Friday, September 22, 2017

Tản mạn từ một bộ phim ....



Một sự ngạc nhiên là đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn còn rất nhiều người Mỹ và người Việt quan tâm tới cuộc chiến VN ngày xưa. Mấy hôm nay có nhiều anh em bạn bè email trao đổi về bộ phim "The Vietnam War". Trên mạng, ngoài nước, trong nước, có nhiều dư luận khác nhau. Phản ứng, đồng tình, tức giận, tủi thân, bức xúc .... đủ thứ !

Mình thì lâu nay vẫn cho rằng đa số phim ảnh và sách báo (kể cả sách lịch sử giáo khoa) đều bị chi phối từ những tác động chung quanh. Thông tin có thể trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, quan điểm cá nhân, yếu tố xã hội, yếu tố nhân văn, yếu tố địa lý, yếu tố thương mại, yếu tố thời gian  ...v.v. Nên thông thường thì sách báo và các phương tiện truyền thông luôn gặp những hạn chế nhất định trong việc truyền tải sự thật, chỉ là ít hoặc nhiều. Ở những đất nước dân chủ, tự do ngôn luận, thì còn có thể tìm tòi hoặc kiểm chứng tài liệu, tin tức đúng sai. Còn ở những đất nước độc tài, bưng bít, thì báo đài nói sao nghe vậy, người dân coi như mặc nhiên chấp nhận. Tất nhiên là xưa nay những tác phẩm, hoặc báo đài nào càng gần với sự thật, càng mang tính độc lập, tổng quan & công bằng, thì có giá trị cao hơn và sẽ được tồn tại lâu dài. Ngược lại thì chỉ mang giá trị tham khảo, rồi cũng sẽ nhanh chóng bị quên lãng theo thời gian, hoặc bị đào thải theo thời cuộc. Riêng mình, cảm thấy bộ phim "The Vietnam War" đình đám, chuẩn bị cả hàng chục năm, mà nội dung còn nhiều góc khuất như thế, thì quả là đáng tiếc.

Nói một cách công bằng là mãi cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người Mỹ và người VN có những nhận thức sai lệch về cuộc chiến “Vietnam War”. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi cái "biết" của mỗi con người là do sự tiếp cận với nguồn thông tin. Mà đã là tin tức, đặc biệt là tin tức thời sự chính trị, thì luôn luôn bị chi phối bởi những quan điểm và mục đích tuyên truyền, hoặc lợi ích của chế độ, của tổ chức, của đảng phái, của phe nhóm, hoặc là mục đích cá nhân. Trừ một số đất nước thực sự tự do và dân chủ, còn lại thì đa số chính phủ đều có những tác động nhất định đến các phương tiện truyền thông của quốc gia họ. Bởi vậy mức độ khả tín của truyền thông luôn tùy thuộc vào tính minh bạch và mức độ dân chủ, hoặc hiến pháp, luật pháp hiện hành của mỗi quốc gia.

Nhiều người cứ thắc mắc là tại sao “Vietnam War" là chuyện đã qua lâu rồi, cũ rồi, nhưng truyền thông cứ nhắc lại mãi ? Và hiểu đúng về cuộc chiến này thì có giúp ích gì được cho VN hôm nay và ngày mai chăng ? 
Chắc chắn mỗi người đều có những suy nghĩ khác nhau về câu hỏi này. Riêng mình, luôn quan niệm lịch sử là phải được hiểu một cách rõ ràng, minh bạch, và công bằng. Nếu không, thì chính những sai lệch về kiến thức đó dẫn đến những sai lệch về quan điểm chính trị và ý thức hệ, tạo ra những hệ lụy lâu dài cho bản thân, cho cộng đồng, cho dân tộc. Đặc biệt là gây ra sự lầm lẫn về hận thù giai cấp, mâu thuẩn nội bộ, rồi chia bè chia phái, phân biệt “địch" "ta" trong cùng một đất nước. Ngộ nhận về lịch sử sẽ biến những câu chuyện không thành có, có thành không, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự trì trệ của đất nước và có thể kéo dài qua nhiều thế hệ !

Lâu nay đối với những người có đọc sách lịch sử, và tư duy rộng rãi chút đỉnh, đều biết "Vietnam War" không phải đơn giản là một cuộc nội chiến. Cũng không phải đơn thuần là một cuộc chiến tranh xâm lược, mà sau lưng là cả một hệ thống chính trị quốc tế, mang tính chủ nghĩa và ý thức hệ. Có sự tham gia, và bị tác động nặng nề bởi những cường quốc như Pháp, Mỹ, Liên Xô, TQ, cùng đồng minh. Cụ thể là xuất phát từ sự lo ngại của các nước dân chủ về xu hướng bành trướng & phát triển của chủ nghĩa cộng sản vào thời bấy giờ. Còn VN, chỉ là một nước nhỏ trên bàn cờ toan tính của chính trị thế giới. Cả hai miền Nam Bắc đều không thể tự chủ, tự quyết, và không có khả năng độc lập trong cuộc chiến này, mà chỉ mang vai trò thực hiện để hy sinh (!). Từ viên đạn cho đến gói lương khô, từ bộ quân phục cho đến đôi giày cái nón, cũng đều phải bị lệ thuộc vào các nước lớn. Tất nhiên đó chỉ là sự đánh đổi có tính toán, hoàn toàn không phải là những viện trợ vô điều kiện. Hết đạn hết bắn, bên nào nguồn cung ứng không còn, thì coi như xong. Mọi nổ lực còn lại chỉ là thời gian cầm cự. Đơn giản là vậy. Chiến tranh tàn phá khốc liệt kéo dài nhiều năm như thế, tự cung tự cấp được miếng ăn manh áo đã là chuyện rất khó, huống hồ chi nói đến việc tự chủ tự cường !

Bởi thế, dẫu sao thì bộ phim "The Vietnam War" cũng khơi dậy được những câu hỏi rất cơ bản mà người ta cần nhìn lại và cần hiểu đúng. Tại sao Mỹ vào miền Nam VN ? Rồi tại sao Mỹ lại ngưng chi viện cho miền Nam sau khi móc nối được với TQ ? Tại sao Liên xô, TQ đứng sau lưng, viện trợ cho miền Bắc VN ? Vai trò của Quốc tế cọng sản và những tác động trực tiếp của nó đối với cuộc chiến Vietnam War như thế nào ? Ý nghĩa của Chiến Tranh Lạnh (Cold War) và thuyết Domino đã ảnh hưởng gì đến nguyên nhân cuộc chiến ? Nếu miền Bắc VN ngày đó không phải là thành viên của Quốc Tế CS, thì cuộc chiến Vietnam War có xảy ra không ? .v.v…

Quan trọng hơn nữa là những câu hỏi sau khi cuộc chiến kết thúc. Người Mỹ và đồng minh có đạt được mục đích ngăn chặn sự bành trướng của CNCS hay chăng ? TQ và Liên Xô có phát triển và bành trướng được cái "Quốc tế CS" như họ mong muốn hay chăng ? Vietnam War và sự hy sinh của dân tộc VN có làm thay đổi được điều gì ở thế trận "Cold War" chăng ? Con dân VN hy sinh, mất mát nhiều đến thế, đất nước VN được những gì ? ….. Đó là những câu hỏi rất cần thiết được suy ngẫm và trả lời một cách nghiêm túc !

Cuối cùng “Vietnam War” kết thúc, thất bại thuộc về ai ? Dĩ nhiên thiệt thòi lớn nhất thuộc về đất nước và con người VN. Họ đã bị thừa hưởng một di sản chiến tranh quá lớn, quá nặng nề. VN đã trở thành một bãi chiến trường cho cuộc chiến của hai chủ nghĩa, hai ý thức hệ, mà thực ra đã không đem lại những kết quả tốt đẹp gì cho đất nước và con người VN. Trong lịch sử thế giới lâu nay, ở bất kỳ cuộc chiến tranh nào, thiệt thòi luôn luôn thuộc về phía nhân dân. Nhìn lại cuộc chiến tranh VN vừa qua, người dân cả 2 miền Nam Bắc phải gánh chịu quá nhiều tang thương, đất nước VN phải chịu đựng quá nhiều mất mát so với những quốc gia khác ở cùng khu vực. Ông cựu TBT Lê Duẩn cũng đã nói "Chúng ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô Trung quốc...". Tại sao phải như thế ? Chua chát và cay đắng quá !

Thực ra cả thế giới đều biết Mỹ và đồng minh nhảy vào miền Nam VN chỉ vì lo sợ sự bành trướng của CNCS tràn qua các nước khác. Và tất nhiên là LX & TQ hiểu rõ điều này hơn ai hết. Còn chuyện thắng thua của hai chủ nghĩa trên trường quốc tế thì ngày nay ai cũng thấy rồi. Trong đời sống thực tế có những thứ thuộc về quy luật, thịnh suy theo lẽ tự nhiên, không cần phải cưỡng cầu. Cứ coi sự phát triển của chủ nghĩa CS ở Liên Xô, Cuba, Triều Tiên, và các nước Đông Âu thì rõ. Còn TQ thì từ năm 1972, sau khi được T/T Mỹ Nixon bật đèn xanh để đổi chác trong việc xử lý Cold War (chiến tranh lạnh), họ Mao họ Đặng đã khôn ngoan nắm bắt thời cơ, nhẫn nhịn lo chuyện xoá đói giảm nghèo, hợp tác với thế giới tư bản, bất kể “mèo trắng mèo đen” :-). TQ đã đánh đổi mọi giá để nhanh chóng trở thành thị trường lao động giá rẻ cho thế giới tư bản. Họ đặt quyền lợi quốc gia lên trên “lý tưởng” quốc tế CS của họ, để cuối cùng đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Tất nhiên là xưa nay đất nước nào cũng phải đặt quyền lợi quốc gia của họ trên hết. Và chắc chắn là trong những cuộc chơi lớn, thì hầu như những nước nhỏ bao giờ cũng bị thiệt thòi nếu không thận trọng và khôn khéo. Những bài học bị đồng minh bỏ rơi, bị đàn anh “dạy dỗ”, số phận đất nước bị trao đổi ngã giá, con người bị hy sinh, lãnh thổ bị xâm lấn đe dọa...v.v..cũng không lạ lẫm gì đối với dân tộc VN.
Nhiều nhà phân tích cho rằng VN War là một cuộc chiến tranh không đáng có, và hoàn toàn không cần thiết. Có lẽ vậy, bởi nếu không có sự liên hệ với Quốc tế CS ngày đó, thì VN đã không có cuộc chiến tranh đẫm máu này. Chỉ đơn giản là vậy chứ chẳng phải do ham hố VN có rừng vàng biển bạc gì như một số người ngộ nhận. Đáng tiếc !



Nhưng đó là những chuyện đã qua rồi. Suy cho cùng, hậu quả của cuộc chiến tranh Vietnam War không phải chỉ dừng lại ở bề nổi như chết chóc đôi bên, kinh tế lạc hậu, giáo dục cũ kỹ, chính trị non trẻ, tài nguyên ruộng vườn bị tàn phá...v.v. Mà quan trọng hơn nhiều là những mất mát thuộc về phần con người thời hậu chiến. Đó là những vết thương lòng, những định kiến hận thù, những chia rẽ phân biệt, ngộ nhận ý thức hệ, những hơn thua đố kỵ, dân trí hạn hẹp, hiểu biết sai lệch, mâu thuẩn chính trị, tham vọng cá nhân, giáo điều, duy ý chí, kiêu ngạo .vv... trong đại đa số con người VN. Và chính những hệ lụy từ yếu tố con người này mới làm cho đất nước VN trì trệ, lạc hậu lâu dài, khó hoà hợp hoà giải, khó vươn lên, chứ không phải là những hố bom hay chất độc màu da cam như nhiều người đã kể lể. Thậm chí có khi phải tốn hàng thế kỷ vẫn chưa thay đổi và hàn gắn được. (Tính đến nay đã nửa thế kỷ rồi, nhưng vẫn cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược)

Tin rằng nếu người dân VN chưa chịu nhìn ra và chấp nhận cái gốc căn nguyên cội rễ của cuộc chiến tranh Nam-Bắc (Vietnam War), thì cái ngọn hận thù chia rẽ vẫn còn dài dài. Tệ hại hơn nữa, là có những con người kém hiểu biết, hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của người khác để tạo dựng nên những khái niệm chính trị & kinh tế mơ hồ, vị kỷ, hòng phục vụ cho quyền lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Những lý giải lệch lạc sẽ càng kéo dài hận thù, gây ra sự trì trệ lạc hậu cho dân tộc, và chậm tiến cho đất nước. Lịch sử thế giới lâu nay, chưa bao giờ có một chính sách bảo thủ và định kiến chật hẹp nào lại có thể đem đến văn minh và thịnh vượng lâu dài được cho đất nước của họ. Những đất nước phát triển, hạnh phúc, đáng sống nhất trên thế giới hiện nay là những nước không có nhiều “nỗi buồn” chiến tranh, cũng không bị mâu thuẩn gay gắt về ý thức hệ, và càng không bị nhắc nhở về "tượng đài" hận thù một cách dai dẳng. Họ luôn đặt quyền lợi quốc gia & giá trị cuộc sống của người dân lên hàng đầu một cách đúng nghĩa.

Ở thời đại hôm nay, thông tin không thể bưng bít và bóp méo được mãi. Trong lịch sử thế giới xưa nay sự thay đổi nào cũng cần phải có những đánh đổi nhất định. Một định hướng đúng đắn bao giờ cũng bắt đầu từ việc dám chấp nhận sự thật và mạnh dạn thay đổi. Càng trốn tránh sự thực, càng kéo dài thời gian, càng đánh lừa bản thân & thiên hạ, thì càng khó khăn để sửa đổi về sau, và càng thiệt thòi chậm lụt cho đất nước. Thậm chí, còn gây ra những hậu quả khó lường cho bản thân và dân tộc.

Theo mình, chỉ có người VN mới thực sự yêu đất nước VN. Chỉ có sự đoàn kết đồng lòng của dân tộc mới tạo ra được những kết quả tốt đẹp cho đất nước. Và chỉ có những chủ nghĩa hoặc chính thể có thể đem lại sự tự do dân chủ thực sự và thịnh vượng cho đất nước, thì mới xứng đáng để cho người dân tôn trọng và phụng sự.

(In war, whichever side may call itself the victor, there are no winners, but all are losers - Neville Chamberlain)




2 comments:

  1. I don't really like it, The VN War.

    ReplyDelete
  2. Cuộc chiến đã xảy ra, cho dù có thích hay không. Phần quan trọng còn lại là cần phải hiểu đúng vấn đề, để đừng hoang tưởng nữa & và tiếp tục gây thêm oán cừu !
    Nghĩ vậy .

    ReplyDelete

Comments: