Thursday, December 15, 2016

Đổi mới

Không hiểu vì lý do gì, mấy hôm nay báo VnExpress liên tục đăng chuỗi bài và hình ảnh về thời kỳ bao cấp và đổi mới. Hoặc là cạn đề tài để đăng, hoặc dụng ý so sánh ngày ấy và bây giờ để tự an ủi, hoặc là ôn cố tri tân .... Không hiểu lắm, nhưng mình chỉ muốn có vài ý nghĩ về  vấn đề "đổi mới".

Thế giới này vốn theo quy luận vận động, mọi việc luôn luôn thay đổi. Trong các bài giảng dạy của Đức Phật ngày xưa cũng thường nhắc đến quy luật vô thường của tạo hoá. Thực ra cho dù muốn hay không thì mọi chuyện cũng sẽ thay đổi, ngày hôm nay chắc chắn khác ngày hôm qua. Đó là điều tất nhiên. Những người khư khư ôm giữ và chờ đợi những cái cố định, cái "thường", cái bất di bất dịch, là tự đi ngược lại quy luật tự nhiên, chỉ làm khổ mình khổ người thôi. Ngay cả những người đầu tàu chủ thuyết cọng sản như Marx, Engels cũng tuân thủ tuyệt đối quy luật thay đổi "lượng, chất" trong lý thuyết của họ.

Còn chuyện thay đổi như thế nào, phải đánh đổi như thế nào, và cái mới có tốt hơn cái cũ không. Đó mới là vấn đề trọng yếu. Có những sự thay đổi chưa chắc đã đem lại những kết quả tốt hơn ngày hôm qua. Thông thường thiên hạ cứ mơ tưởng ao ước về những dĩ vãng tốt đẹp, mặc dù ai cũng biết đó là điều không thể. Bên cạnh đó cũng không hiếm những người luôn đem hiện tại ra so sánh với những quá khứ rừng rú đói khổ để biện minh cho sự phát triển tiến bộ của mình. Tất nhiên hiện tại luôn khác với quá khứ. Những gì có được của hôm nay 2016 khác với những gì có ở thập niên 80 là chuyện đương nhiên rồi. Cao ốc khác, cầu đường khác, nhà cửa khác, quần áo khác, đường sá khác, tiêu xài khác, kiểu cọ khác ... cũng là quy luật bình thường thôi. Chả lẽ ba bốn chục năm dậm chân tại chỗ? Nhớ có người bạn từng khoe với mình - “Quê tui giờ phát triển lắm, đường bê tông cả rồi, nhà cũng không còn lợp tranh nữa “. Cần hơn 40 năm để hài lòng với sự đổi mới của con đường đất thành con đường bê tông và những căn nhà tranh đổi mái, có lẽ lạc quan và khiêm tốn quá :-).

Bởi vậy để tìm hiểu về một sự đổi mới, đúng hướng hoặc sai đường, hiệu quả hoặc phí phạm, lành mạnh hoặc rỗng mục ... thiết nghĩ nên dựa vào những quy tắc chung, tiêu chuẩn chung của thiên hạ thì sự đánh giá mới được công bằng. Vả lại sự phát triển của một quốc gia đa dạng nhiều mặt từ kinh tế đến chính trị, văn hoá đến an sinh xã hội, dân chủ đến ý thức, dân trí đến nhân văn ...chứ chẳng phải chỉ có cái nhà cái xe, chai bia ly rượu. Nhiều người vẫn thường đem so sánh trái cam với trái táo nên tranh cãi nhau hoài. Đóng cửa, tự sướng tự khen nhiều quá, đôi khi đi lùi cũng chẳng biết. Giống như làm toán khảo sát hàm số, phải đặt cùng hệ trục toạ độ, cùng hệ quy chiếu thì mới phân tích được hàm này khác với hàm kia, sự “tiến bộ” này khác với sự “tiến bộ” kia. Hãy nên để những biểu đồ phát triển của các nước cùng hoàn cảnh, cùng khu vực như VN, Đài Loan, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã lai, Indo, Phi, Singapore, Nhật  ....vào cùng những mốc thời gian giống nhau mà phân tích, có lẽ cái nhìn sẽ được bao quát hơn. Mình nghĩ vậy!
Bao giờ cũng thế, thành thực và công bằng sẽ dẫn tới những quyết định sáng suốt. Và công cuộc đổi mới có thành công hay chăng là nhờ vào những quyết định sáng suốt đó !


No comments:

Post a Comment

Comments: