Vẫn thường nghĩ rằng cái chính sách chứng duyệt lý lịch địa phương là một sai phạm rất đáng quan tâm. Nó thể hiện tư duy thiếu công bằng, không đồng nhất, và dễ dàng dẫn đến sự phân hoá của xã hội. Lợi bất cập hại ! Một số quan niệm đơn giản cho rằng xét duyệt lý lịch gia cảnh (đa phần mang màu sắc chính trị), là một phương tiện hoặc công cụ gạn lọc bớt những "thành phần" không "phù hợp" với bộ máy chính quyền, công sở và tạo điều kiện ưu đãi các thành phần ngược lại .... Nhưng nhìn kỹ thì việc này đã mở cửa cho những sai phạm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước VN.
Ở nước ngoài, người ta luôn tôn trọng các tiêu chí tuyển chọn của từng trường học, cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tư nhân hoặc chính phủ. Những trường đại học cao đẳng hoặc nhà tuyển dụng có quan điểm độc lâp của họ. Họ tuyển dụng, họ đào tạo, họ trả lương, thì họ phải có quyền quyết định về sự chọn lựa nhân tuyển thích hợp theo tiêu chí của họ. Thực ra, cũng có một số ngành nghề đặc biệt (rất hiếm) đòi hỏi hồ sơ lý lịch cá nhân, nhưng chủ yếu là dựa vào dữ liệu và quá trình bản thân, chứ không dựa vào lý lịch ba đời, hoặc thành phần giai cấp, hoặc phê duyệt của ai đó. Công bằng mà nói, dựa vào phán xét một chiều, không chuyên nghiệp, không đối chứng, của một người nói về người khác để làm tiêu chí chọn lọc, thì quả nhiên là không công bằng và vô cùng lệch lạc. Đó là chưa tính đến những ảnh hưỏng của các khía cạnh hiểu biết phiếm diện, cảm tính, ganh ghét, và hận thù ở đời thường.
Có lẽ chính sách phê duyệt lý lịch địa phương của VN hôm nay đã không còn nặng nề như xưa. Nhưng chắc chắn vẫn còn là những ám ảnh và biểu tượng của các rào cản bất hợp lý. Nhớ ngày xưa, những năm sau 75, đất nước VN đã giao phó chất lượng nguồn nhân lực phụng sự đất nước vào tay các ngài phường xã địa phương. Mà đại đa số cán bộ phường xã thời đó trình độ văn hoá hạn chế, đào tạo không chuyên nghiệp, thiếu công bằng, mang nặng cảm tính cá nhân, tư duy phân biệt "hồng, chuyên". Dĩ nhiên cũng có "một bộ phận không nhỏ" còn mang tự ti mặc cảm, hận thù, đố kỵ, từ sau cuộc chiến. Thử nhìn lại, ngay cả những quan toà, thẩm phán được đào tạo chính quy, mà sự phán xét còn bị lỗi lầm, thì làm sao mong đợi những quan chức làng xã có ý thức chí công vô tư, phê phán công bằng được ? Mặt khác, về khía cạnh nhân bản, không ai có thể lựa chọn được gia đình, hoàn cảnh kinh tế, hay bối cảnh chính trị mà họ sinh ra. Bởi thế thật vô lý khi dựa vào bối cảnh ông bà cha mẹ để định đoạt giá trị và tương lai của họ, mà đúng ra là phải dựa vào tư cách đạo đức và khả năng, kiến thức của chính bản thân họ.
Thế nhưng, những tờ lý lịch ấy lại là tiêu chí hàng đầu để định đoạt & tuyển lựa đầu vào cho các đại học, cao đẳng, trường nghề, công sở, phòng ban ... cũng như lựa chọn nhân tố quyết định tương lai của nước nhà. Không ai kiểm chứng các lời phê duyệt đó, cũng không dựa theo một chuẩn hóa nào, mà hoàn toàn dựa vào quyền sinh sát của địa phương. Điều đó quá nguy hiểm ! Ai cũng có thể là nạn nhân của những phê duyệt thiếu công bằng, đố kỵ, tuỳ tiện cá nhân. Không những thế, nó còn mở ra một cánh cửa lớn cho vấn nạn cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng. Rất nhiều người là nạn nhân của những "bản án không phiên toà" này mà không được đi học, không được đi làm, dù tài năng và lòng nhiệt huyết có thừa. Nhiều người phải bỏ xứ ra đi, nhiều người phải trầm uất thất chí, nhiều người còn đau đáu tổn thương cho đến ngày hôm nay, và còn có bao nhiêu hệ lụy, bi kịch gia đình xã hội đáng thương khác .... Trong khi đó, ở thời đại phát triển văn minh, lúc đất nước cần những tài năng thực sự, thì vẫn nhan nhản vấn nạn phe nhóm, con ông cháu cha, mua quan bán chức, thân thế bao che nhau. Điều này đã làm cho bao nhiêu người băn khoăn về giá trị thực sự của việc xét duyệt và phê chuẩn lý lịch từ địa phương ?
Lâu nay ở đâu cũng vậy, sự phồn thịnh của một đất nước luôn là kết quả của sự công bằng bác ái và đồng lòng hiệp sức, chứ không phải ở chỗ phân biệt đối xử, chia rẽ hận thù. Nhìn lại thật kỹ, có vẻ như chính sách lý lịch đã không đem lại kết quả có lợi cho quốc gia & những tích cực mong muốn. Thực tế chứng minh được điều đó !
Một đất nước vừa xong chiến tranh, có thể đổ lỗi cho những yếu kém ban đầu, quan niệm sai lầm. Nhưng một đất nước đã trưởng thành sau bao nhiêu năm, hội nhập quốc tế văn minh, thì những quan niệm sai lầm này cần phải được nhìn nhận & sửa chữa một cách nghiêm túc. Rất mong được như vậy !
No comments:
Post a Comment
Comments: