Để mở mang kiến thức ngoại điển, Sư cho tăng chúng học thêm triết học Đông Tây. Sau nhiều giờ học, một chú tiểu hớn hở nói với bạn: - Đến nay, tôi đã hiểu triết học là gì rồi. Chú tiểu kia thì đang mù tịt cái môn phiền phức này nên như người chìm vớ được phao: - Nói nghe mau đi, triết học là gì vậy? -Ối, có gì đâu! Triết học chỉ là một hệ thống ngôn ngữ phức tạp nói về những điều giản đơn đó mà!
Lời góp ý:
Triết học chỉ là hệ thống ngôn ngữ phức tạp, mang tính tri thức bác học, còn Đạo thì giản dị vô ngôn, vì thế mà “có giản dị thì mới thấy được chân lý của trời đất” (Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ). Triết học lấy lý trí để nắm bắt, còn Đạo lấy “vô tri” mà thể nhập. Đạo để mà sống chứ không phải để thức tri. Trí tuệ minh bạch chính là vô tri, bởi vì còn có một chút “lập tri’ của kiến thức là mây mù vô minh che phủ. Vì thế khi phải phương tiện dùng ngôn ngữ làm ngón tay chỉ mặt trăng, Đức Phật không dùng hệ thống ngôn ngữ bác học phức tạp Sanskrit của Bà La Môn, mà dùng ngôn ngữ Pàli giản dị bình dân của người Màgadha. Còn Lão Tử thì nói: “Sáng suốt mọi bề có thể vô tri được chăng?” (Minh bạch tứ đạt năng vô tri hồ), hoặc “biết dừng lại ở chỗ không biết là tới rồi vậy” (cố tri chỉ kỳ sở bất tri chí hỷ). Thế thì một thiền sư cũng có lý khi nói:“Chân lý mà đem ra quy định quả là việc làm của kẻ ngốc nghếch”.
|
VIÊN MINH
|
No comments:
Post a Comment
Comments: