Friday, November 11, 2016

Đọc thơ Tuệ Sỹ

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
(Tuệ Sỹ)

Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều: Nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ: hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ. Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề: hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có “ cá tính”. Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm “cá tính” của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái “không có cá tính” trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật: ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavaf cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự: ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI – XVII của Ana John Donne, gọi là nhà thơ “siêu hình” nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ , đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt: còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh: Hai bài thì đều không chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất: Chẳng một lần lầm lỡ không ư? Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm: Một lần định như sao ngàn đã định Chúng ta hãy để ý hai chữ “một lần” trong câu trên và trong câu hỏi; mấy chữ một lần mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức “Einmai” (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ “một lần” trong bài thơ A (trong câu 5 câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng một lần trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên “một lần” nữa…Xin đọc một lần nữa: Một lần định như sao ngàn đã định Lại một lần nông nổi vết sa cơ (câu 5 và câu 6) Một lần ngại trước thông già cung kỉnh Chẳng một lần lầm lỡ không ư? (câu 11 và câu 12) Chúng ta cũng cần để ý những chữ “định”, “nông nổi”, “lầm lỡ” đi theo sau mấy chữ “một lần”. Một lần định, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ…như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. “Định” chỉ có nghĩa là định mỗi khi “định” được thực hiện bi tráng giữa những nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lỡ vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối về chân lý như là “xác thực tính”, tức là “certitudo” trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý Descates, nghĩa là “Fundamentum Absolutum Inconcussum Ventatis” (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo diện đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descarites và tuyệt đối nhất là của Hegel. Xin trở lại bài thơ A và xin đọc lại hai câu mở đầu: Này đêm rộng như khe rừng của biển Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ: Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: Tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A (“vén lại tóc xa xưa”) và một lần trong bài B (“Treo gót hài trên mái tóc vào thu”). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ tóc ra làm tư và gọi là tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của Long Thọ “ Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế” thì phải cần đến “Tục đế hay Thế đe”, vì “Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi”, tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với sáu câu mở bài: Này đêm rộng như khe rừng của biển Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ Một lần định như sao ngàn đã định Lại một lần nông nổi vết sa cơ Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa,…ồ…iễn,…inh) chữ “Này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt; gọi sự hiện diện. thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt thành có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày. Này đêm rộng như khe rừng cửa biển “Đêm rộng” ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng có nghĩa là như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển: đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu 13 trước câu thơ cuối: Và câu cuối: Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: “Hai bàn tay” chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi vén có một tay chỉ có tráng sỹ tóc dài theo điệu “thử địa biệt Yên Đan” mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết “nhất khứ bất phục hoàn”…Mấy chữ “xa xưa” cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là “xa xưa của tương lai”, vì chính mấy chữ “ngày mai nhé” đã được mấy chữ “xa xưa” mở rộng chân trời như “cửa biển”, hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như “khe rừng” hay “sao ngàn”: mỗi “một lần” mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy “vĩnh viễn” (không phải vĩnh viễn theo điệu “cái hiện tại dừng ở lại” của thần học thánh Augustin “Nuno Stans” mà theo nghĩa “hiện tại thu phối vĩnh cửu” của thuật ngữ Heidegger. Augenblick-Augenblitz”: tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, Cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh “một lần” bao dung tất cả lần”). Quan niệm “Nuno Stans” xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn “Vĩnh Viễn” của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn các thi sĩ thích làm thơ “thiền”, dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi tay trái là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra, ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ).Mấy chữ “không như” và “không hư” trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ “không” và “không tính” của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó. Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi: nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 (“một lần định như sao ngàn đã định”) và hai câu cuối(“Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến, Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa”) cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều. Như trong bài B (…”một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần”) đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã “trừu tượng hoá” nhân vật tân văn thường mang tên là “Monsieur Teste” Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ của Tuệ Sỹ. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đang được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết giữa điêu tàn vờ vĩnh” để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng…”. đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương…

 NGUYÊN TÁNH - Phạm Công Thiện
California, ngày 18 tháng 11 năm 1988

No comments:

Post a Comment

Comments: