Thường thì "tin vịt" sống được cũng là nhờ môi trường. Nhất là ở những môi trường mà thông tin đại chúng bị hạn chế, kém minh bạch, nhiều đồn đoán. Ở nhiều nơi, bạn bè đồng nghiệp ngồi với nhau, có ai phán cái "tin vịt" nào đấy, người chung quanh cũng lịch sự lắng nghe, nhưng không tin một cách mù quáng. Không phán xét nhau, nhưng họ thắc mắc về nguồn gốc bản tin, về mức độ khả tín, "question" về khả năng suy luận phân tích của người nói. Đôi khi chỉ im lặng là đủ, không cần co cãi, nhưng mọi người có thể hiểu được phần nào trình độ suy luận và tư duy của nhau qua cách họ xử lý thông tin.
Còn ở một số nơi khác, sau khi nghe được "tin vịt", việc kế tiếp sẽ là gọi điện, hoặc email, hoặc chia sẻ, hoặc loan báo tin tức sốt dẻo đó cho người khác. Bà con quen biết, gần gũi làng quê, hàng xóm, trà dư tửu hậu, chợ búa, quán cafe, công sở ... thì chuyện phát tán cũng không lạ lắm. Cứ thông tin nghe được từ bạn bè, người quen, gia đình, đồng hương ... thì là tin "sạch". Mà đôi khi quên mất là họ cũng nghe lại, hay đọc lại, từ một nguồn nào đó chưa qua kiểm chứng. Nhiều người đi ra nước ngoài bao nhiêu năm vẫn thế. Có lẽ họ cho đó là chuyện bình thường, thậm chí còn tự hào về điều đó nữa. Đôi lúc những người chung quanh cũng ít ai đặt câu hỏi về tư duy logic của họ, hoặc "sửa sai" dùm họ, hoặc vị nể, hoặc bỏ qua ... nên "tin vịt" cứ thế càng được phát tán. Đơn giản là vậy. Dĩ nhiên cũng chỉ là thiểu số mà thôi. Ai cũng vậy, thì thiên hạ đã đại loạn từ lâu rồi :-) .
Mình có anh bạn ở Washington DC, rất ít khi liên lạc với bạn bè thân hữu, nhưng lại rành rẽ nhiều chuyện quê nhà. Mình hỏi sao anh hay vậy ? Anh cười trả lời:
- Anh có vài đồng hương tài giỏi, ngồi một chỗ nhưng rành rẽ chuyện thiên hạ trên trời dưới đất. Lâu lâu anh gọi một lần là cập nhật hết. Dĩ nhiên toàn là tin "ráng nghe ráng chịu", "tiền nào của nấy" :-) .
Nhớ cũng có lần mình nói chuyện với một ông chú quen bên California, ông kể vanh vách về một ông bạn khác từ công việc, tình yêu, nhân thân, cha mẹ anh em ... Mình ngạc nhiên hỏi:
- Sao chú quen ông ấy ?
- Ổng học với tao hồi 9 năm kháng chiến .
- Bao lâu lận ?
- Một niên khoá. Sau này không gặp nữa .
Lát sau đó, dông dài rồng rắn, chuyển qua chuyện thăm hỏi gia đình. Mình hỏi :
- Con trai lớn chú dạo này sao rồi ? Công việc ổn không, tính chuyện cưới hỏi gì chưa ?
- Tao cũng không biết nữa. Tao không hiểu nó .
Trời ! Mình than thầm. Con cái ở chung nhà với nhau bao nhiêu năm chưa biết hết, nhưng lại "biết" rành rẽ về một người xa lạ học chung một thời gian ngắn hơn 60 năm về trước. Truyền thông dân gian có những điều kỳ diệu như thế. Vậy mà vẫn cứ tin, vẫn cứ tồn tại, vẫn cứ lan xa .... Cứ như thế thì làm sao mà Facebook, Google có thể nhận dạng và ngăn ngừa hết được !
Trở lại chuyện "fake news" mà nhiều người cho rằng đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử của ông Trump. Mình thì nghĩ với công nghệ truyền thông hôm nay, "fake news" còn có thể làm được những chuyện ghê gớm hơn nữa. Đất nước nào cũng thế, chỉ là nhiều hay ít, định hướng truyền thông là điều không thể tránh khỏi. Con người trong xã hội, vốn chỉ là những người mù sờ voi, luôn có những góc khuất trong cái nghe cái nhìn, mỗi ngày. Từ truyền thông của một quốc gia cho đến tin tức cá nhân của mỗi con người đều có cái thực cái giả của nó, tuỳ vào mục đích sử dụng. Cũng có lúc chả có mục đích gì ghê gớm, mà chỉ là những câu chuyện làm quà, dựng chuyện chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh". Cho nên biết mình không biết, để thận trọng hơn trong việc xử lý thông tin, cũng là một điều cần thiết !
No comments:
Post a Comment
Comments: