Tuesday, April 23, 2019

Tản mạn : Có nhiều .... điểm để làm gì ?



Mấy tuần qua, đọc nghe nhiều bài báo và dư luận cả nước bức xúc về việc gian lận, sửa điểm thi của con cháu các vị có tiền, có thế. Mình cũng cố gắng chờ đợi mong mỏi xem bộ GD xử lý thế nào. Sáng nay thấy anh Nhạ nói trên báo, đứa nào gian lận điểm sẽ bị đuổi học. Xong om. Rồi trớt :-) !

Thực ra, chỉ là không nói ra, chứ trong lòng thì ai cũng biết tệ nạn này không phải bây giờ mới có. Ai cũng biết tệ nạn chạy chọt, lo lót, cậy quyền ỉ thế, bằng giả, học cuội .v.v.. vẫn âm ỉ, thầm lặng xảy ra bao lâu nay. Nhiều người cầm chịch, tai to mặt lớn, nhưng chức vụ, bằng cấp, và khả năng, cứ như trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Đừng thèm nghe đồn đoán, thêm bớt, chi cho mệt, cứ đọc báo chính thống và nghe các lời phát biểu, nhận định, hoặc khả năng phân tích vấn đề của nhiều vị trên báo đài, thì cũng nhận biết tài năng và kiến thức như thế nào rồi.

Còn câu hỏi kế tiếp là - tại sao xã hội lại ra nông nổi như thế này ? Đây cũng không phải là câu hỏi khó, ai cũng tự trả lời được, khỏi tốn thời gian bình luận ở đây. Đặc biệt nhất là ngay cả ngành giáo dục, nơi dẫn đầu về các tiêu chí đạo đức xã hội, chuẩn mực văn hoá của một đất nước, lại xảy ra quá nhiều tệ nạn và hiện tượng suy đồi như vậy. Từ gian lận cho đến hiếp dâm, từ rờ rẫm cho đến làm học sinh có bầu. Từ học sinh lột áo lột quần đánh nhau giữa đường, cho đến cô thầy rủ nhau cởi áo cởi quần vô nhà nghỉ  ôm nhau cho ấm. Từ phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi, cho đến học trò đánh thầy nhập viện..v.v... Ngồi kể thì cả ngày chưa hết chuyện. Có người cho rằng "thượng bất chính hạ tất loạn", kẻ thì nói rằng "văn hoá suy đồi, đạo tặc lên ngôi". Mình thì nghĩ đơn giản là đầu vào quyết định đầu ra, môi trường sống và văn hoá của xã hội quyết định ý thức và tư cách con người trong xã hội đó. Nhưng muốn bàn đến chuyện này thì thôi, muôn vàn thời gian, muôn hình vạn trạng, mình không dám múa rìu qua mắt thợ. Xin để dành cho các nhà sư phạm, bộ trưởng thứ trưởng, chuyên gia, tiến sĩ giáo sư, bàn luận như lâu nay họ vẫn thường bàn.

Còn theo thiển ý của mình, những chuyện như gian lận điểm thi, khai mang bằng cấp, học giả bằng thật .v.v... tuy là khác nhau về hình thức, nhưng cũng chỉ là một nội dung. Đó là không tôn trọng giá trị thực sự của trí tuệ, và chưa hiểu hết ý nghĩa của chữ công bằng và tự trọng. Một khi chưa hiểu được những giá trị cơ bản đó, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, chỉ là chưa có điều kiện để làm bậy mà thôi. Đuổi học hay bỏ tù, hay cho dù hình phạt nào nữa, thì hết lần này sẽ còn lần khác thôi. Những quốc gia ít bị vướng luỵ vào tệ nạn gian lận thi cử này là nhờ họ thành công trong việc giáo dục con nít hiểu được những giá trị căn bản đó. (Xin lỗi trước là mình chỉ đang nói về hiện tượng chung của xã hội, đa số thôi, chứ dĩ nhiên không phải ai cũng vậy. Có nhiều người dạy con tự trọng, tôn trọng sự công bằng từ bé thơ.)

Thử đi qua Mỹ, qua Nhật, qua Anh, kêu con nít gian lận điểm kiểu như thế thì có bao nhiêu đứa sẽ làm ? Nếu cha mẹ có làm, thì tụi nhỏ cũng chống đối lại ngay, bởi đó được coi là một sự xấu hổ, "unfair". Trong khi đó, ở nhiều nước châu Á, một số người dạy con "tranh thủ", chen nhau sắp hàng lãnh lương thực, lãnh tem phiếu, đi coi xi nê, sắp hàng mua vé, ghi tên đi học, ghi tên khám bệnh ..v.v.. khi còn trong trứng nước. Từ đi xin việc làm, đi học, đi thi, làm ăn kinh doanh, lên chức, tiến thân, trai gái, quan hệ bạn bè  ..v.v.. chuyện luồn lách lợi mình hại người, chuyện đâm thọc nhau để thắng, nói xấu nhau để hơn thua, không cạnh tranh công bằng, vẫn là chuyện bình thường trong xã hội, và có thể không hề gặp sự phản đối trực tiếp nào từ trong gia đình hoặc bạn bè chung quanh. Ngược lại, nhiều khi còn được khen là "khôn ngoan, tài giỏi" nữa. Khái niệm gian lận (hoặc không tôn trọng sự công bằng) để thành công hoặc chiến thắng, đã được hình thành từ bé !

Cho nên nhiều người cứ kêu gọi chống gian lận trong thi cử, văn hoá từ chức, văn hoá chống tham nhũng, rèn luyện đạo đức cách mạng ..v.v... Mà ngay từ bé, đã cho con thấy đi đến đâu cũng gởi phong bì, cũng đóng tiền mãi lộ, đút lót, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", thượng đội hạ đạp, ứng xử "unfair" với người chung quanh. Ngay cả đến trừờng cũng quà cáp, bìa thư, từ cấp mẫu giáo. "Hạ tầng" như thế mà mong "thượng tầng" xã hội thay đổi văn minh hơn, thì quả là những mơ ước diệu kỳ !

Ngay cả khi ra nước ngoài, nhiều người vẫn còn duy trì văn hoá đó, cho đến khi họ thực sự tương tác, va chạm, và tiếp cận với những nền văn hoá khác, thì mới được thay đổi dần. Sinh viên Á châu ở các trường đại học nước ngoài vẫn dẫn đầu về quay cóp gian lận. Một số cộng đồng Á châu vẫn được nổi tiếng là phức tạp, anh em đồng hương nhưng kiện cáo nhau, vu khống chụp mũ nhau nhiều nhất. Passport châu Á vẫn là passport được kẹp tiền nhiều nhất. Mình sắp hàng làm thủ tục ở sân bay cũng thường bị Việt kiều chen ngang hoài, cười trừ thôi :-).

Cho nên nói đến chuyện gian lận thi cử thì dài lắm. Vấn đề mình muốn nói đến ở đây, trong phạm vi bài viết rất ngắn này, là quan điểm "Hồng hơn Chuyên" ở VN. Có đúng không ? Và nếu duy trì đi theo quan điểm này, thì tương lai nhân sự sẽ ra sao ?

Trước hết, quan niệm "hồng hơn chuyên" thì chắc chắn không thể là "kinh tế thị trường" được rồi, mà  phải thuộc về "định hướng XHCN". Vì đó là chính sách định hướng cán bộ, định hướng nhân sự. Những cơ cấu sắp xếp để các nhân tuyển có lý lịch nhân thân, quan điểm chính trị đảng phái, hoặc có những quyền lợi liên đới cần được bảo vệ, được chen vào các hàng ngũ công chức chính phủ. Cũng có nghĩa là đồng ý chấp nhận một sự đánh đổi giữa thành phần chính trị "tốt" và thành phần khả năng chuyên môn phù hợp. Được cái này và chịu mất cái kia. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có người được cả hai, nhưng đó là thiểu số.
Bởi vậy cho nên thường thấy nhiều vị quan chức xuất thân từ những công tác đoàn thể, xây dựng quần chúng, lý lịch "chính trị" tốt, nhảy vào các chức vụ lãnh đạo hoặc điều hành quản lý cao, kể cả những trọng trách đề xuất phương hướng phát triển vĩ mô kinh tế, chính trị, văn hoá của xã hội. Mặc dù chưa hề từng kinh qua những kinh nghiệm đó. Nhiều vị trí chức vụ có được không phải là do khả năng bản thân, hoặc do trình độ chuyên môn được đào tạo chính quy, hoặc do kinh nghiệm liên quan trong quá trình làm việc, mà do lý lịch chính trị bản thân và gia đình. Ngay cả những chức vụ nhỏ hơn như phòng ban, hoặc tổ trưởng đội trưởng, là những vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu hơn cũng không ngoại lệ, vẫn là "hồng hơn chuyên", "thân thế hơn nghiệp vụ". Bên cạnh đó, dĩ nhiên không hiếm các trường hợp mua quan bán chức, hối lộ đút lót, quan hệ thân thế, mà tậu được công việc chức vụ chứ không phải do chuyên môn hay trình độ nghiệp vụ phù hợp.

Quan điểm & phương cách này dường như có vẻ không hợp lý lắm, đặc biệt là ở giai đoạn xây dựng đất nước. Vì nó không những tạo ra những hệ lụy trực tiếp trong hiệu suất công việc, cơ hội phát triển, đường lối kế hoạch đúng đắn. Mà còn dễ gây ra thất bại, thất thoát tài sản nhà nước, do tai hoạ kinh doanh và quyết định sai trái. Nguy hiểm hơn nữa là tạo ra những hệ quả kéo theo như gian lận, bưng bít, bè cánh phe nhóm để bao che nhau. Họ càng không dám sử dụng những người tài giỏi hơn vào những vị trí phù hợp. Cho nên kết quả thế nào, thì ai cũng đóan ra, chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Như vậy, nỗi lo lắng của các nhà làm luật, hoặc chính sách chủ trương quan niệm rằng "hồng" dù sao cũng khá hơn "chuyên", thiết nghĩ là rất cần nên suy xét lại. Có khi lợi một nhưng hại mười, tuỳ theo là nhìn ở góc độ nào. Những chứng minh hùng hồn nhất là kết quả lâu nay từ các công trình dự án cấp cao như Vinashin, Vinalines, ngân hàng, đường sá, giáo dục, y tế, đầu tư công .v.v..., cho đến những câu chuyện đắng lòng ở các địa phương làng xã, tỉnh lỵ, mà đã từng bị truy cứu trách nhiệm và bắt bớ. Chẳng phải các vụ án nghiêm trọng lâu nay, đại đa số là do những thành phần "hồng", có lý lịch nhân thân và bối cảnh chính trị tốt cả đấy sao ?
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi, nếu vẫn còn phân biệt lý lịch tốt xấu, ta & địch, mang cả con sông Gianh sông Bến Hải trong lòng, thì làm sao kêu gọi mọi người chung tay xây dựng đóng góp một cách công bằng ? Còn nếu vẫn không chấp nhận sự thật, cứ cho rằng quan niệm chuyên chính đó vẫn phù hợp, không thay đổi công bằng trong cách sử dụng người, thì e rằng sự thiệt hại cho đất nước ngày càng nhiều, lỗ hổng hệ thống ngày càng phình to ra. Những sai phạm cứ thế mà lập đi lập lại dưới những hình thức khác nhau.

Có nhiều người thắc mắc tại sao chỉ có ở VN hoặc các nước XHCN, mới quan niệm nhân sự "hồng hơn chuyên" như thế ? Mình nghĩ là nhiều quốc gia khác ngày xưa cũng có phân biệt về màu da, sắc giới, chủng tộc ... tuy không nhiều, nhưng vẫn có. Tuy nhiên, thời nay họ nhận ra đó là một sai lầm lớn, nên đã thay đổi hẳn. Còn ở các nước XHCN, có lẽ do xuất phát từ thời chiến tranh và hậu chiến, giai đoạn cướp chính quyền, chuyển tiếp quyền lực và thay đổi vai trò lãnh đạo. Những khái niệm như thành phần giai cấp, chuyên chính với kẻ thù, đảng lãnh đạo, hoặc vô sản với nhân dân ...v.v. thường xuất hiện ở những nhà nước XHCN. Và cũng có thể quan niệm nhân sự "hồng hơn chuyên" là phù hợp với họ trong một giai đoạn cách mạng nào đó. Tuy nhiên, hết đánh nhau rồi, để xây dựng một đất nước công bằng và dân chủ, quan niệm này quả nhiên không còn phù hợp nữa. Cả thế giới văn mình không ai làm vậy cả. Việc dự tính nhân sự có thể xảy ra trong các nội các chính phủ, board lãnh đạo điều hành công ty, nhưng người ta không định hướng nhân sự dựa vào lý lịch nhân thân hoặc quan điểm chính trị, bối cảnh gia đình. Thực ra chính các tiêu chí tuyển chọn (lý lịch, bằng cấp) không công bằng, đã vô tình tạo ra các vấn nạn bè cánh, hối lộ, tiêu cực, gian lận gởi gắm, trong thi cử quan trường và trong công sở, cơ quan. Rất khó thay đổi và chận đứng các tệ nạn này, nếu như chính sách nhân sự không được thay đổi, đồng nhất và công bằng, đồng bộ trên mặt bằng cả nước.
Ngay cả các nhà kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân ở VN hôm nay, cũng chỉ còn rất ít người dám tuyển người và điều hành theo tiêu chí đó. Về phương diện quản lý điều hành, cho dù công ty lớn nhỏ thế nào, cũng rất khó thành công và sử dụng được người tài, nếu như người cấp trên không đủ khả năng để thuyết phục và chứng tỏ được bản thân của mình . (Ở đây không nhất thiết là khả năng chuyên môn, mà là khả năng lãnh đạo và tư duy logic của người điều hành). Nếu có thành công được, thì chỉ là những may mắn nhất thời, hoặc là những công ty còn xử dụng được đặc quyền bao cấp của nhà nước !

Mở ngoặc nói ngoài lề chút thời mình còn đi học, để hiểu thêm quá trình tiến bộ của VN hôm nay. Sau năm 1975, ai có "lý lịch xấu", thì đừng mong thi cử, hoặc đừng hòng xin được việc làm gì trong cơ quan chính quyền nhà nước, cho dù là công việc gác dan giữ xe. Còn tiêu chuẩn lý lịch thế nào là tốt là xấu, thì tuỳ hên xui, tuỳ mấy ông chứng giấy ở làng xã, ở phường khóm, có được đi học hay không, có thù hận hay không. Tiêu chuẩn "lý lịch xấu" ở SG khác với "lý lịch xấu" ở tỉnh, ở thị xã khác với ở làng quê. Không đồng nhất và tuỳ tiện. Mình có vài nguời quen, nghe đậu thủ khoa trường này trường nọ cũng xôm tụ, nhưng rồi cuối cùng phải đi nghĩa vụ lạo động, đi làm công nhân, chứ không được đi học.
Cho đến khoảng năm 1981, VN bắt đầu phân chia "nhóm lý lịch" ra làm 3 thành phần. Thi đại học, công khai hoá, mỗi nhóm lấy điểm khác nhau. Đứa nào có cha mẹ "xấu", thì phải ráng thi điểm cao và ngưọc lại, đơn giản là vậy. Đứa nào có cha mẹ học dùm, thì đỡ gian nan hơn. Cùng điểm với nhau, đứa nhóm 1 được đi du học nước ngoài, thằng nhóm 3 chưa chắc đã được đi học. Vì được công bố đậu, chưa chắc là được địa phương cho cắt hộ khẩu. Chưa xong, nếu qua hết ải, vô đi học cũng còn khác biệt. Chung trường chung lớp, chung giuờng chung mâm, nhưng đến mùa thi học kỳ, đứa lý lịch tốt được quyền thi rớt 3 lần, còn thằng lý lịch xấu thi rớt lần 2, biến. Đó là còn chưa nói đến sự khác biệt về thành phần chính trị đoàn, đảng. Rồi học xong ra trường thì cũng còn lắm nhiêu khê nếu lý lịch "xấu". Nhưng đó đã là chuyện ngày xưa, nhắc lại để biết mà tránh thôi. Dẫu sao đó cũng là một bước tiến bộ văn minh (civilized) đáng kể. Ít ra những người có lý lịch gia đình liên quan đến chế độ cũ, cũng có những cơ hội để thi cử hoặc đậu vào đại học. Còn cơ hội ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào sức học của họ và mưa nắng ở địa phương.

Nhưng dĩ nhiên là ai cũng hiểu, không có gì tuyệt đối. Công ty, cơ quan, chính quyền nào cùng có người giỏi người dở. Công bằng mà nói, con dân đen dân nghèo, hay con quan chức lãnh đạo gì cũng có người tốt người xấu, người trung người gian, người tài người hèn, kẻ ngay kẻ nịnh. Con quan chức mà được học hành đàng hoàng, đào tạo bài bản, chắc họ cũng có tự trọng, chứ không cần phải dựa dẫm nhờ vả vào những gian lận bẩn thỉu như vậy. Cho nên cũng đừng nên vơ đũa cả nắm mà tạo ra những khoảng cách mâu thuẩn không cần thiết. Chế độ nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, phàm những người bất tài mà lợi dụng gian lận, lợi dụng thân thế, quyền lực leo được lên vị trí cao thì rất nguy hiểm. Vì họ sẽ xử dụng những kinh nghiệm đó để cấu kết bè phái, che đậy lỗi lầm, tạo ra những lỗi hệ thống to lớn hơn, nghiêm trọng hơn, so với những thiệt hại của một nhân sự bình thường. Thiệt hại cho đất nước quốc gia đến tận dường nào ?

Trở lại chuyện ăn gian điểm thi. Mình vẫn không nghĩ đơn giản là đến bây giờ mới có Sơn La, Hoà Bình .... và nhiều tỉnh khác gian lận đồng loạt như thế. Ai cũng biết làm chuyện này không dễ dàng chút nào. Sửa điểm điêu luyện như thế phải có đường dây lâu dài, bên hô bên ủng, phải kết hợp nhuần nhuyễn và có hệ thống hẳn hoi mới được ra ngô ra khoai như thế. Mấy em con nhà nghèo, chén cơm chén cháo đến trường, con dân lao động, sao không được ai sửa điểm dùm ?

Cho nên nếu không tìm ra được thế lực đằng sau, mà chỉ tuyên bố đuổi học các em gian lận, là xong. Thì quả nhiên lại chỉ là một câu chuyện cười khác của bộ GD, chốc lát rồi quên !


No comments:

Post a Comment

Comments: