Saturday, July 18, 2020

Phiếm: Ám ảnh mơ hồ !


Mấy hôm nay báo chí và mạng xã hội VN đăng tải nhiều bài viết về bác sĩ Trần Đông A. Có lẽ bắt đầu từ câu chuyện mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Thực ra thì mấy chục năm trước, ca mổ tách Việt - Đức năm 1988 của BS Đông A cũng đã gây rất nhiều sự ngạc nhiên của thế giới y khoa thời bấy giờ. Và rồi, cũng như lần trước, báo chí bắt đầu kể lể lại những câu chuyện xưa của BS Đông A, từng là sĩ quan quân y lính Dù của chế độ cũ với đầy thiện cảm. Nhiều người cũng nhắc lại câu chuyện ông Sáu Dân (Võ văn Kiệt) biết trọng người tài, khéo léo bảo kê cho BS Đông A về, chứ không cũng đã đi vượt biên mất tiêu rồi. Mà thời đó không phải chỉ có chuyện bs TĐA, ai cũng nghe những giai thoại về ông Sáu Dân đi bảo lãnh và giữ chân nhiều vị hiền sĩ, nhân tài, khoa học của chế độ cũ ở lại làm việc cho VN. Trong đó có những vị mà mình cũng đã từng may mắn được gặp sau này. Chắc chắn đó mãi là những câu chuyện hay, đầy tính nhân văn, thể hiện được sự thông cảm và tôn trọng nhau của những con người hiểu biết, cho dù đã có lúc không cùng chiến tuyến với nhau.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng bs Trần Đông A và nhiều vị trí thức nhân sĩ khác được ông Sáu Dân mời giữ lại, là hoàn cảnh có chút may mắn đặc biệt. Vì nếu như thời đó các vị ấy kém may mắn sống ở những địa phương khác chứ không phải SG, như các tỉnh miền Trung chẳng hạn, hoặc là tên tuổi tài năng chưa có cơ hội lọt đến tai ông Sáu Dân, thì cuộc đời họ chắc đã rất nhọc nhằn trên những lối rẽ khác !
Ví dụ như nói về binh chủng Dù và TQLC ngày xưa, mỗi binh chủng đều có một tiểu đoàn quân y, với hàng trăm bác sĩ nha sĩ dược sĩ tài năng, và hàng bao nhiêu đội ngũ nhân viên y tá, cứu thương, bệnh viện, trạm xá các cấp... Những người quân y sĩ đó đã không những cứu thương cho đồng đội của mình, mà nhiều lúc còn sẵn sàng cứu thương cho cả đối phương của họ và những ai còn nằm lại trên trận tuyến, khi hoàn cảnh cho phép. Trách nhiệm công việc, nguyên tắc nghề nghiệp, và lòng nhân đạo sẽ không cho phép họ làm khác hơn. Và dẫu biết rằng cuộc chiến tranh nào cũng vậy, nguyên nhân không nằm ở chỗ những người lính, đặc biệt là lính quân y. Nhưng cuối cùng khi cuộc chiến kết thúc thì bao nhiêu người trong số đó được trọng dụng như BS Đông A, và bao nhiêu người phải rơi vào những số phận bi thảm khác ?

Cho nên cũng hy vọng những câu chuyện như thế này sẽ là cơ hội tốt để nhìn lại những được mất của đất nước từng bị ảnh hưởng bởi tư duy hận thù, phân biệt đối xử dựa trên lý lịch nhân thân nhiều đời, "thành phần chính trị"..v.v. Nhất là trong bối cảnh cả gần nửa thế kỷ một đời người trôi qua, mà nhiều người nhìn đâu cũng còn thấy "ta" với "địch". Một nỗi ám ảnh mơ hồ !

Nhân nói đến chuyện ứng xử thời hậu chiến, mỗi khi nhắc về cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, nhiều người thường ca tụng sự cao thượng của tướng Grant (miền Bắc - bên thắng cuộc). Vì ông đã ra sức bảo vệ tướng Lee (miền Nam - bên thua cuộc) và cả binh sĩ đôi bên được an toàn trở về quê hương cùng nhau xây dựng đất nước. Thời đệ nhị thế chiến cũng thế, cả thế giới ca tụng sự cao thượng vĩ đại của tướng MacArthur (Mỹ) đã bảo vệ cho ngôi vị của Nhật Hoàng Hirohito (bên thua trận) và giúp đỡ xây dựng lại một đất nước Nhật Bản phồn thịnh. Mãi cho đến ngày hôm nay, đất nước Nhật vẫn tôn kính và biết ơn tướng Douglas MacArthur (bên thắng cuộc) như một anh hùng "dân tộc" của đất nước họ. Còn mình thì lúc nào cũng tự hào về anh hùng Nguyễn Trãi và câu chuyện Hội thề Đông Quan của nước Việt. Quả nhiên "một chiến thắng hoàn hảo nhất là chiến thắng không có kẻ chiến bại !"

Ngài Gandhi của Ấn độ có một câu nói rất nổi tiếng "The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong". (Tạm dịch: Kẻ yếu không thể tha thứ, bởi sự tha thứ là thuộc tính của kẻ mạnh). Mình thì không muốn lạm bàn về chuyện mạnh yếu ở đây, nhưng vẫn thường nghĩ rằng con người ai cũng mong muốn được phụng sự cho tổ quốc và đồng bào của họ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một thể chế tiến bộ và xã hội văn minh là xã hội tận dụng được sự đa dạng đó, chứ không phải là một xã hội phân biệt kỳ thị, mang nặng định kiến hận thù !


4 comments:

Comments: