Friday, February 24, 2017

Tên tuổi & ông Thầy

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc thấy thiên hạ đánh bóng, thêu dệt danh xưng, tên tuổi, hoặc đề cao quá đáng cái tôi “vĩ đại” của họ, đặc biệt là những bậc tu hành, thì mình lại nhớ tới "ông Thầy" của mình. Một người mà đến giờ mình cũng chẳng còn nhớ đến tên thật (trong khai sinh) của ông, mặc dù rất mực tôn kính. Thực ra thì ngày xưa cũng có đôi lần mua vé xe tàu gì đấy cho Thầy, nhưng rồi không có ý nhớ, nên cũng quên mất. Mà nếu muốn biết thì cũng không khó lắm, nhưng biết tên hoặc danh xưng để làm gì, trong khi có cái tên "Thầy" để gọi, vừa gần gũi lại vừa tôn kính hơn. Đại đa số các tăng ni khi đã xuất gia cũng không còn xài đến tên tuổi hoặc bằng cấp địa vị, danh xưng, của ngày trước nữa.
Nhớ hồi mới gặp Thầy lần đầu ở Indonesia, mình tự giới thiệu và hỏi ông tên là gì ? Thầy trả lời bằng tiếng Việt:
- Tôi tên là "ông Thầy" .
Mình ngạc nhiên hỏi tại sao, Thầy hài hước trả lời:
- Người VN thường gọi tôi như thế, là "ông Thầy". Tên nào thì cũng chỉ để gọi thôi !
Đơn giản, thế là xong, cũng chẳng phải thiền sư hay pháp sư, hòa thượng hay đại đức gì cả. Nhưng đó lại là bài học đầu tiên về chữ Ngã mà mình học được từ “ông Thầy”. Thời gian sau, có dịp ở gần nhau, nghe nói chuyện, nghe thuyết pháp, hoặc đi đây đi đó giúp Thầy làm một số công việc nho nhỏ cho cộng đồng, mình lại có dịp học hỏi được nhiều thứ hơn.

Rồi cuộc sống mỗi người mỗi ngã, ai cũng có đường đi của mình. Sau khi ở Indonesia, mình đi Mỹ, Thầy còn lưu lại bên châu Á một thời gian nữa, rồi sang Úc. Không gặp nhau, nhưng thỉnh thoảng vẫn thư từ qua lại. Thầy vẫn như người lữ hành, ung dung tự tại, đi để mà đi... Thầm lặng bên lề xã hội và cuộc sống đầy rẫy những toan tính, hơn thua danh lợi, kể cả những bon chen chức sắc trá hình tôn giáo. Đơn giản hành trang, tài sản của Thầy chỉ là một vài bộ quần áo và ít đồ dùng cá nhân. Đơn độc hành trình, có khi Mã Lai, có khi Singapore, có khi Úc, có lúc lại phiêu bạt tận vùng núi Tây Tạng lạnh lẽo, rồi có lúc ở trại tị nạn Bataan, Galang, chen chúc đợi chờ. Không màng tên tuổi, không câu nệ miếng ăn chỗ ngủ, không quản ngại khó khăn, Thầy luôn gần gũi thân thiện, kiên nhẫn giúp đỡ kẻ khác, không phân biệt sang hèn, địa vị, xuất xứ. Có nhiều lúc Thầy đi đến những vùng đất thiếu thốn xa xôi, dùng sự hiểu biết của mình để giảng giải đạo pháp cho tha nhân, hoặc cho những người tị nạn vừa mới trãi qua hành trình sinh tử đi tìm đất sống. Thầy dạy dỗ và giúp đỡ họ cùng thực hành sống tử tế, biết tôn trọng cái chung, biết nghĩ cho người khác, bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như giữ gìn vệ sinh chung một cái cầu tiêu công cọng hoặc chung sống hoà thuận nhau trong một lều trại nhỏ bé.... 

Rồi cứ thế mà đi suốt cả hành trình, Thầy chẳng sở hữu một tài sản gì, kể cả một cái am cái cốc nho nhỏ để nghỉ ngơi. Đến đâu, tìm đỡ một ngôi chùa hoặc tu viện xin trú chân, rồi lại đi tiếp. Có khi đến chỉ để giảng giải một vài điều gì đó cho thiên hạ, giúp đỡ người đời hiểu biết đạo pháp đúng đắn hơn, tránh những ngộ nhận mê tín trong việc thực hành tu tập hàng ngày. Thậm chí có lúc đơn giản đến chỉ để xây cất vài cái cầu tiêu cho người tị nạn (VN), rồi khuyên bảo họ ý thức hơn, biết giữ gìn vệ sinh chung và cố gắng chung tay góp sức làm những điều tốt tương tự cho chính họ và cho đồng bào của họ. Nhiều lúc Thầy lặn lội đến những trại tỵ nạn chỉ để tâm tình với người tỵ nạn bằng những ngôn từ gần gũi nhất, an ủi và giúp họ hiểu rằng hận thù không phải là đáp án cho sự ra đi. Không ai thay thế sự tàn bạo này bằng một sự thù hận khác. Cũng có lúc Thầy đến nhiều nơi để đích thân đi khất thực, đi hoá duyên, đem tài vật về phân phát cho đồng bào tị nạn ..v.v..Và cứ thế mỗi ngày đi tới, những bước chân thầm lặng, kiên nhẫn, bao dung, và cống hiến. Đi để khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, để học hỏi, để tu tập, để thực chứng, để san sẻ cái biết cho nhiều người khác, và cùng chung sống hòa đồng, giúp đỡ lẫn nhau những con người xa lạ. Trong số đó có rất nhiều người là thuyền nhân VN !

Khi rãnh Thầy vẫn viết lách đều đặn, mỗi năm vẫn cho ra những cuốn sách nói về đạo & đời. Thỉnh thoảng cũng có gởi cho mình coi. Dĩ nhiên tên tác giả thì có lúc là Abhinyana, lúc thì Beachcomber, lúc Anatta, có lúc cũng chẳng cần có tên tuổi gì. Sách in ra được cũng là do thiên hạ tuỳ hỉ đóng góp mà có. Thầy chỉ có công viết, còn sách là của chung thiên hạ. Ai muốn in thêm ra cũng được, chẳng cần phải có copyright, ai hiểu thì đọc, ai thích thì copy. Ông Thầy thường hóm hỉnh ghi ở tờ bìa của quyển sách vài câu về "copyleft" :-). Cho tới bây giờ, lâu lâu đọc cái “copyleft" ở mấy cuốn sách, mình vẫn cảm thấy khôi hài. Bỗng nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của một số nhà văn nhà thơ quê mình cả trong nước và ngoài nước. Lo lắng in sách để được vô hội, để ra mắt thân hữu, rồi lại lo lắng đi kiếm người đọc, mua bán đem biếu đem tặng lại lo chẳng có người coi. Thế rồi lại phải canh cánh chuyện copyright, chuyện bản quyền, ngộ nhỡ biết đâu mai mốt gặp thời nổi tiếng :-). Âu cũng là những nỗi lo toan !

Trở lại chuyện ông Thầy. Có một thời gian dài, bận rộn việc đi học đi làm và di chuyển chỗ ở, mất liên lạc nhau, mãi đến cuối thập niên 90, mình mới liên lạc lại được với Thầy. Sau đó vài năm, Thầy qua Mỹ đi thuyết giảng dài ngày, có ghé thăm mình và ở lại vài tuần. Vẫn không thay đổi mấy, Thầy vẫn đơn giản gọn nhẹ, từ ăn uống đến giao tiếp, từ hành trang cho đến hành trình. (Mở ngoặc chút, lâu nay thỉnh thoảng mình cũng may mắn được gặp một số người có tư duy và trí huệ rất đáng kính nể, thì dường như bề ngoài của họ lại rất giản dị. Có lẽ không có gì để chiếm hữu, để hơn thua, nên cuộc sống của họ rất đơn giản và nhẹ nhàng, ít câu nệ và không cố chấp.)

Có một kỷ niệm nho nhỏ với Thầy mà mình còn nhớ hoài. Năm đó lúc Thầy ghé thăm nhà mình thì có một cộng đồng VN ở một thành phố miền đông nước Mỹ mời Thầy đến nói chuyện. (Hình như họ đã sắp xếp việc mời Thầy đến Mỹ nói chuyện từ lâu rồi, mình cũng không được biết). Đến cận ngày, ông Thầy có nhờ mình chở đến, địa chỉ cách thành phố mình ở không xa lắm, tầm hơn một giờ lái xe. Đó là một ngôi chùa VN, mà mình cũng chưa từng đến đó bao giờ. Tới nơi, thấy đã có rất nhiều người tập trung, hội trường tươm tất, đông đủ. Một vài người VN trong chùa, đại diện ra chào hỏi, mời Thầy vào và giới thiệu chức sắc gì đó. Có người ra hỏi mình sẽ giới thiệu Thầy như thế nào, là hoà thượng hay thượng toạ. Mình không biết trả lời sao, nhìn ông Thầy cầu cứu, thấy ông ta nheo mắt cười. Mình nghĩ có lẽ ông cũng từng quen thuộc với hoàn cảnh như thế này, nên nói với họ:
 - Anh cứ hỏi Thầy đi, chắc là gọi danh xưng gì cũng được mà. Rồi mình chào Thầy, cáo lui:
- Con ra đợi ngoài sân, khi nào Thầy giảng xong, con sẽ vào đón về.
Một lát sau, ông anh đấy lại ra tự giới thiệu về mình. Trông anh rất nhiệt tình, mình rất cảm kích, nhưng tính mình không để ý mấy, thoáng chốc lại quên mất tên.
- Tôi là tiến sĩ ...(tên gì gì đó giờ quên rồi), đang dạy ở trường ĐH tại TP đây. Hôm nay tôi sẽ dịch bài giảng này. Anh có phiền không ?
- Dạ, chắc là anh hiểu lầm rồi. Em chỉ lái xe chở dùm Thầy đến đây, chứ em không phải là thông ngôn viên. Xin anh cứ tự nhiên. Em không biết lâu nay Thầy đi nói chuyện ở Mỹ thì việc thông dịch thông ngôn như thế nào, anh vào hỏi Thầy sẽ rõ hơn. Thầy cũng có hiểu chút ít tiếng Việt đấy. Mình trả lời như thế, rồi xin cáo lui.

Đại khái hôm ấy mình còn nhớ Thầy nói về đề tài "Nhìn và Thấy". (Look vs. See). Buổi nói chuyện kéo dài cũng khá lâu, có phần hỏi đáp nữa. Mình ở ngoài sân hút thuốc, cũng nghe lỏm bỏm được phần nào bài nói chuyện qua tiếng loa của chùa. Nói chuyện xong, ban đại diện chùa và bà con VN có mời ở lại ăn tối, nhưng có lẽ Thầy ngại về khuya phiền cho mình, nên từ giã đồng bào, rồi đi về sớm.
Trên đường lái xe về, mình im lặng để Thầy nghỉ ngơi. Bỗng ông hỏi:
- Con có nghe bài nói chuyện phải không ?
- Dạ có chút chút.
- Đôi khi thiên hạ cũng dễ hiểu lầm ý nghĩa thực sự của chữ "Nhìn" và "Thấy".
- Sao Thầy nói vậy ?
- Thầy cũng thường có những buổi nói chuyện như thế này. “Nhìn” người nghe, có thể “thấy” được người nói. Ông cười khẽ giải thích.

Quả nhiên là đôi lúc qua người nghe có thể hiểu được người nói, qua người học trò có thể biết được ông thầy. Mình im lặng, nhưng thầm phục sự thông minh, nhận xét tinh tế của Thầy. Thực ra để dịch thuật đúng nghĩa những bài giảng tôn giáo có hàm ý sâu sắc, rất khó. Hiểu biết về ngôn ngữ chưa đủ, mà còn cần có những kiến thức cơ bản của triết lý tôn giáo hoặc các khái niệm trong đạo pháp. Thông dịch thông ngôn trực tuyến lại càng khó khăn hơn. Ngay cả trong việc dịch sách cũng vậy, đôi khi có một số dịch giả hoặc không hiểu hết ý, hoặc quá tài giỏi, nên đã quy chụp và nhồi nhét những tư tưởng của họ vào ý của tác giả. Thậm chí có nhiều lúc diễn đạt sai lệch hoàn toàn ý chính của người viết. (Ví dụ như khi đọc một số sách hoặc kinh điển được dịch sau năm 75, so với các bản dịch trước kia thì thấy có nhiều điểm khác biệt).
Trở lại câu chuyện, nhớ lúc đó mình chỉ biết im lặng lắng nghe Thầy nói mà không có ý kiến gì. Mình vốn quan niệm rằng trong cuộc sống này, để nghe và để hiểu đúng một vấn đề, thường phải hội đủ nhiều yếu tố cần thiết. Thực tế có nhiều người cho dù nghe cùng một bài giảng, một bài thuyết pháp thì chắc gì lại hiểu giống nhau. Tương tự như thế, nhiều vị truyền giáo, cha đạo, sư thầy, giảng viên..v.v. cho dù cùng đọc một cuốn sách, một quyển kinh, nhưng chắc gì lại hiểu giống nhau mà truyền đạt lý giải nội dung giống nhau ? Cho nên đi nghe thuyết pháp mà gặp được ông Thầy nói chuyện hay, gặp được người thông ngôn dịch đúng, cũng là một duyên lành vậy. Và tất nhiên kiến thức cũng như khả năng tiếp thu của mỗi con người cũng vậy, là do duyên mà có được. Mình đơn giản, nên luôn quan niệm rằng mỗi người có cái duyên cái nghiệp khác nhau, và ai cũng đều có cái "tôi", cái "ngã" của riêng họ. Người nào cái ngã càng lớn, thì cuộc sống của họ càng phức tạp. Xưa nay có nhiều người cứ nghĩ là đang sống cho bản thân, nhưng thực ra là họ đang sống cho thị phi thiên hạ chung quanh. Ngược lại, cũng không hiếm những người cứ nghĩ rằng đang sống cho thiên hạ, đang phục vụ cho bá tánh, nhưng thực ra là đang sống cho cái tôi ích kỷ của họ. Nhưng cũng như ly nước đầy rồi thì khó rót thêm, người luôn nghĩ mình đúng thì khó lắng nghe người khác, nên khó chấp nhận được cái hay cái mới. Càng tự phụ tự mãn, thì lại càng dễ bị nhầm lẫn và ngộ nhận, mà đôi khi biết mình sai cũng chẳng dám nói ra…. Mình chỉ trộm nghĩ vậy, rồi lái xe chạy vội về nhà, xào vài món chay, thầy trò cùng ăn tối với nhau.

Rồi sau năm đó, công ty gởi mình ra nước ngoài làm việc dài ngày. Còn Thầy thì vẫn tiếp tục đi chu du đây đó. Thế là lại mất liên lạc. Đến năm 2008, một người bạn email thông báo cho mình biết Thầy hiện đang yếu lắm, sắp lìa đời bên Úc. Lúc đó đang làm việc tại VN, nghe tin mình lặng người nhưng chẳng biết làm sao liên lạc được với Thầy. Dẫu biết sống chết là những chuyện thường tình và tất nhiên trong đời sống này, nhưng rồi cũng có chút hụt hẫng. Vài ngày sau đó, được tin Thầy mất. Người quen bên kia gởi cho mình bản copy của cuốn sách Thầy đang viết dở dang, và bài “điếu văn” viết trước để tự đưa tang cho chính Thầy - "My Funeral Service". Vẫn sâu sắc, khôi hài, phóng khoáng, phiêu lãng bồng bềnh .... Thầy kết thúc lời chia tay của mình với thế gian trong bài “Tang lễ của tôi” bằng bài hát nổi tiếng của John Lennon - Imagine. Nhớ lúc đọc xong, mình không buồn lắm, có chút vui vì Thầy đã ra đi thanh thản. Tuy nhiên, có chút tiếc nuối là sẽ không còn có dịp gặp nhau nữa, nhất là không được ở gần trong những ngày cuối đời của Thầy.

Cuộc đời đơn giản thế đó. Đến rồi đi, duyên tao ngộ của cuộc sống. Mặc dù Ông Thầy đi rồi, nhưng lâu lâu mình vẫn cứ nhớ. Vẫn còn nhiều chuyện để nghĩ, để học, để nói về Thầy. Bữa rồi, vô tình đọc trên mạng một bài viết của người nào đó  viết về Thầy, mình lại nhớ, rồi hôm nay ngồi viết lan man...
Quả nhiên là lạ, một ông Thầy không tên không tuổi, nhưng mình vẫn cứ nghĩ đến, vẫn học hỏi được rất nhiều. Ngược lại, đặc biệt là những năm gần đây, nhiều khi đi công việc cả trong nước ngoài nước, may mắn gặp được nhiều vị sư thầy tiến sĩ giáo sư, quyền cao chức trọng, nhưng mình lại không nhớ nỗi. Nhiều vị chức sắc đầy rẫy, trụ trì chùa to chùa lớn, thao thao bất tuyệt trên thông thiên văn dưới rành địa lý. Nhiều vị giỏi cả bói toán tâm linh, oan gia trái chủ, chính trị kinh tế thị trường, thiên đường âm phủ, âm dương ngũ hành, phong thủy tài lộc ...Có cả những vị chức sắc đình đám, tấm cạc visit dài ngoằn, danh xưng chức vụ chiếm gần hết cả tờ giấy. Nhưng rồi chỉ vài phút sau mình lại quên mất họ là ai, chả nhớ gì hết trọi. Âu chắc cũng do mình kém duyên với họ vậy !






2 comments:

Comments: