Sáng nay đọc báo quê nhà, thấy cái tít lớn - Đại án Agribank: Lại quả 3 tỷ vì "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Quê mình là thế, cứ mang nặng nghĩa tình. Những câu ca dao, tục ngữ dân gian, luôn được đem ra xử dụng một cách khéo léo. Đậm đà tình quê !
Có ông tham quan xin khỏi ở tù, để ở ngoài phục vụ cống hiến đất nước và nhân dân "cho trọn nghĩa tình". Có người tham ô ra toà khóc lóc xin cho đồng bọn vì "tình nghĩa có nhau". Có người phạm tội giải bày không phải là cấu kết mà chỉ là "lá lành đùm lá rách". Có người làm lỗ lã thất thoát vẫn kiên quyết bám giữ chức vụ vì "giấy rách phải giữ lấy lề". Có người quá tuổi cũng không muốn về hưu vì "không phụ lòng dân". Nhiều vị có lòng cống hiến, đưa cả bà con giòng họ vào công sở phục vụ nhân dân, vì sợ "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại mới thành hòn núi cao " .v.v... Quả thật là hiếm khi nghe được những câu chuyện tương tự như thế này ở các nước phương Tây. Điều giải thích hợp lý nhất là con người VN ta quá giàu tình cảm ?
Mùa hè rồi, có ông doanh nghiệp Mỹ quen về VN tham khảo thị trường đầu tư. Gặp lại mình bên này, hỏi thăm chuyến đi thế nào. Ông hào hứng kể lại những tốt xấu vui buồn của chuyến đi. Điều làm ông ấn tượng nhất là sự khéo léo (từ chạy xe đến thủ công), ăn nhậu, và tượng đài khẩu hiệu của VN. Ông cho rằng đất nước VN thích nhắc nhở quá khứ, giàu tình cảm, coi trọng nhớ ơn, và thích tôn thờ. Cũng dễ hiểu thôi, vì ở châu Âu, châu Mỹ, thì làm gì có được chuyện tỉnh nào, huyện nào, xã nào, cũng có tượng đài khẩu hiệu như thế. Còn chuyện ăn nhậu thì cũng là do mang nặng tình cảm, "tình thương mến thương", buồn cũng uống mà vui cũng uống. Nghèo cũng uống mà giàu cũng uống. Có ông thứ trưởng bộ y tế cho biết VN bây giờ sử dụng rượu bia đã thuộc hàng số má nhất nhì thế giới.
Thực ra thì những câu chuyện nghĩa tình bao giờ cũng đáng quý. Đó là văn hoá, là cái hồn đất nước cần được giữ gìn. Nhưng có điều đã gọi là nghĩa tình, thì không có ranh giới và định nghĩa rõ rệt, nên thường bị lạm dụng và biến tấu thành những bi hài của xã hội. Ngôn từ được lợi dụng để nhân danh, để phê phán, và để dối gạt nhau. Những câu chuyện nhan nhản vẫn thường nghe thấy được từ trong nước đến ngoài nước, từ những cuộc nhậu "tình thương mến thương" cho đến những chuyện đại sự "vì dân vì nước". Những diễn giải biến tấu từ cái "tâm" cái "tầm", cho đến việc lạm dụng ý nghĩa đúng đắn của chữ "tình" chữ "nghĩa", ca dao tục ngữ, "đạo lý" làm người... đã làm cho niềm tin con người ngày càng chai sạm !
Đây là một lãnh vực văn hoá rộng lớn, cần nhiều suy nghĩ thấu đáo và phân tích rõ ràng. Hy vọng có ngày quê hương sẽ chú trọng đến lãnh vực này nhiều hơn, để chữ nghĩa khỏi bị nhân danh và lạm dụng.
Nhớ có lần đi ăn uống dưới miền Tây với vài ngưòi bạn, tây có, ta có. Ông bạn ta nói về câu chuyện sở dĩ ông không dọn lên SG làm ăn, vì không muốn "qua cầu rút ván", "vắt chanh bỏ vỏ". Ông bạn tây ngẩn ngơ hỏi - "Xứ tôi không có cầu ván nên không biết, còn ở đây vắt chanh xong ăn luôn vỏ hả ?". Mình làm phiên dịch bất đắc dĩ mà mắc cười.
Thực ra, thì vấn nạn lạm dụng chữ nghĩa vẫn xảy ra nhan nhản hàng ngày. Dĩ nhiên là cả người "chịu" nói và người "chịu" nghe đều có những lý do nhất định của họ. Có một điều chắc chắn là đạo lý nhớ ơn & nghĩa tình không đơn giản chỉ là mớ chữ nghĩa suông tai sướng miệng ấy !
No comments:
Post a Comment
Comments: