Saturday, August 25, 2018

Vu Lan và tháng Cô hồn



Ngày mai rằm tháng 7. Người VN ta bao lâu nay vẫn quen thuộc với ngày lễ Vu Lan, với Kinh Vu Lan Bồn (Yulanpen Sutra) & câu chuyện bồ tát Mục Kiền Liên (Mulian/Moggallana) tìm cách cứu Mẹ. Tháng Bảy là mùa báo hiếu, nhưng cũng là tháng cô hồn, là mùa "xá tội vong nhân". Những chiếc lồng đèn trên sông, những vòng hoa tinh khiết, những đóa sen nguyên nụ, những bó hoa huệ hoa cúc tươi rói, đủ loại bánh trái, trầm hương, nhang đèn hoa quả ...đăng dâng như ngày hội lớn. Những bài hát, bài thơ về Mẹ về Cha, và những bông hoa đỏ hoa trắng được cài trên áo như một thông điệp nhắc nhở hàng năm về đấng sinh thành (lệ cài hoa này là do thầy Nhất Hạnh mới đem về VN vào những năm 60).

Thực ra, mãi cho đến ngày hôm nay, câu chuyện về nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan vẫn còn là những dấu hỏi. Có những nghiên cứu không đồng nhất giữa PG Đại Thừa (Mahayana) và Tiểu Thừa (Theravada). Nhiều người cho rằng lễ Vu Lan bắt nguồn từ PG Đại Thừa, xuất hiện khoảng thời gian gần 800 năm sau thời Đức Phật tại thế. Theo Phật giáo Trung Hoa, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ là người dịch Vu Lan Bồn kinh (Yulanpen Sutra) đầu tiên vào đời Tây Tấn, khoảng thế kỷ thứ 3 sau CN. Đến đời sau, một bản dịch khác xuất hiện với tựa đề là "Phật Thuyết Báo Ân Phùng Bồn Kinh", nhưng không rõ người dịch. Mặc dù ở Ấn Độ, khi Đức Phật còn tại thế, con cháu của những người qua đời cũng đã thực hiện nghi lễ cúng dường Đức Phật và chư Tăng như kể trên, nhưng không rõ nét để chứng minh là điển tích Ngài Mục Kiền Liên và kinh Vu Lan bồn (Yulanpen Sutra hoặc Ullambana Sutra) tồn tại vào thời bấy giờ.

Một số học giả phương Tây từng nghiên cứu Phật giáo thì cho rằng câu chuyện bồ tát Mục Kiền Liên mang tính triết lý biểu tượng về ý nghĩa "cọng nghiệp" & sức mạnh của "bá tánh", chứ không hề mang ý nghĩa "cứu độ" và "thần thông". Bởi PG nguyên thể luôn chủ trương tự tu, tự sửa, tự diệt khổ, tự giác ngộ, và tự giải thoát cho chính mình.

Sau khi Vu Lan Bồn du nhập vào Trung Hoa, Lương Vũ Đế là vị vua đầu tiên xuất gia và cũng là người đầu tiên cúng Vu Lan Bồn vào năm 538. Sau đó lễ này được truyền khắp Trung Hoa rồi truyền qua Việt Nam. Theo Đại Việt sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu Lan bồn du nhập vào nước ta rất sớm. Năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng thiết trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Thế rồi, qua thời gian, Vu Lan bồn dần dần trở thành đại lễ cho đến ngày nay.

Còn những người nghiên cứu PG Tiểu thừa (Theravada) lại nói về Vu Lan có liên quan đến những câu chuyện giáo lý của Đức Phật và đệ tử của Ngài khi giải thích về vong hồn, tái sinh ..vv. Từ đó những câu chuyện về cứu rỗi, đầu thai, vong hồn, ma qủy, xá tội vong nhân (Petavatthu) được lưu truyền ở nhiều nước châu Á như Cambodia, Lào, Thái Lan, Sri Lanka, Singapore, Mã Lai .... Những câu chuyện này không liên quan đến chuyện của Ngài Mục Kiền Liên. Do vậy, hàng năm những nước này cũng có tổ chức ngày Lễ Cô Hồn (Hungry Ghost Festival/Ghost Festival) nhưng không mang ý nghĩa mùa báo hiếu như ở VN.

Cho dù thế nào chăng nữa, thì Kinh Vu Lan Bồn và câu chuyện báo hiếu của Bồ Tát Mục Kiền Liên là một câu chuyện kinh điển PG, một bài học rất đáng trân trọng, và một tục lệ văn hoá đáng được truyền tụng và duy trì trong cuộc sống.

Người VN ta lâu nay theo truyền thống kết hợp cả hai lễ hội vào chung tháng 7, mùa lễ Vu Lan báo hiếu và tháng cô hồn. Rằm tháng 7 thì chùa chiền nào cũng lễ lộc đầy đủ, nghi lễ đàng hoàng. Cúng thí, cầu siêu, cầu an, phóng sanh, hoan hỉ cúng dường rầm rộ. Tháng 7 AL cũng là tháng cuối mùa An Cư Tự Tứ của chư Tăng PG, nên càng đông đủ tăng ni tề tựu về chùa. Nhiều chùa bây giờ còn sáng tạo hơn xưa, tháng Bảy tổ chức văn nghệ, hát hò, nhảy múa, tân nhạc cổ nhạc. Có chùa còn mời Thầy về tổ chức giảng pháp, pháp thoại, ăn chay tụng niệm, hành hương tu tập ...v.v.

Chuyện đi chùa cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên, để thể hiện hiếu nghĩa, tỏ lòng biết ơn, báo hiếu cha mẹ, thì quá rõ ràng và đáng qúy rồi. Nhưng còn chuyện cúng thí, cúng cô hồn, ngưng buôn bán, đình công ăn việc làm, kiêng cử, sợ xui, sợ phạm ...thì mình không hiểu lắm. Nhiều lúc về quê đi chùa, đi cúng, thấy có nhiều mâu thuẩn rất lạ. Nhưng nghĩ lại đó cũng là một nét văn hoá đặc thù và đức tin của con người. Đâu dám nói là ai đúng ai sai ?

Nhiều người cúng cô hồn chết nhưng sợ cô hồn sống, cô hồn chết chưa hưởng thì cô hồn sống đã thỉnh rồi. Nhiều người suốt năm suốt tháng cầu nguyện người thân siêu thoát, nhẹ nhàng, về cõi niết bàn. Nhưng tháng 7 đến thì lo mua đồ mua đạc cúng đốt  gởi xuống âm phủ. Nhiều người hồi sống không lo nỗi cho cha mẹ người thân, nhưng khi người chết rồi, lại rộng rãi hẳn ra. Xe hơi, nhà lầu, điện thoại Vertu, karaoke, chân dài, osin, rượu ngoại, đô la .... không ngại mà đốt. Thử nghĩ lúc trên dương gian đã vất vả kiếm tìm chân dài chân ngắn, xe hơi nhà lầu, vật chất hơn thua... bây giờ xuống dưới chắc gì họ lại muốn mang nặng gánh gồng đeo đẻo trên vai. Sức đâu nữa mà chân dài chân ngắn, bia ôm, karaoke. Nhiều người một mặt lo sợ người thân ở dưới không đủ khả năng tậu đủ cơm no áo mặc, nên cúng đốt hậu hĩnh. Mặc khác lại nghĩ họ quyền năng, xin phù hộ giúp đỡ trúng số, thắng độ, ăn nên làm ra. Nhiều người cứ mỗi năm đốt xe đời mới, điện thoại xịn, TV tủ lạnh, áo quần túi xách hàng hiệu ... làm người thân ở dưới phải lo đi học thêm công nghệ, cách xử dụng. Nhiều người đốt cả sách tiếng Anh, tiếng Tây, passport, visa, cho người nhà đi xuất ngoại. Không chừng có ông còn đốt cả sách chính trị cao cấp, kinh tế chính trị Mác Lê cho người nhà ở dưới học làm quan, bồi dưỡng nghiệp vụ, chứ chẳng đùa. Còn tiền thì đủ loại từ tiền âm phủ, đến tiền đồng, tiền đô, euro ... Xuống dưới không có nhà bank, hối đoái bất ổn, lại phải mua vàng mà cất, muốn đi đâu cũng không yên lòng. Phóng sanh làm phước thì có khi con chim con cá bắt đi thả lại cả chục lần, khờ khờ khạo khạo, bay không muốn nỗi, bơi đi lờ đờ. Hàng ngàn kiểu cúng, kiểu đốt, kiểu khấn vái, kiểu hoá vàng ... nhưng đó cũng là những tấm lòng. Mỗi người có cách nghĩ riêng và đức tin riêng của mình, bất khả xâm phạm. Thực ra có khi cúng kiến hoành tráng, mâm cao cổ đầy, rình rang hàng xóm, liền chị liền em như thế, thì cũng không ai biết người chết có được "hưởng" không, nhưng chắc chắn người sống sẽ cảm thấy thoải mái & an lòng hơn. Mà lý lẽ cuối cùng của việc cúng dường, làm thiện, rồi cũng quy về ý nghĩa đó.

Mình cũng thường đi chùa vào mùa Vu Lan. Nhìn thiên hạ chen chân, khói nhang nghi ngút, lễ vật cao đầy. Ăn bữa cơm chay, nghe bài nhạc đạo, đọc thời kinh tụng, nhớ về ông bà cha mẹ, cũng thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản hơn. Thỉnh thoảng có nghĩ đến ông Cát Nhu ngoài quê mình. Thời đó, ai cũng biết ông này. Người thấp lùn nhỏ bé, nghèo đói, chân ống cao ống thấp, rách trước rách sau, đi xin ăn về nuôi Mẹ. Trẻ con chọc ghẹo ông, người lớn cười nhạo ông, có đứa còn ném đá vào người ông rồi chạy. Nhưng dường như cái quan trọng nhất đối với ông là nuôi Mẹ, ngoài ra chả có gì ý nghĩa. Bao nhiêu năm tháng, nắng mưa bão lụt không quản, cực khổ không ngại, mặc cho thiên hạ chê bai, chửi mắng chế nhạo, có đồ ăn là để dành đem về cho Mẹ. Sau khi Mẹ ông chết đi, ít ai còn gặp ông ấy nữa. Có người nói sau khi chôn cất mẹ, ông đã bỏ đi xa. Cũng có người nói ông ngồi bên mồ của mẹ khóc riết rồi chết (lúc đó chỉ nghe đồn vậy, không ai kiểm chứng). Mình cứ thắc mắc Vu Lan ông đã cúng gì cho Mẹ ?



No comments:

Post a Comment

Comments: