Thursday, November 02, 2017

Mất còn,



Hai tuần qua, mình mất đi 2 người thân yêu. Một là anh bạn thân bên VN, hai là người Dì thân kính bên Mỹ. Buồn lắm, chẳng biết nói gì, chỉ nghĩ nhiều về những điều mất còn trong cuộc sống. Vô thường, một quy luật gần gũi nhất, thực tế nhất và khoa học nhất, mà tất cả chúng ta không ai có thể tránh khỏi. Sự cưỡng cầu với những quy luật tất yếu thường chỉ đem lại những phiền não, hệ lụy. Dẫu biết vậy, nhưng rồi cũng shock, cũng hụt hẫng, cũng thấy mất mát như một cuộc tiễn đưa không bao giờ gặp lại .

Anh H, một ông anh, một người bạn, từng chia xẻ nhau nhừng vui buồn trong kinh doanh, trong cuộc sống . Gặp nhau muộn, nhưng lại rất thân nhau vì những tương đồng, nhất là những tương đồng giữa một xã hội luôn đặt sự nghi ngờ lên hàng đầu, lẫn lộn giữa giá trị đạo đức, giá trị con người và giá trị vật chất . Anh về miền Tây mở nhà máy . Mùa thu hoạch nào mình cũng về dưới chơi . Những chuyến đò ngang bập bềnh sông nước, ngang dọc lục bình . Những buổi sinh hoạt chan hoà cùng công nhân, người làm . Những buổi nhậu dân giã đặc sản vùng quê, những trận cười nghiêng ngã .... Tết nhất lễ lộc có món gì ngon đặc sản, hú nhau . Nhớ nhất, là cuối năm nào anh cũng cho người làm chở lên nhà mình một chậu mai ăn tết, từ vườn mai cổ thụ của anh dưới quận 9. Thường thì chậu mai của anh quá lớn không lọt vào cửa nhà mình được, nên chỉ để ngoài sân. Qua mùng, anh lại cho người lên chở về chăm sóc tiếp . Mùng 2 năm nào, như một thông lệ bao nhiêu năm nay, anh luôn dành trọn cho bạn bè thân hữu, hết mâm này đến mâm khác, như một đại yến kéo dài cả ngày. Từ bạn nhà bank, đến bạn cao su, đến hội chim cá cảnh, hội tennis, bạn bè đồng hương, bạn bè đại học, bạn bè trung học, bạn làm ăn xuất nhập cảng .... Mới tết năm rồi, mình và ảnh còn ngồi chiến đấu đến giờ cuối với mấy anh bạn "lẩu dê" hàng xóm Thanh Đa, nghe nhạc "The Eagles" .... Hào sảng, thân thiện, bình dân, nên anh luôn là người dễ gần đối với người làm, bạn bè, và em út . Rồi anh quyết định từ giã quê hương, bán hết cơ ngơi để cùng vợ qua Mỹ ở với con . Hôm tháng 7 mình về VN, anh em đi ăn chay cùng bạn bè và gia đình . Tối hôm sau ra quận 1 uống rượu vang, anh em ngồi nói với nhau thật nhiều . Nghe anh sắp đi mình cũng rất mừng, mừng cho gặp mặt trên đất Mỹ thì ít, mừng cho sự thanh thản dứt khoát của anh thì nhiều. Cuối cùng thì anh cũng dứt bỏ được cái hệ lụy vật chất của cơm áo gạo tiền để đi theo lý lẽ cuộc sống của anh và gia đình. Thế nhưng, anh lại mất ngay trước ngày đi Mỹ . Ngày ghi trên chiếc vé máy bay rời VN cũng chính là ngày anh được đưa vào Bình Hưng Hoà để thiêu. Đêm ấy nghe tin, mắt mình ráo hoảnh, cả đêm không ngủ được, ngồi uống một mình đến sáng .... Tạm biệt Anh !

Vài ngày sau, cũng rạng sáng, nghe tin bà Dì mình vừa mất ở FL. Dẫu không bất ngờ như anh H, vì Dì đã gần 100 tuổi, nhưng mắt cũng ráo hoảnh và tâm trạng hụt hẫng. Dì và Má mình rất thân và thương yêu nhau. Tụi mình cũng luôn coi Dì như người mẹ thứ hai. Dĩ nhiên cả đám anh em mình và những đứa con của Dì sẽ không bao giờ hiểu hết được cái tình cảm khắng khít của chị em họ, từng đùm bọc dắt dìu nhau những ngày gian khổ qua bao biến đổi thăng trầm của gia đình và xã hội. Dì là người phụ nữ mạnh mẽ, lãng mạn, và tài hoa. Phụ nữ thời đó ít ai có được những cá tính và khả năng như Dì. Điều hành một trạm xá ở vùng bán an ninh, chiến tranh ác liệt, nguy hiểm từng giờ. Thế nhưng Dì vẫn dành thời gian cho thể thao tập tạ, chơi đàn (mandolin), làm thơ, nghe nhạc, ... và một mình nuôi nấng 4 người con trưởng thành. Hồi nhỏ mình không biết nhiều, chỉ thấy rất hâm mộ tài năng của Dì. Lớn lên, làm cha làm mẹ, mới hiểu được nỗi khổ cực của Dì, càng khâm phục sự hy sinh và thông cảm những mâu thuẩn dằn vặt của một người phụ nữ vĩ đại. Thế nhưng, Dì cũng như Má mình và bao nhiêu người phụ nữ VN khác, luôn hy sinh tuyệt đối cho con cái cháu chắt. Và cũng chính vì sự hy sinh đó, đã lấy mất đi rất nhiều thứ cần thiết trong cuộc sống của họ, mà cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay họ cũng chưa bao giờ đòi hỏi và cảm nhận những mất mát đó. Con cái thì cũng chưa chắc gì đã nhận biết ra những thiệt thòi lớn lao đó của Mẹ mình. Thậm chí có đứa còn tô vẽ lên những câu chuyện hiếu thảo để phục vụ lợi ích riêng của chính mình, làm đắng lòng người nghe. Tuy nhiên điều đó không hề quan trọng với bậc làm cha mẹ, họ vẫn cứ làm như một thiên chức, cho dù có sống thêm kiếp nữa. 
Nhưng những người làm con, có lúc cũng nên nhìn lại để hiểu được cái "tôi" của họ là quá nhỏ bé so với sự hy sinh vĩ đại đó. Một câu nói mình luôn luôn tâm đắc là "Làm cha mẹ có thể chết vì con, nhưng không thể sống thay cho con". Đúng vậy, cha mẹ có thể móc lá gan lá thận cho con, nhưng không ai sống dùm con được cả. Những đứa con phải biết "tự sống" cho bản thân mình. Và chỉ khi nào họ "tự sống" được, thì mới hiểu rõ sự hy sinh của cha mẹ mình, mới biết tri ân cuộc sống này, và tri ân những con người đã sống vì người khác. Người ích kỷ sống riêng cho bản thân sẽ không bao giờ hiểu hết được giá trị của sự hy sinh, cũng như ý nghĩa của cho và nhận. Những giọt nướt mắt hay những ủy mị tức thời chỉ là những biểu lộ cảm xúc, không bảo đảm được điều gì sâu sắc hơn. Mấy ngày nay nghĩ nhiều về Dì, về sự mất còn của đời sống. Cầu mong linh hồn Dì về đến nơi Dì thích đi, gần người Dì thích gần ..... Còn lúc nào trong đầu óc của mình, bức tranh của Dì trên đồi cỏ vắng với ba người con, mà Dì cho vẽ trước năm 1975 .... sẽ vĩnh viễn là ký ức về một người phụ nữ vĩ đại. Tạm biệt Dì !

Bỗng nhớ đoạn thơ của Thầy ...
.....
Ta không buồn
có ai buồn hơn nữa?
Người không đi
sông núi có buồn đi?
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi
Ta lên bờ
nắng vỗ bờ róc rách
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm?
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm? .... (Thầy Tuệ Sỹ)
PN

No comments:

Post a Comment

Comments: