Trước hết cũng nên biết là ở Mỹ, chương trình giáo dục chủ yếu dựa vào quyết định của chính quyền tiểu bang, quận hạt, chứ không phải là của chính phủ liên bang. Không có chương trình giáo dục chung cho cả nước, không sách giáo khoa chung, không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chung, không cải cách chung ... Nên sẽ không ngạc nhiên lắm khi có ông bà VK này nói chỗ tui trường dạy như thế này, người khác lại nói con tui học như thế khác.
Nói đến chuyện hội, họp phụ huynh ở Mỹ, mình thấy họ làm việc hay và thực tế, đáng học hỏi. Nhưng dĩ nhiên là những nước như VN sẽ không dễ dàng học theo cái hay chỗ khác được, vì còn rất nhiều cơ chế chằng chịt. Vả lại cũng chưa chắc là chấp nhận thiên hạ ưu việt hơn mình. Ví dụ như muốn làm theo cách lập hội phụ huynh ở Mỹ thôi, thì cũng sẽ phức tạp lắm rồi. Lập hội đoàn sinh hoạt, thì cũng phải cần quy trình, đơn kệ, xét duyệt của bộ giáo dục cho phép thuận chủ trương, chính sách. Có khi còn phải lên cả bàn nghị sự quốc hội, trình tbt, thủ tướng chính phủ, chứ chẳng vừa. Nếu không, công an cho là vi phạm luật hội đoàn, tập trung trái phép, thế lực thù địch, cấm đoán. Báo chí lề phải lề trái sẽ nhảy vào, đứa nói đúng, đứa nói sai, đứa thổi phồng, đứa bóp méo, đứa nịnh đầm vu khống, đứa hù doạ vu vơ, đứa đâm thuê chém mướn, đứa tát nước theo mưa... rối cả lên. Mạng xã hội thì nhiều khi nghe chữ được chữ mất, không cần kiểm chứng phân tích, cứ thế mà like, mà phát tán, mà bàn đề, luận trạng, thánh phán. Không lâu, tất cả sa lầy mê hồn trận, người nghe chẳng biết đúng sai, đầu đuôi ở đâu. Dông dài nhưng đó vẫn là những chuyện thường có thể xảy ra !
Trở lại chuyện hội phụ huynh học sinh của các trường phổ thông ở Mỹ. Mỗi trường đều có hội PTA/PTO (Parent-Teacher Association/Organization), bao gồm phụ huynh và thầy cô giáo. Nhiều trường cấp 3 còn cho cả học sinh tham gia thành ra hội PTSA (parent-teacher-student association). Hội này sẽ là cầu nối liên lạc giữa gia đình và nhà trường, tổ chức các sự kiện lễ hội, hoạt động xã hội, thể thao, văn nghệ, hổ trợ cho sinh hoạt học đường. Phản ảnh ý kiến của cha mẹ và địa phương đến với nhà trường. Ngoài ra hội này cũng tổ chức tham gia vận động bán hàng, văn nghệ, kêu gọi đóng góp của phụ huynh, để gây quỹ điều hành và thực hiện tôn chỉ mục đích phục vụ học sinh và thầy cô giáo. Ở nhiều địa phương, các hội đoàn này rất mạnh, đã góp phần lớn trong công cuộc giáo dục và kết nối cộng đồng. Nếu phụ huynh nào có điều kiện thì tự nguyện tham gia điều hành, hoặc thiện nguyện đóng góp, không bắt buộc.
Còn họp phụ huynh là cơ hội để cha mẹ gặp mặt với thầy cô giáo dạy con mình, không nhất thiết có liên quan gì đến hội PTA/PTO. Năm nào cũng có, có khi năm gặp vài ba lần. Cũng không bắt buộc, cứ thông báo về nhà, cha mẹ nào quan tâm thì đi, không thì thôi. Nhiều phụ huynh con em mới nhập cư, trở ngại về ngôn ngữ, hoặc phải đi làm lụng nhiều, nên cũng ít tham gia. Mình có quen một số gia đình VN, chưa bao giờ đi họp hành phụ huynh, nhưng rồi "đời mình cũng qua". Nhiều trẻ tự biên tự diễn rồi cũng thành đạt, có khi còn trở lại dạy cho cha mẹ hiểu biết thêm về đời sống & văn hoá xứ người. Thời mới đến Mỹ, nhiều gia đình có con em bỏ học, kết bè kết nhóm, cả năm chưa biết, vì mãi vất vả kiếm sống mưu sinh, gởi tiền về quê nhà. Đến khi cảnh sát hoặc nhân viên xã hội đến nhà mới biết, rất đáng thương. Thực ra, những buổi họp phụ huynh này rất quan trọng, nếu mình muốn biết con cái được dạy dỗ như thế nào. Thầy cô thường sẽ trình bày những phương thức, nội dung chương trình, và cách dạy của họ. Cũng như cách cho điểm, cách thưởng phạt, cách liên lạc chặt chẽ giữa thầy cô và phụ huynh để hổ trợ con em học sinh trong năm. Đó cũng là dịp cho cha mẹ và thầy cô trao đổi những quan tâm cụ thể về từng cá nhân học sinh hoặc thắc mắc của phụ huynh. Đặc biệt là không "phong bì" nghen :-).
Phụ huynh xứ này có thể tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi giáo trình và cách dạy. Dĩ nhiên là được sự đồng thuận từ thầy cô giáo hoăc hội đồng (board). Cũng có nhiều cha mẹ không đồng ý với các giáo trình, tài liệu hoặc phim ảnh mà thầy cô xử dụng trong dạy dỗ, thì có quyền phản đối và không cho con tham gia. Không đồng ý nữa, thì kiếm trường khác hoặc đem con về nhà tự dạy cũng được (homeschooling). Những chuyện như thế này thì khó mà thực thi được ở quê nhà. Nhiều người ở VN rất sợ làm "mất lòng" thầy cô giáo. Chuyện "nói không" với nạn tiêu cực thôi, mà bao đời bộ trưởng đã bó tay rồi. Nhiều bậc cha mẹ cứ đưa cái phong bì rồi giao trứng cho ác, mà không biết con mình sẽ học những gì, tròn vuông hay tam giác ! Ngay cả trường quốc tế ở VN cũng vậy. Không biết bây giờ có tiến bộ hơn chưa, chứ lúc trước nhiều trường cứ mướn giáo viên bừa bãi, nhất là những trường "quốc tế" trá hình. Cứ tây, cứ nước ngoài, xí xô xí xào, là mướn vào. Nhiều "thầy cô" chưa từng qua trường lớp sư phạm hoặc kinh nghiệm dạy dỗ nào. (Nên lưu ý là ngay cả những người tốt nghiệp sư phạm tại Mỹ cũng phải qua thời gian thực tập, phụ lớp, rồi mới được đứng lớp. Dạy lớp nhỏ càng khó hơn). Thế nhưng ít có phụ huynh nào dám lên tiếng sửa sai, hoặc ý kiến ý cò. Do vậy, cũng không hiếm lắm những câu chuyện chất lượng giáo dục dở khóc dở cười !
Mới hôm tuần rồi, mình đi họp phụ huynh cho con. Đứa con có ghi tên học lớp lịch sử "Lessons in Vietnam" (tạm dịch: Những bài học ở Việt Nam). Ông giáo thấy mình đầu đen, da vàng mũi tẹt, hỏi thăm có phải là người VN không ? Thế là cuối giờ họp, tha hồ rôm rả chuyện Việt Minh, Việt Cọng, Cọng Hoà, OSS, Tân Trào, Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Hiệp định Sơ Bộ 1946, Geneva 1954, Paris 1972 ....
Thấy ông thầy mê VN thế, mình nói - Thầy nên để dành tiền mà đi thực tế VN một chuyến. Dĩ nhiên bây giờ không còn những thứ của trước năm 1975 mà thầy đã từng đọc. Nhưng vẫn còn đó văn hoá nón lá(*), phở, cafe ...và những ngổn ngang mơ ước của một dân tộc. VN ngày nay đã có những ngôi tháp cao nhất, những cây bánh tét dài nhất, những tượng đài lớn nhất, những cáp treo dài nhất, và quan trọng nhất là như Bùi Giáng nói ....Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương .... :-) .
(*) theo cựu BT Văn hoá HTA
No comments:
Post a Comment
Comments: