Mà báo chí VN thì cũng có cái "hay" của họ. Nhiều khi cứ như Archimedes vậy - "Cứ cho tôi 1 điểm tựa, tôi có thể bẫy cả trái đất lên". Nhớ dạo trước chỉ cần 1 bảng số xanh cũng lôi ra được cả đống chuyện thâm cung bí sử. Nhưng cũng ngộ là đôi khi có những chuyện rành rành và to như trái đất, lại đợi hoài chẳng thấy báo chí tìm ra được điểm tựa nào cả, im ru :-). Không biết lần này thì cái chùa Địa Ngục có moi móc khoá được cổng Thiên đàng hay không ?
Thực ra, thì đây không phải là lần đầu được nghe về chuyện các sư thầy làm bậy. Và chắc chắn cũng không phải là lần cuối. Thỉnh thoảng mình vẫn được nghe, được đọc, những câu chuyện sai bậy từ các tu sĩ , cha đạo, mục sư, tăng ni. Quốc gia nào rồi cũng thế, tôn giáo nào cũng thế, đều không ngoại lệ. Riêng ở VN, chế độ nào thì cũng có những cá nhân tu sĩ, sư thầy, vướng vào những sai phạm khác nhau. Trước 75 cũng có, mà sau 75 cũng thừa, đặc biệt là từ khi Phật giáo quốc doanh ra đời. Từ liên quan chính trị đến xã hội, từ liên quan đạo đức đến tiền bạc. Ở trong nước cũng không hiếm, mà ra đến hải ngoại vẫn còn đầy. Đó là chuyện bình thường thôi, và suy cho cùng đó mới chính là đời sống thực của xã hội.
Cái quan trọng nhất trong tôn giáo vẫn là sự am hiểu của các tín đồ về tôn giáo của mình. Quan niệm và chờ đợi điều gì từ tôn giáo, cũng như từ những người đại diên cho tôn giáo như các linh mục, tu sĩ hoặc sư thầy đang rao giảng hoằng pháp, hướng dẫn tu tập. Chính từ những sự hiểu biết đó sẽ dẫn đến đức tin đúng hoặc mê tín mù quáng. Và cũng chính từ những cách hiểu đó mà tôn giáo có tạo được giá trị thực sự hay không cho từng bản thân của mỗi con người. Còn chuyện người này chê người khác, đạo này chê đạo khác, bậc trí thức khinh kẻ phàm phu, bậc giàu sang chê kẻ nghèo hèn...là những câu chuyện hằng ngày trong cuộc sống đời thường. Nhưng đức tin thì không liên quan gì đến tầng lớp hay giai cấp. Ngay cả với những người mê tín hay cuồng tín, thì tôn giáo cũng có những giá trị nhất định đối với họ. Còn niềm tin đó dẫn đến sướng hay khổ, giải thoát hay nặng nề, đúng hay sai, lại là một vấn đề khác. Không phải ai cũng có tư duy, hiểu biết, và nhận định vấn đề giống nhau.
Như dạo trước, bên giáo hội Thiên chúa giáo (Catholic Church) cũng bị khủng hoảng lớn về các vụ án bê bối tình dục trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2010, giáo hội La Mã phải xem xét lại đến cả 3,000 vị cha đạo liên quan. Năm 2001 Đức Giáo hoàng John Paul II, rồi đến đức GH Benedict XVI cũng đứng ra xin lỗi, gặp gỡ các gia đình nạn nhân, để xoa dịu tình hình. Đến năm 2018, đức giáo hoàng Pope Francis lại phải đứng ra để xin lỗi vụ bê bối tình dục to lớn ở Chile (Fernando Karadima case). Tuy nhiên đó cũng chỉ là vấn đề của con người, chứ không phải là của giáo lý, tôn giáo. Thông thường, người ta thường đánh đồng tôn giáo với sư thầy, tu sĩ, hoặc giáo hội, rồi đổ lỗi cho tôn giáo. Thực ra không phải vậy, cần phải sáng suốt phân biệt rõ ràng "Chiếc áo không làm nên ông thầy tu" , để khỏi bức xúc, bất mãn, và bị lôi cuốn vào những ứng xử cảm tính nhất thời.
Một trong những điểm khác biệt nhất của đạo Phật so với một số tôn giáo khác, là quan niệm thực chứng (tự mình kiểm chứng), và kêu gọi chúng sanh đừng nên "tin mà không hiểu". Đức Phật thời còn tại thế, cũng thường xuyên nói với thiên hạ hãy đừng nhất nhất tin theo lời thuyết giảng của Ngài, mà hãy tự tìm hiểu, tu tập, và thực chứng bằng chính bản thân của họ. PG tin vào thuyết nhân quả, và quan niệm mỗi ngừơi sinh ra đều có duyên nghiệp khác nhau, căn duyên khác nhau, nên không chờ đợi sự lãnh hội giống nhau và kết quả tu tập giống nhau ở mỗi người. PG cũng không quan niệm những thứ danh xưng, vật chất, chức sắc, áo mão ....là những thứ có "thực". Tuy vậy, nhưng thực tế thì nhiều người vẫn cứ thấy ông thầy ông sư, là lạy lấy lạy để, nói gì cũng đúng cũng nghe, sợ không nghe có tội. Cũng có thể do hiểu lầm về khái niệm trọng thị tăng ni trong PG, mà nói gì cũng nghe, bảo gì cũng đúng, không cần tìm hiểu vấn đề đúng sai, cũng như không cần suy nghiệm thực chứng những lời thuyết giảng hoặc việc làm của các sư thầy, tu sĩ. Nên nhiều ông sư thầy quốc doanh, giả tu, càng có dịp hoành hành thao túng dư luận. Bởi vậy, không ngạc nhiên lắm thỉnh thoảng lại nghe những câu chuyện đáng tiếc hoặc lạm dụng đức tin xảy ra từ chùa, nhà thờ, giáo hội...v.v.
Nói chung, tôn giáo là nơi gởi gắm (hoặc bám víu) đức tin, và là con đường dẫn dắt thiên hạ đi đến một cuộc sống tử tế hơn, hạnh phúc hơn, và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên có nhiều phương tiện cùng dẫn tới một mục đích. Theo thiển ý của mình, ngôi chùa, nhà thờ cũng chỉ là một trong những phương tiện thôi. Ông thầy, ông cha, ông mục sư ... cũng từng là những con người bình thường. Họ chọn con đường tu hành, chuyên sâu tu tập, nên thông thường thì sẽ hiểu biết giáo lý và phương pháp tu tập nhiều hơn người thường, hoặc có đạo đức phẩm hạnh cao hơn, để dìu dắt kẻ khác. Nhưng quan niệm đó cũng không phải là một chân lý tuyệt đối luôn luôn đúng, hay một tờ cam kết có giá trị pháp lý. Có bậc chân tu thì cũng có kẻ giả tu. Cho nên thiết nghĩ đạo nào cũng thế, mình nên tỉnh táo chút, đừng chờ đợi thái quá ở các vị, tin tưởng mù quáng, rồi đến khi thất vọng lại càng bức xúc hơn. Mỗi người trong xã hội có hoàn cảnh khác nhau, bối cảnh khác nhau, trình độ khác nhau, tư duy khác nhau. Hãy nên tôn trọng sự khác biệt đó, để tôn trọng người khác, và chọn cho mình một lối đi phù hợp. Cho nên theo cách hiểu đơn giản của mình, cũng không nên thấy thiên hạ đi chùa to thì mình đi chùa lớn, thấy thiên hạ cúng vàng thì mình cúng bạch kim .... thấy thầy ngày kiếm 3 tỷ thì con cũng tìm chỗ kiếm bìa thư :-) ....
Lâu nay cũng không phải hiếm hoi lắm những câu chuyện về sư thầy quốc doanh. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức, nhà chùa hay giáo hội, thường không có sự kiểm soát chặt chẽ, nên thật giả trà trộn, trá hình, cũng là chuyện khó tránh. Nhiều khi những công sở nhà nước, cơ quan an ninh tối cao, quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, mà còn bị sơ hở, huống hồ gì mấy ngôi chùa làng, chùa xã. Còn những chuyện lợi dụng hình tướng bên ngoài, từ chiếc áo tràng, chuỗi hạt, cây thánh giá, bài kinh, ngôi đền, nhà thờ, lễ hội ... cho đến việc lợi dụng lòng tin, mua thần bán thánh, lợi dụng trình độ dân trí của người dân để trục lợi, để phô diễn ấu trĩ mị thiên hạ ..v.v. Xưa nay cũng không phải là chuyện hiếm. Thiết nghĩ có đến chùa hay nhà thờ, thì cũng cần nên phân tích, suy nghiệm, và thực chứng theo khả năng của mình, để hạn chế bớt những sự lầm lẫn đáng tiếc xảy ra. Nhưng nếu lỡ tin lầm, bị xúc phạm, bức xúc, rồi vơ đũa cả nắm, bỏ chùa, bỏ đạo, chửi hết thiên hạ, thì cũng không phải là chuyện hay. Thôi thì cẩn trọng hơn, tuỳ duyên mà tự giữ hay tự xử vậy .... :-)
Lu bu công việc quá, mấy hôm nay cũng không theo dõi thêm chuyện báo chí đăng tải tin tức ông thầy gạ tình trên Tam Đảo tới đâu rồi, đúng sai ra sao. Mà cũng chẳng cần phải bận tâm lắm. (Mình thì lâu nay khoái món đọt su Tam Đảo, lần nào ra Bắc cũng kêu món này). Sau này mà có duyên lên núi gặp sư, ngoài việc thưởng thức món đọt su chính gốc, chắc sẽ đề nghị sư thầy vòi thêm vài trăm tỷ nữa làm thêm cái chùa Thiên Đường gần bên cái chùa Địa Ngục. Để lúc tỉnh, lúc mê, biết đường mà đi cho khỏi lạc.
Ôi .... cỏ xót xa đưa !
No comments:
Post a Comment
Comments: