Thursday, October 11, 2018

Công lý có thật không ?


Ngày 9/9/1886, một em bé 16 tuổi, Mary Jane Hicks, bị cưỡng hiếp tại Sydney (Úc), đã trở thành một sự kiện chấn động thế giới. Vụ án đi vào lịch sử nước Úc và ngày nay vẫn được nhắc nhở đến như một nỗi ám ảnh của xã hội, "Mount Rennie Outrage" hoặc là "Waterloo Outrage". Những kẻ phạm tội vào độ tuổi 20 (không ai là công chức nhà nước hoặc kẻ biết luật), đều bị treo cổ.

Trong những thập niên gần đây, những vụ án hiếp dâm trẻ em dường như ít hơn, vì luật pháp của thế giới càng nghiêm khắc hơn với loại tội phạm bịnh hoạn và đốn mạt này. Đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với xã hội văn minh và các bậc làm cha mẹ cho dù bất kỳ ở quốc gia nào. (Nạn hiếp dâm bè đảng ở Ấn độ và các nước châu Á, châu Phi vẫn còn xảy ra, nhưng thường liên quan với nạn nhân là người đã trưởng thành, du khách ...).

Lâu nay, những câu chuyện tội phạm liên quan trẻ vị thành niên ở Ấn độ, Thái Lan, Campuchia, Tàu, Việt, Phi ... như ấu dâm, mua bán trẻ em, mua bán trinh, tảo hôn, bạo hành, cưỡng bức lao động .v.v.. luôn được các cơ quan nhân quyền, hội bảo vệ trẻ em, NGO, và cơ quan luật pháp quốc tế quan tâm theo dõi. Đặc biệt là những vụ án hiếp dâm trẻ em trên thế giới, được trừng trị rất nghiêm mình. Bởi đó không phải chỉ là phạm trù đạo đức nhân phẩm, mà còn thể hiện bản chất của việc thực thi công lý & tôn trọng luật pháp của mỗi quốc gia. Điển hình như vụ Yuyun Gang Rape Sumatra (2016), Qatif gang rape, Saudi Arabia (2006), Richmond High School gang rape (2009), Houston gang rapes (1993) ...

Tuy đau xót và bất công, nhưng có những vụ án đã giúp xã hội thay đổi quan niệm về luật pháp tội phạm, giúp chính quyền thay đổi cách thực thi công lý, trừng phạt, và biện pháp ngăn ngừa. Cơ hội để nhiều quốc gia sửa sai, trám lại các kẻ hở luật pháp, để thực sự bảo vệ công dân của họ, đặc biệt là trẻ em vị thành niên.

Vụ án hiếp dâm ở Thái Bình là một tội phạm ghê tởm và kinh hoàng của VN. Đặc biệt những kẻ phạm tội là công an, đảng viên, kẻ đang đại diện cho pháp luật, doanh nhân thành đạt, có tiền, có quyền thế trong xã hội. Đây không phải là một vụ án hiếp dâm bình thường, mà là một điển hình của việc thách thức pháp luật, đạo đức XHCN suy đồi. Qua đó người ta có thể thấy được giá trị thực sự của nền tư pháp quốc gia dưới con mắt của những kẻ thực thi pháp luật và người có địa vị xã hội hiện nay ở VN !

Thiết nghĩ nếu VN mà không xử vụ án này ra khoai ra ngô, chỉ giơ cao đánh khẽ, để cho kẻ xấu cậy thế cậy quyền, xoa dịu dư luận rồi cho qua .... thì niềm tin của quốc tế và người dân trong nước đối với luật pháp VN sẽ là một vết đen khó rửa. Liệu công lý có thật không ?

No comments:

Post a Comment

Comments: