Wednesday, February 06, 2019

Ly cafe đầu năm



Sáng mùng một, pha ly cafe, mở đĩa nhạc xuân, ngắm cành đào vừa nở thêm vài cụm hoa mới. Mùi hương trầm của đêm Giao thừa hình như vẫn còn lãng đãng quanh đây. Hôm nay trời hãy còn lạnh nhưng nắng đẹp, cảm giác như nắng xuân ở quê nhà, hây hây hanh vàng. Một năm cũ qua đi, một năm mới lại bắt đầu. Dẫu biết xuân hạ thu đông chỉ là quy luật thường tình của tạo hoá, có khởi đầu tất có kết thúc, có cái cũ tất có cái mới. Tết nhứt cũng là một chu kỳ tuần hoàn như bao chu kỳ tuần hoàn khác, một sự vận hành tất yếu của tự nhiên. Nhưng rồi năm nào cũng thế, Xuân đến thì ai cũng thấy lòng mình xôn xao, và cứ khan khác một điều gì. Ngày Tết có cái hồn đặc trưng của nó, khởi sự trong lòng của mỗi con người !

Tối qua Giao thừa xong, đi chùa về nhà đến hơn 2g sáng, nhưng vẫn không buồn ngủ. Nhiều bạn bè nhắn tin, gởi email chúc tết, ngồi đọc và gọi điện thoại đến gần sáng. Sáng mùng một ở Mỹ, thiên hạ vẫn đi học đi làm như thường lệ. Ngồi nhâm nhi ly cafe nghe nhạc, tự nhiên nghĩ đến bài thơ "Xuân Vãn" của ông vua Trần Nhân Tông, người được cho là vị Sơ Tổ sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, cũng là dòng Thiền duy nhất của người Việt Nam.

Xuân vãn,
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng.

Nôm na là Ngài nói về sự cảm nhận đối với cái Tết vào những thời điểm khác nhau. Thuở nhỏ còn bé chưa biết gì thì mỗi dịp xuân về thấy trong lòng náo nức rộn ràng như trăm hoa đua nở. Đến khi lớn lên hiểu thấu vấn đề, khám phá cốt lõi của sự việc, thì thấy muôn sự cũng bình thường thôi. Tuy bài thơ chỉ đơn giản vậy, nhưng lâu nay biết bao nhiêu người giảng giải phân trần, dịch nghĩa dịch ý, đôi khi làm phức tạp hơn, hết thiền  :-).
Mở ngoặc chút nói về chuyện dịch thơ xưa. Hồi nhỏ giờ mình cứ thắc mắc là tại sao có nhiều nhà dịch giả, văn thi sĩ, trí thức VN, lại thích cùng tham gia dịch thuật một bài thơ nổi tiếng nào đó, mặc dù ý tứ cũng chỉ na ná giống nhau. Từ những bài thơ Tàu như Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Lô Sơn của Tô Đông Pha, Tạp Thi của Vương Duy .... cho đến thơ Việt của thiền sư Mãn Giác, của vua Trần Nhân Tông ...v.v.. Như bài Xuân Vãn này cũng có rất nhiều người tham gia dịch thuật, không biết là đã có bao nhiêu bản dịch lâu nay rồi. Nội cái tựa không thôi cũng được dịch ra nhiều kiểu như Xuân Muộn, Cuối Xuân, Xuân Rãi, Xuân qua, Xuân tận ... Lâu lâu cứ tới tết là mình thấy thêm bản dịch mới, chữ nghĩa thì có khác chút đỉnh nhưng vẫn là ý đó. Nhiều lúc mình nghĩ nếu Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà biết đời sau quá bận rộn, ti tiết, sợi tóc chẻ làm tám bài thơ của ông như vậy, chắc ông đã nói :

Thuở nhỏ chưa hiểu rõ sắc không,
Tết mới trăm hoa rộn trong lòng.
Nay đã hiểu rõ tính sắc không
Làm ơn đừng dịch nữa được không ?

Giỡn chút cho vui ngày Tết, chứ thực ra cuộc sống vốn đa dạng, con người càng đa dạng hơn, làm sao nói hết được. Cái hiểu biết của con người thì vô cùng, bất tận, như cái thang hình xoắn ốc cứ bắt lên trời mà đi, không biết đến đâu là tận cùng. Có khi cùng hoành độ nhưng khác tung độ. Có khi cùng một sự việc, nhưng sự nhận thức của ngày hôm nay lại khác xa rất nhiều so với ngày hôm qua. Còn cái "ngộ" thì cũng có "thực ngộ", "giả ngộ". Người “ngộ” thực sự lại chẳng thấy mình ngộ, mà cũng chẳng bao giờ đi khoe đã ngộ, vì thực ra cũng chẳng có cái gì gọi là “ngộ” :-). Còn ông "giả ngộ" lại nghĩ rằng mình đã ngộ, và “ngộ” để làm thơ, để tranh cãi, để làm pháp sư….Nên chuyện thế gian biết đâu mà lần. Cũng khổ. Như Tô Đông Pha thấy mình đã ngộ, nên khoe "Bát phong truy bất xuất", lại được nhà sư Phật Ấn điểm nhãn bằng "Nhất thí mã quá giang" :-).
Thời buổi này thì chùa chiền ngày càng nhiều, sư sãi tăng ni cũng nhiều. Trong nước nhiều đền chùa, mà ở hải ngoại cũng không hiếm. Tín ngưỡng cũng nhiều mà mê tín cũng nhiều. Xưa nay người theo đạo Phật, rất kính trọng Tăng Ni (một trong 3 ngôi Tam bảo). Nhưng cũng nên lưu ý vì chưa hẳn cứ ông nào xuống tóc là nhất thiết ông ấy có nguyện vọng tu tập một cách đúng nghĩa. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, thật giả chồng chất lên nhau, nên không phải ông “sư phụ “ nào cũng đúng, cũng thông thái, cũng hiểu biết thấu đáo vấn đề hướng dẫn giúp đỡ người đời tu tập đúng cách. Đặc biệt là mấy ông quốc doanh, còn kinh tế, chính trị chính em trong đó, nên người tu học phải cẩn thận và tỉnh táo tự học cách để phân biệt được đúng sai. Mà đạo nào rồi cũng sẽ gặp những khó khăn như vậy thôi, chỉ là ít hay nhiều. Cho nên nhiều người cho rằng thời này đến chùa, đến nhà thờ, mà phân biệt được đâu là cái áo cà sa, đâu là ông thầy, đâu là đạo pháp; cũng như đâu là cái thánh giá, đâu là ông cha, đâu là lời Chúa … thì là giỏi rồi :-).

Nhớ trong đạo Phật có câu chuyện vui, một cậu bé đi hỏi ông thầy tu được cho là đã "đắc đạo" :

- Hồi xưa thầy chưa đắc đạo, thầy làm gì ?
- Chặt củi, gánh nước, nấu cơm .
- Thế đắc đạo xong, thầy làm gì ?
- Chặt củi, gánh nước, nấu cơm
- Vậy thì đâu có gì khác ?
- Khác là hồi xưa lúc chặt củi, nghĩ chuyện gánh nước, lúc gánh nước nghĩ chuyện nấu cơm. Bây giờ thì làm việc gì nghĩ việc đó thôi !

Đúng vậy. Thực ra nếu đơn giản được như thế thì đã bớt khổ não phiền muộn rồi. Lâu nay biết bao nhiêu kinh sách thiền học, triết gia, tu sĩ, nói về đề tài "sống trong hiện tại". Thầy NH cũng đã chia xẻ rất nhiều về phương pháp hành thiền "Hãy an trú trong hiện tại" ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng cuộc sống này vốn không đơn giản vậy. Nhiều người hiểu rõ lý thuyết, đạo lý, kinh điển, nhưng rồi cả đời vẫn mãi loay hoay không thực hành được cái buông bỏ, đơn giản cho chính mình. Đời sống vốn có quá nhiều thứ phức tạp, dao to búa lớn. Từ con ngưòi đến xã hội, từ tôn giáo đến chủ thuyết, từ bằng cấp cho đến danh xưng, từ địa vị cho đến quyền bính, từ đoàn thể cho đến đảng phái, từ cá nhân cho đến chế độ, từ lý thuyết cho đến chủ nghĩa, từ lạc hậu cho đến ưu việt, từ ăn lông ở lổ cho đến công nghệ 4, 5 chấm ..v.v.  Cho nên không phải chỉ có tôn giáo, mà còn nhiều vấn đề khác trong đời sống, muốn đơn giản cũng chưa chắc được. Lòng người ngổn ngang ham muốn. Có lúc thiên hạ bắt cái đơn giản phải phức tạp theo họ, mới xứng tầm, mới đủ chất , mới thức thời, mới kịp trào lưu :-). Như mình đi cả nửa đời người rồi mà vẫn còn thấy ba lô sau lưng nặng trĩu. Tết ngồi mơ mộng chút, rồi ngày mai lại phải bận rộn theo nghiệp áo cơm !

Một nhà thông thái khác lên tận non cao để chứng minh cái bản lĩnh của mình, vì nghe ông Thầy nổi tiếng "cao tăng". Tay cầm con sâu đố ông Thầy :

- Thầy giỏi vậy, là cao tăng, vậy biết con sâu trong tay tôi là sống hay chết ?"
- Dạ, là con sâu chết !

Nhà thông thái cười ngạo nghễ, mở tay ra, chỉ con sâu còn sống mà nói :

- Vậy mà Thầy cũng đưọc gọi là cao tăng sao ? Thầy nói sai rồi, con sâu này còn sống.

Nói rồi, vứt con sâu ra bụi cây, hí hửng đi xuống núi. Vừa đi vừa dương dưong tự đắc nghĩ rằng ta tài giỏi, ta đã "thắng" được ông thầy đó. Tính ra tài cán của Thầy "cao tăng" cũng chỉ đến thế là cùng, còn bị thua mưu trí của ta.

Và cuộc sống này vốn không hiếm những người tư duy “tài ba” như nhà thông thái đó. Họ vẫn say men chiến thắng, vẫn đề cao cái ngã tối thượng của mình. Đến một lúc nào đó, nếu có duyên, nhà thông thái kia sẽ hiểu ra được tại sao nhà sư nói sai. (Trong điển tích này nhà thông thái được cha của ông chỉ điểm mới hiểu ra vấn đề). Còn nếu không gặp duyên, thì có khi cả đời ông ta vẫn nghĩ rằng mình đã mưu trí thắng được ông sư kia. Và sẽ có nhiều phiên bản (version) của câu chuyện tài giỏi “thắng cả cao tăng”  rêu rao đồn đãi trong thiên hạ. Đúng sai ai biết, mà sướng khổ ai lường ? Nhưng âu đó cũng là những duyên nghiệp bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Theo cách hiểu của nhà Phật, càng ít những chuyện hơn thua thị phi như vậy càng tốt, lòng người sẽ thanh thản hơn và cuộc sống sẽ an vui hơn. 

Ngày đầu Xuân, những người xa quê, thường nghĩ đến gia đình, anh em bạn bè, và quê hương. Nhìn lại quê mình, một đất nước có quá nhiều thiệt thòi, nội chiến, ngoại xâm, chiến tranh dai dẳng hết thời kỳ này đến thời kỳ khác. Về mặt con người, so với những quốc gia khác trong khu vực thì VN đã mất mát và đau thương quá nhiều. Những cuộc chiến huynh đệ tương tàn cứ xảy ra, mâu thuẩn triền miên, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Nồi da xáo thịt, kéo dài hết triều đại này đến vương triều khác. Còn thắng thua chỗ nào ? Được mất ra sao? Dĩ nhiên là sự nhận thức của mỗi con người khác nhau. Cái nhìn về thời cuộc cũng luôn thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng hiểu biết của từng người. Người ngoài cuộc hiểu khác người trong cuộc, người thắng cuộc nghĩ khác người thua cuộc, đó là những chuyện thường tình. Có thể là thắng đối với góc nhìn này, nhưng lại là thua ở một góc nhìn khác. Mà cũng chưa chắc là thắng thua, hoặc chỉ là nạn nhân của những tham vọng, sai lầm, hoặc toan tính của các thế lực chính trị nào đó ? Có nhiều câu hỏi mình tin rằng sẽ lần hồi được sáng tỏ theo thời gian, nhưng cũng có những thắc mắc sẽ không bao giờ có lời giải đáp trắng đen rõ rệt. Tất nhiên là mỗi người có cách nghĩ và nhận thức riêng của mình. Câu hỏi quan trọng nhất sau mỗi cuộc chiến vẫn là “đất nước và dân tộc sẽ đi về đâu ?”. Quốc gia có được hưng thịnh hơn và người dân có được tự do hạnh phúc hơn không? 
Thực ra, cho đến thời điểm này, thì VN cũng là một trong vài nước ít ỏi còn lại trên thế giới, vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa Mác Lê. Đó cũng là điểm đặc biệt khác người. Bám trụ bền vững. Trong khi đó những đất nước từng là trụ cột của quốc tế CS như nước Đức của Mác, nước Nga của Lê Nin, cũng đã rời bỏ và thay đổi thể chế chính trị gần 30 năm qua.

Thôi ngừng ở đây, buổi sáng đầu năm bao giờ cũng an bình và lắng đọng. Uống ly cafe, nghĩ đến câu chuyện chặt củi, gánh nước, nấu cơm, sống trong hiện tại. Ngắm cành hoa đào, nhớ chuyện tự thắng thua của nhà thông thái và con sâu. Nghe bài nhạc Xuân nghĩ đến bài thơ cũ gần ngàn năm tuổi, mỗi dịp xuân về vẫn còn là đề tài thi thố của bao văn hào, tri thức, tài tử, thi nhân .....
Năm mới cầu chúc cho quê hương an lành, cho tất cả bằng hữu, anh em cùng gia đình thân tâm an lạc. Hy vọng mùa Xuân mới sẽ đem lại duyên lành và những niềm vui mới cho mọi người !



No comments:

Post a Comment

Comments: