Friday, February 09, 2018

Bằng cấp giả được, nhưng tư duy thì không !



Lâu nay cứ vài ba tuần, là những câu chuyện bằng cấp, học hàm học vị, lại trở lại. Những câu chuyện bi hài, chua chát, đôi lúc ấu trĩ, nhưng lại cứ tồn tại như một vở kịch xã hội lập đi lập lại, nhàm chán. Nào là bằng cấp giả, bằng "thiệt" kiến thức "giả", nhiều TS nhất, lạm phát TS GS nhất, học hàm tự phong tự xướng, mua bằng bán chức... Rồi nào là TS nói ngọng, TS đề xuất chữ viết thời thượng, TS phát biểu như mẫu giáo, TS truy vấn động cơ thiện nguyện, TS cuội học trên rừng mà tốt nghiệp dưới biển ..vv. Thượng vàng hạ cám, nghe hoài phát chán, nhạt phèo !

Thú thiệt là mình cũng may mắn được đi làm ở một số nước, nhưng chưa bao giờ gặp cái văn hoá bằng cấp kiểu như vậy. Mê mẩn và đắm chuộng bằng cấp danh vị một cách thái quá. Đi nhậu, đi chùa, đi ăn giỗ, ăn tiệc, đi làm, đi uống cafe ... thậm chí đi karaoke, bia ôm, cũng xưng tụng TS GS. Ngành nghề gì, lãnh vực gì, cũng tung hô TS GS một cách vô tội vạ. Gặp ông thầy chùa ngoài bắc cũng xoè cái cạc GS TS, đại biểu lung tung gì đó. Gặp ông coi bói tử vi, phong thủy, cũng có cái cạc TS cầm tay ... thì huống chi là mấy ông có chức quyền. Cũng chính vì sự cuồng tín vào những giá trị ảo của bằng cấp, vào các quyền lợi có được từ các quan niệm lệch lạc & các quy định bất hợp lý về học hàm học vị, mà nhiều người đã đua nhau tậu cho bằng được cái bằng TS GS. Rộ lên như một phong trào, bằng mọi hình thức, từ mua bán cho đến giả mạo, từ trường ảo cho đến trường ma, từ trường nội cho đến trường ngoại, từ đề tài cuội cho đến đề tài hài, bất chấp chất lượng học thuật và các hệ lụy nguy hiểm khác. Người ta vẫn thường nói "Nhiệt tình cọng với ngu dốt là phá hoại". Mình thì nghĩ quyền lực cọng với kém hiểu biết lại càng nguy hiểm hơn. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thành thật kính trọng những người vừa phải miệt mài công sức để đạt được những học hàm học vị thực sự, vừa phải kiên nhẫn tồn tại trong một môi trường vàng thau lẫn lộn như thế .

Ngồi nhìn lại lịch sử đất nước VN, có phải người Việt thực sự trọng bằng cấp thế không ? Có lẽ vậy. Một đất nước nông nghiệp thuần tuý, hệ thống phong kiến vua chúa, chức quyền chủ yếu dựa vào học vị học hàm. Ngày xưa nếu không phải là con ông cháu cha, thì chỉ có một con đường là phải học giỏi đỗ đạt cao, mới hòng thoát được gánh nặng giai cấp .Có thể đó là ảnh hưởng đầu tiên, cọng với tư tưởng so đo hơn thua xóm làng giòng tộc địa phương, càng làm cho giá trị bằng cấp thưc sự quan trọng. Nhưng rồi cũng có câu "Nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ ". Nghĩa là cũng có những nhà Nho nghèo, thanh khiết, thuần tuý đem cái sở học của mình phục vụ thiên hạ mà không màn danh lợi. Những nhà Nho ngày xưa, học sách thánh hiền, đạo lý lễ nghĩa, nên tự trọng cao cả. Nhưng cũng nặng về định kiến bảo thủ, lại mang nặng hình thức "kẻ sĩ", nên chuyện nghèo túng cũng không khó hiểu lắm. Tuy nhiên ngày xưa, dù nghèo nhưng có học, cũng được người ta kính trọng .

Đến thời cận đại trước 1975, học vị và bằng cấp cũng còn được xã hội tôn trọng một cách đúng mức. Thầy cô giáo tuy không giàu có, nhưng cũng đủ sống thoải mái. Một ông giáo sư trung học cũng tiền bạc rủng rỉnh. Ông nào lỡ đi lính mà có tú tài cũng ngon hơn ông thành chung hay ri me. Nghèo mà học giỏi cũng còn có cửa đi lên. Ông nào học Phú Thọ ra cũng có cửa làm trưởng ty. Học Quốc gia Hành chánh ra cũng có cửa làm quận phó, tỉnh phó ... Còn giỏi nữa mà ra TS Quốc Gia thì còn ngon lành nữa. Mình có anh bạn vong niên, TSQG, một trong những rường cột sáng lập viên của ĐH HH dưới miền Tây ngày xưa (cùng với ông LPS). Lâu lâu gặp lại, ngồi nghe ảnh kể chuyện đi học ngày xưa, thấy mà ham, uống hoài hổng say :-) .

Nhưng sau 1975 thì khác, khác nhiều, nên nhiều khi mình thắc mắc về giá trị thật sự của việc chuộng học hàm học vị ngày nay. Thời bao cấp, cả nước nghèo đói. Bằng cấp, học vị, thời đó chả là cái đinh gì. Giáo chức dứt cháo ! Tiến sĩ giáo sư thì ngày lo hai bữa khỏi độn là giỏi rồi. Ông thầy dạy môn Toán Cao cấp của mình, TS NS, rất nổi tiếng về cac công trình nghiên cứu, dạy xong về bán chợ trời với vợ kiếm sống !
Nhớ có ông bạn cũ ngày xưa cũng thuộc dân học hành đàng hoàng, sau 75 nghèo đói tận cùng. Năm đó đứa con gái đến tuổi gả chồng, đẹp, nhiều anh theo đuổi. Anh không chịu gả con cho một anh nhà giáo, mà gả cho anh tài xế. Ngày con có chồng xong, rủ mình ra quán, nốc rượu đế mà khóc. Ngồi ngoài Thanh Đa với anh cả đêm hôm đó, nghẹn ngào. Nỗi lòng của người cha và những đánh đổi oan nghiệt của thời đại. Dạo đó, đọc "Đứng trước biển" của NMT, mình cũng nhủ thầm thời này học bác sĩ, kỹ sư, làm đếch gì, cứ đi viễn dương là có tất cả !

Vậy thì cho đến khi nào VN mới bắt đầu trọng bằng cấp, học vị ? Có thực sự là trọng giá trị tri thức của bằng cấp học vị không? Những người học giỏi, bằng cấp thực sự, có được xử dụng thoả đáng không ? Trọng kiến thức tư duy của người có học, hay là trọng cái quyền lợi kéo theo mà những học hàm học vị đó mang lại ? Cái này thì tuỳ người hiểu và tự có câu trả lời cho chính mình.

Ở nhiều nước văn minh trên thế giới, người ta tôn trọng kiến thức và tư duy thực sự của mỗi con người. Bằng cấp học vị chỉ là những chuẩn mực, thước đo, ở phương diện "academic". Còn kiến thức thì cũng có nhiều loại academic knowledge, practical knowledge, theoretical knowledge. Dĩ nhiên có học vị cao là thành tựu đáng quý, mhưng đó không phải là tất cả. Người ta không đề cao cái hình thức, cái phần "xác" của bằng cấp nặng nề như VN. Nếu có, chỉ là giai đoạn ban đầu xin việc hay khởi nghiệp. Ngược lại, họ luôn coi trọng cái "nội dụng", cái thành tựu mà những tấm bằng đó mang lại cho công ty, cho con người, và cho xã hội. Ở nhiều nơi trên thế giới, bằng TS không có nghĩa là giỏi hơn người khác, chỉ đơn giản là đủ tư cách để bắt đầu nghiên cứu độc lập và đóng góp cho xã hội ở một lãnh vực chuyên môn nào đó. Còn bên VN, một số người quan niệm tới đó là "hết chữ" rồi. Dùng học hàm học vị để xin việc, để lên chức, để in card visit, để thăng tiến, để tại chức lâu hơn, để cạnh tranh với các đối thủ khác là đạt yêu cầu rồi. Nên nhiều ông TS không bao giờ có nghiên cứu hay bài viết tham luận đóng góp gì cho xã hội. Cũng gặp nhiều ông TS có bằng bên Mỹ, nhưng không rành tiếng Anh. Có bằng bên Tây lại không rành tiếng Pháp, nên lên báo tiếng Việt cho dễ. Có lẽ vậy nên cộng đồng quốc tế ít khi thấy công trình nghiên cứu của TS GS bên ta mà thôi !
Thực ra, một ý nghĩa thành tựu rất quan trọng trong việc học hành đào tạo là tư duy và tính cách. Những người có bằng cấp học vị thưc sự luôn có ý thức tự trọng và trách nhiệm phụng sự xã hội dựa vào chính khả năng & kiến thức của mình. Một nền giáo dục làm được điều đó mới là nền giáo dục lành mạnh, đáng được tôn vinh.

Thiết nghĩ một một ông thợ rèn dở sẽ không làm nỗi con dao hay. Nếu dùng một ông TS "giả" để đào tạo hoặc thẩm định một ông TS khác, thì khó mà tìm ra được ông TS "thực". Nếu một cơ quan, trường học, hoặc công ty, chỉ đơn giản xử dụng những tấm bằng xum xê theo chỉ tiêu, mà không đo lường được cái tư duy và kiến thức thực sự của người sở hữu tấm bằng đó, thì coi như góp phần làm lũng đoạn nền giáo dục và phỉ báng giá trị thực sự của trí thức nước nhà. Như thế thì dẫu là số lượng TS GS bao nhiêu đi nữa, cũng không làm thay đổi số phận của đất nước. Có khi còn đục nước béo cò. Muốn thay đổi phải bắt đầu thay đổi từ những quan niệm trọng thị cơ bản nhất. Chấm dứt cách chọn người bằng những chỉ tiêu vô nghĩa, hữu danh vô thực. Thay vào đó chọn người có kiến thức thực sự, phù hợp với công việc. Phải thay đổi quan niệm "hồng hơn chuyên", thân thế lý lịch ... thì mới sử dụng được những tấm bằng có kiến thức thực sự.

Chắc hẳn lâu nay những nhà khoa học, TS, GS, trí thức VN chân chính cũng rất đau lòng về vấn nạn này. Mình tôn trọng và cảm thông với những trăn trở dằn vặt đó. Suy cho cùng thì bằng cấp, học hàm học vị, có thể lạm phát, có thể mua bán, nhưng tư duy của con người thì không thể giả mạo được !

Học hàm tăng đột biến và trường đại học bị loại khỏi Top 350

No comments:

Post a Comment

Comments: