Dạo đó, có người bà con hay bạn bè của ông bà già cho tui cặp cu đất. Tui thích lắm, nuôi nấng kỹ lưỡng, nhốt kỹ trong lồng, không đem ra vọc phá bậy bạ. Vậy mà cũng bị con mèo hàng xóm khèo gãy chân, chết mất một con. Còn lại một con, tui nuôi cẩn thận và o bế hơn. Càng nuôi càng lớn phổng, xôi xổi, trổ mã trổ cườm. Con cu có cườm rồi, phát táu, gật gù cả ngày, giống như đám con trai mới lớn tập tành cua gái.
Từ đó, đi học thì thôi, chứ ở nhà lúc nào tui cũng kè kè theo con cu, cưng lắm, lâu lâu lại vuốt vuốt cái đầu, tròn trịa êm ái. Đi ra trường TQT hái lá long não về xông, đi mua mắm nhà ông Kỉnh, đi hốt thuốc nhà ông K.... đâu cũng đem theo. Thế là một hôm nó lọt vào mắt xanh của ông K. Ổng đòi đổi cho tui con gà đá lấy con chim cu. Nghe gà đá là tui khoái rồi, ưng trong bụng như thằng Bờm ưng nắm xôi, tui đổi liền.
Sau này tui mới biết thì ra con gà đó là gà thịt, gà lai, mẹ nòi cha kiến, vô danh tiểu tốt, nên ổng mới đổi cho mình. Đã là dân đá gà thì ai cũng biết, gà nòi thì phải rành rẽ giòng dõi mấy đời, gốc gác, nguyên quán trú quán, giống như chứng lý lịch đi thi đại học hay xin đi làm vậy. Đặc biệt dân chơi gà nòi ở xứ Quảng coi những thứ đó quan trọng lắm. Gà hay thì phải có lý lịch tốt, nhân thân tốt, mà giòng dõi nghe cũng phải nghe êm tai, ví dụ như giòng Ô ướt Nước Mặn, giòng Tía Diều Đình Cương, giòng Xám Chột Mộ đức... Con gà của tui thì không thuộc vào những diện ưu tiên danh giá này .
Nói đến nghề chơi gà đòn thì rất công phu. Những tay nhà nghề "đúc" gà, quan trọng nhất là con mái. Ông K lúc nào cũng thủ sẵn mấy con gà mái ruột, được tuyển chọn công phu, nhìn cái phao câu, cái tướng đi lúc lắt đã thấy khác thường rồi. Và có lẽ một con mái dòng dõi trâm anh thế phiệt nào đó của ông, đã lầm lỡ đa tình với con trống hàng xóm nên đẻ ra bầy gà nòi pha kiến. Cỡ đó, cao thủ như ông K chỉ để dành nuôi ăn thịt, nên ổng mới vui lòng đổi cho tui, coi như là cho đi xuất ngoại theo diện con lai !
Nhưng con nít tụi tui thời đó, đâu quan tâm gì chuyện giòng dõi tào lao. Tui mược kệ, ráng nuôi con gà theo kinh điển của ổng chỉ bảo, ông ta là một cây đại thụ trong làng gà nòi xứ Quảng. Ngày ngày khum tay cho ăn lúa, không dám cho ăn bắp, dăm ba ngày đổi món thằn lằn, nhái bén, dế cơm. Tối cho ngủ cây ngủ sào, lâu lâu phun rượu, bóp đùi bóp cánh ...
Rồi cái gì đến cũng đến, ngày nọ con gà trưởng thành đủ lông đủ cánh. Càng lớn, nó vẫn nhìn không giống gà nòi chút nào, nó không cùi cụi trâu cui như Mike Tyson, mà lại phong lưu tao nhã như James Bond.
Tui lo nghĩ trong bụng chắc nó giống cha, mê gái hơn mê đấm đá, phải ráng tìm chỗ đem nó đi "xổ". Một buổi chiều đi học về, tui bê nguyên con gà lông lá vô nhà ông thầy K. xin ra mắt. May quá, hôm đó ông đi vắng, hối lộ thằng cháu ổng quyển truyện hình Tintin Minh Hồng, nó bắt con gà có độ cho tui xổ.
- Gà mày mà đá gì, coi chừng gà cậu tao mổ chết. Thôi chấp mỏ với chấp cựa đi. Nó nói vậy.
Thế là tui với nó lui cui đi bịt cựa, lấy giây thun ràng cái mỏ con gà độ của cậu nó. Đúng là con nhà nghề, nó làm thoăn thoắt cái xong ngay. Ai dè vừa mới thả ra, con gà độ ông K vãi mấy cái, con gà tui quay mòng, xính dính trời đất. Nhưng con gà tui cũng đâu có ngán, tiếp tục nhào vô mà kè cổ, mà rỉa cánh trả thù. Đúng là trời hại gà lành. Con gà tui mổ nhằm cọng dây thun khoá mỏ đứt lìa. Con gà nòi của ông K. được tự do mở miệng, mỏ thì ngậm đầu, chân tung một cước song phi. Con gà của tui văng xa cả thước mất chòm lông đầu, trụi lũi. Tui sợ quá, ôm gà đi về một nước.
Thế là coi như "thưở đầu đời chú bé ôm phao, và nhút nhát dĩ nhiên ngộp nước..."(NTN) . Tui đem con gà về nhà bồi dưỡng nghiệp vụ, không dám cho đạp mái, bóp chết tình yêu trai trẻ của nó, nuôi nấng kỹ hơn, đợi ngày xổ tiếp.
Một thời gian sau, con gà cứng cáp ngon lành. Kỳ này tui nghĩ tới đá luôn, khỏi cần xổ nữa. Thế là tui bắt đầu cắt tóc, tỉa tai cho nó, để nhìn có vẻ gà nòi một chút. Tuy nhiên, vẫn chưa dám đem vô thi thố ở kê trường, nơi tên tuổi những anh hùng đầy rẫy, nửa thiệt nửa khoác lác. Đương nhiên là sẽ không ai dám đặt lòng tin vô con gà vô danh tiểu tốt, chưa sạch nước cản như con gà của tui. Thôi đành đi đá dạo vậy.
Hồi đó, tui có ông chú họ đi lính, mê đá gà hơn mê vợ. Ổng có ông bạn cũng là lính, cũng mê đá gà, có con gà nòi chính tông nhưng chưa thắng độ nào. Vậy là a lê hấp, ông chú tui cáp độ. Thực ra mấy ổng chỉ định lợi dụng con gà thịt của tui để xổ thôi, chứ chẳng đá đấm gì. Nhưng đã cáp độ thì cũng cá vài trăm làm phép, dân đá gà tin nhiều "phép lạ" lắm. Ai dè kỳ tích xuất hiện, chưa hết hai hồ nước, con gà tui chơi cái thới vô mắt, con gà kia đuôi mắt bỏ chạy. Trời ơi, không thể diễn tả hết niềm vui, thiên đường như sụp xuống dưới chân, tui ôm con gà vào lòng mà vinh quanh ngập lút đường về. Ông chú họ đi theo, bắt đầu gạ gẫm:
- Ủa con gà mầy ở đâu ra vậy? Nòi nào đó?
- Cháu đâu biết, cháu đổi con cu lấy về !
- Con gà đó hay thới nghen mầy. Ổng nói thế, rồi lên xe đi mất.
Vài tuần sau, ông chú họ tui ghé lại nhà, ngắm nghía con gà, giúp tui tỉa lại cái cần, cái vĩ cho nó gọn gàng. Nhìn kỹ lại, con gà tui dẫu có nét hùng dũng, nhưng vẫn còn dáng dấp phong lưu. Lông xám, đuôi tía mượt mà. Có lẽ cuối cùng thì nó cũng chỉ là gà nòi pha kiến, không phải gà nòi chính tông, lý lịch nhân thân không được "trong sạch".
- Tao kêu tụi lính chở gà mầy đi Tư Nguyên đá nghen ? Ông chú tui dạm hỏi.
Định bụng đi thì đi, ngán gì. Tui cũng khoái về dưới Hàm Long, ăn mận, uống dừa tươi, ngắm sông Hiền Lương, ngắm đồi 17. Vậy là ừ đại, tui lén Ba Má đi theo ông chú "đem chuông đi đánh xứ người". Đem con gà vô danh tiểu tốt ra thi thố cùng những anh hùng tên tuổi dài cả thước. Nhớ như in, cái bãi đất tròn vo, mòn lì, đi qua vườn dừa ông Sáu Q, khúc gần trường Tư nguyên. Nơi đây cũng là chiến trường của bao anh hùng chiến kê, thần kê, linh kê đã ngã xuống. Lắm vinh quang mà cũng thừa thất bại. Suy cho cùng có cuộc chơi nào là chiến thắng vĩnh viễn đâu !
Kè kèo ngã giá, mấy ổng cáp độ sao đó, tui chỉ đá theo tiền lì. Nghe nói con gà kia thuộc giòng dõi gì đó trong Mỏ cày, Mộ đức. Ông chú họ tui dành cho nước luôn. Tui ngồi sướng rên mé đìu hiu, chờ đợi con gà của mình xuất trận, trong bụng thầm nghĩ đúng là có công mài sắt có ngày nên kim.
Trời ơi ! lại thêm kỳ tích nữa, lần này chưa hết hồ thứ ba, con gà kia máu me đầm đìa vì cái thới của con gà tui, xin thua phân. Lúc đó, tui chỉ nhớ mình như đi trên mây, nước non sá gì. Đám bạn ông chú tui thì hân hoan, hồ hởi phấn khởi, chiến thắng huy hoàng. Thừa thắng xông lên, họ đặt luôn cho con gà vô danh của tui cái tên" Xám Kiến", bởi nó màu xám mà lại lai kiến. Đời vốn thế, khi thắng cuộc, thiên hạ thường thổi phồng, mà quên mất đi cái lý lịch đã từng bị ruồng bỏ. Họ ca tụng bởi vì con Xám Kiến có cú đâm thới, có cú upper-cut của Muhammad Ali, có cú Atemi của Z28... nhưng quan trọng nhất là nó được việc, nó là thần tài của họ.
Và cũng kể từ đó con Xám Kiến của tui bắt đầu bước vào đời. Nó bắt đầu bước vào cái thế giới thiêu dệt chiến thắng, chà đạp thất bại. Thế giới trường gà là vậy. Thắng thì vinh quang, thua thì mất hết. Chiến thắng đặt tên cho tất cả. Họ luôn tìm cách thiêu dệt chiến thắng bằng những lý lịch oai hùng nào đó, để phô trương, để khóac lác, để lường gạt lẫn nhau. Còn nếu thua hay chết tại trường thì tốt số lắm cũng vô nồi ra-gu hay cà ri gì đó, ngàn sau ai biết? Nếu còn nhớ chăng, chỉ là những người chủ nhỏ như tui, từng nuôi nấng thương yêu, nên mới đau lòng mà thôi.
Trên đường về, ông chú họ tui thủ thỉ hiền khô :
- Con gà mày là gà đá thới đó nghen, hỏng chừng là thần kê đó. Thôi để tao đem về nuôi cho kỹ, để mày hỏng biết bỏ uổng. Chừng nào ra độ, tao kêu tụi nó lại chở mày đi theo.
- Thôi, cháu nuôi nó từ nhỏ giờ quen rồi.
- Gà mày pha kiến, nó chỉ đá được vài hồ thôi, không bền đâu, hàng vẩy độ không tốt. Nó không đâm họ được là sẽ thua thôi, để chú nuôi cho.
- Thôi thua kệ nó, để cháu nuôi.
Thực ra, tui có rành gì đá gà đâu. Thì đi coi và nghe nói hoài cũng biết chút chút, sinh ghiền. "Vịt ở chuồng gà lâu ngày cũng biết gáy !". Đá gà đòn khác với gà cựa, công phu và tốn thời gian hơn. Đi coi đá gà đòn, có lúc chán phèo, xui xẻo gặp con gà lì lợm, chạy không chạy mà chết không chết, thà chết chứ không chịu về hưu. Có con thì cứ hết hiệp, cho nước xong, thả vô là gục lạy riết không chịu ngẩng đầu, nhiều lúc đối thủ chán cái nước liều "điếc không sợ súng" của nó, mà bỏ đi. Dân cá độ ngồi ngoài coi mà phát run. Tui thì khoái cặp nào vô là tấp liền, thắng bại trong vòng vài hồ, thua thì chạy. Chứ kèo nài lâu quá, thà đi Kiến Thành Mỹ Vân coi phim, chơi con mực nướng, vài xâu ổi ghim, cóc dầm, đã đời hơn.
Nôm na thì đá gà bên mình cũng giống boxing bên Tây bên Mỹ. Nhưng hình như dân xứ mình thì quá coi trọng kinh điển và lý thuyết suông. Hồi nhỏ cứ thắc mắc hoài, trong nghề đá gà, ông nào cũng khoe mình rành coi vảy, coi giò coi cẳng, coi độ. Vậy tại sao có lúc thua sạch túi ? Có thể là tự sướng nên hiểu lầm chăng, hay là học nghề chưa tới? Lạ nhất là mỗi lúc thua xong, đều có lời giải thích hợp lý, như gặp gà ẩn độ, gặp thần kê, gặp linh kê, xui độ, tam tai, tại thằng cho nước... Thắng thì do ta, bại là do thiên hạ. Thỉnh thoảng lắm, mới nghe được có người nhận là mình sơ suất bị thua.
Hồi đó, còn nhỏ lại kém hiểu biết, nên cứ nghĩ đơn giản là thi thố mà phải dựa vào nòi, vào vảy, vào cánh, vào lông, vào lý thuyết suông nào đó, thì có khi quá giáo điều và thiển cận chăng? Đâu phải cứ giòng dõi "tốt" thì sinh con toàn giỏi, cũng đâu phải cứ nhân thân "xấu" thì sinh con toàn hư. Chuyện này đám con nít như tụi tui còn hiểu. Nhưng thú thật là cũng nhờ mê đá gà, mà tui học hỏi được nhiều điều quan trọng. Như là muốn thắng, phải học hỏi từ đối phương, phải hiểu biết đối phương, thì mới có cách chọn gà đá cho phù hợp. Xung trận thì phải thực tế, hiểu rõ sở trường sở đoản, con nào hay thì giữ đá, con nào dở hơi thì cho về đạp mái ăn thịt. Phải tri bỉ tri kỷ, biết lúc nào mạnh lúc nào yếu, chào thua đúng lúc, mới thắng. Còn mấy ông thầy gà mà tối ngày huênh hoang lý lịch nòi niếc, khoe mẽ để tự sướng, ôn cố mà chẳng tri tân, thì thua đến xách quần bỏ chạy vẫn chưa hiểu tại sao. Thua rồi lại cứ đổ thừa, đổ lỗi cho nhau, thì quá muộn màng rồi. Như đánh banh, đánh boxing ở nước ngòai, huấn luyện viên họ quay phim, chiếu đi, chiếu lại, học từng cái mạnh, cái yếu của đối phương, mà nghĩ cách khắc phục. Tỉ như gặp con đá mé ngang hay, thì họ phải chọn con giỏi đá vĩa để trị. Chứ dù cho vảy viếc ngon lành, khoe chú khoe bác, mà cứ đưa cái cần ngơ ngơ, gặp con đá cựa đá thới hay, đâm một phát là tiêu liền !
Trở lại chuyện con gà xám Kiến của tui. Ông chú họ thủ thỉ gạ tui hoài không được, bỗng đâm thương tui ra phết. Ông lo cho tui mê đá gà bỏ học, nên đem chuyện kể cho Ba Má tui nghe, giọng thiết tha trầm buồn:
- Anh chị phải để ý, nó thường vô trường gà ông Sáu T coi, nguy hiểm lắm.
Nói nào ngay, dạo đó rể ông T. là sĩ quan quân tiếp vụ gì đó, lại cứ hay đem phim banh cà na về chiếu ở trường gà. Rồi cũng vào thời điểm đó, thỉnh thoảng nghe nổ mìn, thả lựu đạn, pháo kích, chết chóc. Cuối cùng, a lê hấp, Ba Má tui ra lệnh đưa con Xám Kiến cho ông chú, để tui ráng học hành khỏi bị đội sổ.
Chia tay với con Xám Kiến, lòng buồn rười rượi. Tui biết chắc nó cũng buồn lắm. Người lớn đã cướp đi cái "vinh quang chiến thắng" từ trong tay tui. Người ta đã tỉa gọt, thay hình đổi dạng cho nó. Họ thiêu dệt, đặt điều cho nó một dĩ vãng huy hoàng hoặc một giòng dõi nào đó. Thật ra, con Xám Kiến chỉ là một con gà kiến pha cồ bình thường, thích ăn thằn lằn, ăn nhái bén, từ lòng bàn tay của người chủ nhỏ. Và tôi, người chủ nhỏ thích ôm nó vào lòng mỗi lúc buồn vui.
Thế là tui và nó không gặp lại nữa. Cũng từ đó, trong kê trường có thêm một dũng tướng. Những chiến tích của con xám Kiến chắc sẽ đem lại vinh quang và thất bại cho nhiều người, có người vui cũng có kẻ buồn. Ngẫm lại cho cùng, đó cũng là nhờ con cu của tui !
PN
No comments:
Post a Comment
Comments: