Wednesday, October 31, 2018

R.I.P Kim Dung Đại Hiệp !



Qua giờ báo đài của các nước châu Á đăng tải nhiều về sự ra đi của Kim Dung. Đủ thứ, đủ chuyện. Nhiều bài viết lôi cả chuyện tình, chuyện đời riêng của ông ra. Người thì bàn về nhân vật anh hùng hay nhất của ông, người luận về mỹ nhân đẹp nhất của ông ..v.v. Tính ra, tín đồ của giáo phái Kim Dung quả nhiên đông đảo thật. Nói đúng ra thì hồi nhỏ đứa nào lại chẳng mê Kim Dung. Cái hay của KD là có thể làm cho mọi người tìm thấy cái riêng của họ, cái mà họ muốn nghe muốn thấy, muốn thương muốn ghét, trong tiểu thuyết của ông. Cho nên bàn truyện KD thì biết bao giờ mới hết, sao đúng sao sai, chỉ tổ tốn bia tốn rượu :-) .

Nhớ hồi nhỏ, mấy đứa xóm mình mê Võ Lâm Ngũ Bá, hẹn nhau ra đống cát tranh chức minh chủ võ lâm. Cuối cùng thằng đòi làm "Vương Trùng Dương", bị 4 thằng kia đánh hội đồng, mắt mũi đầy cát. Lớn lên đi nhậu la cà, thời bao cấp, thông tin hạn hẹp, ít có chuyện để bàn thế sự như bây giờ. Chính trị chính em thì không dám nói, nên đa phần là bàn chuyện đá banh & kiếm hiệp. Ôi thôi, Lệnh Hồ Xung, Điền bá Quang, Đông Tà, Tây độc, Hồng thất Công... Dạo đó cả thành phố Cái bang rỗng túi chạy đầy đường, ngồi đầy quán cóc vỉa hè. Xoài me cóc ổi, cá đuối cá thiều, Gò đen, Long an, Bàu đá, cây lý, bia bốc, bia hơi, bia lên men, lên cơn ... chiêu nào cũng có. Thực ra nhậu nhẹt mà có đề tài văn học thể thao nghệ thuật gì đó bàn bạc cũng hấp dẫn, uống cũng được nhiều, mà lại học hỏi được thêm cái mới. Còn nhậu mà nói về cái "tôi" hoài, lại cứ tình thương mến thương, hơn thua riết, lần hồi hết chuyện nói, lại sinh ra gây gổ giận hờn, phát mệt. Mình có thằng bạn cũ, nhậu mà cho nó nói về Kim Dung, 3 ngày chưa say ....ngủ dậy uống tiếp, nói tiếp :-).

Qua Mỹ qua Tây thì đến thời phim bộ, càng chết nữa. Mấy ông dịch phim lồng tiếng thì khỏi nói rồi, đủ gịong đủ kiểu, Việt Thảo giả gái, Thị Màu giả trai, có khi nghe mấy tuyệt đại mỹ nhân bị nhại tiếng nhão nhẹt đến rợn gai ốc. Sau này bên VN chiếu phim KD qua TV, nghe riết cứ tưởng Hoàng Dung Tiểu Long Nữ đang ở Hà Nội. Nhớ có dạo, ông anh BCV bức xúc làm bài thơ "Một ngày phải khác mọi ngày", đọc mà muốn sụt sùi. (Mình thì vốn không hưởng ứng cái vụ chiếu phim Tàu phim Hàn dày đặc trên đài TV mỗi ngày. Cũng không hiểu tại sao bộ VHTT lại cho phép ít chương trình giáo dục thiếu nhi, thiếu niên, tôn vinh đời sống lành mạnh xã hội văn minh, ngược lại tràn ngập phim Tàu phim Hàn. Hay là nghĩ vậy cũng hay, đầu tư ít, mà lại chuyển tải được phần nào khái niệm chánh tà, nhân nghĩa, anh hùng, quân tử, tiểu nhân ....?)

Hôm qua có ông anh gởi mình đọan bình của ai đó, nói là hồi xưa mê KD, sau này thấy KD cái gì cũng ca tụng dân Hán (dân Tàu), nên hết mê !

Mình thì không nghĩ vậy, nhà văn nào cho dẫu tài ba đến mấy rồi những câu chuyện của họ cũng phải giới hạn trong một phạm vi địa lý, chính trị, giai đọan lịch sử, hay bối cảnh xã hội nhất định nào đó. Ông KD có nhiều kinh nghiệm sống, trải nghiệm nhiều, quan sát tốt, phân tích giỏi, có được tầm nhìn rộng thoáng, khách quan, đa góc cạnh, triết lý sống đơn giản ít cầu kỳ. Nhưng truyện KD cũng không ngoại lệ, phải dựa vào bối cảnh các triều đình nhà Hán, nhà Tống, nhà Thanh, nhà Minh, hoặc Nguyên, Mông theo chính sử bên TQ mà thôi.
Cái đáng quan tâm hơn là bây giờ nhiều người không phân biệt được đâu là truyện đâu là thực, đâu là dã sử đâu là chính sử. Nhiều thanh niên VN rành lịch sử TQ hơn lịch sử VN, "hảo Hán" nhiều hơn "hảo Việt" !

Có một số ông VN ta đọc KD thì máu tự hào dân tộc nổi lên, cũng thích lôi kéo đôi chút cái "sử" quê nhà vào trong thế giới giang hồ nghĩa khí và đầy lãng tử đó. Nên cũng không ngạc nhiên lắm khi thấy những sợi dây liên hệ được kéo dài từ tiểu thuyết KD qua tới sử VN. Từ Việt Nữ Kiếm cho đến Đoàn thị Đại lý xâm chiếm VN, từ Triệu Mẫn quận chúa cho đến giặc Mông Cổ, từ Trần Hữu Lượng (con Trần Ích Tắc) đánh Chu Nguyên Chương cho đến Đoàn quán Thanh (Toàn Quan Thanh). Thậm chí có người mê Tiêu Phong quá lôi cả dân Khiết Đan về Lạng Sơn, biến Ải Nam Quan thành Nhạn Môn Quan  ...

Thôi thì đọc sách coi phim, phải vậy mới vui. Phải bình luận trên trời dưới đất mới đã. Ai giữ lại được cái gì thì giữ, nghiệm được cái gì thì nghiệm. Đọc sách Tàu chưa hẳn nô lệ Tàu, đọc sách Mỹ chưa hẳn thuần phục Mỹ. Mê Shakespeare chưa hẳn thích Ăng lê, ghiền Tolstoy chưa hẳn thích Nga, cũng như hiểu thấu Mác Lê Nin chưa hẳn là cọng sản :-) .

Hôm qua, khi nghe tin KD mất, mình chỉ nghĩ thế là từ nay "Tàng Kinh Các" tạm đóng cửa. Thế gian vừa chia tay một người tài hoa. Cảm ơn ông đã làm đẹp thế giới tuổi thơ của mình. R.I.P Kim Dung Đại Hiệp !


Ải Nam Quan (lãnh thổ của Việt Nam)


Nhạn Môn Quan (của Trung Quốc)

No comments:

Post a Comment

Comments: