ngày xưa, khi người ta chỉ chăm chú vào ngón tay mà quên mất mặt trăng.
Và một ngày nọ, tôi chợt nhớ lại bài giảng năm xưa của Thầy, "Nhìn" và "Thấy". Tôi mới hiểu rằng "Nhìn" là sự nhận biết của các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và ý (mind). Nhưng cái "Thấy" mà Thầy muốn nói không phải là sự phân biệt theo tưởng tri hay thức tri, mà là sự nhận thức bằng trí tuệ. "Thấy" trong Phật giáo là tuệ tri, là sự nhận biết không bị che mờ bởi thành kiến, kiến thức hàn lâm, hay lý thuyết cao siêu. Có lẽ đây là một trong những tư tưởng quan trọng nhất của Phật giáo mà tôi từng được nghe.
Đức Phật vốn không lập ra tôn giáo để thờ phụng hay mê tín. Ngài chỉ có một mục đích duy nhất là tìm con đường diệt khổ cho chúng sinh. Khi tìm ra con đường ấy, Ngài được gọi là Bậc Giác Ngộ (Buddha). Chữ Buddha trong tiếng Phạn chỉ đơn giản có nghĩa là người tỉnh thức (the enlightened one/the awakened one), chứ không hề mang màu sắc thần thánh hay phép thuật siêu nhiên. Chữ Buddha tiếng Sanskrit có gốc từ chữ Budh (Bụt), nghĩa là tỉnh thức (to wake up), hoặc biết (to know).
Tất nhiên, ở đây đang nói đến cái "thấy đúng" và "biết đúng" của bậc Giác Ngộ. Còn như mình, cứ nhìn gà hóa thành cú, thấy gì cũng qua lăng kính "thiên tài" của bản thân, thì cao siêu lắm cũng chỉ là ảo giác và ngộ nhận 😊. Trong PG, có sự phân biệt rõ ràng giữa "tướng biết" và "tánh biết". "Tướng biết" là cái biết chủ quan, dựa trên hình tướng bên ngoài, bị che lấp và bóp méo bởi vô minh. Còn "tánh biết" là sự nhận thức trong sáng, rỗng rang, tịch tịnh của trí tuệ. Đây chính là trí tuệ (wisdom) vốn sẵn có trong mỗi con người, không ai tạo ra nó, cũng không ai có nhiều hay ít hơn ai. Nhiều vị thiền sư đắc đạo ví von rằng: Chỉ cần những đám mây tan biến, thì bầu trời xanh sẽ hiện ra - Kiến tánh thành Phật. Cho nên điều này không nhất thiết cứ là kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu... hoặc giàu có, học thức, địa vị xã hội, quyền cao chức trọng linh tinh gì đó thì có thể đạt được. Câu chuyện giữa Ngài Huệ Năng và Ngài Thần Tú chính là một minh chứng rõ ràng cho chân lý này. Nhưng trong đời sống thường nhật, chúng ta vẫn bị cuốn vào những vòng xoáy vô minh. Ai cũng mang theo lớp vỏ của thành kiến, danh vọng, tiền tài, và những mê muội cá nhân. Rốt cuộc, cái "Thấy" của chúng ta vẫn chỉ là cái thấy đầy chấp trước và ngộ nhận.
Trở lại với đời thường, mỗi ngày chung quanh chúng ta nhan nhản những cái "nhìn", cái “thấy" đầy thiên kiến lệch lạc. Và tất nhiên là cho dù cố gắng tỉnh táo đến đâu, thì ít nhiều mình cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi cuộc sống vốn là một bữa tiệc buffet phong phú - Gần ông lý luận, nghe toàn chuyện lý sự, thuyết nọ thuyết kia. Gần ông hám danh, nghe toàn những bánh vẽ ảo vọng, con cóc cũng có thể hóa thành ông trời. Gần ông cơ hội, hôm nay kết thân với người này, mai kề cận với người kia, bao nhiêu câu chuyện làm quà. Gần ông ham tiền, suốt ngày chỉ nghe nhắc đến chuyện tiền tỉ, tiền ức. Gần ông mê chính trị thì ra rả suốt ngày nghe chuyện hơn thua, mưu kế, thủ đoạn xấu xa. Gần ông bùa phép mê tín thì nghe toàn chuyện oan gia trái chủ, ma quỷ, địa ngục thiên đường. Gần ông nông dân, thì đơn giản chỉ có cái cày, cái cuốc...v.v.. Cứ thế, thích món nào thì chọn món đó, ai thuận ta thì “đúng” ai nghịch ta thì “sai”, rồi dính mắc vào nhau !
Nhiều người rất đa nghi nhưng lại dễ tin, nghe có vẻ mâu thuẫn và hài hước, nhưng lại là sự thật. Cho nên nếu không đủ tỉnh táo, có khi ta lại rước cả cái vô minh của thiên hạ vào mình; và những đám mây đen, mây đỏ, che lấp bao quanh đã dày lại càng dày thêm. Bản thân tôi cũng vậy, cứ thỉnh thoảng hết nghe bà vô thượng sư này lại đến ông thần y kia, hết ông "Phật sống" này đến bà “Bồ tát” kia, hết nhà nghiên cứu này đến ông chuyên gia nọ, hết ông tiến sĩ này lại đến giáo sư kia, hết người thông thái này đến gã phi thường nọ.... Đọc hoài câu "ưng vô sở trụ", nhưng cứ gặp chỗ nào hơi cộm chút là lại bám vào chỗ đó. Thành ra cái "thấy", cái "biết" của mình vẫn cứ mãi là một ly nước đầy vẫn đục của kẻ phàm phu 😊. Ngược lại, những người hồn nhiên, trong sáng, không bị dính mắc, họ lại sống an nhiên, tỉnh thức, và hạnh phúc hơn nhiều !
Thôi dài quá, xin tạm dừng nơi đây. Đã lâu không viết lách, mới viết lại tuần rồi nên giờ gõ máy chút đỉnh đã thấy mỏi tay :-). Xin mến chúc tất cả một cuối tuần an vui và hạnh phúc .
PN
(02/2025)