Wednesday, June 06, 2018

Phiếm: Niềm tin



Có một câu nói người Tây phương thưòng nhắc đến đó là "Respect/Trust is not given, it is earned !". (Tạm dịch là : Sự kính trọng/tin tưởng không phải là cho không, mà phải tự kiếm về". Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng trong đời sống hàng ngày, lại gặp rất nhiều những trường hợp ngộ nhận. Ví dụ như nhiều vị làm quan chức, có quyền hành, thì nghiễm nhiên nghĩ rằng người khác sẽ kính trọng hoặc tin tưởng mình. Điều đó không hoàn toàn đúng vậy. Cho nên có nhiều trường hợp bị kết án hoặc buộc tội "nói xấu cán bộ" vì những câu chuyện hiểu lầm như thế. Sự tôn trọng là ở chỗ giá trị cá nhân con người và những việc làm của họ, chứ không phải là do chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là chức vụ đó không phải do người dân tín nhiệm và chính thức bầu bán lựa chọn. Thiết nghĩ chính quyền và xã hội nên cần thiết suy gẫm lại vấn đề này, để khỏi có những cái nhìn lệch lạc, e rằng không những không sửa chữa được sai phạm, mà còn gây ra sự bất công đối với người dân lành hoặc những thuộc cấp trung thực.

"Nói xấu" nghĩa là hành động dựng chuyện, hư cấu, thiêu dệt, bôi bác, có thành không, không thành có, để hạ thấp giá trị người khác. Còn nếu mình thực sự làm xấu, hoặc nói bậy nói sai, mà thuộc cấp hoặc người dân phản ánh đúng, nói lên sự thật, phản biện vấn đề đúng, thì đó không thể cho là nói xấu được. 

Sở dĩ mình muốn nhắc đến chuyện này, vì mấy hôm nay đọc báo thấy quá nhiều ý kiến phản biện việc quốc hội VN dự luật cho mướn đặc khu 99 năm. Nhưng cũng có người cho rằng nhiều người lợi dụng chuyện đó để "nói xấu" quan chức. Mình thì luôn nghĩ là những câu chuyện quốc gia quan trọng như thế này cần phải rất rạch ròi, minh bạch, không nên nhập nhằng. Nếu không, sẽ dễ dàng tạo ra sự hiểu lầm và làm lợi cho những kẻ cơ hội chủ nghĩa, tham lam tư lợi.

Thứ nhất, thực tế là lâu nay không hiếm những vị quan chức phát biểu vô tội vạ, kiến thức hạn chế, có những sai phạm cơ bản, hoặc mơ hồ, thiếu tính thuyết phục, nên làm cho người dân lo ngại. (Tất nhiên là cũng có nhiều người tài giỏi đúng đắn chứ không phải ý vơ đũa cả nắm). Ví dụ như nói chuyện đặc khu kinh tế, một ông ban kinh tế TW, phát biểu về việc bảo vệ dự luật đặc khu, nhưng lại không hiểu gì về ý nghĩa của "đặc khu", đem so sánh đặc khu kinh tế với những khu như Chinatown, Phước Lộc Thọ ... ở Mỹ. Điều đó làm người dân quá lo lắng về tư duy và kiến thức của người hữu trách. Cho nên nhiều người dân lo sợ quá, phản biện lại, chứ không phải là nói xấu. Hoặc là như một ông quan chức khác phát biểu rất "ngây thơ" là lâu nay không biết người TQ có mua nhà đất ở VN, trong khi ông là trưởng cơ quan hữu trách về vấn đề này, đúng ra phải là người nhận biết điều đó sớm nhất. Còn một số ông khác trong lúc họp QH bàn chuyện quốc gia đại sự, lại ngồi ngủ gục..v.v. Thử hỏi, với những câu chuyện chính mắt thấy tai nghe như thế, thì làm sao người dân không lo ngại? Họ quan tâm, và nói lên sự thực chứ không phải bịa chuyện nói xấu. Thực ra thì đất nước nào lại không có tình trạng này, chỉ là nhiều hay ít. Khác nhau là ở nhiều nơi trên thế giới, quốc hội và các chức vụ quan trọng trong chính quyền là do người dân trực tiếp chọn lựa bầu ra, còn ở một số ít quốc gia khác là do bố trí sắp đặt. Suy cho cùng thì chuyện "nói xấu" "nói tốt" chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là làm sao để thay đổi được ấn tượng tốt xấu và tạo được niềm tin trong lòng người dân. Thiết nghĩ một chính phủ cũng không nên quá lo lắng về chuyện đồn đãi, vì những người có trí khôn chắc chắn sẽ hiểu được đâu là sự thật, đâu là tin đồn. Do vậy điều quan trọng muốn nói đến ở đây là nguyên nhân và sự thật về niềm tin của người dân đối với quan chức và chính quyền trong một đất nước.
Thử nghĩ dăm ba hôm lại đọc được một số phát biểu khôi hài, và những ứng xử trịch thượng của một vài vị quan chức trên báo trên đài, làm sao tránh khỏi chuyện hoài nghi. Ví dụ những câu chuyện như buôn chổi đót, nuôi heo, chạy xe ôm để làm giàu mà cũng nói được, như thế sẽ không bao giờ thuyết phục và tạo dựng được niềm tin của người dân. Mà một khi đã không tạo dựng được niềm tin, thì làm sao người ta lại có thể tin tưởng mà dựa dẫm vào những quyết định hoặc khả năng của họ ? Nếu có chăng, thì cũng chỉ là gật gù bên ngoài vì sợ phiền phức. (Again, trust is earned, not given !). Thời đại hôm nay, dân trí ngày càng cao, không thể cứ coi thường sự hiểu biết của người dân, càng không thể bắt buộc người ta phải nghe theo những điều vô lý được. Tôn trọng trí tuệ người khác cũng chính là tôn trọng chính mình vậy !

Thứ hai, cũng lại là câu chuyện niềm tin. Thử nghĩ tại sao khi nghe đến chuyện cho mướn "đặc khu", là người dân nghĩ ngay đến chuyện cho TQ mướn ? Và tại sao khi nghĩ đến TQ, thì người dân lại lo lắng sợ hãi đến thế ? Chuyện này thì chắc ai cũng hiểu câu trả lời, khỏi cần bàn thảo ở đây. Ông bà xưa thường nói "có lửa mới có khói". Ngay cả những chuyện rõ ràng như ngư dân bị tàu TQ đánh đập hoặc lãnh hải bị TQ vi phạm lấn chiếm, mà báo chí vẫn chỉ có thể dám nói là tàu “lạ” người “lạ”, thì làm sao người dân có thể vững lòng tin ? Mình vẫn luôn nghĩ rằng niềm tin không phải tự nhiên mà có được, và chuyện đánh mất niềm tin cũng không phải là chuyện chỉ xảy ra trong một buổi một ngày. Do vậy, để khôi phục lại niềm tin đối với người dân, thì sự kiện "đặc khu" này chính là một cơ hội tốt nhất để các ngài hữu trách thể hiện cái tư duy, cái tâm, cái tầm đối với đất nước và đồng bào của họ.

Suy cho cùng thì người dân của đất nước nào cũng vậy, họ luôn gởi gắm tâm tư nguyện vọng vào những cấp lãnh đạo và người đại diện cho họ. Có những nơi người dân được quyền bầu bán, có những nơi không được quyền bầu bán. Nhưng điểm chung vẫn là nỗi thiết tha mong mỏi ở các cấp lãnh đạo có những quyết định sáng suốt để dẫn dắt đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, và cho đất nước của họ. Tất nhiên càng mong đợi nhiều, càng tin tưởng lớn, thì lại càng dễ thất vọng và bức xúc khi sự mong mỏi đó không được đáp ứng. Khi niềm tin không còn, người dân thường có những nỗi lo sợ mơ hồ, nhạy cảm, và dễ vỡ oà.

Còn nói đến sự nguy hiểm tiềm ẩn và hậu quả của những chính sách đầu tư, xâm lược, tận thu, lợi dụng ý đồ, mưu toan chính trị ..v.v. của TQ đối với những quốc gia khác trên thế giới, đến nay không còn là điều mới lạ nữa. Chỉ cần mở mạng lên, từ những đặc khu Boten của Lào, những "Baoding villages" ở châu Phi,  SEZ ở Nam Á, Sri Lanka v.v.. mọi người đều có thể tự mình nhận định được giá trị hư thực về triết lý đầu tư của chính phủ TQ. Dĩ nhiên ở nước nào cũng có người tốt kẻ xấu, bên cạnh những nhà đầu tư tham lam lũng đoạn, cũng không hiếm những nhà đầu tư đàng hoàng nghiêm túc. Không khéo phân tích rõ ràng lại dễ dàng lôi cuốn vào những bài xích vô căn cứ. Cũng không nhất thiết cứ cho ngoại quốc mướn đất là phải sai bậy. Điều đó còn lệ thuộc vào các điều khoản hoạt động kinh doanh và mức độ kiểm soát chủ quyền đối với từng quốc gia hoặc địa phương. Và càng không phải là cứ mở đặc khu kinh tế thì thành công. Trên thế giới cũng có nhiều đặc khu "tiền mất tật mang", bởi lẽ điều kiện cần và đủ cho một đặc khu kinh tế thành công, còn nhiều yếu tố liên quan khác nữa. Cho nên cũng tuỳ vào cách làm như thế nào, sự lựa chọn triết lý kinh doanh của nhà đầu tư, quan niệm lợi ích chung & riêng của những người điều hành, cũng như các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của cả đôi bên.

Lâu nay, quan điểm chung và nổi bật nhất của thế giới về các nhà đầu tư TQ (đa số), là triết lý kinh doanh tiếm đoạt, thiếu tính nhân văn, thiếu sự tôn trọng các quyền lợi dân sinh môi trường tại những nước sở tại. Bởi vậy nên các nhà đầu tư TQ, đặc biệt là những công ty có liên quan đến chính phủ nhà nước, thường có xu hướng đầu tư và "thành công" ở những nước chậm phát triển, thiếu vốn, không tôn trọng bản quyền, tham nhũng, thích hối lộ, chính sách đầu tư còn nhiều kẽ hở…v.v. Đây không phải là một sự kỳ thị hoặc chủ trương bài xích, mà là những hiện tượng thực tế, hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Bởi vậy, TQ không hề có một "quyền lực mềm" trên thế giới, cho dù họ sở hữu một nền kinh tế mạnh mẽ như hôm nay. Từ bỏ sự nghèo đói lâu đời của nền kinh tế quốc dân XHCN, để đi lên bằng mọi giá, và trở thành thị trường lao động giá rẻ, phát triển công nghệ gia công cho các nước tư bản phương Tây, chính phủ TQ cũng phải trải qua những mất mát đánh đổi nhất định. Và dĩ nhiên họ cũng nhận ra điều đó, nên cố gắng để thay đổi và khắc phục hàng ngày, để tạo uy thế mới đối với thế giới. Tuy nhiên đây có lẽ là một thử thách khó khăn nhất của TQ bởi triết lý kinh doanh của họ đã lâu đời gắn liền với những nét đặc thù văn hoá nhân văn, và những hạn chế tất yếu bởi cơ chế chính trị ở đất nước họ.

Tất nhiên là thời đại nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, những yếu tố quyết định dẫn đến hiểm hoạ cho quốc gia dân tộc chủ yếu vẫn là do những người trong cuộc, do những người trực tiếp điều hành đất nước gây ra. Trong đó có sự đánh đổi và lựa chọn giữa quyền lợi đất nước và quyền lợi cá nhân bao gồm lợi ích nhóm. Những lựa chọn đó hoàn toàn lệ thuộc vào tư duy ngắn dài của các thế hệ lãnh đạo. Một đất nước như VN đã từng trải qua bao cuộc chiến, từng bị lấn chiếm, bị đô hộ, bị thiệt thòi, bị lệ thuộc ngoại bang….Chắc hẳn hơn ai hết, người dân VN sẽ thấu hiểu những nỗi buồn thân phận, hiểu được những mất mát, tủi nhục, ám ảnh lâu dài. Và cũng chính dân tộc VN là một dân tộc có nhiều kinh nghiệm sâu sắc nhất trong việc nếm trải những hệ lụy xung đột, mâu thuẫn nội tại chồng chất kéo dài qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, mà nguyên nhân sâu xa được gây ra bởi những đánh đổi vội vàng và tư duy ngắn hạn trong quá khứ.

Tóm lại, dân tộc nào cũng thế, sự lựa chọn sáng suốt ở hiện tại sẽ quyết định vận mệnh tương lai của đất nước trong tương lai. Đó là chuyện tất nhiên không gì phải bàn cãi. Mình cũng luôn hy vọng là niềm tin của người VN hôm nay và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn “niềm tin" của ngày hôm qua. Rất mong vậy !



No comments:

Post a Comment

Comments: