Cuộc sống này bao giờ cũng thế, một khi nổi tiếng, hay có những thành đạt nhất định, bên cạnh những vinh quang, người ta thường phải đối diện với cái mặt trái nhất định của nó. Đó là những tin đồn, hẹp hòi, định kiến, ghen tị, đố kị, thù ghét, nhỏ nhen .....từ người khác. Nhiều hay ít là do bản chất văn hoá và tính nhân văn, cũng như sự hiểu biết của từng con người, từng địa phương, từng đất nước. Nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như bao nhiêu con người thành đạt khác đều không ngoại lệ, bởi họ cũng chỉ là con người. Nhiều người thậm chí còn chính trị hoá, đạo đức hoá, thần tượng hoá, nhân cách hoá những câu chuyện đời thường của những người nổi tiếng để tôn sùng hoặc để phỉ báng, dèm pha họ. Dĩ nhiên là cũng có những câu chuyện thực, cũng có những câu chuyện giả, cũng có những câu chuyện chỉ là "câu chuyện làm quà", nghe đi nghe lại, tiếng được tiếng mất, bên lề cuộc sống ... Để rồi cuối ngày người ta quên mất những thành tựu, những công ơn lớn lao của các nhà văn nghệ sĩ đã cống hiến cho xã hội.
Văn nghệ là văn nghệ. Cho dù có thêm thắt là vị nghệ thuật, vị nhân sinh, vị chủ nghĩa, vị chế độ ... thì cũng thế. Cho dù có thêm thắt chuyện đời tư, chuyện cá nhân, chuyện quan điểm chính trị .... thì âm hưởng của lời ca, của tiếng hát, của dòng thơ, của cuốn sách, của những tác phẩm văn nghệ giá trị vẫn cứ còn đọng lại trong lòng mỗi người, bất kể dòng thời gian hay bất kỳ thể chế chính trị nào. Và dĩ nhiên là cho dù ở đất nước nào, thời đại nào, chính phủ nào, ít nhiều cũng có những tay bồi bút văn nô, xử dụng khả năng của mình để tạo dựng những tác phẩm hoặc bài viết mang tính phiếm diện, tuyên truyền, phản bác, để cổ suý và phục vụ cho mục đích chính trị hoặc thương mại nào đó. Cũng có nhiều văn nghệ sĩ không vượt qua nỗi cái giới hạn kiểm soát của chính quyền từ đất nước họ bởi những lý do khác nhau, nên có xu hướng sáng tác gói gọn trong một phạm vi hạn hẹp nhất định. Nhưng điều đó không khó lắm để thiên hạ nhận ra, thông thường những tác phẩm đó chỉ mang giá trị giai đoạn, và càng không phải là điều muốn nói ở đây. Mặt khác, cũng không phải cứ ông nhạc sĩ thi sĩ nào nổi tiếng thì làm bài nào cũng hay. Có ông nhà thơ làm cả vài trăm bài, mới được vài bài thành danh là qúy rồi. Cho nên xưa nay những tác phẩm văn học nghệ thuật nào được phổ biến rộng rãi, tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ, đủ để chứng minh thuyết phục nhất về giá trị thực của nó .
Công bằng với giá trị văn hoá nghệ thuật chân chính là công bằng với chính tri thức và lương tâm của mình. Trên thế giới, có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ nghiện ngập, nghèo đói, tình cảm phóng khoáng, lưu vong trôi nổi, tù đày... Nhưng họ đã để lại cho đời sau những tác phẩm bất hủ, đáng trân trọng. Họ không phải là nhà đạo đức, càng không phải là nhà chính trị, mà chỉ là những con người bình thường, có ưu có khuyết, tài hoa, cần ngẫu hứng, cần sự tự do để sáng tác những gì họ muốn nói, muốn nghe. Thật là nghịch lý và buồn cưòi khi cố áp đặt những khuôn khổ, định kiến nhỏ nhen lên những sáng tạo phi khuôn khổ !
Nhớ hồi xưa còn bé, những bài ca ê a đầu đời là tình tự quê hương man mác. Từ Quê Nghèo, Tôi yêu tiếng nước tôi, Việt nam nghe tự vào đời, Em bé quê, Ông trăng xuống chơi .... Rồi cho đến khi lớn lên, đi học, sinh viên, ra nước ngoài, đi làm, đi xa .... những bài tình ca của Phạm Duy cứ đi theo suốt hành trình của mình, vui buồn mỗi lúc. Thỉnh thoảng cũng có nghe báo đài, bàn nhậu, đồn đóan râm ran chuyện đời tư, chuyện nhà cửa con cái, đi về ....của ông, mình cũng ít khi quan tâm mấy. (Thực ra thì lâu nay mình cũng không thưởng thức lắm cái tư duy chỉ cần coi được đoạn phim 2 phút là đủ để thao thao bất tuyệt phán xét nội dung một cuốn phim dài :-)). Mình chỉ yêu âm nhạc của ông, yêu cái ca từ mang nặng tình tự quê hương dân tộc, và tôn trọng tài năng của ông.
Những năm tháng còn ở Sài gòn, thỉnh thoảng có gặp ông ngoài Trần Cao Vân (Hồ Con Rùa). Vẫn thích cái phong thái lãng tử, phóng khoáng của ông. Cuộc sống này mà làm được cái mình thích làm, sống được với chính mình, thì cũng là một khí khái và bản lĩnh rồi. Mới tuần rồi ăn tối với một ông giáo sư người Mỹ, từng viết nhiều bài nghiên cứu về âm nhạc Phạm Duy bằng tiếng Anh, được nghe ông chia xẻ nhiều câu chuyện thú vị. Nhớ hôm tháng rồi có một người quen tặng mình đĩa nhạc "Nhớ Phạm Duy", thâu âm vào dịp 5 năm tưởng niệm ngày mất của cố NS Phạm Duy. Phải cảm ơn những con người như các anh chị ấy, đã bỏ công sức để duy trì, để tuởng nhớ, và công bằng tri ân những đóng góp giá trị của một người nhạc sĩ VN tài hoa.
Sáng nay mở ra nghe, tự nhiên nhớ quê nhà ghê. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng vẫn còn đâu đó ..... những cánh đồng cát dài, có lũy tre già tả tơi, ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày.....
No comments:
Post a Comment
Comments: