Wednesday, April 25, 2018
University vs. College - Đại học & Cao đẳng ở Mỹ, tây ta lẫn lộn !
Thỉnh thoảng có người quen, bạn bè hỏi thăm về các trường đại học & cao đẳng ở Mỹ. Định bụng hôm nào rãnh rỗi sẽ giải thích chi tiết chút, mà cứ bận hoài. Sáng nay lại có anh bạn ở Bình Dương gọi điện hỏi về sự khác biệt giữa "college" và "university" ở Mỹ, vì đang gặp tư vấn xin cho con đi du học. Người ta bảo anh college là như trường cao đẳng dạy nghề bên VN.
Thực ra là giữa tiếng Anh và tiếng Việt có những khái niệm không tương đồng, nhất là trong dịch thuật, nên khó mà giải thích cho sát nghĩa được. Nôm na là ở Mỹ, college hoặc university là bậc học sau phổ thông, như ở VN gọi là đại học. Còn nếu hiểu nghĩa của chữ "college" ở Mỹ như là cao đẳng bên VN thì không chính xác.
Thông thường người ta dùng chữ "college" như một khái niệm chung của bậc đại học 4 năm (undergraduate) trong lúc nói chuyện giao tiếp hàng ngày. Ví dụ như : Did you go to college (Anh có học đại học không) ? What is your college degree (Anh học đại học ngành gì) ? ..vv. Tuy nhiên, khi phải phân tích chi tiết ra nghĩa của chữ college và university, thì cũng có điểm khác biệt về cách xài chữ, cũng như cách đặt tên cho các trường đại học trong nước (đa số thôi, chứ không tuyệt đối).
Trước hết là ở Mỹ hầu hết ở mỗi quận, đều có trường "Community College" (tạm dịch là Cao đẳng cộng đồng). Những trường này được lập ra chủ yếu để phục vụ địa phương, chương trình đào tạo 2 năm. Tốt nghiệp xong, được cấp bằng "Associate's degree". Những trường này cũng có nhiều ngành, bộ môn, khác nhau. Nhiều trường có dạy cả nghề nữa, ngắn hạn, và chỉ cấp chứng chỉ (diploma). Chuyện tốt nghiệp đại học ở Mỹ thì dựa vào số tín chỉ của các môn học đã hoàn thành. Nên dù chủ trương của cao đẳng cộng đồng là 2 năm đào tạo, nhưng ai có điều kiện hoặc học giỏi thì học ngắn hơn. Ngược lại có người vừa đi học vừa đi làm, học cả 3, 4 năm chưa xong. Cũng bình thường thôi, ở xứ này không phải cứ nhất thiết học lên cao là học giỏi, mà còn lệ thuộc vào điều kiện gia đình, điều kiện tài chánh nữa. Nhiều người giỏi nhưng có những trách nhiệm gia đình khác nên không học tiếp được. Ngược lại, nhiều người học xoàng thôi, nhưng có điều kiện miệt mài hoài thì cũng tới nơi tới chốn. Hệ đại học 4 năm, hay thạc sĩ, tiến sĩ gì cũng theo nguyên tắc tín chỉ đấy (dĩ nhiên học lên cao thì còn phải đòi hỏi nhiều thứ khác, luận án, luận văn ... linh tinh nữa). Điểm đặc biệt của trường "community college" là thủ tục xin vào đơn giản, học phí rẻ, gần nhà, tiện lợi. Học xong lấy bằng Associate Degree cũng có thể kiếm được việc làm ngay, nhất là những hãng xưởng tại địa phương. Riêng những học sinh của trường Community College muốn học lên cao hơn, có thể chuyển trường lên các đại học hệ 4 năm học tiếp. Dĩ nhiên những môn cần học để có thể chuyển trường (transfer) có phần khác hơn chút đỉnh. Học sinh có thể tư vấn hỏi ý kiến các nhân viên hướng dẫn tại trường để biết thêm chi tiết, và tiết kiệm thời gian học đi học lại.
Có thể lâu nay nhiều người thường dịch thuật hoặc nói tắt chữ "community college" ra thành "college", nên một số người đã hiểu lầm trường "college" nghĩa là trường cao đẳng cộng đồng (community college), và coi là giống như là cao đẳng của VN ta. Điều đó không đúng lắm, vì trường "college" có nghĩa rộng lớn hơn. Nhiều người di trú, tị nạn, khi mới vào nước Mỹ, đã đi theo con đường học ở cao đẳng cộng đồng (community college) trước, rồi mới leo dần lên các bậc cao hơn . Chuyên cần, túc tắc rồi cuối ngày thì cũng thành bác sĩ kỹ sư cả thôi !
Đúng ra, thì đại đa số trường "college" là trường đào tạo 4 năm, và cũng cấp bằng "bachelor's degree" (nhiều người VN gọi là bằng cử nhân) như các trường university khác. Thông thường, thì các trường college có hệ thống điều hành riêng biệt, độc lập, quy mô nhỏ hơn, và không có chương trình "graduate programs" (bậc sau cử nhân, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ..). Nhưng cũng có một số ít trường college trực thuộc hệ thống điều hành và nằm trong phạm vi của các trường university. Ngoài ra, cũng có một số trường college có chương trình graduate (sau cử nhân) nhưng rất hạn chế.
Còn nói về university, thì khái niệm rộng rãi hơn. Các trường university thường quy mô lớn hơn, đa dạng ngành nghề hơn, có khi có cả hệ thống nhiều cơ sở, ở nhiều địa phương khác nhau. Ngoài việc đào tạo chương trình undergraduate (cử nhân), trường university thường có cả chương trình graduate (sau cử nhân), đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho nhiều ngành nghề khác nhau. Cho nên khi nói về đại học thì người ta xử dụng cả hai chữ "college" và "university". Nhưng khi nói về những chương trình thạc sĩ (master's degree), tiến sĩ (doctorate (Ph.D), người ta thường dùng chữ university.
Tuy nhiên cũng nên tránh một số nhầm lẫn là có những trường chuyên ngành hậu đại học như Luật Khoa, Nha Khoa, Y khoa cũng xài chữ college, ví dụ như "College of Law, College of Medicine ...", nhưng những "college" này được coi như một phân khoa trực thuộc hệ thống "university" nào đó.
Ở Mỹ, trường đại học tư nhân, kể cả college và university, rất nhiều. Hầu như những trường đại học "university" tên tuổi của thế giới ở Mỹ đều là trường tư, ví dụ như MIT, Harvard, Duke, Stanford, Yale, Caltech, Princeton .... Tuy nhiên, hệ thống đại học công lập của Mỹ cũng rất có uy tín và nhiều trừờng rất tên tuổi. Thông thường mỗi tiểu bang đều có hệ thống đại học riêng cho tiểu bang mình. Mỗi hệ thống đại học tiểu bang bao gồm nhiều cơ sở (campus) khác nhau. Ví dụ : University of California (UCLA, UC-Berkeley ...), University of North Carolina (UNC-Chapel Hill, UNC-Charlotte ...), University of Colorado (Denver, Boulder, Colorado Spings ...)...vv. Cũng cần nói thêm chút là không phải bằng cấp ở trường đại học nào ở Mỹ thì cũng được công nhận. Phải phân biệt cho rõ trường nào là "Accredited" (công nhận) và Unaccredited (không được công nhận). Nhiều người đi học vì những mục đích khác nhau, nhưng bằng cấp "unaccredited" không được công nhận, có thể không được hành nghề. Kể cả nhiều trường đào tạo các học vị cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ....Như ở California dạo trước, có nhiều trường luật là unaccredited, đã gây ra nhiều tranh luận.
Còn hỏi trường nào tốt trường nào xấu, thì mình nghĩ là các anh nên tự tìm hiểu ở những trang mạng uy tín. Hàng năm các trang báo như US News, Top Universities, THE ... đều có đánh giá từng trường, từng ngành nghề, thay đổi cập nhật hàng năm. Có trường giỏi ngành này, nhưng chưa chắc là giỏi ngành khác. Nên lựa chọn cái nào phù hợp với mình thôi. Còn nếu ai hỏi nữa thì mình nói là cứ thấy trường đại học nào có đội bóng rổ, bóng cà na xuất sắc, thì xin vô, ít ra thì cũng từ khá trở lên :-). Đúng vậy, ở Mỹ ngoài những trường tên tuổi như Ivy League, MIT, Caltech ... được coi như ngoại lệ, còn những trường đại học khác nếu không tên tuổi, thì khó mà chiêu mộ được đám học sinh tài giỏi xuất sắc, chơi thể thao hay, hoặc có tài năng nổi trội.
Nói ngoài lề chút, thực ra thì các thông tin về trường ốc ở Mỹ rất minh bạch, rất rõ ràng. Chỉ cần bỏ chút ít thời gian đọc và tìm hiểu, sẽ có cái nhìn trung thực và chính xác hơn. Những em đang định đi du học, thì lại càng cần thiết phải biết đọc và phân tích các thông tin về các trường đại học, cao đẳng mà mình xin học một cách công bằng. Nếu cả những việc đó mà cũng phải nhờ cha mẹ hỏi dùm, hoặc nhờ văn phòng tư vấn du học (nhiều ông chưa đi học bên Mỹ bao giờ) giải thích, thì sẽ rất khó khăn trong việc tự học tự lập ở Mỹ. Cũng có nhiều người cứ trông cậy để hỏi bà con bạn bè VK, vì nghĩ rằng ở Mỹ thì biết, mà có khi dẫn đến các nhầm lẫn rất nguy hiểm. Ở VN cũng thế, chắc gì nhiều người đã biết trường nào tốt hơn trường nào. Ở tây ta, Tàu, Mỹ, Úc, Anh, Nhật nhiếc... gì cũng thế, ai làm việc gì thì hiểu về lãnh vực đó. Mình vẫn quan niệm về kiến thức cuộc sống không ai tài giỏi hơn ai, người này biết chuyện này, người khác biết chuyện khác thôi. Nhưng hỏi sai người, trả lời sai chuyện, có khi lại rách việc.
Thôi thì cách tốt nhất để có một thông tin trung thực vẫn là do mình tự tìm tòi nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau. Dưới đây là các đường link các anh chị có thể tham khảo thêm. Chúc may mắn !
US News Rankings
Times Higher Education
Bảng xếp loại 2018 của các trường đào tạo kỹ sư
Bốn lý do để học cao đẳng cộng đồng (community college)
Trường luật "Unaccredited" của bang California
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Comments: