Friday, August 17, 2018

Địa danh: Xuân Phổ



Khi nói về đặc sản xứ Quảng, người ta thường nhắc đến "Chim mía Xuân Phổ , cá bống sông Trà", nhưng chắc cũng ít người biết Xuân Phổ ở đâu.

Xuân Phổ là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh sông Trà, thuộc xã Tư thuận, nhưng lại giáp ranh với cả hai xã Tư Quang và Tư Mỹ. Đây là vùng đất được mệnh danh phì nhiêu nhất của miền tây bắc Tư Nghĩa, được tạo bởi phù sa của con sông Trà bồi đắp qua nhiều thế hệ. Cũng chính vì do phù sa bồi đắp thành, nên đất Xuân Phổ mềm xốp, màu mỡ, khác nhiều so với các vùng đất khô cằn của các làng xã lân cận. Nơi đây có những cánh đồng mía ngút ngàn, và cũng là nơi tạm trú thích hợp nhất cho những loài chim mía nổi tiếng tụ tập hàng năm. Nhưng nói về Xuân Phổ, không phải chỉ có đường mía, mà còn là một ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử kháng Nhật, và cũng là nơi cưu mang bao nhà chí sĩ cách mạng, quan chức, cho cả hai miền đất nước ngày xưa.

Muốn đi đến Xuân Phổ, bất kỳ đi từ hướng nào đều phải xuống dốc. Như đã nhắc ở trên, làng do phù sa bồi đắp mà thành, nên địa thế thấp hơn so với nhiều nơi khác, và hầu như năm nào cũng bị lụt lội. Xuân Phổ chia làm 4 xóm với từng đặc điểm riêng biệt :

Phía đông là xóm Bãi, tiếp nối với Rừng Lăng, nơi có cây Cầy Đôi, một địa danh mang nhiều huyền thoại của thời xa xưa. Gần đó có ngôi mộ Đá của một vị Tiền hiền Nguyễn tộc và lăng tẩm thờ phụng ông Bùi Tá Hán. Đi từ phía Lăng Ông lên xóm Bãi phải xuống một con dốc cao và qua cầu Tréo. Đến đây chúng ta sẽ thấy những ruộng lúa và nương mía trãi dài cho đến dọc bờ sông Trà. Đi dọc theo bãi cát này sẽ dẫn về ngọn núi Ông, cạnh đó có nhà máy đường nổi tiếng Quảng ngãi. Ngọn núi này theo tương truyền là nơi giọt máu trong cổ ông Bùi rớt ra trên đường về xứ, nên dân làng kính mến lập ngôi đền thờ trên đỉnh núi (khác với lăng tẩm chính ở Rừng Lăng), và gọi là núi Ông. Khu vực sông Trà khúc ở cuối xóm Bãi chạy dài đến núi Ông, lòng sông sâu, nước xoáy mạnh. Nơi đây vốn có nhiều điển tích về địa linh long mạch từ thời Cao Biền sang trấn yếm nước ta, nên người địa phương không dám bơi lội ở khu vực dưới chân núi này, dễ bị chết đuối. Trước năm 75 không lâu, một nhà khoa học du dọc từ Canada về, rất rành về bơi lội cũng bị chết đuối tại đây, nên càng làm cho nhiều người mê tín.
Ngày xưa xóm Bãi nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, nuôi tằm, đan tre, nấu rượu, làm thuốc lá. Sau này, vì thời buổi kinh tế khó khăn, người dân phải thay đổi làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng gìn giữ cái nghề của cha ông truyền lại, đó là nghề làm bánh tráng. Đi dọc theo bãi cát sông Trà, sẽ thấy chen chúc những giàn phơi và nhiều vĩ bánh lấp lánh. Những cô gái thoăn thoắt đôi tay tráng bánh, trãi bánh, rồi dịu dàng đội cả chồng vĩ đi phơi. Ngày qua tháng lại, công việc đã trở thành nếp sống quen thuộc, nên họ thao tác rất nhịp nhàng. Với những chiếc áo bà ba duyên dáng, thoăn thoắt ẩn hiện sau những rặng tre đằng ngà râm mát, họ đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc cho người qua đường về sự khéo léo cần cù của người dân quê Trung bộ.

Phía nam, là xóm Chợ, nơi an nghĩ của nhà yêu nước chí sĩ cách mạng Tạ Thu Thâu. Nếu đi về xóm Chợ từ phía chợ Gò phải qua cầu Ông Tổng Phúc, bắt qua một con suối bắt nguồn từ những "lò" nước nóng thiên nhiên. Dân địa phương có khi luộc gà, luộc trứng tại vùng suối nước nóng này. Những khu vực ruộng lúa chung quanh suối nước nóng thường rất tốt, có lẽ do bùn khoáng chất tạo thành. Mở ngoặc chút, dân địa phương và các vùng lân cận thường có câu vè.." Nhất ruộng đầu Cầu, nhì trâu Chúa đàn "...để nói về hai cái nhất của xứ này. Người viết bài này có may mắn được biết chút ít về tiểu sử chủ nhân của hai món nhất nhì kia. Và cũng chính vì sự giàu có của đời trước đã đem lại không ít hệ lụy cho con cháu của người chủ nhân đó sau này (vì tệ nạn lý lịch thời bao cấp). Cũng xin nói thêm, có người thuở nhỏ từng trông nom đàn trâu có con trâu Chúa đàn đó sau này trở thành một nhân vật nổi tiếng của tỉnh QN.
Nói đến những ruộng lúa dọc theo hai bờ suối này, quanh năm không sợ thiếu nước. Nông dân không cần bờ xe hay đào giếng mà chỉ cần đắp bờ be nước vào. Và có lẽ người dân ở đây hiểu rành rẽ hơn ai hết về cái đạo lý "Thượng điền tích thủy, hạ điền khan", nên họ biết chia xẻ cho nhau nguồn nước để cùng chung sống cấy cày.
Xóm Chợ có chợ Két, là cái chợ duy nhất cho cả thôn Xuân Phổ. Từ chợ Két đi lên không xa lắm, rễ trái sẽ tìm thấy mộ của chí sĩ Tạ Thu Thâu. Ngôi mộ không ai chăm sóc, lu lấp cỏ dại, bị ria xén hàng năm. Thực ra, có khi những người dân tại địa phương cũng không biết ông Tạ Thu Thâu là ai. Mà nếu có biết thì cũng ít người dám nhắc đến tên ông vì sợ phiền phức với chính quyền sở tại. Tới mùa tảo mộ tháng Chạp, một vài người có đọc hiểu qua lịch sử, thương kính Ông, ghé qua thắp vài nén hương cho người chí sĩ giàu lòng yêu nước, tài hoa bạc mệnh này. Hy vọng về sau, chính quyền địa phương sẽ có cái nhìn thông thoáng hơn, công bằng và nhân bản hơn, cho xây đắp lại mồ mả của ông đàng hoàng. Ở Saigon ngày xưa có cả con đường mang tên Ông, nhưng mồ mả nơi đây thì lại bị lu mờ, cắt xén, đáng tội !

Phía Tây Xuân Phổ, là xóm Một, nơi có bụi tre Một nổi tiếng lâu đời. Nằm cạnh bờ sông Trà, giáp ranh với xóm Một là xóm Buồng Tư Mỹ, nơi nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm của Quảng Ngãi ngày xưa. Chữ xóm Buồng có lẽ cũng xuất phát từ những buồng tằm. Xóm Một Xuân Phổ cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ của các cuộc cách mạng, trong đó có Chí sĩ Phạm Cao Chẩm. Người dân xóm này sống chủ yếu bằng nghề trồng mía đường, trồng thuốc lá, và đánh bắt tôm cá dọc theo sông Trà. Giòng họ lớn nhất của xóm này là họ Phạm, có rất nhiều quan chức cách mạng trở về sau năm 1975.

Trung tâm của Xuân Phổ là xóm Trại, hình như sau này còn gọi là xóm Hai. Xóm này tập trung những gia đình giàu có của các thời kỳ phong kiến trước, địa chủ và quan chức. Các ông Chánh, ông Xã, ông Hương...đa số xuất thân từ đây. Gia tộc lớn nhất vùng này mang họ Nguyễn, có nhiều quan lại triều Nguyễn và con cháu làm quan chức cho chính quyền miền Nam. Cũng vì lẽ đó, sau năm 75 có rất nhiều gia đình con cháu ở xóm Trại phải bỏ xứ ra đi, sống rải rác khắp nơi trong nước và ngoài nước. Cũng có nhiều gia đình đi định cư ở Mỹ theo diện H.O sau này. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mía, ruộng lúa. Nhờ vốn đất đai phì nhiêu, lại cần cù, nên cuộc sống ngày xưa của làng này có vẻ đầy đủ hơn nhiều nơi khác. Trước khi đi vào xóm Trại, phải đi ngang qua một cái "Gò Mả Vôi". Đó là một ngôi mộ rất lâu đời, không rõ có từ thời nào, được xây dựng bằng đá vôi rất cổ kính. Theo thiển ý người viết, với lối xây dựng đó, Gò mả vôi có thể là nơi an nghỉ của một nhân vật cao cấp thời Chúa Nguyễn vào Nam. Cũng có thể ông là người tiên phong khai phá vùng đất phì nhiêu này. Nhưng đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có một kết luận cụ thể nào.

Nhìn chung đời sống của xứ Bãi Dưa Xuân Phổ hiền hòa, con người cần cù siêng năng làm ăn theo các nghề của ông cha truyền lại. Vào mùa gặt lúa, mùa chòi đường, mùa đạp thuốc, hoặc đem nước mùa trăng, trai gái cũng thường ca hát đối đáp nhau những câu ca dao bài chòi. Và nhiều cuộc tình mộc mạc đã nảy sinh từ đó. Tuy nhiên, một số định kiến còn tồn tại đã làm cản trở bao cuộc tình duyên, và làm hạn chế nhiều cơ hội phát triển xây dựng chung cho làng xóm. Người viết bài này được nghe kể lại giữa giòng họ Phạm xóm Một và giòng họ Nguyễn xóm Trại ngày xưa có nhiều mâu thuẩn không hòa hợp nhau. Cũng dễ hiểu thôi ! Họ Nguyễn xứ này đa phần xuất phát từ gia đình phong kiến địa chủ, nên thời đại trước có nhiều quyền hạn hơn. Đến thời kỳ " Chín năm kháng chiến" thì ngược lại, các quan chức Việt Minh họ Phạm lại có nhiều quyền bính hơn. Rồi tới thời hậu 54, con cháu các địa chủ quan lại họ Nguyễn có điều kiện đi xa hơn, đỗ đạt hơn. Trong khi đó các bà con họ Phạm lại đi tập kết, hay đi làm cách mạng "nhảy núi". Và cứ thế lịch sử xoay vần, sau năm 75, con cháu họ Phạm lại trở thành các quan chức lớn. Thực ra, chuyện đó cũng là quy luật bình thường của cuộc sống. Trên bình diện xã hội, con người chỉ là những sản phẩm của các giai đoạn lịch sử. Đất nước thì trường tồn, còn chế độ hoặc thể chế chính trị chỉ mang tính giai đoạn. Lịch sử đã xảy ra, dĩ vãng không thay đổi được. Sự thù hận hay đố kỵ, chỉ làm cho con người nhỏ nhen vị kỷ, tầm nhìn hạn hẹp, xoay quần trong những tranh chấp nhỏ nhoi với bà con xóm giềng. "Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau !". Đúng vậy, người có lòng vị tha, có cái nhìn chung cho đại cuộc, sẽ đem lại lợi ích cho dân cho nước của mình. Người ngồi đó bới tìm dĩ vãng, xoi mói tị hiềm, ghen tị hơn thua, sẽ khơi mào những mâu thuẩn không cần thiết, và chắc chắn sẽ không đem lại lợi ích gì cho xứ sở quê hương. Thiết nghĩ, cũng đã tới lúc ta nên nhìn rõ lại cái nhân bản tốt xấu, để cần thiết lọai bỏ những thành kiến nhỏ nhoi và hệ lụy lâu đời. Suy cho cùng, chính những phân biệt, thành kiến nặng nề và những so đo tị hiềm đã làm trì trệ sự phát triển chung, tạo ra những nặng nề trong cuộc sống hiện tại, mà e rằng bao đời sau cũng khó vươn lên được !

Ngoài 4 xóm kể trên, Xuân Phổ còn có một xóm nhỏ nữa gọi là xóm Làng, nằm giữa xóm Bãi và xóm Chợ. Mặc dù có nhiều câu chuyện lịch sử bắt đầu từ đây nhưng vì xóm Làng nhỏ bé quá so với các xóm khác nên ít được nhắc đến.

Nói về Xuân Phổ, mà không nói về nghề đường mía là một thiếu sót lớn. Ngày xưa những cánh đồng mía bạt ngàn, đến mùa thu hoạch những chòi mía mọc lên khắp nơi. Đi đến đầu làng đã nghe mùi đường, mùi chè hai thơm lừng trong gió. Đường muỗng đắp bùn, đắp chuối, đường cục, đường cáu, đường dẻo, đường trứng cá, đường đinh, đường đáy, đường mật, đường sệt… có nhiều loại đường được sản xuất tại đây. Có cả những món phụ gia như nước chè hai, khoai lang ngào, bánh tráng nhúng đường ...nổi tiếng. Đến mùa mía đường cả thôn, rộn ràng tấp nập những con buôn, trai đinh gánh gồng đùa giỡn, thợ nùi tất bật, xen lẫn tiếng nghé ọ của bầy trâu, tiếng kẽo kẹt của những ông ché trui trũi, càng làm tăng phần sinh động của làng quê.

Đặc biệt về gần tháng Chạp, những đàn chim di trú tập trung về đây. Những con chim chéo, chim én, chim dồng dộc, ổ già, se sẻ.. chiều chiều bay lượn rợp mãi lên tận xóm Buồng xóm Bãi. Làng xóm xôn xao những cuộc đuổi chim, đánh rập ủ, đánh sào, đánh vó... càng làm đậm đà cái hồn quê của một làng mía đường Trung bộ. Và cũng chính vì đó, nơi đây được nổi tiếng một thời với cái đặc sản "chim mía Xuân Phổ". Thời đệ nhị cọng hòa- sau năm 1963- Xuân Phổ bị tàn phá ác liệt, đào hào đắp vi, người dân bỏ xứ tản mác khắp nơi. Làng quê hoang phế, nhà cửa vườn tược cháy hết, chỉ còn là nơi căn cứ hoạt động cách mạng và là bãi chiến trường cho những cuộc giao tranh càn quét. Đi trên máy bay nhìn xuống chỉ thấy cả rừng tranh ngút ngàn chen lẫn những đám tre rậm rạp. Phải đến sau năm 1975, vùng đất này mới được khai thác trở lại. Tuy nhiên dưới hình thức kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, ngành đường mía của Xuân Phổ cũng không có cơ hội tìm lại được những bản sắc ngày xưa.

Một đặc điểm nổi bật nữa của Xuân Phổ là sông nước. Giòng sông Trà Khúc đi ngang qua xóm Trại, được rẽ làm hai. Một nhánh sông nhỏ trong veo chảy vòng tạo thành một cù lao thật dài gọi là Bãi Bói. Bên kia con sông lớn là Phước Lộc thuộc về Sơn Tịnh, nơi nổi tiếng những bờ xe và những nương bắp ngút ngàn. Khúc sông Trà chảy qua Xuân Phổ không sâu lắm, trước trong leo lẻo. Mùa nước cạn, có khi nhìn thấy đáy. Bãi Bói là một di sản đáng quý của Xuân Phổ, trên cù lao có rất nhiều cây bói, giống như cây sậy nhưng mềm hơn, thân như cây mía lau, bò trâu rất mê món này. Ngoài ra trên cù lao có rất nhiều cây đu đủ tía, nếu sau này địa phương có những dự định kinh tế khá hơn, có thể khai thác giống cây này trong công nghệ sinh học. Hàng năm, làng không cho ai ra đây đốn phá, chỉ để dành cho mùa Tết Nguyên Đán. Tết về, trong khi mọi gia đình đều bận bịu lo ăn tết chúc tụng, đá gà, đánh bạc.....thì những đàn trâu bò cũng được tập trung về ăn Tết trên bãi Bói, như là một ngày hội lớn cho trâu bò cả xứ. Buổi sáng cứ lùa cả bầy ra bãi bỏ đấy, tối ra đi kiếm lừa về, khi lười thì cứ bỏ qua đêm. Bãi Bói cũng như ở Côn Đảo, chung quanh là nước, nên trâu bò cứ yên tâm ăn no rồi ngủ. Mùa xuân bãi Bói cũng là mùa cho những hậu duệ Đinh Bộ Lĩnh trổ tài thi thố len trâu qua vũng, qua sông. Và đó cũng là mùa cho những chú nghé "bóc têm" trở thành bò đực, các nàng nghé tập tễnh thụ thai. Và đó cũng là mùa của các cuộc chọi báng ác liệt bằng xương máu để dành chức chúa đàn, chức lãnh đạo tối cao của những con trâu chiến, bò đực. Dĩ nhiên trong lúc trâu bò báng nhau ác liệt vòng trong, thì các ông chủ nhỏ cũng say sưa hò hét võ mồm hoặc đập nhau tưng bừng ở vòng ngoài. Có thấy tận mắt mới hiểu được ý nghĩa của việc thương trâu thương bò như thể anh em !

Xuân Phổ ngày ấy, với giòng sông êm đềm, bãi cát trắng mịn màng đầy ắp bãi dưa nương bí. Đường làng gọn sạch êm mát giữa những lũy tre đan kín, ở trên máy bay nhìn không xuyên thấu được. Dân cư tấp nập đầu thôn cuối xóm, nhà cửa vườn tược tươm tất. Mùa xuân nhà nào cũng rực rỡ hoa cúc, thược dược, hoa hồng, hoa mai… Rồi thì lô tô, đá gà. Mùa hè thì đường mía thơm lừng. Mùa thu thì đuổi cút, cốm rang, gặt nếp, nước lụt, vớt củi, bắt dế. Mùa đông nấm mối, trồng hoa, gieo mạ ... Ruộng lúa màu mỡ, nương mía hiền hòa. Đất lành chim đậu !

Còn Xuân Phổ ngày hôm nay ra sao? Những cánh đồng khô ngày mỗi cạn dần. Những cánh đồng mía cũng không còn nữa. Nhiều thanh niên trai tráng bỏ làng tha phương cầu thực, chỉ còn những lao động già nua trụ lại. Hợp tác xã thất bại. Ruộng vườn của những người từng đóng góp coi như mất trắng, vì nay đã thuộc về người khác. Vật đổi sao dời, hồn ở đâu bây giờ?

Nhưng suy cho cùng, quê hương bao giờ cũng chỉ là những gì còn lại trong tâm tưởng. Ngôn ngữ chắc chắn sẽ không bao giờ diễn tả được hết cái vẻ đẹp, cái hồn quê bất tận của một thời, mà nay đã trở thành dĩ vãng !

(Người viết bài này chỉ mạn phép viết lại những gì đã biết về một làng quê ven bờ sông Trà QN có nhiều đặc điểm thú vị. Chắc chắn có nhiều bậc đàn anh biết nhiều hơn về địa danh này, xin vui lòng chỉ dạy và đóng góp thêm.)

PN

No comments:

Post a Comment

Comments: