Sunday, December 18, 2016
Hà bá lấy gỗ
Tuổi thơ hắn gắn liền với lụt. Năm nào cũng lụt, không lớn thì nhỏ. Tháng chín tháng mười âm lịch, mùa mưa lụt, ngoài trời se lạnh. Có năm rét về tối phải hơ than, luôn tiện nướng bắp, nướng khoai. Những cái ao len cũ được lục ra thơm nức mùi long não. Có năm áo cũ bị chật, mẹ mua cho cái mới. Mùa mưa lụt cũng là mùa có những món ăn khoái khẩu nhất của hắn như chim chéo, bánh xèo, bánh đúc, mắm chưng, canh khoai, cá trích hộp, dế cơm, nấm rơm, nấm mối, cun cút .... Quê hương bao giờ cũng đẹp, vẫn nhớ như in !
Còn chuyện lụt lội thì biết bao điều để nói. Bà Ngoại hắn giải thích là mỗi năm Thuỷ thần sai hà bá lên lấy gỗ về, nửa đêm nước lên, lấy gỗ xong nước sẽ rút. Tuổi thơ hắn cứ mong mỏi có lần được nhìn thấy hà bá, nên thức khuya đợi coi, nhưng thường là ngủ gục trước giờ G. Ở quê, lúc nào rục rịch nước lớn, bà hắn cũng sai người lựa mấy cây chuối chát to, chặt làm cái bè để sẵn. Lúc nước bắt đầu dâng cao, là lúc tụi nhóc như hắn sôi nổi nhất, theo dõi từng khất nước. Tiếng gà vịt kêu, heo éc, bò trâu nghé ọ, tiếng người gọi nhau ơi ới, hối hả dọn dẹp, tạo thành một cảnh tượng khó mà tả xiết. Tụi trẻ như hắn được cho lên tràng kỷ, lên gác để người lớn rảnh tay rảnh chân làm việc. Có khi hắn cũng được cho lên bè chuối chèo đi vòng vòng, bắt dế cơm, bắt chuột đồng ... Tuổi thơ ngày đó như thế, dại khờ, chưa hiểu hết nỗi lo lắng của người lớn với cảnh màn trời chiếu đất.
Quê hắn, người ta quen thuộc với chuyện lụt lội hàng năm, nên sau khi sắp xếp nhà cửa xong, là đến chuyện bên ngoài. Ở quê, ngoài đồng, có ghe đi ngắt bông nếp xanh về làm cốm, hái bắp về luộc, về rang, thu hoạch được chút nào đỡ chút nấy. Có ghe chạy vòng vòng đám bắp, đám mía bắt dế cơm. Có người đem rớ ra kéo, xách lưới ra giăng. Cá trôi cá gáy trên nguồn đổ về con nào con nấy chắc nịch. Những con cá diếc, cá rô tưới rói, về kho với nghệ. Đôi khi ngâm nước lụt cả ngày, lợi được con cá, thì hại con chim, nhưng vẫn cứ thích, đến hẹn lại lên. Sông Đào, Thạch bích, bầu He, bàu Hà ... đâu đâu cũng có. Ngoài sông, thì đông đảo bà con lượm củi. Từ củi nổi củi chìm, đến lau sậy khô, vớt thành từng đống. Có người vớt cả những cây cổ thụ to lớn, mà hắn nghĩ là hà bá bỏ quên. Có khi củi vớt cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng người ta cứ thích thế, cải vã nhau, kẻ nhiều người ít, không chịu thua nhau. Bờ xe chiếc, bờ xe đôi, bến Vắng, bến Trâu, bến Sỏi, Tam thương, Ba La, Vạn Tượng ... từng đống từng đống chiến tích vun đầy. Nghe nói thỉnh thoảng cũng có người chết. Bà Ngoại hắn giải thích là Thuỷ thần qưở trách, bắt người đi theo. Và hắn ghét nhất là lúc nước rút. Phải giúp người lớn quậy bùn, dọn dẹp nhà cửa, "kiểm tra dân số" con nào còn, con nào mất. Nhớ có năm mất con gà nòi cựa độc đinh, hắn buồn cả tháng.
Đấy, lụt của ngày xưa tuổi thơ hắn như thế. Lớn lên đi xa, mấy chục năm trôi qua, chỉ biết lụt quê qua những bài báo. Quê hắn sông không còn bờ xe, thành phố có đê bao chống lụt. Giòng sông khô khốc mùa hè, những ghe hút cát ngang dọc như những khẩu thần công hướng về tổ quốc. Đặc biệt, là những công trình thuỷ điện. Đâu đâu cũng thuỷ điện, trăm hoa đua nở. Vẫn thế, cứ như chuyện vớt củi lụt năm xưa, người ta có thuỷ điện, mà mình không có, thiệt thòi. Giòng chảy đổi, sinh thái đổi, và dĩ nhiên cảnh quan đổi. Thủy điện vốn không phải là chuyện xấu, nhưng làm ồ ạt, không tính toán đến các hệ lụy dây chuyền và ứng xử dự phòng, gây hoạ lũ, mới làm người ta lo ngại. Đùa rằng cuộc chiến Thuỷ tinh, Sơn tinh năm nào không còn nữa. Nhưng đám con cháu họ hận thù vẫn còn, Thuỷ Điện và Sơn Trọc hàng năm lại xuất hiện và là những nỗi lo toan của của người dân quê vào mùa xả nước.
Quê hắn, giờ không còn nạn hà bá lấy gỗ hàng năm nữa. Thời này con người dữ hơn hà bá, nên người lấy gỗ đốn rừng, đắp đập làm điện, xả lũ hàng năm. Hổm rày đọc báo thấy tin quê lũ lụt, gọi điện hỏi thăm bạn bè. Ở thành phố cũng không tệ lắm, nhưng ở quê chắc nhiều thiệt hại. Mùa màng gần tết, ruộng vườn, bông hoa, rau củ ... ngập úng, có khi xuân về lại là buồn nhiều hơn vui !
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Comments: