Con Suối Nhỏ từ nguồn xa uốn-éo, qua rừng qua đồi để xuống đây, thấm mát đất của nhiều làng-mạc, nhưng chỉ có làng Tân-Nhuận nầy là nhờ cậy nó nhiều.
Trên kia là những lâm-thôn, người dân sống nhờ rừng chớ không canh-tác như làng Tân-Nhuận. Làng Tân-Nhuận lại canh-tác hai mùa, mùa khô, thiếu nước, làm ruộng không được, họ trồng thuốc lá, tỉa đậu-phộng, đậu xanh, những thứ nầy ít đòi hỏi nước hơn lúa, nên con Suối Nhỏ đáp-ứng được nhu-cầu của làng.
“Suối” là tên chung, “nhỏ” là tĩnh-từ, nhưng hai tiếng ấy nhập lại, biến thành tên riêng của con suối để phân-biệt với Suối Sâu ở xa mãi trong kia.
Ngày xưa, con Suối Nhỏ khảy đờn nghe hay lắm, nhưng từ năm xa-xôi là năm 1920 dân làng đâm ra siêng-năng hơn, canh-tác hai mùa thì tiếng đờn suối rỉ-rả bị tiếng xa-nước lấn-át đi.
Xa-nước là những bánh xe thô-sơ, đường trực-kính độ bốn thước, „ví“ của bánh xe nằm ngang trên hai cây đà lõm mặt và hai cây đà nầy lại nằm trên một cái giàn cao bốn chơn, có hai chơn trồng ở một bờ suối.
Bánh xe có gắn vĩ tre đan, mỗi vĩ kèm theo một ống tre dài độ hai gang tay. Sức chảy của nước suối xô vĩ tre nói trên, làm quay bánh xe, nó quay được nhờ „ví“ của bánh xe lăn trên hai cái đà mặt lõm.
Bánh xe quay, những ống tre ngắn múc nước suối đem lên cao, rót vào một máng xối làm bằng nửa thân một cây lồ-ồ lớn, máng xối nầy do nhiều thân cây tre nối lại, chạy sâu vào các ruộng xa bờ và tưới đất một cách sương-sương vì ống tre múc nước ít lắm.
Ví bánh xe nghiến răng trèo-trẹo tối ngày sáng đêm vì xa-nước một khi đặt xong là hoạt-động liên-tục không ngừng được nữa, cho đến khi nào vật-liệu mục-nát mới thôi.
Ống tre múc nước lại được gắn nằm ngang từ mặt suối lên tới máng xối, nước rơi trở xuống hơn phân nửa, mà mỗi xa-nước mang ít lắm là hai mươi ống, nơi con suối chảy qua làng mọc lên hơn năm mươi xa, thì tiếng nước rơi với lại tiếng ví nghiến vào gỗ làm náo-động cả làng lên, con suối làm sao mà du-dương được nữa!
Thực-hiện kế-hoạch đặt xa-nước xong, dân làng chia ngay ra làm hai phe, một phe rất hài-lòng vì sanh-kế của họ được cải-thiện, phe thứ nhì bất-mãn lắm vì con suối kém vẻ thơ-mộng.
Chim-chóc thấy vật lạ khả-nghi, ngỡ đó là một loại bẫy mới, rất nguy-hiểm, lại thêm những tiếng động mà chúng mới nghe lần đầu trong đời chim, làm cho chúng hoảng-sợ, đào-ngũ, xa làng Tân-Nhuận.
Bấy giờ làng có vẻ sống hơn nhờ ruộng khô xám vào mùa nắng, lại nhuộm màu xanh mát, nhưng đồng-thời cũng có vẻ chết hơn vì không còn tiếng chim nữa.
Nhưng rồi họ quen lần với sự ồn-ào và chấp-nhận tình-trạng mất yên-tĩnh của cái thôn hẻo-lánh nầy.
Cho đến năm 1944 thì một biến-cố xảy ra.
Một đứa con hoang trong làng đi làm ăn ở Sàigòn và tưởng nó đi mất luôn, lại dẫn xác về quê để lánh-nạn bom.
Nó có một mảnh đất con, vốn là của phụ-ấm, mà nó bỏ-phế cho ai muốn làm gì thì làm, nhưng đất nó ở trên gò cao, nên cũng chẳng ai buồn làm gì hết, cứ để cho tranh mọc, và để cho đất “lợi” rừng.
Hình như nó không thành-công ở Sàigòn, nên về quê, là nó bay nhảy ngay để kiếm ăn, bởi không có dư.
Nó làm đủ thứ công-việc tranh với người Tàu để chiếm độc-quyền đậu xanh trong vùng, nhưng vốn nó ít quá, nó lại chiến-bại.
Một hôm, người ta thấy nó đi viếng từng nhà trong làng, nói đúng ra, viếng từng chủ xa-nước để thuyết-phục họ chung đậu với nó đặng đấp đập ngăn nước suối.
Theo lời “Cậu Ba” thì một cái đập bằng đá, giá không cao hơn năm mươi cái xa bằng gỗ tạp và bằng tre mà lại dùng đời đời không hư.
Đập lại không gây tiếng động như xa-nước, mà cũng không choán nhiều chỗ quá trên dòng suối như năm mươi cái xa trong làng.
Luận-điệu của „Cậu Ba“ rất vững nhưng không được ai hoan-nghinh hết.
Ngày xưa, cái ông bày ra cái vụ xa-nước, đi du-thuyết nghe cũng đê-mê như Cậu Ba bây giờ nhưng chừng xa-nước được thiết-lập xong, họ mới thấy là có cái gì không ổn trong việc đồi mới. Chơn trời quen thuộc của họ khác đi, nó khác đi đôi chút cũng không sao, nhưng dân quê rất không ưa sự đổi mới: khác một chút xíu, họ cũng nghe khó chịu.
Phương-chi xa-nước rẻ tiền lại dễ phá-hủy, còn đập đá mắc lắm, mà phá rất khó-khăn, rủi nó gây chuyện không ổn nữa thì sẽ ra sao?
Cậu Ba không khác một Trương-Nghi, một Tô-Tần đời Chiến-Quốc, không nản-chí và cứ uốn ba tấc lưỡi để tranh-đấu cho cái đập của cậu, bởi có xây đập thì nước mới lên tới mảnh đất gò của cậu, chớ nước mà xa múc lên, nó bị các đám ruộng khao-khát dưới nầy uống ráo-nạo ngay tức-khắc.
Cậu Ba trổ tài hùng-biện trong một tháng là nên việc, nghĩa là góp đủ tiền để xây đập.
Đập nầy gồm hai trụ đá xanh có khe, trồng đứng hai bên bờ suối. Người ta thả lọt vào khe những tấm bửng đá, mỗi tấm dài bằng bề rộng của con suối và cao bốn tấc.
Hơn một chục tấm bửng chồng-chất lên nhau, nhưng ba tấm bửng ở trên hết bằng gỗ da đá cho nhẹ, hầu dễ dở lên, khi nào nước ứ-đọng nhiều quá, cần tháo bớt ra.
Năm mươi xa-nước có sẵn cũng đã tới tuổi về hưu rồi và sắp được gầy-dựng lại, nên không ai tiếc mà phá-hủy để lấy gỗ làm củi chụm.
Cậu Ba làm to chuyện, mời hương-chức hội-tề và các bực kỳ-lão trong làng khánh-thành cái đập bằng nghi-lễ cúng-kiếng và sau đó thì yến-tiệc linh-đình không kém cúng kỳ-yên chút nào.
Và tấm bửng đầu-tiên được thả vào khe đá hồi năm giờ chiều, sau bữa tiệc giữa đồng. Người ta muốn cho cái đập âm-thần làm việc ngăn nước ban đêm, để sáng ra thì một cảnh-tượng ngoạn-mục diễn ra dưới mắt dân làng là bao nhiêu đồng khô cỏ cháy trong làng vào mùa nắng nầy, đều biến thành biển nước, khi hừng đông ló dạng, và họ cho nước ngâm đất độ vài ngày là tha-hồ mà canh-tác, khi tháo nước ra.
Thỉnh-thoảng, độ một tuần một lần, họ lại chận đập bằng mấy tấm bửng gỗ ở trên, và nước lại tràn vào đồng khô, ruộng cháy.
Viễn-ảnh đất cháy biến thành viên-lang làm cho cả làng đều phấn-khởi, tuy-nhiên trong thâm-tâm, họ vẫn lo-lo, ngài-ngại, họ không ý-thức rõ-rệt tai-hại nào sẽ xảy ra, nhưng linh-cảm rằng sẽ có cái gì không được hay lắm.
Lần nầy, dân làng cũng chia ra làm hai phe, một phe đề-cao sáng-kiến của Cậu Ba như là một phát-minh vĩ-đại, phe thứ nhì cứ làm thinh, không phản-đối vì họ cũng chẳng biết cái gì sẽ xảy ra, nhưng không hoan-nghinh vì trực-giác của họ thì-thầm cho họ nghe những ức-doán không được tươi sáng lắm.
Suốt tuần-lễ đầu, phe theo mới reo hò đắc-thắng vì đất của ai cũng im mát và cây mới trồng, mọc lên gần như trông thấy, cứ đầu hôm sớm mai, là nó cao thêm hơn một phân tây.
Đám đất chó … ể của Cậu Ba cũng hóa ra đất trồng-trọt được, ngang hàng với bất-kỳ đất nào, và cậu trồng thuốc lá, giống An-Giê-Ri, là giống thuốc cho lá rất được giá.
Chim-chóc lại trở về, và có lẽ sự hồi-cư của loài có cánh mới đánh dấu thật-sự sự hồi-sinh của đất cháy.
*
* *
Dân làng lại được thêm một “thắng-cảnh”.
Thắng-cảnh là danh-từ của Cậu Ba, chớ nông-dân không gọi “cái đó” bằng gì cả.
Đó là một cái thác.
“Thác” cũng là danh-từ của Cậu Ba, cậu phóng-đại-hóa cái giọt nước từ trên đầu bửng rơi xuống, khi mực nước đọng cao hơn cái bửng cuối-cùng.
Giọt nước nầy mỏng như một bàn tay, rộng ba thước, tức bằng bề ngang của con suối và cao một thước tám. Nó rơi xuống nền đá xanh dùng làm mống cho hai cây trụ đá và cho tấm bửng đá nằm ở dưới hết, tấm bửng chịu đựng.
Chạm phải chất cứng, nước bắn lên, trắng xóa, xem cũng khá ngoạn-mục đối với những người cả đời không có gì hay-ho hơn để mà xem.
Thác cũng làm ồn thật đó, nhưng nó chỉ làm ồn có một nơi thôi, chớ không gây náo-động khắp làng, dài mấy cây-số, như năm mươi cái xa-nước trước kia.
Và điều nầy hay hơn hết là làng khô-cằn nầy đã có cá, lần đầu-tiên, từ thuở tạo-thiên lập-địa, mà lại là thứ cá ngon nhứt nước nữa là đằng khác.
Có vài loại cá nước ngọt, nhưng không thích ở sông, mà chỉ ưa các dòng nước chảy mạnh, tức là các con suối thôi.
Nước suối trong veo, và người ta thấy chúng lội ngược dòng suối, nhanh như cắt, và cả đời chúng, hình như chúng không có làm chuyện gì khác hơn là lội ngược dòng.
Cái đập – mà dân làng đặt tên là đập Cậu Ba – tạo thêm một thứ hố nhỏ, trong đó nước chảy chậm lắm vì chỉ có lớp nước trên mặt là vượt bửng để rơi thành thác, còn khối nước ở dưới hóa thành nước đứng.
Hoàn-cảnh mới lạ ấy biến-đổi thói quen của loài cá lội ngược dòng, chúng không lội nữa, mà chỉ lượn thong-thả trong cái hồ ấy thôi.
Cá suối, tuy cũng là cá nước ngọt như cá sông, song lại ngon hơn nhiều, và dân của cái làng ven lâm nầy, cả đời không hề cầm đến cây cần câu lần nào, bỗng biến thành Lã-Vọng thối-thân hết ráo.
*
* *
Phe nguội lạnh với cái đập đã bắt đầu khó chịu, mặc-dầu họ cũng hưởng những cái lợi do đập đem lại: nước tưới dồi-dào và cá ăn không muốn hết. Nhưng họ không ý-thức được rõ-rệt nguồn-gốc của sự khó chịu ấy, và nhứt là không diễn-tả được cái “thấy” mơ-hồ của họ.
Có một người trong đám đó, đám thiểu-số, một hôm bỗng chợt nhận-định được chuyện không hay rồi giựt mình.
Hắn giựt mình rồi hắn buồn, rồi hắn băn-khoăn gần như đau-khổ.
Người đó là Cậu Ba.
Dĩ-vãng của Cậu Ba hoàn-toàn bí-mật đối với dân làng. Cậu Ba bỏ làng đi Sàigòn tìm sanh-kế, nhưng sỡ-dĩ cậu chiến-bại vì cậu là một con người mơ-mộng viễn-vông, chớ không thực-tế chút nào. Cái đập “Cậu Ba” có lẽ là một việc thực-tế đầu-tiên và cuối-cùng trong đời cậu.
Cậu Ba làm áp-phe, nhưng lại thích làm thơ đăng báo hơn, mà thơ đăng báo thì không có tiền nhuận-bút. Cậu là thi-sĩ tối-tăm vì tài thơ non kém, tuy-nhiên hồn thơ của cậu cũng phong-phú như bất-kỳ hồn của nhà thơ lỗi-lạc nào.
Trước đây, bờ suối đất triềng và thấm nước suối nên cỏ non xanh mát trải thảm hai bên bờ. Suối lại trong vắt suốt năm nhờ nước thoát, bao chất bẩn bị tống-khứ ra sông hết cả, dòm dưới đáy suối thấy sạn trắng khiêu-vũ trên sàn cát mịn mà mê.
Giờ con suối đã hóa thành ao tù, nước đục ngừ, cát đâu không thấy mà chỉ thấy dưới đáy rêu đặt xanh đậm đen.
Hai thảm cỏ ở hai bờ suối chìm mất từ lâu và thỉnh-thoảng vài tấm bửng phía trên được giở ra để tháo bớt nước thì bờ suối lại phơi bày hai bãi bùn đen vì đất bờ bị ngâm nước đục lâu ngày.
Con người văn-nghệ là Cậu Ba rất không ưa cái gì không đẹp. Cậu dám bỏ cả hai, ba áp-phe ăn chắc trong tuần-lễ nào mà cậu say-sưa một tứ thơ, gieo vận mãi chưa tròn, thì được một con cá trong bữa ăn, được vài sào thuốc lá An-Giê-Ri không có nghĩa gì cả đối với con suối thần-tiên mà hình bóng được cậu mang theo xuống Sàigòn và vẫn giữ mãi trong lòng suốt mười mấy năm lăn-lóc trong một không-khí ngột-ngạt chất xăng cháy không hết, xông hơi lên đầy bầu trời.
Cậu Ba nhớ rõ là cậu đã bỏ làng vài năm sau khi người ta dựng lên những cái xa-nước phản thơ, nói là để đi kiếm ăn thì cũng đúng sự thật, mà trong những nguyên-do nó xui cậu bỏ làng, những cái xa-nước kém thẩm-mỹ ấy đã âm-thầm dự-phần rất lớn.
Cậu Ba băn-khoăn và hơi đau-khổ như vậy được một năm thì “họa” lại đến với cậu.
Danh-từ “họa” cũng là của cậu, chớ người khác không coi đó là một vấn-đề.
Ở hướng Đông miếng đất của cậu, còn hai cây me cổ-thụ trồng đâu hồi đời ông nội của cậu. Ở miền Nam, có lẽ cây me là loại cây đẹp nhứt chăng ? Không biết, nhưng riêng cậu Ba, cậu thấy rằng đó là hai nét thơ hiếm-hoi còn sót lại quanh cậu.
Chỉ phiền là hai nét thơ ấy nó che nắng sớm, làm cho đám thuốc của cậu èo-uột cả mùa.
Đốn hai cây me già mà tàng rất lớn ấy là việc canh-tác của cậu sẽ cho kết-quả rực-rỡ.
Cậu Ba lại băn-khoăn, lại đau-khổ. Đó là hai người bạn đã chứng-kiến cậu lớn lên trong làng, và có lẽ ngày kia sẽ chứng-kiến người ta khiêng cổ hòm cậu ra bãi tha-ma. Cậu đã làm thơ ca-ngợi hai người bạn ấy mà hằng năm thay lá như hai cô thôn-nữ đổi áo cũ, khoác áo mới may vào dịp Tết.
Cậu Ba chỉ còn có mỗi một sanh-kế nầy thôi nên cậu không thể phớt đi như đã “phớt ăng-lê” trước bao nhiêu vụ khác, và nghĩ-ngợi mãi, cậu chợt thấy cái sự thật nầy : là con người thời nay cứ đứng trước một tình-thế có lẽ xảy ra hằng ngày, là : lựa chọn.
Vâng, họ phải chọn một, giữa hai, bất-kỳ về vấn-đề nào cũng thế cả. Cái thời yên-ổn ngày xưa mà con người muốn lươn-ưon mãi cả đời cũng cứ được, cái thời ấy đã qua rồi.
Bây giờ, hễ ta đứng yên thì bị những làn sóng người ở sau lưng ta xô tới, ta phải quyết-định mà quyết-định cấp-tốc nữa không thời chết.
Sở-dĩ cậu đã chiến-bại ở Sàigòn vì cậu không có can-đảm chọn : miệt-mài, chịu đói để thành thi-sĩ hữu-danh, hoặc bay nhảy để hốt bạc. Cậu hoạt-động trong ngành nào cũng với rất ít tin-tưởng.
Phải chọn giữa thơ và cơm, không thể cả tham bắt cá hai tay, mà cũng không thể giỡn chơi, cầu vui với hai thứ đó.
Cậu Ba đã thấy con lươn “thơ” vuột khỏi tay cậu, cố nắm cũng không được, không phải vì con lươn có thân mình quá trơn, mà vì cậu bận nắm con cá thứ nhì, khả-năng của cậu bị phân-tán đi.
Phải chọn. Cho đến việc lặt-vặt như là mua một hộp diêm mà còn phải chọn thì chuyện lớn không làm sao mà nhắm mắt làm bừa được.
Hộp diêm một đồng, hình xẹp, bỏ túi không cộm, nhưng số que diêm trong ấy lại không bằng phân nửa số que của hộp diêm hai đồng.
Mà loại nào, loại một đồng hay loại hai đồng gì, cũng nên mua trong hiệu vì chỉ trong đó người ta mới bán giá chánh-thức, còn mấy cô bán thuốc lẻ, luôn-luôn họ xin thêm năm hào.
Cậu Ba nhớ rằng lúc ở Sàigòn, cậu đã phải chọn như thế.
Thế-kỷ nầy không phải là thế-kỷ hai mưoì, thời-đại nầy không phải là thời-đại nguyên-tử. Đây là kỷ-nguyên CHỌN.
Kể từ lúc bắt gặp sự thật trên đây, Cậu Ba nghe lòng thanh-thản lạ-kỳ. Tuy cậu chưa biết nên chọn Thơ hay Cơm, nhưng ý-thức được rằng phải chọn một trong hai thứ, ý-thức ấy giản-dị-hóa bài toán bể đầu của cậu.
Cậu khỏi băn-khoăn gì nữa cả : chỉ có bỏ hai thứ lên một cái cân tưởng-tượng mà cân là xong.
BÌNH-NGUYÊN LỘC
No comments:
Post a Comment
Comments: