Friday, August 25, 2017

Phiếm: Chuyện thường ngày ở huyện - Từ ông chủ tịch Pharma đến bà bí thư tài giỏi !

Nhớ một thời, mỗi khi thấy chuyện "chướng tai gai mắt" xảy ra, thiên hạ phì cười đổ thừa là "chuyện thường ngày ở huyện". Sau này càng lúc càng nhiều chuyện thường ngày xảy ra, thì thiên hạ lại coi như chuyện hiển nhiên, mặc nhiên mà sống chung với lũ :-) .
Có lẽ ngày xưa Valentin Ovechkin cũng rơi vào nhừng hoàn cảnh tương tự như thế ở Liên Xô, nên từ một cán bộ tuyên truyền Trung đoàn mà có thể viết được tập truyện ký "Chuyện thường ngày ở huyện", làm nên tên tuổi của văn học Sô-Viết thời hậu chiến.
Mấy hôm nay theo dõi vụ thuốc ung thư gỉa, thấy tàn nhẫn & vô nhân tính quá. (Chắc hẳn những gia đình có người bị ung thư, bán ruộng bán vườn, chắt chiu từng sợi hy vọng mong manh, mới càng thấm thía & hiểu rõ nỗi đau này). Nhưng ông chủ tịch giàu có kia thản nhiên cho đó là chuyện bình thường. Bản án 12 năm, vài năm ân xá đi ra phè phỡn trở lại. Và người ung thư chết thì đã chết rồi, chưa chết cứ đợi chết, mỏi mòn vẫn cứ mỏi mòn. Hết ông CT này sẽ còn ông CT khác, hết thuốc giả này còn thuốc giả khác. Chuyện bình thường !
Mấy hôm nay theo dõi vụ "tham quan" Yên Bái, cũng vậy. Đọc tin, thì ra cả 7,8 năm nay tỉnh mới phát hiện một công chức xã tham nhũng thôi. Bà bí thư quả nhiên lãnh đạo tài tình, quan chức đạo đức và thanh liêm đến mức như vậy. Thanh tra vẫn cứ thanh tra, bí thư vẫn cứ đọc thành tích, phới phới niềm tin. Oan trái nhất là cả bà bí thư vẫn nghĩ rằng sẽ có người tin đó là sự thật. Cũng lại là 1 chuyện bình thường :-) .

Quê ta lâu nay vẫn thế, ai nói cứ nói, ai tin cứ tin, chỉ là đôi lúc không tin nhưng không dám nói ra :-). Hàng ngày cứ nhan nhản những tin tức như thế, những con người như thế, những câu chuyện chua chát đến mức buồn cười như thế ....  Những chuyện thường ngày ở huyện ! 
Nói hoài, nghe riết, trở thành quán tính, không phân biệt được đúng sai. Đây mới là điều nguy hiểm. Nhớ mới hôm trước ngồi uống cafe ở SG với vài người quen. Có ông bạn kia vanh vách nói về một người thân học tiến sĩ ở Mỹ về. Mình ngạc nhiên vô cùng, bởi thường thì vấn nạn "giáo sư, tiến sĩ" giả  vẫn xảy ra như cơm bữa ở quê nhà, nhưng ở đây là câu chuyện từ một ông giám đốc, chủ tịch công ty, đầy kiến thức. Mình thắc mắc hỏi:
- Anh thừa biết rằng kêu cậu ấy viết một đỏan văn tiếng Anh ngắn cỡ tờ A4, viết không xong. Vậy ở Mỹ trình luận án tiến sĩ bằng tiếng Việt à ? Thế mà anh cứ phô trương làm gì, lỡ có người không biết, hiểu sai, tội nghiệp họ.
Anh cười bẽn lẽn. Mình thường thấy trong các buổi họp mặt bạn bè, anh là người hay co cãi. Nếu có người khác kể chuyện tương tự như thế, anh đã tranh luận phê phán rồi. Nhưng là người thân của anh, thì anh lại rộng lòng "tha thứ", vui lòng "quảng bá thông tin" :-) .

Mà cuộc sống chung quanh cũng thường gặp những điều như thế. Bạn của mình thì luôn luôn nói đúng, người thân của mình thì không bao giờ làm sai. Cứ thế, bao che nhau, "tha thứ" nhau, nên cứ nhan nhản những câu chuyện chướng tai gai mắt. Lần hồi, quen thuộc đến mức nhàm chán, cứ thản nhiên như những bình thưòng. Để rồi vẫn mặc nhiên tâng bốc nhau, chụp mũ nhau, phô trương nhau, chà đạp nhau. Ai cũng biết sai, biết dối, nhưng vẫn nói, vẫn nghe, vẫn rêu rao, vẫn lên báo lên đài, vẫn dễ dãi "rộng lòng thứ tha" cho nhau. Cuối ngày, vô tình hay cố ý, họ coi thường nhau, giả vờ tin nhau, ngờ vực lẫn nhau.... Ngày tháng cứ thế trôi qua, người khóc cứ khóc, người cười cứ cười. Thành ra làm ăn gì, hợp tác gì với nhau cũng đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu. Nhiều khi yêu nhau cũng thế, ngờ vực nhau trước. Dĩ nhiên là không phải ai cũng như vậy, và cũng không ai muốn thế, nhưng đời sống văn hoá xã hội ngày nay đã vô tình dẫn dắt họ đi xa đến vậy !

Một xã hội mà phải "hoài nghi tất cả", dĩ nhiên là xã hội không đáng sống. Nhưng để thay đổi được điều đó, thì có lẽ phải nên bắt đầu từ những vấn đề cơ bản nhất, từ hệ thống giáo dục xã hội, từ học đường, từ gia đình, chứ không phải đợi đến lúc làm chủ tịch hãng dược, bí thư, hay tiến sĩ, giáo sư .... Bởi lúc đó, thì những câu chuyện nghịch lý kia đã trở thành thuộc tính, những hiện tượng tự nhiên, những "câu chuyện thường ngày ở huyện". Hết chuyện này sẽ lòi chuyện khác. Vấn đề chỉ là bị lộ hay chưa bị lộ mà thôi !



No comments:

Post a Comment

Comments: