Thursday, November 28, 2019

Phiếm: Ăn gà tây, nhớ gà ta :-)

Nhân ngày tạ ơn nói chuyện không tạ ơn ..... của các bác "trí thức" quê nhà :-)

Mấy hôm nay, báo chí mạng xã hội lại rần rần chuyện mấy nhà "trí thức" quê ta bừng bừng khí thế đấu tranh giành quyền không đặt tên đường cho mấy ông giáo sĩ phương Tây đã tìm ra chữ quốc ngữ năm xưa. Cụ thể là 2 ông Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina. Nhiều nhà "trí thức" cho rằng mấy ông giáo sĩ đặt ra chữ Quốc ngữ là để đô hộ VN, chứ chẳng công trạng gì. Có ông "trí thức" khác nêu lý do không đồng ý, là vì ông Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Quốc ngữ nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo, và sử dụng câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo). Amen !

Thực ra, mấy bữa trước có coi qua rồi, nhưng hoải quá, rồi cũng chẳng có ý kiến ý cò gì . Hôm nay lễ Tạ ơn, nãy giờ phụ vợ ướp con gà tây để chiều cho vô lò. Hoàn thành nghĩa vụ rồi, rảnh rỗi lại sinh nông nỗi, dài chuyện trong lúc đợi chờ...

Nói vòng vo cho xa một chút, ví dụ như những con dao ngày nay đã có nguồn gốc từ  thời đồ đá của người tiền sử (Homo sapiens). Rồi 2.5 triệu mùa lá rụng trôi qua, người ta hôm nay dùng dao để nấu ăn, đâm chém, múa may, biểu diễn, làm quà biếu tặng, phòng thân, phong thần ..v.v.... Dao có thể dùng để giết người, mà cũng có thể dùng để cứu người. Chuyện đơn giản vậy ai cũng hiểu, không lẽ cứ thấy ai xách dao đi rượt thiên hạ, lại đổ tội lên mấy ông xài Oldowan ngày xưa ?

Giờ nói sơ qua chuyện nguồn gốc của chữ quốc ngữ VN. Thì cũng như bao nhiêu giai thoai lịch sử khác, nhiều nguồn, nhiều sách, nhiều giả thuyết, làm sao trọn vẹn hết được ? Nhưng lâu nay, có lẽ nguồn được thuyết phục nhất là nguồn cho rằng bộ chữ Quốc ngữ ra đời khoảng năm 1622 trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, do công của người giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco De Pina (1585-1625). Ông Francisco De Pina là giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong năm 1617. Vốn giỏi tiếng Nhật và chữ Hán, nên ông dễ dàng học nói tiếng Việt và đọc chữ Nôm. Và sau đó, ông cũng nhận thấy các giáo sĩ khác gặp quá nhiều khó khăn trong việc học hỏi ngôn ngữ đọc và viết của người Việt, nên đã nghĩ ra cách dựa vào bảng mẫu tự La Tinh để ghi âm theo tiếng bản xứ.
Năm 1624, sau khi tương đối hoàn thành hệ thống tiếng Việt mới, ông mở lớp dạy lại cho các giáo sĩ khác đến truyền giáo tại Việt nam. Ông cũng tự viết những bài giảng và đi truyền đạo bằng thứ chữ Việt mới này từ đó (nay là Quốc ngữ). Cho đến tháng 12 năm 1625 ông bị chết đuối ở cảng Đà nẵng. Sau khi ông chết, thì có những giáo sĩ đã từng học chữ quốc ngữ VN của ông, đứng ra tiếp tục công việc hoàn chỉnh hệ thống chữ mới đó, nhưng chủ yếu là do giáo sĩ Gaspar De Amaral (1549-1646), giáo sĩ Antonio Barbosa (1594-1647), và giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1591-1660) mà người VN gọi là cha Đắc Lộ. Ba vị giáo sĩ này cũng là tác giả của những cuốn tự điển Việt Nam - Bồ Đào Nha thời đó. Tuy nhiên, chỉ có ông Alexandre De Rhodes là gốc Pháp, nên sau này đã có nhiều dư luận và tranh cãi về động lực phát triển chữ Quốc ngữ của ông.
Có lẽ mục đích ban đầu của chữ Quốc ngữ cũng chỉ là để cho các nhà truyền giáo nói được tiếng Việt và giao tiếp với người bản xứ dễ dàng hơn. Về sau, khi thực dân Pháp đến Việt Nam, họ cũng bị những bế tắc về ngôn ngữ như những nhà truyền giáo trước đó, cả Hán và Nôm. Nên giải pháp tốt nhất là buộc người Việt Nam phải sử dụng chữ Quốc ngữ. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao vai trò của Alexandre de Rhodes nổi bật và được nhắc đến nhiều sau này. Cho nên công bằng mà nói chính người Bồ Đào Nha đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ, và người Pháp đã "ép" dân VN ta dùng chữ Quốc ngữ.

Dĩ nhiên là buổi ban đầu chữ Quốc Ngữ đã từng bị giới sĩ phu VN tẩy chay, vì được cho là sản phẩm của bọn 'Tây lông", là công cụ của thực dân Pháp cai trị đất nước ta. Mấy cụ đồ, nhà Nho của ta dễ dàng gì cho cái thứ "Tây học" đó lấn sân chữ Nôm đơn giản vậy. An Nam ta mờ, đâu dễ "mất gốc" như thế :-). Nên chắn chắn hành trình phát triển chữ Quốc ngữ ngày xưa cũng rất gian nan. May mắn là hồi đó còn chưa có các vị "trí thức", giáo sư, tiến sĩ, viện nghiên cứu văn hoá lịch sử, các nhà Huế học, Đà Nẵng học ... như bây giờ. Nhưng cuối cùng thì do sự tiện ích và những động lực khác nhau, chữ Quốc ngữ đã thắng thế và tồn tại được.
Tuy nhiên, khi nói đến công ơn truyền bá và trau chuốt cho chữ Quốc ngữ có được như ngày hôm nay, thì không thể không nhắc đến các vị tiền nhân như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can .... và những đội ngũ tân học nhiều tài năng, đầy nhiệt huyết và dũng cảm của những thế hệ trước. Thế nhưng những người con VN ưu tú đó đã được tri ân đúng mức chưa ? Con đường nào đã mang tên họ để tri ân cho việc xây dựng một nền tảng ngôn ngữ dân tộc ?

Còn cái ông "trí thức" giáo sư tiến sĩ của viện nghiên cứu gì đó cho rằng ông cha Đắc Lộ viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Việt để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo), cũng nên coi lại vì tư duy này cũng hơi lạ :-) !
Thực ra thì ông Alexandre de Rhodes cũng là một giáo sĩ bình thường, và chuyện ông ta ca tụng Thiên chúa giáo, không đồng ý với quan niệm Tam giáo cũng là chuyện bình thường thôi. Nhìn lại ngày xưa, với điều kiện sách vở và những tư tưởng thời ấy, thì cũng không ai chờ đợi ông ta hiểu biết hết cái thâm diệu của một tôn giáo khác. Mình không nghĩ ông ta có ý phỉ báng. Ngay cả đến thời buổi này, sách vở tràn ngập, phương tiện truyền thông rộng rãi, đại chúng hơn nhiều, mà cũng không hiếm lắm những chuyện tôn giáo hiểu lầm nhau. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có những vị tu sĩ hoặc tín đồ hiểu biết lý lẽ, tôn trọng sự khác biệt, luôn dành sự tôn kính cho nhau và tôn trọng các tôn giáo khác. Nhưng bên cạnh đó cũng không hiếm những người tư duy hạn chế, cực đoan, chia rẽ, chê bai hoặc phỉ báng những ai có đức tin khác mình. Thậm chí nhiều người cuồng tín, tin rằng trong vũ trụ này chỉ có giáo chủ của họ là vĩ đại, và tôn giáo của họ là duy nhất. Cũng bình thường thôi ngài "trí thức" ạ. Cũng như tìm đâu ra được một ông giảng dạy triết Mác Lê mà đi khen ngợi chủ nghĩa "dẫy chết" tư bản :-) ? Bởi vậy, thiết nghĩ không nên chỉ vì cái quan điểm khác nhau, kiến thức khác biệt, hoặc đức tin riêng của họ, mà quên đi cái công trạng đã kiến tạo & hình thành nên một hệ thống "Quốc ngữ" mà chính ngài "trí thức" và tất cả chúng ta đã và đang xử dụng hôm nay.

Nói tới đây mới nhớ, hồi mình còn đi làm bên London, có lần đi đến thư viện Các-Mác (Marx Memorial Library) ở Farringdon với một người bạn trẻ từ bên Pháp qua. Măc dù có ít người đến viếng, nhưng thư viện vẫn luôn được chăm sóc. Anh bạn trẻ của mình thắc mắc là tại sao trải qua nhiều sự phản đối như thế mà thư viện ấy vẫn được tồn tại. Chỉ đơn giản bởi vì đó thuộc về lịch sử, cho dù có khác biệt nhau về quan điểm. Nước Anh chưa từng là quốc gia cọng sản, cũng chưa từng tin vào lý thuyết của Mác. Nhưng ông Mác đã từng xin tá túc tại đây, và người ta tôn trọng điều đó như một sự kiện lịch sử. Sách vở, hình ảnh, tài liệu, đều được trưng bày minh bạch và không cần dấu diếm điều gì !

Hôm nay là ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving) của Mỹ. Đây là một tục lệ văn hoá rất hay, là ngày lễ lớn nhất trong năm, để mọi người có thể tạ ơn những ân điển trong cuộc sống đã dành cho bản thân và cho gia đình của họ. Xưa nay nhiều người cho rằng việc biểu hiện lòng biết ơn và tạ ơn một cách đúng đắn trong đời sống là những ứng xử và tư duy cần thiết, chứng tỏ sự trưởng thành của con người.

Thôi tới giờ đi nướng gà, chào tất cả các bạn. Chúc tất cả ngày lễ Tạ ơn an lành, hạnh phúc.







No comments:

Post a Comment

Comments: