Hôm tuần rồi nói chuyện với ông anh, anh ấy có đề cập đến chuyện nhân quả bên nhà Phật "đời cha làm, đời con chịu". Lâu nay, thỉnh thoảng mình cũng thường nghe một số người nói như vậy. Hôm nay, rảnh rang, xin đóng góp chút ý kiến cá nhân về đề tài này.
Trước hết phải nói khái niệm "nhân quả" không phải của nhà Phật, mà là quy luật chung của vũ trụ này, và không hề là sản phẩm riêng của một tôn giáo nào. Các trường học trên thế giới lâu nay vẫn dạy nguyên tắc nhân quả (cause and effect) như một quy luật tất yếu của xã hội tự nhiên. Dĩ nhiên là mỗi tôn giáo có cách diễn đạt và giảng giải riêng về những nguyên tắc này theo cách hiểu riêng của họ. Đạo Phật cũng thế !
Xưa nay luật nhân quả luôn đúng, gieo nhân nào gặt quả ấy. Trồng ớt đương nhiên phải ra trái ớt, trồng cà đương nhiên phải ra trái cà. Từ ngàn xưa, trước khi Đức Phật xuất hiện, trước khi Chúa Jesus ra đời, thì quy luật này vẫn xảy ra như thế. Tuy nhiên, cuộc sống ngắn ngủi, mà hạt giống nào thì cũng cần phải có những điều kiện "nắng gió" nhất định để nảy mầm. Có hạt nảy mầm ngay, có hạt đợi đến những điều kiện phù hợp khác. Cho nên có nhiều lúc người ta không nhìn thấy những kết quả hiện tiền, mà sinh ra ngờ vực về đạo lý của nó. Đạo Phật thì tuyệt đối tin vào thuyết nhân quả, và tin rằng quá trình gieo gặt nhân quả không những chỉ xảy ra trong đời sống hiện tiền, mà còn xảy ra trong quá trình tái sinh, tuỳ vào nhân duyên của sự việc. Những hạt giống chủng tử tốt xấu (karmic seeds) do mỗi con người tạo ra luôn nằm sâu trong tạng thức (alaya-consciousness) của chính họ, đến khi có đủ điều kiện thì sẽ sinh sôi nẩy nở. Đơn giản là vậy, và mình luôn luôn tin vào đạo lý này.
Chính xác hơn là hầu hết những điều giảng giải của Đức Phật đều dựa vào những gì thực tế xảy ra chung quanh trong đời sống này. Quan niệm của PG chú trọng đến sự nhận thức và thực hành của tự mỗi bản thân, chứ không dựa dẫm vào những hứa hẹn cứu rỗi từ bên ngoài. Tuy nhiên, trãi qua bao thời gian thăng trầm và phát triển, ngày nay ai cũng thấy được PG đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những hình thức và màu sắc văn hoá dân tộc khác nhau. Có một số nơi PG bị biến tướng, lý giải đạo pháp thành những câu chuyện mê tín dị đoan, hoang tưởng hơn, chứ không đem lại sự tỉnh thức cho con người. Thậm chí có nhiều nơi còn ngộ nhận, giảng dạy những điều đi ngược lại với giáo lý cơ bản nhất của PG. Cho nên xưa nay nhiều người vẫn quan niệm rằng "cái áo không làm nên ông thầy tu". Trong việc chùa chiền và tín ngưỡng, nếu tin mà không hiểu, không những đi ngược lại với giáo lý nhà Phật, mà còn dễ gây ra tổn thương cho chính mình và cho những người thân chung quanh.
Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều những câu chuyện lạm dụng của các sư thầy quốc doanh. Lợi dụng đức tin (chưa thấu hiểu) của tín đồ để vụ lợi, gây rối xã hội và lũng đoạn niềm tin tôn giáo. Tất nhiên là bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều vị tu sĩ chân chính, cha đạo, tăng ni, sư thầy, đức độ dấn thân dẫn dắt người khác tu tập đạo pháp. Cho nên mình nghĩ việc sáng suốt nhận định và tìm hiểu thấu đáo trước khi gởi gắm niềm tin, bao giờ cũng là rất cần thiết trong lãnh vực tâm linh.
Trở lại vấn đề là có hay không chuyện PG cho rằng "đời cha làm thì đời con sẽ chịu". Thực ra thì tới giờ này mình cũng chưa bao giờ đọc được cuốn kinh sách PG nào nói như vậy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là kinh sách VN không có nói, vì bản thân mình cũng chỉ đọc được và hiểu biết trong một phạm vi rất nhỏ. Có một điều cần phải làm rõ là - Không phải kinh sách PG nào hôm nay cũng được diễn dịch từ nguồn chính thống mà ra, hoặc diễn đạt đúng ý nghĩa của những bản kinh nguyên thuỷ hoặc lời giảng dạy của Đức Phật ban đầu. Bởi vì có rất nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Dĩ nhiên là trãi qua gần 2600 năm, ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá, xã hội phân hoá, tư tưởng dị biệt, quan điểm cá nhân, văn hoá khác nhau, ngôn ngữ dịch thuật .v.v... Ngày dài tháng rộng chắc chắn sẽ có những thêm bớt vô tình, hoặc diễn giải bị sai lệch. Cho nên kinh điển PG hiện nay chắc sẽ không tránh khỏi ít nhiều một số quan điểm khác biệt tồn tại, mặc dù có cùng xuất phát điểm, từ một giáo lý chung ban đầu. Mà cũng không phải chỉ riêng PG, các tôn giáo khác cũng đều gặp những vấn đề tương tự trong quá trình phát triển. Nguyên nhân chính là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau, như thời gian, xã hội, nhân văn, và địa lý...v.v.. Điều này cũng bình thường thôi, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục thay đổi nữa trong tương lai sau này.
Nhìn chung, kinh sách PG ở VN ngày nay đa phần là được dịch ra từ các phiên bản của tiếng Hán, Nôm ngày xưa. Các phiên bản kinh sách bên TQ thì được dịch ra từ tiếng Phạn qua rất nhiều thời kỳ, bởi những bậc tri thức cao tăng như Sư Pháp Hiển (Faxian), Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), Ngài Huyền Trang (Xuanzang) ...v.v. Sau đó được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua tiếng Việt, nên dĩ nhiên có nhiều từ ngừ cũng rất khó hiểu. Bởi vậy nếu người nào quá chú trọng vào từ ngữ thì nội việc nhớ cho đúng những chữ nghĩa ấy cũng đã là một vấn đề rồi. (Nhiều vị nhớ xong là cũng không còn thời gian để thực hành nữa, mà chỉ đem ra bàn nhậu bàn loạn hoặc để dành làm thơ :-) )
Ngược lại đối với phương Tây thì những nhà học giả như Max Muller (Đức), Edward Conze (Anh), dịch thẳng kinh sách PG từ tiếng Pali hoặc Sanskrit, nên diễn đạt vấn đề đơn giản hơn và gần gũi hơn. Cho nên nếu ai đọc được tiếng Anh, thì những kinh sách PG tiếng Anh thường diễn giải trực tiếp hơn. Ngày nay có rất nhiều tu sĩ phương Tây thực hành PG. Đại đa số đều hiểu biết PG như một nguyên tắc sống và thực hành cách sống tỉnh thức an lạc dựa vào tự bản thân họ, chứ không mang màu sắc mê tín, hoặc dựa vào các đấng quyền năng. (Mở ngoặc chút, nhớ hồi xưa đọc "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, từng đoạt Nobel Văn chương 1946. Lúc đó mình cứ thắc mắc tại sao một người Đức lại có thể hiểu biết đạo Phật tới mức sâu sắc như vậy, mà chưa chắc nhiều vị chư tăng Á đông khác hiểu thấu như thế. Sau này mới hiểu thì ra các nhà dịch thuật phương Tây đã dịch rất nhiều kinh sách PG từ tiếng Sanskrit/Pali trước đó lâu rồi).
Bởi vậy, thiết nghĩ khi nói với những vị tu sĩ PG phương Tây quan niệm "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" thì chắc có lẽ rất xa lạ với họ. Đạo Phật vốn cho rằng mỗi người tự chịu trách nhiệm với nghiệp lực của mình tạo ra, và cũng chính họ là người duy nhất có thể thay đổi được nghiệp lực đó, thông qua những trí huệ và thực hành họ đang làm mỗi ngày. Còn nếu ai đó làm bậy bạ, mà ông Phật ông Chúa nào đó bắt con cái họ phải chịu thay, thì kiểu như là chính sách chứng lý lịch ba đời rồi còn gì :-) .
Tuy nhiên, mình nhớ là có nghe qua một số diễn giải về việc "nhân quả" na ná như ý này từ thời còn ở VN. Nhiều ý kiến cho rằng nhân quả được chia ra làm 3 trường hợp :
- Hiện báo: là xảy ra trực tiếp, ngay và liền - Như hôm nay nhậu quá, sáng mai nhức đầu. Trưa làm mấy tô bún mắm, chiều khát nước. Hôm nay lười học, mai bị điểm xấu. Hoặc cao kiến hơn "Nhân bất học bất tri lý, nhỏ không học lớn làm đại úy :-) ...v.v..
- Sinh báo: Gieo nhân kiếp này, kiếp sau mới hái quả.
- Hậu báo: Tức là tạo nghiệp bây giờ, sau này phải trả. Cũng không hiểu là "hậu báo" khác nhau với "sinh báo" chỗ nào, có thể là nhiều kiếp sau mới trả nợ chăng ? Mình không hiểu lắm, nhưng đóan có thể là vì khái niệm này mà dẫn đến quan niệm "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" chăng ?
Không rõ sự phân loại như trên xuất phát từ đâu, nhưng mình không thấy kinh sách PG phương Tây đề cập đến vấn đề này, mà chỉ nhấn mạnh rất rõ về "Karmic Seeds", tạm dịch là hạt giống nghiệp lực, và quan niệm ai làm nấy chịu. Gieo hạt giống nào thì lên cây ấy, không phải bây giờ thì ngày sau sẽ hái gặt. Khi nào đủ nước, đủ đất, đủ nắng gió, thì hạt nẩy mầm, thế thôi. Ai ăn mặn thì tự họ khát nước thôi. Chứ không ai có khả năng bắt người khác lãnh nợ dùm mình cả. Có muốn cũng không được. Có trăm sư thầy tiến sĩ giáo sư, hoặc có ngàn chùa lớn nhất Vietnam, lớn nhất thế giới, cũng không làm được !
Còn tin vào đạo lý này hay không lại là chuyện khác. Quan niệm PG không kêu gọi ngưòi khác phải tin mù quáng, Đức Phật cũng bảo vậy, đừng máy móc tin vào Ngài mà hãy tự thực chứng dựa vào bản thân chính mình. Riêng đề tài này, nếu qúy vị nào hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì mình nghĩ nên tìm đọc sách Duy Thức học nói về "A lại da thức". Hoặc sách tiếng Anh thì nên đọc về "Alaya Consciousness" hoặc "Alaya-Vijnana".
Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày, mọi sự việc đều có mối liên hệ tương quan với nhau, bởi không có chuyện gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi. Cho dù có tin "nhân quả" hay không, thì những chuyện như "gần mực thì đen gần đèn thì sáng" vẫn cứ xảy ra hiển hiện. Ví dụ như ông cha bất hiếu với bố mẹ, đứa con thấy vậy làm theo, không kính trọng ông bà cha mẹ. Bà mẹ mưu mô hại người, đứa con thấy vậy học theo, vướng luỵ vào vòng lao lý. Cha mẹ sống ảo, tham vọng ích kỷ, ảnh hưởng con cái khó sống buông bỏ, vị tha, nhẹ nhàng. Cha mẹ hối lộ tham nhũng, làm tiền dễ, con cái thấy vậy, tiêu xài hoang phí ..v.v. Âu cũng là những chuyện bình thường. Tất nhiên bên cạnh đó, xã hội cũng không hiếm những trường hợp cha mẹ gây ra nhiều oán nghiệp nhưng con cái lại rất thiện lương. Hoặc ngược lại cha mẹ đạo đức hiền lương, nhưng con cái lại gian tham ác độc. Cuộc sống này vốn đầy rẫy những câu chuyện nghịch lý như thế !
Và dẫu có sinh sống ở xứ sở nào thì cũng vậy, thỉnh thoảng cũng sẽ gặp những chuyện vô lý, bất công, giận cá chém thớt, thù đời cha hận đời con.... Suy cho cùng, nhiều hệ lụy lâu dài trong cuộc sống vốn tạo ra từ tư duy và hành động của mỗi cá nhân hoặc quan niệm thiển kiến của xã hội chung quanh, nhưng lại ngộ nhận là do "cha ăn mặn con khát nước". Quả nhiên có rất nhiều câu chuyện ân oán, tốt xấu trong cuộc sống này chỉ đơn giản là tuân theo nguyên lý tự nhiên thôi, chứ cũng chẳng dính dáng gì tới tôn giáo hoặc quyền hạn của bất kỳ ai. Nhưng nếu cho rằng đó là "nhân quả" thì cũng ok thôi. Bởi cho dù có tin hoặc không tin, có gọi là "nhân quả" hay "báo ứng", hoặc có thể gán ghép bằng một mỹ từ nào khác nữa, thì bản chất cuối cùng của vấn đề cũng không thay đổi. Có cái này thì tất có cái kia. Nhưng mình thì luôn tin chắc rằng sẽ không có một tôn giáo hoặc đấng tạo hoá nào lại vô lý đến nỗi bắt đứa con vô tội phải "khát nước" dùm cho người cha "ăn mặn" của nó. Nếu có, thì lâu nay ai muốn lên thiên đường đã bị thiên lôi thiên tướng bắt đi ủy ban chứng lý lịch rồi :-).
Nhân tiện cũng xin nói là mình không hề có ý dám qua mặt các tăng ni, bạn hữu, và những anh chị hiểu biết hơn, tu học cao kiến hơn. Mà chỉ là trao đổi với anh em bạn bè, mạn phép nêu ra vài ý kiến cá nhân. Đọc cho vui thôi !
No comments:
Post a Comment
Comments: