Lâu nay người VN thường nói đón Tết là đón mùa xuân Di Lặc, bởi lẽ ngày mùng một tết là ngày lễ vía của Đức Phật Di Lặc. Ngài Di Lặc là vị Phật đương lai tượng trưng cho hạnh hoan hỷ, hỷ xả, bao dung và tha thứ. Hình dáng biểu tượng bên ngoài của Ngài đơn giản, vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Và đó cũng chính là niềm ước nguyện an lành mong đợi của bao người VN mỗi dịp Xuân về.
Sáng nay đi làm lại, đọc lướt qua báo chí trong nước, mấy trăm người chết vì tai nạn giao thông trong ba ngày tết, chưa kể bị thương. Đặc biệt hơn nữa là cả 2 nghìn (2000) người đánh nhau nhập viện. Mình cứ tưởng đọc lộn. Bộ người VN bây giờ thích đánh nhau đến thế ư ? Chúc phúc nhau, rồi lại hận thù, ganh ghét, đập nhau vào bệnh viện ?
Tuần trước, một cậu học sinh (có thể là bị tâm thần) ở bang Florida, cầm súng vào trường trung học bắn chết 17 người . Cả nước Mỹ rúng động . Nhiều nơi biểu tình, phản đối chính sách, phản đối hiệp hội NRA. Tổng thống, thống đốc, bỏ việc ,tức tốc đến an ủi, trấn an, hứa hẹn phương án giải quyết .... Bao nhiêu TV, báo đài, liên tục đưa tin, bàn luận về sự kiện này. Cho đến hôm nay vẫn đang còn là một vấn đề nóng bỏng .
Nhưng 17 người so với cái con số tai nạn giao thông hàng ngày ở VN chả đáng là bao, huống chi là ngày tết. Dĩ nhiên so sánh vụ thảm sát trong trường học với tai nạn giao thông ở VN là khập khểnh, nhưng mình chỉ muốn nói đến con số chết bởi tai nạn giao thông ở VN là quá lớn. Rồi mỗi năm cứ qua đi, những con số ái ngại đó vẫn cứ nhảy múa, không giảm. Như một thông lệ, ủy ban an toàn giao thông, sau những ngày xuân vất vả lên báo đài, lặng lẽ trở về cương vị của mình, đợi mùa xuân sau. Riêng vụ mấy ngàn người đánh nhau nhập viện thì không nghe nói có phương án gì. Hỏi nguyên nhân ư ? chắc là nhiều !
Bia rượu, băng đảng, anh hùng rơm, quân tử tàu, cái tôi vĩ đại, gia đình, giáo dục, văn hoá .... Nguyên cớ thì đầy, khách quan chủ quan đủ cả, mấy nhà chuyên gia giáo sư tiến sĩ phân tích hoài mỗi năm, rồi đâu cũng vào đấy. Theo mình, nguyên nhân chính thuộc về phạm trù giáo dục !
Thiết nghĩ, một đứa bé lớn lên mà ảnh hưởng cái "tâm hồn cao thượng" của Edmondo De Amicis, cái tư duy giáo dục của Jean-Jacques Rousseau, thì chắc không tới nỗi cậy mạnh hiếp yếu, cậy đông cắn càn. Một đứa bé được giáo dục cái hào hùng của cha anh, của lịch sử dân tộc, của Trần Quốc Toản, của Triệu quang Bình, của Yết Kiêu Dã Tượng, của Nguyễn Trãi, Hưng Đạo Vương, Quang Trung .... thì không tới nỗi thấy giặc làm im, thấy bạn bè anh em nhìn "đểu" lại đánh. Lại càng không tới nỗi tự hào vì hơn nhau vài chai bia, vài ly rượu, kháo nhau đía nhau vài lời khen vô bổ, ganh tị hận thù vì ghét nhau tiếng gáy, hơn thua nhau cái phone cái xe, rồi đập nhau tới chết ... Chắc không là như vậy. Lâu nay thiên hạ ai cũng biết là sự háo thắng, háo danh, hung dữ, sĩ diện hảo, lọc lừa, kiêu binh .... của con người liên quan mật thiết đến nền giáo dục và văn hoá địa phương của đất nước họ. Trong đó, vai trò của bản thân, gia đình, trường học, xã hội, và chính quyền, đều là những mắc xích quan trọng.
Một đất nước yêu chuộng hoà bình là đất nước không thường xuyên nhắc nhở đến chiến tranh, hận thù. Một thế hệ cao thượng không phải là thế hệ đắc chí vì những điều vặt vãnh, so đo để hơn thua nhau, rình rập để đâm thọc nhau, mà là chung tay nhau để làm nên những điều có ích. Một xã hội đáng sống là xã hội không có vài trăm người chết đầu xuân, vài ngàn người vào nhà thương vì đánh lộn đầu năm !
Luôn mong Mùa Xuân Di Lặc sẽ là mùa xuân thanh bình cho đất nước VN !
No comments:
Post a Comment
Comments: