Monday, November 21, 2016

Cái chung & riêng,


Từ hôm ông Trump thắng cử, nhiều người lo lắng, bởi ngoài cá tính "nổi loạn", ong còn là người "ngoại đạo" chưa có kinh nghiệm chính trị chính em hoặc đối nội đối ngoại. Dĩ nhiên phe ủng hộ thì vẫn tin tưởng ông làm tốt cương vị, tạo được kỳ tích so với thời đại dân chủ trước đây. Đã mấy tuần qua, những lo toan và diễu cợt vẫn còn kéo dài. Từ việc chuẩn bị nội các, lựa chọn bộ sậu, văn hoá ứng xử của chính khách, đến việc chuẩn bị dọn nhà vào Nhà Trắng, hoặc việc lên Twitter tán chuyện trên trời dưới đất của ông Trump, đều làm cho giới truyền thông rôm rả.
Thế nhưng riêng việc kêu gọi cọng tác với TNS Ted Cruz và cựu thống đốc Mitt Romney, cho dù 2 ông kia có thoả thuận hay chăng, thì mình cũng thấy ông Trump có cái vốn đáng quý. Đó là hiểu được đạo lý cái chung và cái riêng. Họ đã từng chửi nhau, nói xấu nhau dữ dội, rồi có thể ngồi với nhau để bàn việc chung. Nước Mỹ xưa nay vẫn có truyền thống đó, không phải lạ lẫm gì, mấy năm trước đây Obama và Hillary cũng thế, họ phân biệt cái riêng và cái chung rất rõ. Có lẽ đó là văn hoá và tính cách giúp Mỹ tận dụng được sức mạnh toàn cuộc để vươn lên và duy trì vị trí cường quốc lâu nay. Như câu chuyện của tướng Lee và tướng Grant trong việc hoá giải cuộc nội chiến Bắc Nam của Mỹ luôn làm mình khâm phục.

Đất nước VN cũng có những vị anh hùng như thế. Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi ... và nhiều anh hùng khác, dẹp qua thù riêng, bỏ qua những đố kị nhỏ nhen, ganh ghét tị hiềm hèn nhát, để phụng sự và hy sinh vì cái chung. Lịch sử đất nước thăng trầm kéo dài mãi đến ngày nay, có thể ý thức và quan niệm về cái riêng và cái chung có thay đổi. Thực ra có những chuyện mọi người điều hiểu, điều thấy, nhưng không phải ai cũng dám nói và nói đúng. Thời này, dân trí cao hơn, phương tiện truyền thông văn minh hơn, cái hiểu biết về vấn đề cũng rõ ràng hơn. Cho nên hành động vì cái chung hoặc cái riêng cũng không khó lắm để nhận biết .

Nhớ có lần họp mặt với một số bạn bè, một người quen phát biểu "Quê tui cái nôm bắt cua không cần có nắp, vì con nào bò lên cao thì sẽ bị con khác kéo xuống ngay". Mình nhìn chung quanh, người nào cũng im lặng suy tư, chắc ai cũng thấy ngậm ngùi. Ngày xưa mình cứ nghĩ có lẽ đất nước VN chiến tranh dai dẳng, hoàn cảnh nghèo khó, vì quy luật sinh tồn miếng cơm manh áo, nên người dân quê coi cái riêng nặng hơn cái chung, hơn thua, so đo dèm pha nhau. Sau này mới thấy mình hiểu sai, bởi sự ghen tị, so đo, thuộc về một thứ văn hoá sâu thẳm hơn, mà mình chưa biết hết.
Thực ra, không nhất thiết phải do nghèo khó, mà ở một xứ sở có cuộc sống vật chất cao hơn, sự ganh ghét co cựa cũng có thể xảy ra. Có lần nọ, một người quen, mừng lắm, gọi mình khoe rằng sau bao nhiêu năm phân hoá, cuối cùng thì những người cùng quê ở thành phố của ông định cư, đã thống nhất được một hội đồng hương, không còn chia năm xẻ bảy nữa. Mình chúc mừng ông ta, nhưng thầm nghĩ chỉ để có một hội đồng hương nhỏ bé, phục vụ bà con anh em với nhau trong những tháng ngày lưu vong, mà phải tốn cả bao nhiêu năm nhu thế mới đồng thuận đồng lòng, thì quả là quá lâu nhỉ.
Một hội đồng hương của một tỉnh lỵ VN, ở một thành phố nhỏ trên một đất nước to lớn văn minh, không hề thiếu thốn vật chất. Công việc hội đoàn thì chẳng lợi ích tiền bạc gì, nếu có chỉ là những danh xưng phù phiếm vô bổ, vậy điều gì là trở ngại lớn lao nhất cho việc phụng sự cái chung? Mình cứ thắc mắc. Và rồi cũng khá lâu, từ dạo ông bạn qua đời, không liên lạc nữa, hy vọng hội ấy vẫn còn sinh hoạt hoà thuận với nhau.

Lớn lao hơn nữa, nói về những người lãnh đạo điều hành đất nước, định đoạt số phận của nhiều người, nếu chọn cái riêng quan trọng hơn cái chung, chọn cái tôi lớn hơn cái thiên hạ, thì đất nước đó sẽ đi về đâu? Cho nên việc ông Trump bỏ qua những hiềm khích trước đây, kêu gọi kẻ đối kháng có tài, để cọng tác chung, là điều đáng quý vậy.

Ông Abraham Lincoln có nói câu này “To ease another’s heartache is to forget one’s own.” (Tạm dịch: Muốn xoa dịu nỗi đau của người khác hãy quên nỗi đau của chính mình). Cao thượng quá, mình nghĩ khó làm được. Chỉ cần đại đa số chúng ta có quan niệm nếu không làm được chuyện tốt hơn thì đừng làm chuyện xấu thêm. Nếu không giúp được thiên hạ, thì đừng ganh ghét như "gà ghét nhau tiếng gáy", đừng vì lợi ích riêng, hoặc lợi ích nhóm, mà làm hại thiên hạ, thì đã là điều kiện đủ cho thiên hạ thái bình rồi.



No comments:

Post a Comment

Comments: