Monday, July 16, 2018
Ảo giác quyền lực !
Hôm qua ngồi coi đá banh chung kết World Cup với gia đình và mấy người bạn. Tới phần phát giải thưởng, trời mưa. Đám nhân viên (hoặc vệ sĩ) chạy ra che dù cho Putin, còn tổng thống Pháp & Croatia giữa trời mưa dột, mặc kệ. Người bạn nói "Hình như những người đó đã được huấn luyện rập khuôn, thuần hoá, trở thành thuộc tính, thấy mưa là che dù cho lãnh đạo họ ngay :-) ". Còn mình thì đợi hoài, coi thử phản ứng của chủ nhà Putin có quan tâm tới người khác chung quanh không, nhất là đối với phụ nữ (tổng thống Croatia) đang ướt như chuột lột. Không, ngài vẫn thản nhiên như vại, ung dung và hãnh diện. Có lẽ ông ta cũng không nhận ra đó là điều khác thường !
Đang định nói chút về cái thuộc tính văn hoá của nhà lãnh đạo Putin, thì sáng nay thấy báo chí khắp nơi đăng đầy. Thực ra thì mình cũng không ngạc nhiên lắm về những ứng xử như vậy, bởi cũng từng gặp qua nhiều trường hợp tương tự, ngay chính trên quê hương mình. Chuyện che dù xách dép cho sếp là bình thường. Chưa bắt cõng cho khỏi ướt giày đã là văn minh lắm rồi :-) .
Nhiều người cho rằng đó một thứ văn hoá trong xã hội quyền lực tập trung, độc tài. Mình thì cho rằng đó là một thứ ảo giác quyền lực. Sống với những ảo giác quyền lực lâu ngày, dần dà quên mất cái giá trị bình đẳng giữa người với người, dễ ngộ nhận mình là cái rốn của vũ trụ. Và cách ứng xử của họ đối với thuộc cấp hoặc những người yếu thế hơn đã thể hiện rõ điều đó. (Dĩ nhiên là không có ý vơ đũa cả nắm, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ). Hiện tượng này cũng thường thấy trong giới trọc phú của những đất nước kém phát triển, hoặc luật pháp còn nhiều kẻ hở. Sống trong một xã hội mà quyền lực càng bị lạm phát, thì con người càng có xu hướng muốn thể hiện quyền lực. Đó là sự thật, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra hiện tượng đó ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay.
Hồi mình mới về SG làm việc, lớ ngớ. Có lần, chiều tan sở về, lục đục đi mua đồ làm cái chuồng cho chú chó con. Cậu bảo vệ công ty thấy vậy, nói "Thôi đi anh, để đó em kêu lính làm cho". Mình ngạc nhiên hỏi "Em cũng có lính hả ? ". Sau này, dần dà mới hiểu, cả nước VN nhiều người có "lính", chứ chẳng phải gì cậu ấy. Lính thiệt, lính giả, lính không ăn lương, lính sai vặt, lính tự nguyện, lính biên chế .v.v.. Lớn có lính lớn, nhỏ có lính nhỏ, nói đùa nói thật, đủ cả, không biết đâu mà lần. Ảo giác quyền lực tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, và thường dẫn đến những phô trương kệch cỡm. Không những thế, nó còn là nhu cầu giải thoát của sự tự ti mặc cảm. Ở đâu cũng vậy. Nhớ lại hồi mấy chục năm trước mình quen biết anh kia làm công nhân trong sở. Anh một thời khuấy nước nên hồ, hô hào quy chụp, nổi đình nổi đám, thọc đông thọc tây, "chỉ đạo" thiên hạ. Lúc nào anh cũng tỏ ra mình là lãnh tụ, chỉ huy. Ai không theo ý anh, anh "tặng" ngay cái nón cối. Có lần mình hỏi thăm "hồi đó chắc anh sĩ quan thuộc binh chủng nào ?". Anh trả lời nhỏ nhẹ " Hồi xưa mình trốn lính". Đã lâu lắm rồi không gặp, không biết giờ này anh ở đâu ?
Mới hôm lễ Độc Lập đầu tháng này, mình dẫn con đi dự lễ dưới phủ thống đốc/toà đô chính của tiểu bang. Có ông thứ truởng và mấy ông quan chức cao cấp tiểu bang đi vòng vòng ngoài bãi cỏ chào hỏi bà con, đùa giỡn với mấy đứa nhỏ, phát cờ, thẩy pie .... Một người quen bên VN mới qua, hỏi mình: "Sao mấy ông này bình dân thế ?". Mình trả lời "Xứ này người ta quan niệm làm quan chức nhà nước cũng là một công việc bình thường như công việc khác mà thôi, có khi lương còn ít hơn bên ngoài. Làm việc cho dân, lãnh lương của dân, thì chào hỏi đùa giỡn với người dân, cũng là chuyện bình thường thôi. Hết giờ làm việc, cũng là dân. Mai mốt hết làm, về hưu cũng là dân. Có gì họ phải tự đề cao phân biệt đối xử !".
Đúng là như thế. Nhưng thực ra, nói dễ dàng vậy, thấy đơn giản vậy, nhưng để có được một quan niệm tôn trọng bình đẳng trong xã hội thì quả không dễ chút nào. Bởi nó liên quan đến cả một hệ thống văn hoá giáo dục & xã hội. Nhiều chính khách, quan chức, từng diễn xuất chuyên nghiệp, rồi có lúc cũng sơ suất thể hiện cái tư duy văn hoá thực sự của mình. Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ảo giác quyền lực là do sự mất cân đối giữa quyền hành và khả năng thực sự, hoặc là hệ quả của những tiếm dụng quyền lực không công bằng. Ảo giác quyền lực càng lớn thì văn hoá ứng xử càng nhỏ !
Ông Putin hết làm tổng thống qua làm thủ tướng, hết thủ tướng lại nhảy qua làm tổng thống. Tài năng kiệt xuất như vậy, thì lỡ ứng xử sai chút, thế giới cũng nên rộng lòng tha thứ vậy :-) ....
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment
Comments: