Tuesday, September 04, 2018

Tản mạn : Học & hành ..



Giáo dục lâu nay luôn là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới. Là tiên phong dẫn dắt mọi sự tiến bộ trong đời sống con người & xã hội, nên giáo dục lúc nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo và cải tiến hợp thời, hợp lý. Ngày nay thiên hạ phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục cổ điển (traditional education), và hệ thống giáo dục hiện đại (modern education). Dĩ nhiên là hệ thống giáo dục cũ cũng có những cái hay nhất định của nó, nhưng có rất nhiều thứ không còn hợp thời và hiệu quả nữa.

Nền giáo dục ở VN hôm nay là tiêu biểu của hệ thống giáo dục cổ điển. Thậm chí đến nay vẫn còn chật vật khó khăn để hoàn chỉnh những yêu cầu tối thiểu của hệ thống cũ kỹ đó. (In traditional education all students are lumped together under one instructor, and basic subjects read, write, arithmetic. Individuality is not promoted. There was a certain passing number upon entrance exams to determine if students are 'normal.' Different learning styles, social disorders, and mental illnesses were not what the Broad of Education considered appropriate behavior. This is probably where bullying others that are different originated.)

Ngược lại, rất nhiều nước trên thế giới đã đi quá xa trong lãnh vực giáo dục. Nên nhiều lúc mình cũng rất ngạc nhiên là có một số bạn ở VN ra nước ngoài học thêm (cho dù là Fulbright, hoặc tu nghiệp hoặc chính quy), nhưng khi về nước nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ngành, lại không phát huy được những tiến bộ đó. Cơ chế ư ? hy vọng không phải là câu trả lời này !
Cũng có thể là được ra nước ngoài học, nhưng lại không có điều kiện ứng dụng hoặc đi làm để có những va chạm & kiến thức thực tế. Cũng có thể đi tu nghiệp quá ngắn hạn, ngôn ngữ bất đồng, ráng học hành cho đạt yêu cầu thì đã ngốn hết thời gian để nhìn trước ngó sau rồi. Hay là có tiếp thu cái hay cái mới, nhưng ba lô "cái cũ" sau lưng nặng quá, nên khó mà gỡ ra được.... Dẫu thế nào thì cũng là điều đáng tiếc !

Trở lại chuyện "modern education". Ví dụ như ở Mỹ, một trong những nước dẫn đầu thế giới về giáo dục, nhưng chuyện học hành con trẻ ở cấp phổ thông mỗi ngày mỗi khác, mỗi trường mỗi khác, mỗi quận mỗi khác. (Modern education consist of choices, online, independent, education intervention. Social groups are diverse, students can be a cool nerd, jocks can be on the honor roll, people from two different styles walks of life can find common ground and become friends. College is an option for students willing to work hard for scholarships, there are choices).

Cả nước Mỹ cũng chẳng phải theo bộ sách giáo khoa nào, mỗi nơi dạy mỗi khác, tuỳ quận, tuỳ tiểu bang, tuy có dựa trên những chuẩn mực nhất định. Con cái học ở nhà cha mẹ tự dạy cũng được (homeschooling). Trường tư cũng được, trường công cũng xong. Nhiều cha mẹ, phụ huynh, hoặc nhóm thân hữu tự lập trường dạy con em theo hướng của mình cũng được, hoặc dạy chuyên, miễn sao tuân thủ các yêu cầu tổ chức và đào tạo, thì chính phủ trả tiền (charter school). Còn trường lớp vận hành thì cũng khác nhau đủ kiểu sáng tạo. Nhiều trường bỏ hẳn homeworks (bài tập về nhà), có trường chỉ dạy thực tập và bài tập ở trường, học sinh về nhà tự học lý thuyết. Có trường dạy chuyên thêm công nghệ kỹ thuật, hội hoạ, ngôn ngữ ... Có trường tiểu học bỏ hẳn bàn ghế, cho học sinh ngồi dưới đất, mệt thì nằm dưới sàn luôn. Có trường học muộn về trễ cho học sinh đỡ buồn ngủ, có trường khai giảng sớm, có trường nghỉ hè trễ ...v.v.. Nói chung đủ kiểu sáng tạo, nhưng cứ thế mà họ tiến lên, tiến nhanh, tiến mạnh, trở thành những đất nước hàng đầu trong công cuộc thay đổi thế giới nhân loại !

Có thể là bao lâu nay những nước như Trung quốc, Việt Nam ... đi theo cách học từ chương. Do ảnh hưởng nền giáo dục phong kiến cổ điển, thuộc tính lâu đời, nên nhiều quan điểm rất khó thay đổi. Rồi thuộc địa chiến tranh, ảnh hưởng nền giáo dục chính phủ bảo hộ của Pháp. Cho đến thời Liên Xô, TQ ... thì lại càng chồng chất chuyện chính trị & ý thức hệ. Thậm chí nhiều môn học liên quan chính trị, đảng phái, mang tính tuyên truyền, còn kéo dài cho đến ngày nay. Xưa nay, nhiều người vẫn quan niệm tri thức giáo dục là phải đến từ học đường, "không thầy đố mày làm nên". Cứ cho rằng bằng cấp là thước đo kiến thức, nên cứ bằng cấp cao là kiến thức rộng. Bởi thế cứ mãi mê thi cử và tôn thờ bằng cấp, mà không sao thoát nỗi cái mặt trái tiêu cực của nó. Càng không thoát ra được tính giáo điều và những thói quen gởi gắm mua bán trong các hình thức thi cử bằng cấp, cũng như nạn từ chương học gạo trong một số chương trình. Nhiều trường, nhiều học sinh vẫn còn quan niệm dạy & học là để lấy bằng kiếm việc, thăng chức, chứ không phải để ứng dụng vào thực tế đời sống. Giáo trình, sách giáo khoa vẫn mang nặng tính lý thuyết, từ chương, đánh đố, theo quán tính, nhưng lại thiếu hẳn thực hành và tính ứng dụng. Tuy những năm gần đây, giáo trình có nhiều thay đổi và cải tiến, nhưng khoảng cách vẫn còn khá xa so với thực tế nhu cầu đời sống.
Cho đến hiện nay, đại đa số vẫn quan niệm chỉ có con đường đi học mới thay đổi vận mệnh được, càng bằng cấp cao thì tương lai càng sáng lạn, làm quan làm tướng. Tuy nhiên thực tế thì không hẳn là như vậy. (Ở đây không bàn đến các vấn nạn lý lịch, hạt giống đỏ đen, con ông cháu cha, đút lót cửa quyền, lợi ích nhóm ...). Một số ít bậc cha mẹ vẫn còn quan niệm bắt con đi học ngành này ngành kia là để có tiền, nở mặt nở mày, chứ chưa chắc tìm hiểu con mình có thực sự đam mê hay thích thú công việc đó hay không ? Nên cũng có nhiều trường hợp học sinh châu Á bị áp lực và khủng hoảng tâm lý vì phải đi theo những chọn lựa không phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Và cũng bởi vì quá xem trọng bằng cấp mà lại không quan tâm nhiều đến kiến thức thực thụ, cũng như đạo đức tư duy của nhân sự, nên nạn bằng giả bằng mua tràn lan. Ngay cả một số các ông hiệu trưởng, trưởng khoa, những người có trọng trách giáo dục, mà cũng vướng vào bi kịch đấy, thì làm sao đào tạo được một thế hệ sau công bằng và học hành nghiêm túc hơn ?

Trong khi đó, những nước văn minh hơn, họ quan niệm thông thoáng hơn, nhẹ nhàng hơn, và thực tế hơn. Họ cho rằng sự giáo dục hình thành từ những hiểu biết được dạy dỗ trong cuộc sống hàng ngày, thông qua nhu cầu tồn tại và phát triển của đời sống thực tế. Trình độ và kết quả khác nhau là tuỳ theo cơ hội và khả năng cũng như tính cách của mỗi con người. Giáo dục luôn được kết hợp từ nhiều yếu tố trong cộng đồng xã hội, trong đó có vai trò của trường học. Tri thức có thể đến từ nguồn giáo dục khuôn mẫu chuẩn mực (formal), và không khuôn mẫu (informal). Trường học là một trong những phương tiện đào tạo của nền giáo dục khuôn mẫu (formal education). Mặt khác, tri thức có thể đến từ những phương tiện khác nhau, đúc kết từ nhiều nguồn trong cuộc sống thực tế, kinh nghiệm bản thân, quá trình công việc, kể cả những công việc tầm thường & cơ cực. Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải giá trị định đoạt duy nhất. Cho nên ở Mỹ là nơi có nhiều nhất các ông tỉ phú, nhà phát minh, nhà khoa học, mà không có bằng cấp. Kiến thức do tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi mà có được. Thời đại bây giờ thì ngày càng nhiều những chương trình học từ xa, tự giác, tự thi, tự học, tự nghiên cứu ..v.v. Thước đo là kinh nghiệm, là giá trị đóng góp và thành quả cống hiến (có bằng chứng, kiểm chứng hẳn hoi). Ví dụ khi xin đi làm, lúc mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì người tuyển dụng lưu ý đến học trường nào, bằng cấp gì. Nhưng khi đã ra đời đi làm rồi, thì người ta quan tâm đến kinh nghiệm, thành tích, và giá trị đóng góp nhiều hơn. Đại đa số là vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường cũng không đánh đồng bằng cấp và giáo dục. Bởi lẽ đại đa số vẫn hiểu rằng bằng cấp & học thuật chuyên môn tuy quan trọng, nhưng không bảo đảm được giá trị của một con người. Mà chính sự giáo dục kết hợp giữa xã hội, gia đình, và trường học, mới tạo nên tư cách, ứng xử văn hoá, và tư duy của con người. Nhiều người không có cơ hội học hành lên cao, nhưng tư cách ứng xử, đạo đức, và sự đóng góp của họ cho xã hội thật đáng trân kính và ghi ơn. Ngược lại cũng không hiếm những vị có bằng cấp học vị cao, nhưng lại lợi dụng điều đó để làm nhiều điều xằng bậy, gây hại cho bao kẻ khác, thậm chí gây hại cho cả đất nước quốc gia. Đương nhiên là nếu có được cơ hội học hành đàng hoàng ở một nền giáo dục văn minh, xã hội dân chủ bình đẳng, kiến thức tương xứng với bằng cấp, thì bao giờ cũng là điều tốt nhất. Cơ hội tiến thân dễ dàng hơn. Tuy nhiên nếu không có được những cơ hội đó, thì cũng không phải là đường cùng trong cuộc sống.

Albert Einstein nói  “Education is that which remains, if one has forgotten everything one learned in school.” (Tạm dịch: Giáo dục là những thứ còn lại sau khi người ta quên hết những điều đã học từ học đường ". Mark Twain thì nói ” I have never let my schooling interfere with my education”. Tạm dịch: Tôi sẽ không bao giờ để chuyện trường học ảnh hưởng đến giáo dục của tôi". Dĩ nhiên, đúng sai là chuyện muôn đời ... ai muốn cãi nhau thì cứ cãi :-) .

Riêng những ai mà muốn nghiên cứu sâu hơn, rãnh rang muốn đọc thì mình nghĩ là nên bắt đầu từ thưở ban sơ .... Từ thời Plato với quan điểm giáo dục Idealism, Aristotle với Realism ... đến Kant, John Locke, Jean Jacques Rousseau ... rồi cho đến thời Perennialism, Classical Education, Essentialism, Democratic Education, Unschooling Education, Contemplative Education .... Rồi mới dám bàn đến thời giáo dục XHCN của quý thầy Nhạ, thầy Hiền, cô Hương, thầy Đại ...hôm nay :-)

Không phải là có ý ca tụng ngành giáo dục VN, nhưng đọc sách đọc báo quê nhà, lúc nào cũng thấy rất nhiều chữ nghĩa ấn tượng như ưu việt, xuất sắc, cải tiến, gương mẫu, đỉnh cao, thành tựu .vv.. cũng rất mừng. Tuy nhiên, cái cần nhất vẫn là những điều có thực, cái nhìn chân thực, hành động thực tế, kết quả thuyết phục, đường hướng rõ ràng, để con em và phụ huynh của đất nước VN khỏi bị trầy trụa lội bơi giữa những bánh vẽ hứa hẹn & ảo vọng mơ hồ.

Mới năm ngoái, tình cờ nghe được một vị thầy tu PG ở VN thuyết giảng về đề tài "Kinh tế thị trường định hướng XHCN ưu việt nhất thế giới". Mình tá hoả tam tinh, không hiểu ông thầy CQ ấy có nhầm lẫn không, mà dám lấn sân & chủ quan đến thế. Rồi ngẫm lại một tu sĩ suốt đời học Phật tụng niệm, chưa qua một trường lớp kinh tế nào, chưa từng làm kinh tế, mà "hiểu thấu" và "can đảm & hồn nhiên " thuyết giảng được một đường lối kinh tế ưu việt đến thế, thì mới kinh cho cái sự học !

Mấy hôm rày cũng được nghe đủ chuyện, từ chuyện thầy Nhạ đổi mới giáo dục, thầy Hiền đổi mới quốc ngữ, thầy Đại đổi mới đánh vần .v.v.. Mình lại thấy hoang mang và bỡ ngỡ, nửa mừng nửa lo. Mừng vì đất nước không thiếu giáo sư tiến sĩ, lo vì không biết các ngài giáo sư tiến sĩ có làm được việc hay chăng ? Không biết cái mới có tốt hơn cái cũ không, hay chỉ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, vài hôm rồi biến mất ?
Bên cạnh đó, mình cũng nhận thấy một cái khó nữa ở VN là có nhiều "đổi mới" chưa cất cánh đã chết lâm sàng ! Dĩ nhiên là sự thay đổi nào cũng phải trả một cái giá nhất định. Nhưng cái văn hoá hay cũng chê mà dở cũng chê, sự ghen ghét đố kị, thấy người ta chửi mình cũng chửi, thông tin lệch lạc, lắm khi làm lu mờ cái giá trị thực sự của vấn đề. Cái học lâu nay vốn dĩ nhiều nguồn, nhiều phương pháp, nhiều quan niệm, nhiều hình thức học hỏi, giảng dạy. Cái đúng tất được duy trì, cái sai tất bị đào thải, cho dù cưỡng bức đến đâu. Tuy nhiên, khi nghe ông thầy phát biểu "phương pháp dạy cũ thì ai cũng dạy được, còn phương pháp mới của thầy, chỉ có thầy cô giáo mới dạy được thôi". Không biết có sự nhầm lẫn không, nhưng mình hơi ngạc nhiên. Cả thế giới văn minh đi tìm giải pháp rộng rãi giản tiện, để cho con em ngày càng học hỏi nhẹ nhàng, học mọi nơi, mọi chỗ, mọi tình huống. Học mà không biết mình đang học. Còn ta đi tìm cái nhất, cái lạ, cái độc, cái hẹp, cái khác người, chỉ có thầy cô giáo mới dạy được thôi .... như thế sao gọi là giáo dục phổ thông ?

Có người nói với mình "Quê ta có nhiều GS, tiến sĩ ... cả đời chỉ biết lãnh lương công bộc, chưa nghĩ ra được cái gì đóng góp cho đất nước dân tộc cả, nên họ có nhiều trăn trở lắm". Mình hiểu được và rất tôn trọng nỗi trăn trở của quý gs, quý tiến sĩ, quý quan phụ mẫu, quý lãnh đạo. Nhưng quả thật là có những ý kiến làm lợi cho đất nước quê hương, nhưng cũng có những quyết định làm phương hại đến quốc gia dân tộc, mà phải tốn bao nhiêu công sức để sửa sai. Càng bào chữa, càng bưng bít, càng kéo dài sự tổn thất và gây ra nhiều hệ luỵ. Thậm chí kéo dài ảnh hưởng đến bao thế hệ về sau, cây càng cao rễ càng lớn. Ông nông dây chỉ cày sai thửa ruộng, nhưng ông giáo dục mà cày sai xới nát cả thế hệ. Lịch sử lâu nay vẫn thế !


No comments:

Post a Comment

Comments: