Hôm rồi nói chuyện với ông anh đồng hương về cái thời còn đi học. Anh ấy nhớ rõ ràng từ góc phố con đường, từ bờ rào khung cửa, từ cô bé hàng xóm anh lén nhìn mỗi tối, đến người cô giáo chủ nhiệm thướt tha mỗi ngày đến lớp. Anh ấy và mình lớn lên cùng một tỉnh lỵ nhỏ, có vài ngôi trường, vài con phố quen thuộc, vài quán cafe nổi tiếng .... nên thường là ai cũng "biết" nhau. Nhưng chỉ có chuyện tình yêu bồ bịch là dấu kín, có vợ con rồi càng dấu kỹ hơn. Đợi tới lúc về hưu con cháu đùm đề mới kể, mà kể một cách đam mê cuồng nhiệt như "lửa" yêu của thời mới lớn :-).
Mình và anh ấy học chung trường trung học. Mình vô đệ thất thì anh đã gần ra trường. Nhưng chuyện yêu đương thì từ lớp Nhất trường Nam tiểu học, anh đã biết nhớ nhung, biết ngủ "chiêm bao" rồi. Nên cô nào dễ thương trong tỉnh, hoặc quán cafe nào có con gái xinh, bài thơ tình nào da diết, anh nhớ hết. Dĩ nhiên cô nào anh theo đuổi tán tỉnh, thì nhớ nhiều và chính xác hơn. Mình ngồi nghe say sưa như được ai nắm tay dẫn đi lại những con đường loanh quanh của thời cắp sách đến trường. Chợt nghiệm ra một điều cho dù tuổi tác đến đâu, trong từng mỗi con người luôn có một vùng trời trẻ trung & bất tử. Như những hạt giống nằm im sâu lắng trong tàng thức, chờ đợi nảy mầm !
Thành phố mình ở thời đó chỉ có vài con đường lớn chính như Quang Trung, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lê Trung Đình, Duy Tân, Võ Tánh, Trần Thúc Nhẫn, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Ngô Quyền, Nguyễn Bá Loan .... Có những cung đường đẹp, thơ mộng, phượng vĩ đỏ thắm mỗi lúc hè về. Cũng có những cung đường đầy phân ngựa, kẻ bán người buôn tấp nập, mùi thịt nướng thơm lừng, mùi đường phèn đường phổi bay ngào ngạt. Và dĩ nhiên hai bên đường là những hàng cột điện gầy guộc và cũng như bao thành phố khác "đi dăm phút đã về chốn cũ". Nhưng dẫu con đường có lồi lõm ổ gà ổ voi đến đâu, thì vẫn đẹp. Cái đẹp trong tâm tưởng, ký ức về một tuổi thơ bao giờ cũng ngọt ngào. Chỉ có điều lạ là hồi đó bồ bịch thì lại không tìm những cung đường đẹp, con đường chính, mà toàn kiếm những cung đường muỗi cắn, tối hù mà đi :-).
Mình nhớ thời còn đi học, mình có thằng bạn thân học trước mình một lớp, rất mê thơ Đinh Hùng, Nguyễn Tất Nhiên, và Nguyên Sa. Nó cũng mê luôn một cô kia học chung khối lớp mình. Sáng nào có tiền, cũng chạy xuống bánh mì Bà Được, rồi lên dựa cột điện đầu đường Duy Tân, thổi kèn "harmonica" nhìn cô em đi học, từ ngoài Ngã Tư chính vào. Dĩ nhiên là chả bao giờ dám nói, nhìn cho đã, rồi về tìm thơ mà đọc. Hôm nào cô đó ngủ nướng, thì nó cũng đi học trễ. Vô lớp thì mơ mơ màng màng, bị ông thầy lấy cục phấn ném vô đầu, về nhà bị bà nó chửi "nhỏ mà hượn (?) yêu". Mặc kệ, nó vẫn chờ vẫn đợi, vẫn gặm bánh mì, vẫn làm mòn trụ điện, và vẫn chưa bao giờ dám nói. Bao nhiêu năm qua, có lần mình vô tình gặp lại cô gái ấy ở Mỹ, tính nói cho cô ấy nghe, nhưng rồi lại thôi. Hắn đã có vợ, và cô ta cũng đã có chồng. Bây giờ gặp lại chắc gì đã nhận ra nhau. Nhưng những câu chuyện tương tự như thế chắc chắn sẽ ở mãi trong "vùng trời trẻ trung" của họ, làm sao quên được ?
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng sách chẳng cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
(Đinh Hùng)
Thực ra, thời đó quê mình trường trung học nhiều, nhưng trường công lập thì ít, nên thi vào trường công lập cũng hơi khó. Nhiều trường nam nữ phải học riêng. Con gái học bên Nữ tiểu học, Nữ trung học. Mấy cô con gái tỉnh lẻ, bên ngoài thường thẹn thùng kín đáo, nên mấy anh con trai tuổi mới lớn càng tò mò khám phá. Có dạo mấy cô học đến lớp đệ nhất (12) thì được chuyển qua trường nam (TQT). Và mọi chuyện trai gái phiền phức (hoặc tuyệt vời) đều bắt đầu xảy ra từ đó :-).
Ông anh đồng hương mình kể từ thời tiểu học đã bắt đầu biết "trộm nhìn em", từ ban công nhà nàng, biết "yêu vu vơ màu tím", biết hái trộm hoa phong lan từng bịch để dành, và biết hát những bài tình ca bất tử ... Nhưng Romeo đã không dám leo lên ban công nhà Juliet, và đợi hoài mà "con bướm trắng cũng chẳng thèm sang bên này", nên anh ấy giờ chỉ còn lại những câu chuyện tiếc nuối ngồi kể hôm nay. Còn lên trung học thì khỏi nói rồi, sách vở nào ghi cho hết thành tích của anh. Ưu điểm của anh là cô nào dễ thương hoặc nổi tiếng anh đều nhớ hết; khuyết điểm là khó quên. Cho nên từ vạt áo dài đến bờ tóc xoả, từ góc phố thân thương đến bờ rào đáng ghét, từ quán chè cho đến quán cafe , từ hẽm Tạ Từ đường cho đến xóm chợ Trời. Từ những đêm văn nghệ, những buổi diễn hành, cho đến những ngày nước lũ chợ mưa.... anh nhớ mồn một. Giá như anh ấy viết sách, thì mình nghĩ Nguyễn thị Hoàng gặp đối thủ nặng ký rồi. Nhà thơ nổi tiếng người Anh John Keats có nói “Touch has a memory” (tạm dịch: cái đụng có trí nhớ" ). Chắc là vậy, cho nên nghe nhiều người đi trước kể rằng thời đó chưa hề hôn nhau, chỉ cần nhìn nhau hoặc nắm tay nhau, đã lâng lâng hạnh phúc, sung sướng, và nhớ nhau suốt đời :-).
Quê mình thời đó có nhiều quán cafe, nhưng không phải quán nào cũng dành cho tình nhân hoặc cho mấy anh trồng cây si. Có khi quán lớn không ghé, mà lại chui vào quán nhỏ, bởi đâu phải người nào vào quán cũng để thưởng thức cafe. Nào là Diễm Xưa, Hoàng Gia, Bắc Sơn, La Rose, Hồng Diệp, 116, Cafe Uyên .... mà hình như quán nào cũng có những bóng hồng đáng nhớ một thời.
Mở ngoặc chút, dạo trước đọc anh Luân Hoán kể về thời gian ở khu Trùng Khánh, với những nhân vật văn chương thi phú một thời ....như Phan Nhự Thức, Lê Văn Nghĩa, Huỳnh Bá Dũng, Đynh Hoàng Sa, Đinh Trầm Ca, Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh, Trần Thuật Ngữ, Nghiêu Đề, Phạm Trung Việt, Phan Nhự Thức, Vũ Hồ, Vũ Quỳnh Bang ... Mình rất thích cái phong cách sống thời đó. Nhà trường và xã hội ở mỗi giai đoạn đào tạo ra những thế hệ thanh niên có quan niệm sống khác nhau. Qua đó ít nhiều cũng thấy được cái văn hoá và tư duy giáo dục của từng thời kỳ. Ngày ấy bên cạnh những lãng mạn của thi ca, của tình yêu cuộc sống, thì còn mang nặng lý tưởng quốc gia, quê hương dân tộc, và ước mơ phụng sự xã hội. Nhưng điều đó dường như ngày càng trở nên hiếm hoi hơn trong xã hội ngày nay.
Trở lại những cuộc tình của ông anh đồng hương mình. Thời còn đi học, mình học ban toán, ông anh học ban văn chương, rồi lên đại học anh ấy cũng học văn chương, nên cũng đã làm bao nhiêu cô khổ rồi, chứ mấy em đâu dám làm khổ ảnh ? Nhưng trong tình yêu nếu chỉ được thôi, không mất, thì cung bật cũng tẻ nhạt, đơn điệu :-). Cho nên phải có yêu thầm nhớ trộm mới thú vị, thất tình mới nhớ lâu. Lâu nay thường thấy mấy ông thi sĩ nhạc sĩ thất tình làm thơ làm nhạc mới hay. Đến khi cuộc sống dư đủ, ít trắc ẩn, thì dường như thơ nhạc cũng ít phong phú hơn. Nói tới đây nhớ đoạn này của Nguyễn Tất Nhiên:
Tình một hai năm chưa phải tình dài
Cũng không thể gọi là tình mới
Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi ...
(Nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người
Và cơ khổ như những lời thú tội!)
Tình sớm rụi bởi rơm tình sớm cháy
Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn?
Nên cuộc đời, cứ thế, run run
Gió thì lạnh – tay chẳng màng đánh lửa!
Tôi vẫn đợi, đợi người thêm chút nữa
Tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau
Tình một hai năm... chưa bạc mái đầu
Chưa tuyệt vọng (bởi vì chưa hy vọng)
Và hôm nay mưa nhiều trên tóc nhuộm
Xơ xác người, tôi thấy buồn chưa tôi?
(Biết làm sao cấm đoán được mưa trời?)
Cha mẹ sinh tôi: thằng con bất hiếu
Thề thốt thương người hơn cả song thân ...
Nói chung ký ức con người quả nhiên là kỳ diệu. Luôn chọn những gì ấn tượng nhất, lưu luyến nhất, và đẹp đẽ nhất để ghi lại. Như ông anh mình, bây giờ tới lúc tóc tiêu nhiều hơn muối, không quản khó nhọc, ráng làm cái vườn hoa, cái ao cá tuyệt đẹp. Chiều chiều ra ngắm, mở nhạc, mơ màng ngồi nhớ chuyện xưa. Khi nào vợ kêu, thì mới vào rửa chén ! Rau quả mọc lên rơi rụng nhiều quá, phải kiếm người mà cho. Mà vườn thì trồng toàn thứ "độc", toàn quốc hồn quốc tuý. Cũng không quên trồng thêm một cây phong lan, thoang thoảng hương thầm. Ở Mỹ mà có cây bồ kết chắc ảnh cũng trồng luôn. Nhưng mình nghĩ, với anh và cũng như bao nhiêu người VN tha phương khác, chắc là rau trái gì cũng không quan trọng, cá gì bơi lội cũng không quan trọng, hoa gì nở cũng không quan trọng, mà là hoài niệm hướng về đâu mới là quan trọng. Những niềm nhớ không quên...
Mà thực ra giữa cuộc sống bon chen này, đầy rẫy những tranh chấp vô bổ, dễ gì ai cũng tạo được cho mình một góc riêng như thế. Cho nên đừng bao giờ nghĩ rằng lớn tuổi hay quên. Mà nhớ hay quên chỉ là câu chuyện của khu vườn ký ức trong mỗi con người. Không tưới nước bón phân thường xuyên thì cây nào mà lên cho nỗi ?
Còn mình thì thuộc loại phàm phu tục tử, không có nhiều chuyện xưa để nhớ, mà mỗi lần thấy vườn rau của anh lại nhớ đến món ruột của mình, lẩu mắm và bài "Rau đắng sau hè". Nào là đậu đũa, khổ qua, cà dái dê, đậu rồng, rau ngỗ, rau càng cua, rau đắng, lục bình .... chỉ tiếc là thiếu bông điên điển :-).
PN (9/9/2020)
(When someone you love becomes a memory, that memory becomes a treasure.)
Về chuyện yêu đương thời ấy coi bộ lứa tuổi của các em cũng chẳng tiến bộ gì!
ReplyDeleteMấy chuyện này tụi em thì không theo thế hệ anh nỗi :-)
Delete