Friday, November 18, 2016

Lời dạy cuối cùng của Thiền Sư Ajahn Chah


Trong mỗi gia đình và mỗi cộng đồng, cho dẫu chúng ta sống trong thành phố hay ở thôn quê, trong rừng hay trên núi, chúng ta đều trải nghiệm hạnh phúc và đau khổ như nhau, nhưng đa phần chúng ta đều thiếu một nơi ẩn náu - một cánh đồng hay một ngôi vườn- nơi chúng ta có thể trau giồi những phẩm chất tích cực của tâm.
Chúng ta không hiểu rõ mục đích của cuộc sống này là gì và chúng ta nên làm những gì. Từ lúc bé thơ cho đến khi thành niên và rồi trưởng thành, chúng ta học để tìm sự giải khuây và tìm vui trong dục lạc, và chúng ta không bao giờ nghĩ rằng các mối nguy hiểm đang luôn rình rập chúng ta khi chúng ta bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống, lập gia đình và v.v…

Cũng có nhiều người trong số chúng ta bên trong thiếu giới hạnh và không biết đến Giáo pháp (Dhamma) trong cuộc sống của mình do không nghe những lời giảng dạy và không thực hành Giáo Pháp. Kết quả là chúng ta sống một cuộc sống không có trí tuệ và mọi thứ trở nên thoái hóa và suy đồi. Đức Phật - bậc Đạo sư tối thượng của chúng ta – trải rộng lòng từ (mettā) đến mọi chúng sinh. Ngài đã dẫn dắt cho những người con trai và con gái của những gia đình thiện lành xuất gia, thực hành và chứng ngộ Sự Thật. Ngài đã dạy họ đem Giáo pháp đi truyền bá khắp mọi nơi và chỉ cho mọi người cách sống như thế nào để có được hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Ngài dạy làm thế nào để kiếm sống một cách chân chánh, sống điều độ và không hoang phí, và làm bất cứ việc gì cũng phải có chánh niệm.
Đức Phật dạy rằng cho dẫu chúng ta có thể nghèo túng như thế nào đi chăng nữa, chúng ta không nên để cho sự nghèo đói làm cho tâm của chúng ta mòn mỏi và trí tuệ của chúng ta suy kiệt. Ngay cả khi những trận lụt nhấn chìm ruộng đồng, làng mạc và nhà cửa của chúng ta đến mức mà chúng ta không thể để cứu vãn được chút gì, Đức Phật dạy chúng ta không để cho những trận lụt khuất phục chúng ta. Để cho những trận lụt nhấn chìm tâm của chúng ta có nghĩa là chúng ta không biết gì về Giáo pháp (Dhamma) hoặc đã quên không suy niệm về nó.
Cho dẫu những trận lụt cứ nhấn chìm đồng ruộng của chúng ta hết năm này đến năm khác, cho dẫu lửa thiêu rụi nhà cửa của chúng ta thì chúng ta vẫn còn tâm của mình. Nếu trong tâm của chúng ta còn có giới hạnh và Giáo pháp (Dhamma), chúng ta có thể sử dụng trí tuệ của chúng ta để tự giúp mình kiếm sống nuôi thân. Chúng ta lại có đất đai ruộng vườn và có thể bắt đầu trở lại.
Sư thật sự tin rằng nếu quý Phật tử biết lắng nghe Giáo pháp, quán chiếu nó và hiểu nó, quý vị có thể làm cho khổ của quý vị chấm dứt. Quý vị sẽ biết cái gì đúng để làm, cái gì quý vị cần làm, cái gì quý vị cần sử dụng và cái gì quý vị cần phải chi tiêu. Quý vị có thể sống một cuộc sống có giới hạnh và có Giáo pháp, quý vị vận dụng trí tuệ của mình để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thế tục. Bất hạnh thay, hầu hết chúng ta đều làm điều ngược lại.
Chúng ta nên nhớ rằng khi Đức Phật dạy Giáo pháp (Dhamma) và vạch ra con đường để thực hành, Ngài không cố gắng làm cho cuộc sống của chúng ta khó khăn, Ngài muốn chúng ta cải thiện, trở nên tốt hơn và thiện xảo (khéo léo) hơn. Chỉ có điều là chúng ta không chịu lắng nghe. Việc này thật tệ. Nó giống như một đứa trẻ không muốn tắm vào lúc giữa đông bởi vì trời quá lạnh. Đứa trẻ bắt đầu bốc mùi đến nổi vào buổi tối cha mẹ của nó không thể ngủ được, vì vậy họ tóm lấy nó và đem nó đi tắm. Đứa trẻ nổi khùng lên, khóc và rồi nguyền rủa cha mẹ của mình. Đứa trẻ và cha mẹ của nó nhìn tình huống theo cách khác nhau. Đối với đứa bé thì chẳng dễ chịu chút nào khi phải tắm vào mùa đông. Đối với cha mẹ của nó thì thằng bé bốc mùi không chịu nổi. Hai quan điểm không thể thuận thảo với nhau.
Đức Phật không đơn giản muốn chúng ta như thế nào thì cứ để mặc chúng ta y như vậy. Ngài muốn chúng ta siêng năng và chăm chỉ theo một cách như thế nào đó để sự siêng năng và chăm chỉ đó đem lại sự tốt đẹp và lợi lạc cho chúng ta, và Ngài muốn chúng ta nhiệt tình thực hành con đường chân chánh. Thay vì lười biếng, chúng ta phải nỗ lực.
Lời dạy của Ngài không phải là một thứ gì đó làm cho chúng ta trở nên điên rồ hoặc vô dụng. Giáo pháp này dạy chúng ta làm thế nào để tu tập và vận dụng trí tuệ vào bất kỳ những gì chúng ta đang làm: Làm việc, làm đồng, tạo lập cuộc sống gia đình, quản lý tài chánh của chúng ta. Nếu chúng ta sống trong thế gian, chúng ta phải chú ý tới thế gian và hiểu được sự vận hành của nó, bằng không cuối cùng chúng ta sẽ rơi vào những hoàn cảnh vô cùng tệ hại. Khi chúng ta có phương tiện để sinh sống, nhà cửa và tài sản, tâm của chúng ta có thể thoải mái và trung thực, và chúng ta có năng lượng về mặt tinh thần để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nếu một ai đó có thể chia sẻ thức ăn và quần áo và cung cấp chỗ ở cho những người đang cần nó, hành động đó là hành động xuất phát từ lòng từ. Theo cách mà Sư thấy thì cho ra đồ đạc, vật dụng bằng tinh thần từ ái thì tốt hơn rất nhiều so với việc bán chúng để kiếm lời. Những ai có tâm từ (mettā) không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân mình. Họ chỉ cầu mong cho những người khác luôn sống trong hạnh phúc.
Nếu chúng ta sống theo Giáo pháp (Dhamma), chúng ta sẽ không cảm thấy đau buồn khi nhìn lại những việc mà chúng ta đã làm. Chúng ta chỉ đang tạo ra thiện nghiệp (kamma) mà thôi. Nếu chúng ta đang tạo nghiệp xấu, kết quả theo sau đó chỉ là những điều bất hạnh. Vì vậy, chúng ta cần phải lắng nghe và quán chiếu, và chúng ta cần luận cho ra các khó khăn đến từ đâu. Quý vị đã từng bao giờ gánh đồ đạc ra đồng chưa? Khi cái thúng phía trước quá nặng, nó không dễ gánh đúng không? Khi cái thúng phía sau quá nặng, nó cũng chẳng dễ gánh, đúng không? Gánh cách nào thì cân bằng và gánh cách nào thì không cân bằng? Khi chúng ta đang gánh một cách dễ dễ dàng, chúng ta có thể nhận biết việc đó. Pháp hay Chân lý (Dhamma) cũng thế. Có nhân và quả - đó là lẽ thường. Khi gánh nặng cân bằng, chúng ta gánh nó dễ dàng hơn. Nếu chúng ta sống với một thái độ nhu hòa, mối quan hệ trong gia đình và công việc của chúng ta sẽ êm thấm, suôn sẻ hơn. Ngay cả khi quý vị không giàu có, quý vị cũng sẽ có sự thoải mái trong tâm, quý vị sẽ không cần phải âu lo về chúng.
Khi chúng ta chưa chết, đây chính là thời gian để nói về những điều này. Nếu quý vị không nghe Pháp (Dhamma) khi quý vị đang làm người thì sẽ không còn cơ hội nào khác nữa đâu. Quý vị nghĩ có thể dạy Giáo pháp cho loài vật ư? Đời sống của loài vật khó khăn hơn chúng ta nhiều - sinh ra dưới hình hài một con nhái hay một con cóc, một con heo hay một con chó, một con rắn hổ mang hay một con rắn độc, một con sóc hay một con thỏ. Khi con người nhìn thấy chúng, họ chỉ nghĩ đến việc giết chết hoặc đánh đập chúng, hoặc bắt chúng đem về nuôi để làm nguồn thức ăn. Vì vậy, chúng ta chỉ có cơ hội nghe Giáo pháp khi chúng ta đang làm người. Khi chúng ta vẫn còn sống, đây là lúc xem xét việc này và sửa đổi lại lối sống của chúng ta. Nếu chúng ta đang gặp khó khăn, hãy cố gắng chịu đựng khó khăn và sống chân chánh cho đến khi một ngày quý vị vượt qua được nó. Đây là cách để thực hành Giáo pháp (Dhamma).
Vì vậy, Sư nhắc nhở quý vị rằng tất cả những gì quý vị cần là có một cái tâm thiện lành và sống một cuộc sống có đạo đức. Cho dẫu là từ trước đến nay quý vị có làm bất cứ việc gì đi chăng nữa, quý vị phải nhìn lại chúng và xem xét xem những gì quý vị làm là thiện hay bất thiện. Hãy kiếm sống một cách chân chánh và đàng hoàng để đừng làm hại người khác, làm hại chính mình cũng như làm hại cho xã hội. Khi quý vị thực hành sống theo chánh mạng, quý vị rồi sẽ sống với một cái tâm thanh thản, thoải mái.
Chúng ta nên tận dụng thời gian để tạo sự lợi lạc cho chính mình ngay lúc này đây, trong giây phút hiện tại này. Đây là mục đích của Đức Phật (muốn chúng ta phải làm): Lợi lạc cho kiếp sống này và lợi lạc cho những kiếp sống vị lai. Trong kiếp sống này, ngay từ lúc bé thơ, chúng ta cần chuyên tâm học hành, học ít nhất để có thể đủ kiếm sống để chúng ta có thể tự nuôi sống chính bản thân và cuối cùng là có thể xây dựng gia đình và không để cho gia đình mình sống trong sự nghèo đói. Nhưng chúng ta đôi khi thiếu thái độ có trách nhiệm này. Thay vào đó chúng ta đi tìm những thú vui. Bất kỳ nơi nào có lễ hội, diễn kịch hay hòa nhạc là chúng ta đi đến đó, cho dẫu ngay cả vào thời điểm mùa thu hoạch đang cận kề. Người già sẽ kéo theo những đứa cháu để xem các ca sĩ nổi tiếng trình diễn. “Bà đang sửa soạn đi đâu vậy?” “Ta đang chuẩn bị đem mấy đứa cháu đi xem hòa nhạc!” Sư cũng không hiểu là bà đang đem mấy đứa cháu hay mấy đứa cháu đang đem bà nữa. Cho dù con đường có xa cách mấy hay chặng đường đi vất vả đến mấy đi nữa, dường như họ cứ sẽ tiếp tục đi, lần này đến lần khác. Họ nói rằng họ đi để đem những đứa cháu cùng đi nhưng sự thật rằng họ chỉ muốn đi vì chính họ thôi. Với họ, thời gian đó thật vui thú làm sao! Nếu quý vị mời họ đến thiền viện để nghe Pháp (Dhamma) và học cho biết thế nào là đúng và sai, họ sẽ nói: “Con cứ đi đi, ta muốn ở nhà và nghỉ ngơi… Ta nhức đầu quá…lưng của ta đau, đầu gối ta nhức… ta thật sự không thấy khỏe.” Nhưng nếu đó một ca sĩ nổi tiếng hay có một vở kịch hấp dẫn biểu diễn, họ vội vàng tóm lấy mấy đứa trẻ. Rồi thì chẳng có gì làm họ thấy phiền cả. Một số người già là như vậy đấy. Họ cố gắng như vậy đấy, tuy nhiên tất cả những gì họ làm là đem đến khổ và khó khăn cho chính họ. Họ tìm lối thoát khỏi sự tăm tối, nhầm lẫn và chất gây say bằng con đường của sự si mê.
Đức Phật dạy chúng ta tạo sự lợi lạc cho chính chúng ta trong đời sống này, sự lợi lạc tối thượng - lợi ích về mặt tinh thần. Chúng ta nên thực hiện nó ngay bây giờ, ngay trong kiếp sống này. Chúng ta nên cố tìm cho ra cái kiến thức giúp chúng ta thực hiện được nó, để chúng ta có thể sống tốt cuộc sống của chúng ta, tận dụng được nguồn khả năng nội tại của chúng ta, làm việc siêng năng để kiếm sống chân chánh sống theo chánh mạng.
Đức Phật dạy chúng ta hành thiền. Trong thiền tập, chúng ta phải thực hành thiền vắng lặng (samādhi), thiền này có nghĩa là làm cho tâm tĩnh lặng và an bình. Nó giống như nước đựng trong chậu. Nếu chúng ta cứ bỏ đủ thứ vào trong đó và quậy nước lên, nó sẽ luôn vẫn đục. Nếu chúng ta luôn cho phép tâm chúng ta suy nghĩ và lo lắng về mọi thứ, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy sự vật và các hiện tượng một cách rõ ràng. Nếu chúng ta để cho nước yên và trở nên tĩnh lặng ở trong chậu, chúng ta sẽ thấy mọi thứ phản chiếu trên đó. Khi tâm an tịnh và tĩnh lặng, trí tuệ có thể thấy rõ sự vật và các hiện tượng. Ánh sáng chói lọi của tâm vượt trội hơn mọi thứ ánh sáng khác.
Khi chúng ta rèn luyện tâm trong thiền vắng lặng (samādhi), khởi đầu chúng ta có cái ý nghĩ rằng nó sẽ dễ dàng. Nhưng khi chúng ta ngồi, chân của chúng ta đau, lưng của chúng ta đau, chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chúng ta nóng bức và ngứa ngáy. Và rồi chúng ta bắt đầu cảm thấy nản lòng, chúng ta nghĩ rằng samādhi đối với chúng ta thật quá xa vời, cứ như khoảng cách từ bầu trời đến mặt đất vậy. Chúng ta không biết điều gì phải làm và các khó khăn áp đảo chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có được chút rèn luyện nào đó, dần dần việc thực hành của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.
Giống như một người thành phố đang đi tìm nấm. Người ấy hỏi: “Nấm từ đâu mà có?” Một người nào đó bảo vị ấy: “ Chúng mọc từ đất”. Vì vậy, người ấy lấy một cái rổ và đi về miền quê, hy vọng rằng nấm sẽ mọc xếp thành hàng dọc theo những con đường để cho người ấy hái. Nhưng vị ấy cứ đi, đi mãi, leo lên những ngọn đồi và lội qua những cánh đồng mà chẳng thấy một cái nấm nào cả. Một người dân làng đã từng đi hái nấm trước đó thì biết được nơi nào có nấm, người ấy biết rằng nơi nào của khu rừng cần phải đi đến đó. Nhưng người thành phố đó chỉ có kinh nghiệm nhìn thấy nấm nằm trên dĩa của mình. Người ấy nghe nói rằng nấm mọc trong đất và tưởng rằng chúng dễ kiếm, nhưng không thể tìm nấm theo kiểu như vậy đâu.
Tương tự, quý vị đến đây để thực hành samādhi và có thể cảm thấy nó khó. Sư cũng từng gặp khó khăn với nó. Sư tập ngồi thiền với một vị thầy (Ajahn) và khi chúng tôi đang ngồi cùng với nhau, Sư thường mở mắt ra để nhìn: “Ồ, Thầy mình đã sẵn sàng xả thiền chưa nhỉ?” Sư nhắm mắt trở lại và cố chịu đựng lâu thêm một chút. Sư cảm thấy dường như sự chịu đựng này đang giết Sư, Sư cứ mở mắt ra hoài, nhưng vị Thầy thì cứ ngồi đó thật thoải mái. Một giờ, hai giờ, Sư thường ở trong tình trạng đau đớn kinh khủng, nhưng vị Thầy thì không nhúc nhích. Sau đó một thời gian, Sư rất sợ ngồi thiền. Cứ mỗi lần đến lúc thực hành samādhi là Sư thấy sợ ghê gớm.
Khi chúng ta mới tập ngồi thiền, thực hành samādhi là không dễ dàng. Mọi thứ đều khó khi chúng ta không biết cách để làm nó. Đây là chướng ngại của chúng ta. Nhưng với sự rèn luyện, việc này có thể thay đổi. Điều gì tốt thì cuối cùng có thể khắc phục và vượt qua điều gì xấu. Chúng ta có khuynh hướng trở nên nhát gan khi chúng ta vật lộn với các chướng ngại – đây là một phản ứng bình thường và chúng ta sẽ vượt qua được nó. Vì vậy rèn luyện một thời gian là việc quan trọng. Nó giống như chúng ta làm một con đường xuyên qua một khu rừng. Ban đầu công việc rất khó nhằn với nhiều trở ngại, nhưng chúng ta cứ làm tới làm lui và chúng ta sẽ làm quang đãng con đường. Sau một thời gian dọn sạch các nhánh cây và gốc cây, do người ta liên tục đi lại trên con đường, mặt đất đường trở nên cứng và bằng phẳng. Và rồi chúng ta có một con đường thật tốt để chúng ta có thể đi bộ băng ngang qua khu rừng. Việc này cũng giống như khi chúng ta rèn luyện tâm. Qua việc thực hành đều đặn, thường xuyên, tâm sẽ trở nên sáng chói.
Vì vậy, Đức Phật muốn chúng ta tìm cho thấy được Pháp (Dhamma). Loại tri kiến này là quan trọng nhất. Mọi loại kiến thức hay học hỏi, nghiên cứu mà không đi theo đường lối của Phật pháp là sự học hỏi bao gồm khổ (dukkha) trong đó. Việc thực hành Giáo pháp (Dhamma) của chúng ta phải đưa chúng ta vượt qua khổ, nếu chúng ta không thể chuyển hóa được khổ hoàn toàn, thì chí ít chúng ta cũng phải chuyển hóa được nó được chút ít, bây giờ - ngay trong hiện tại này.
Khi các vấn đề đến với quý vị, hãy nhớ lại Giáo pháp (Dhamma). Hãy suy nghĩ đến các hướng dẫn tinh thần đã dạy dỗ quý vị những gì. Chúng đã dạy quý vị buông bỏ, dạy quý vị từ bỏ, dạy quý vị tiết chế, dạy quý vị hãy buông xuống những gì đang nắm giữ, dạy quý vị phấn đấu và chiến đấu theo cách mà sự chiến đấu này sẽ giúp giải quyết những khó khăn của quý vị. Giáo pháp mà quý vị đến và lắng nghe là để giải quyết các vấn đề. Lời dạy dạy quý vị rằng quý vị có thể giải quyết các vấn đề hàng ngày của mình với Giáo pháp (Dhamma). Xét cho cùng thì được sinh ra làm người, chúng ta nên cần phải được sống với một cái tâm hạnh phúc.

(Trích từ bài Pháp do Ajahn Chah thuyết giảng cho số đông chư Tăng và cư sĩ tại Wat Nong Pah Pong.)

Theo: Some Final Words
Trích: Recollections of Ajahn Chah
Chuyển ngữ từ Thái sang Anh: Paul Breiter
Chuyển ngữ từ Anh sang Việt: Supañña Thiện Trí

No comments:

Post a Comment

Comments: