Saturday, November 28, 2020

Phiếm: Cây Noel và sự chọn lựa !


 

Sáng nay chở con đi lựa cây Noel. Năm nào cũng vậy, sau ngày lễ Thanksgiving, thích nhất là đi một vòng các khu mua sắm coi thiên hạ trang hoàng Noel, rồi chọn mua một cây thông đem về nhà. Nói đến cây thông Noel thì nhiều loại lắm. Người không quen thì cứ ngỡ chỉ có một vài loại na ná giống nhau, nhưng thật ra không phải vậy. Vốn có cả hàng chục loại thông khác nhau được trồng và bày bán vào những dịp Noel, tuỳ theo từng địa phương. Tiểu bang mình đang ở cũng là một trong những nơi chuyên trồng và cung cấp cây Noel cho nước Mỹ. Thông thường thì các giống thông họ "Fir" được bày bán nhiều nhất, trong đó có những loại nổi tiếng như Noble fir, Fraser fir, hoặc Balsam fir. Còn các loại thông thuộc họ khác như Pine, Spruce, Cypress, Cedar ... thì ít thông dụng hơn. 

Nói đến chuyện người Mỹ lựa thông thì chắc chắn là không cầu kỳ bằng người Việt lựa mai, lựa đào. Bởi người VN ta không phải chỉ đơn giản mua hoa ngày Tết về để chưng bày, mà còn gắn thêm sứ mệnh phong thuỷ, hên xui, phúc đức, tài lộc lên những cây mai, nhành đào, chậu lan, chậu cúc, vạn thọ ... Hoa quả ngày Xuân quê ta không phải chỉ có nhiệm vụ trang trí, mang không khí Tết về, mà còn có những nghĩa vụ thiêng liêng khác nữa :-). Trong khi đó thì cây thông ở xứ này chỉ đơn giản là để trang hoàng, làm cho căn nhà đẹp đẽ và ấm cúng hơn, có không khí Noel. Có nhiều người ghiền cái mùi thơm tự nhiên của cây thông, nhất là những lúc gia đình vợ chồng con cái quây quần bên cạnh lò sưởi tí tách, những ly rượu vang hoặc bình trà ấm nồng hương vị ngày đông. Mùi hương thoang thoảng của cây thông đem lại một cảm giác lễ hội quen thuộc và đầm ấm. Đó cũng được coi như là một tục lệ thuần túy chớ cũng chẳng liên quan gì đến có đạo hay vô đạo, hoặc Phật giáo, Thiên chúa, Tin lành … :-).

Mình thì bao giờ cũng ghiền cái không khí rộn ràng của lễ hội. Lúc còn ở VN, Tết đến la cà chợ hoa cả buổi, rồi cũng ráng rinh về vài chậu cúc, vài giò phong lan, một chậu mai nho nhỏ để bàn. (Mặc dù hồi còn ở VN, một anh bạn có khu vườn mai cổ thụ dưới quận 9, năm nào cũng kêu người chở lên nhà mình một chậu để chưng Tết. Thường thì mấy chậu mai của anh to quá không đem vô nhà được, nên mình chỉ để ngoài sân ngắm. Hết mùng, anh lại cho người lên chở về chăm sóc đợi năm sau). Còn Noel bên Mỹ thì lang thang ngắm đèn ngắm hoa, rồi cũng kéo về một cây thông. Nhưng chủ yếu là thưởng thức vào những ngày trước Noel hoặc sau Tết dương lịch, chứ nhiều năm đến ngày Noel, thì mình và gia đình lại đi đâu đó, không có ở nhà. Thực ra suy cho cùng, lễ hội quan trọng nhất là cái "hồn" của nó, chứ chẳng phải là cây mai, nhành đào, hay một cây thông :-)

Hàng năm cứ mỗi lúc đi mua cây Noel, mình lại nhớ đến bài thơ “Little Tree” (Cây thông nhỏ) nổi tiếng của nhà thơ Mỹ, Edward Cummings. Mà chắc là nhiều người cũng nhớ chứ chẳng phải riêng mình, kiểu như nhớ “Ông đồ" của Vũ đình Liên bên nhà…

little tree

little silent Christmas tree

you are so little

you are more like a flower

who found you in the green forest

and were you very sorry to come away?

see i will comfort you

because you smell so sweetly

i will kiss your cool bark

and hug you safe and tight

just as your mother would,

only don't be afraid

look the spangles

that sleep all the year in a dark box

dreaming of being taken out and allowed to shine,

the balls the chains red and gold the fluffy threads,

put up your little arms

and i'll give them all to you to hold

every finger shall have its ring

and there won't be a single place dark or unhappy…

(E.E.Cummings)

Viết tới đây mình bỗng nhớ đến một người quen cũ, Việt kiều, ở cùng thành phố với mình bên Mỹ, cũng đã mấy năm rồi chưa gặp lại. Anh ấy được gia đình bảo lãnh qua Mỹ vào những năm sau này. Hồi đó anh thường khuyên mình "Mua chi cây Noel mà năm nào cũng đi lựa cho cực, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Tao mua cây Noel giả, to gấp đôi, gấp ba cây của mày, đẹp hơn mà lại xài hoài, khỏi tốn tiền”. Mình không biết phải trả lời sao, vì anh ấy vốn thích cái gì cũng to, cũng lớn, cũng nổi trội hơn của người khác. Con gà tây lễ Tạ ơn anh mua cũng phải to hơn của người khác. Cái nhà, cái xe, cái hồ cá ... của anh cũng muốn phải to lớn hơn của thiên hạ. Rồi có dạo anh về VN chơi, qua gặp mình than vãn: 

- Giờ thấy sống bên Mỹ cực quá. Mấy đứa bạn bên VN sống khoẻ hơn. Sáng tà tà đi uống cafe, chiều đi nhậu lai rai, tối đi hát karaoke. Còn mình bên Mỹ tuổi này phải đi cày hoài, chẳng ăn chơi nhậu nhẹt gì ".

Lúc đó mình hơi ngạc nhiên và có góp ý với anh: "Ngày trước nghe anh nói đi qua Mỹ vì tương lai con cái của anh. Chứ nếu biết là anh qua Mỹ để tìm kiếm sự rảnh rang, có nhu cầu kiếm bạn nhậu, uống cafe, hoặc hát karaoke mỗi ngày. Thì tôi đã khuyên anh nên quay về VN sống, sẽ phù hợp hơn". 

Quả nhiên là vậy, mỗi người mỗi cảnh, ai cũng có những mục đích sống riêng cho bản thân. Trước đây người Việt bỏ xứ ra đi vì những lý do khác nhau. Có người rời làng quê vào Nam lập nghiệp. Có người bỏ xứ lên núi lên rừng vỡ đất khai hoang. Có người bị buộc phải đi vùng kinh tế mới. Có người liều chết chạy ra nước ngoài…v.v. Tất nhiên có rất nhiều người bắt buộc phải ra đi vì không còn sự chọn lựa nào khác, nhưng cũng có người ra đi chỉ vì kiếm tìm một hoàn cảnh tốt hơn cho bản thân và gia đình. Ngược lại, những năm sau này thời thế đổi khác, người ra đi có nhiều sự chọn lựa hơn. Thông tin về đời sống ở nước ngoài cũng rõ ràng hơn, không còn chỉ là những tấm hình màu hoặc những câu chuyện hư cấu, đi mây về gió. Thế nhưng vẫn có một số người ngộ nhận về mục đích ra đi, rồi dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Tương tự thì chiều ngược lại cũng vậy, những người VK hồi hương hoặc trở về quê nhà thăm viếng, làm ăn, cũng có nhiều quan niệm và sự kiếm tìm khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là những ảnh hưởng từ việc tiếp cận với ai, tiếp cận ở môi trường nào, nghe thông tin từ đâu… Tin tức và kiến thức đến từ những nguồn ngắn dài khác nhau thì sẽ có những cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, lắm khi dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc. Xưa nay bao giờ cũng vậy !

Xin lỗi đã đi lan man từ chuyện lựa cây Noel qua đến chuyện anh bạn VK của mình. Nhưng vì có điểm tương đồng, đó là sự chọn lựa riêng của từng người. Thực ra đây không phải là những vấn đề hơn thua, hoặc đúng sai, mà chỉ là những chọn lựa phù hợp theo quan điểm cá nhân, và cũng là quyền riêng tư của mỗi con người, cần phải được tôn trọng. Mình thì lúc nào cũng rất thông cảm với những nỗi lòng trăn trở khi phải rời bỏ quê hương ra đi. Cho dù là ra đi vì lý do gì, kinh tế, chính trị, hoặc theo đuổi mục đích nào đó, thì chắc chắn ai cũng trải qua những dằn vặt khó khăn. Tất nhiên mỗi người ai cũng phải có trách nhiệm với sự chọn lựa của chính mình. Còn sự lựa chọn đó đúng hay sai, thì cũng chỉ là những khái niệm tương đối. Lắm khi đúng với nguời này, nhưng lại sai với người khác. Bởi nó còn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm, tư duy, và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Nhưng sự chọn lựa nào cũng phải đắn đo cân nhắc, đánh đổi giữa “được” và  “mất”, chứ không phải dễ dàng là trọn vẹn đôi đường. Tuy nhiên, nếu như sự chọn lựa đó không phải xuất phát từ chính bản thân họ, mà chỉ dựa vào những "định nghĩa" hoặc "tiêu chuẩn" của thiên hạ, hoặc nghe theo, chạy theo phong trào, thì câu chuyện lại trở nên rất phiền phức ! 

Cụ thể nhất là trong những năm gần đây, mình cũng thường nghe đến nhiều câu chuyện bi hài về những quyết định “đi, ở" của nhiều người quen biết và bạn bè từ bên VN. Bên cạnh đó thì cũng không hiếm những câu chuyện trở về, "cột điện" hồi hương của nhiều anh em đồng bào VK hải ngoại. Thực ra khi nói đến sự chọn lựa cho gia đình và tương lai con cái, thì có nhiều thứ để đắn đo, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện cơm áo gạo tiền. Có những quyết định liên quan đến hạnh phúc, tương lai, số phận của nhiều thế hệ. Tuy nhiên khi nói đến chuyện “chọn lựa” thì dân ta lâu nay vốn không hề thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới. Từ chuyện bầu cử bỏ phiếu cho ai, cho đến chuyện con đi du học nước nào, cho con học ngành gì, bác sĩ dược sĩ hay nha sĩ, đám cưới đám giỗ đãi ở đâu, lễ đài thọ bao nhiên bàn, ăn món gì, làm từ thiện ở đâu, cúng chùa nào, tu theo thầy nào, mua xe hiệu gì, mua phone hiệu gì .....v.v.. và v.v.... lúc nào cũng nhiều chuyện để nói. Mình thì vốn không có điều kiện để theo đuổi nhiều thứ, nên rất ít khi quan tâm đến những trào lưu của thiên hạ. Nhưng cũng trộm nghĩ rằng mỗi người đều có hoàn cảnh và tư duy khác nhau. Nếu phải chọn lựa cách sống theo "ý thích" hoặc "tiêu chuẩn" của thiên hạ, thì chắc chắn sẽ phải “đuối" cả đời. Mới vừa “tậu” được cái này, thì đã có cái khác để “đuổi”. Biết bao giờ cho tới ngày mai ?

Mới tháng trước đây, một ông bạn của mình, người Mỹ gốc Hoa, là CEO của một công ty tài vụ kế toán châu Á, vừa mất đi đứa con quý tử. Câu chuyện rất buồn. Gia tài vỏn vẹn có đứa con trai, thương yêu dồn hết cho nó. Ông bố có Ph.D, nên cũng muốn thằng con có Ph.D. Thằng con lại khoái chơi banh cà na, mặc dù chơi không xuất sắc lắm. Cha mẹ sắm sửa cho con mọi thứ, muốn gì có nấy, chỉ yêu cầu con được vào trường Duke University. Trước ngày sinh nhật 18 tuổi một ngày, đứa con tự tử để lại di thư vì áp lực quá lớn. Mình muốn đến chia buồn, mà phải đợi mấy tuần sau ông bạn mới nguôi ngoai chút. Mà đến nơi cũng không nói được điều gì !

Đức Phật ngày xưa có nói "Happiness does not depend on what you have or who you are. It solely relies on what you think”. (Tạm dịch là: Hạnh phúc không lệ thuộc vào chuyện anh là ai, hoặc anh có cái gì. Mà hoàn toàn lệ thuộc vào anh nghĩ gì). Không biết có hiểu biết nông cạn lắm không, nhưng mình rất tâm đắc với câu nói này. Ít nhất là khỏi phải tốn tiền, tốn sức gì cả, chỉ từ ý niệm thôi cũng có thể tìm được hạnh phúc và sự an lạc :-).

Cho nên, nhân mùa Giáng Sinh, xin chúc tất cả các bạn bè và các anh chị em luôn an vui hạnh phúc. Đặc biệt xin chúc những bạn bè của mình mới qua Mỹ qua Tây trong những năm gần đây, có một mùa Giáng Sinh an lành. Luôn tìm thấy sự an vui hạnh phúc bên cạnh gia đình, và có những sự chọn lựa phù hợp cho các bạn. Nhất là năm nay lại không được về VN ăn tết, thì chắc càng buồn hơn. Mình cũng từng trải qua những năm tháng như vậy, nên hiểu được cái cảnh nhớ quê ở xứ người. Ngoài trời giá rét, mà trong lòng thì nóng ran. Ở nhà ngồi bó gối, nhớ về quê ăn Tết, nhớ tất niên, nhớ tảo mộ tháng Chạp, nhớ gia đình bạn bè, nhớ kẻ chào người đón, hội hè thằng Tí con Toe bên nhà ..... Thôi thì hãy cố gắng lên, hết dịch lại về. Buồn nữa thì mở ra-dô nghe Duy Khánh hát "Xuân này con không về", và nghĩ đến sự chọn lựa ban đầu của mình :-) ….

 


No comments:

Post a Comment

Comments: