Friday, June 08, 2018
Tản mạn: Ngắn dài ....
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ....(Nguyễn Du)
Cách đây không lâu, Lý quang Diệu đã từng mơ ước được như Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng với một đất nước nhỏ bé, không nhiều tài nguyên, nhân lực .... Ông ta đã chọn cho đất nước mình một lối rẽ khác. Nhận ra vị thế thiết yếu tàu bè qua lại giữa 2 vùng biển lớn Ấn độ dương và Thái bình Dương, Singapore đã đầu tư trang bị để trở thành một cảng biển thuận lợi nhất thế giới. Rồi đất nước họ trỗi dậy mạnh mẽ nhờ vào một vùng biển khiêm tốn và nhỏ bé đó. Đến nay Singapore đã là điểm kết nối hơn 600 cảng biển khác nhau của hơn 123 quốc gia trên thế giới (đây là số liệu mấy năm trước, nay có thể đã nhiều hơn). Nguồn lợi của bao nhiêu dịch vụ kéo theo, trạm trung chuyển, bến bãi, giao dịch tài chánh, ngân hàng, du lịch .... của một đất nước có diện tích chỉ bằng một hòn đảo của đất nước VN, đã làm thế giới ngưỡng mộ. GDP của họ đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Công dân của họ cầm tờ passport trên tay đi khắp thế giới đầy hãnh diện, mà chả ai lo sợ "nó" sẽ ở lại làm chui hay trốn nhủi .....
Trong khi đó, đất nước VN, một đất nước đầy vị thế chiến lược, một đất nước đã từng sở hữu một Hòn Ngọc Viễn Đông năm nào. Một đất nước mà hàng trăm năm trước, từ thời Lê văn Duyệt còn làm tổng trấn Gia Định, đã là điểm cập bến với bao giao thương phồn thịnh của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... Một đất nước đã từng tự hào với sự sầm uất của Phố Hội, Phố Hiến năm nào xa lắc....
Chiến tranh vô nghĩa, rồi kết thúc. Một đường bờ biển hàng ngàn cây số vẫn sơ khai. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua.....những resorts, nhà nghỉ, khách sạn, công ty xả thải, làm thép, nhiệt điện được mọc lên. Vẫn thiếu hẳn bóng dáng của một nền kinh tế biển với những chính sách lâu dài. Những người ngư dân vẫn vật vã vừa kiếm sống từng ngày vừa phải đối chọi với những bắt nạt lộ liễu ngay chính trên lãnh hải của quê hương mình. Xé lẻ phân lô ....và vẫn còn đó những mơ mộng "rừng vàng biển bạc" ngày mỗi lụi tàn !
Vào năm 2005, khi cảng Thượng Hải lượng giao dịch bắt đầu cao hơn Singapore, những người trong giới thương mại quốc tế bắt đầu nghĩ đến một vành đai mới. Người ta bắt đầu nghĩ đến những vùng đất như Vân Phong, Phú Quốc ... và vai trò thay thế cho những cảng trung chuyển, dịch vụ logistic, ngày càng đắt đỏ. Và VN được từng được nhắm đến như một điểm sáng mới. Cơ hội đã đến, nhưng không phải ai cũng có tầm nhìn và tâm huyết để nắm bắt những cơ hội đó. Không cần phải một Lý Quang Diệu của một thời đã cũ. Không cần một cổ tích rừng vàng biển bạc như hằng mơ mộng. Không cần nhắc đi nhắc lại một điệp khúc "dĩ vãng oai hùng", mà cần một tương lai thiết thực. Cần một kế hoạch thực tế hơn, tầm nhìn & chính sách thông thoáng hơn. Cần những kiến thức có thực và tư duy độc lập. Cần những cái tâm nghĩ về đất nước & con người với GDP nghèo nàn, vất vả. Nhưng ......
Rồi những năm gần đây, khi TQ nhận ra sự vô cùng cần thiết cho một cán cân thương mại mới, một con đường tơ lụa mới, một vành đai mới .... Thì một lần nữa VN lai trở thành một điểm ngắm quan trọng. TQ đã âm thầm từng bước, thể hiện một tầm nhìn xa lâu dài, tạo dựng vị thế độc bá của mình. Nếu ai bỏ ít thời gian nối kết những việc làm lâu nay của TQ thì có thể hiểu được phần nào. Từ lấn chiếm biển Đông, lập đảo nhân tạo, khẳng định lằn ranh, hiếp đáp các nước nhỏ. Mặt khác, cho mượn tiền, vừa đánh vừa xoa, đối thoại từng nước, dỗ dành ... Mặt chìm, mặt nổi, đầu tư kinh doanh, thu mua, mướn đất, hổ trợ tài chánh cho doanh nghiệp TQ đầu tư vùng biển, cho các "đại gia" ở các nước sở tại mượn tiền, tạo thế ràng buôc...v.v. Không dám chê bai, nhưng cái ngắn không hiểu được ý dài, một ông "đại gia" du lịch & bất động sản mới "lớn", tuổi nào hiểu được cái thâm thuý của một "con đường tơ lụa" mơ ước ngàn năm. Đó là chưa nói đến những chuyện tiền tài danh vọng và lòng yêu nước, cái riêng và cái chung, đôi khi không cùng chung mẫu số !
Thử nghĩ sơ qua nếu con kênh đào Kra được hình thành, thì vùng biển nào quan trọng nhất ? Cảng biển nước nào có nhiều ưu thế nhất ? Vai trò của Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn sẽ ra sao ? Nhưng không, vẫn là những lối mòn suy nghĩ. Vẫn là những du lịch biển, cấp đất, cấp bờ, resorts .... hết "group" này đến "group" khác. Nhiều câu hỏi được đặt ra ... Liệu nhà nước thực sự thu được bao nhiêu lợi nhuận với số đất bờ biển và những quyền lợi ưu đãi như thế ? Ý là chưa phân tích đến các yếu tố quan trọng hơn về khía cạnh chuyển nhượng, an ninh quốc gia, tài nguyên dầu khí, ngư trường hải sản ngoài thềm lục địa, và những lệ thuộc lâu dài bởi các quyền lợi và ràng buộc khác.
Có nhiều con đường để dẫn đến một mục đích, nhưng cũng có những con đường chẳng bao giờ đến đích, mà chỉ là đi đến những bào chữa, hối tiếc. Người VN nào cũng mong mỏi cho đất nước quê hương mình được tốt đẹp hơn. Nhưng ngắn dài lâu nay vẫn là câu chuyện quan trọng nhất khi quyết định về hướng đi của một dân tộc.
Sáng nay ngồi uống cafe tự dưng ước gì mình trẻ lại thêm năm bảy chục năm, để nhìn thấy cảng biển quê mình phát triển ra sao. Đúng là mơ ước viễn vông !
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Comments: