Thursday, November 05, 2020

Phiếm: Dã tràng xe cát

 


Trong thời buổi dịch bệnh, chính trị dơ bẩn, xã hội phân hoá, ngày càng có nhiều người tìm đến tôn giáo như một cứu cánh để xoa dịu những nỗi niềm trong cuộc sống hoặc chiêm nghiệm lại những được mất trong cuộc đời của họ...

Mình có người bạn Mỹ, quen nhau cũng gần 30 năm rồi, từ đầu thập niên 90. Thời đó mình còn làm việc cho một trung tâm nghiên cứu viễn thông đa quốc gia (Bell Northern Research), còn anh ta thì bắt đầu khởi nghiệp bán bảo hiểm. Bẵng đi một thời gian khá lâu, ra nước ngoài làm việc, mấy năm trước mình mới trở lại Mỹ. Gặp lại nhau, thì anh đã trở thành ông chủ một công ty bảo hiểm nho nhỏ. Con cái đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, chuẩn bị tiếp tục sự nghiệp công ty bảo hiểm của anh. Nói chung không giàu có lắm, nhưng cũng có một sự nghiệp để tự hào và cuộc sống tương đối đầy đủ. Rất mừng cho anh ấy. 

Tuần rồi, anh bỗng hẹn mình đi ăn trưa. Đầy tâm trạng ưu tư, rồi hỏi thăm rất nhiều về đạo Phật. Có lẽ anh ấy nghĩ mình là người VN nên ít nhiều gì cũng biết chút đỉnh về Phật giáo. Hơi ngạc nhiên, nhưng rồi mình cũng giới thiệu cho anh ta một số trang mạng tiếng Anh nói về đạo Phật. Hy vọng anh ấy sẽ tìm được cái mà anh cần tìm.

Thực ra thì những năm sau này thỉnh thoảng cũng đọc được tin tức của nhiều CEO phương Tây tìm đến đạo Phật. Nào là Steve Jobs (Apple) đi tiên phong qua Ấn độ tầm sư học đạo. Sau đó đến Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Page (Google) cũng đi theo gót chân của Steve Jobs. Rồi Jack Dorsey, nhà sáng lập & CEO của Twitter , cũng qua Myanmar học thiền.  Đến Marc Benioff, nhà sáng lập & CEO của Salesforce cũng lặn lội đi tầm sư học nghệ, cuối cùng rước luôn một ông thiền sư về nhà để học. Còn những nhà tỉ phú CEO mà theo đạo Phật lâu nay như Christine Comaford ( First Professional Bank), Pierre Omidyar (Omidyar Network), Kazuo Inamori (KDDI Corp), Jack Ma (Alibaba TQ), Michael Dobbs-Higginson ... thì ai cũng biết, khỏi nói rồi. 

Mình thì luôn quan niệm rằng bất kỳ là ai, cho dù ông to bà  lớn nào, tỉ phú triệu phú hoặc CEO nào thì cũng là con người như tất cả mọi con người bình thường khác. Cho nên ai cũng có những lý do nhất định để có một đời sống tinh thần cần thiết hoặc tìm đến những tôn giáo phù hợp cho riêng họ. Tuy nhiên giới truyền thông và đầu tư thì rất nhạy bén, họ luôn thích săn lùng và thổi phồng những tin tức liên quan đến các ông CEO này. Nhớ năm nào đó Mark Zuckerberg (Facebook) nhà ta đi tầm sư học đạo bên châu Á, tờ báo "Wall Street Journal" chơi một cái tựa báo giựt gân làm chấn động giới võ lâm thời bấy giờ ...“Can Mark Zuckerberg Find Enlightenment? Facebook shareholders could benefit if the company’s CEO takes up Buddhism”. (Tạm dịch là: Liệu Mark Zuckerberg tìm thấy sự Giác ngộ ? Các nhà đầu tư FB hưởng lợi khi người điều hành đi theo đạo Phật). Làm cho biết bao nhiêu nhà đầu tư xôn xao.

Và đương nhiên là so với các cây đa cây đề kể trên, thì ông bạn chủ hãng bảo hiểm cỏn con của mình quá nhỏ bé, cho nên chuyện ông đi nghiên cứu đạo Phật, thì cũng quá ư bình thường, chẳng có gì cần phải ầm ĩ. Nhưng điều làm mình quan tâm là anh ta có vẻ quá lo lắng cho sự nghiệp rồi sẽ tan biến như "dã tràng xe cát" (sand bubbler crab). Ngồi lắng anh kể chuyện một lúc, thì mình cũng hiểu được phần nào nỗi niềm lo lắng ấy. Đúng ra, thì chữ "dã tràng" lâu nay cũng không lạ lẫm gì với người Á đông, được dùng rất nhiều để ví von những trường hợp phí công phí sức trong cuộc sống. Thường thì nó được xài như một danh từ, mà cũng có người xài như một trạng từ, hoặc tính từ ...

(Nhân nhắc về chữ dã tràng, mình nhớ đến anh LQA, người đã rất thành công diễn đạt ca khúc Dã Tràng Ca của nhạc sĩ TCS. Xin nói thêm là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết khúc ca này từ năm 1962, ban đầu có tên là "Trường ca tiếng hát dã tràng". Đây là bài nhạc dài nhất của TCS, và theo các bạn bè của ông, thì chính nhạc sĩ đã từng điều khiển hợp xướng ca khúc này nhiều lần, nhiều nơi khác nhau như Quy Nhơn, Bảo Lộc .... Nhưng mãi cho đến khi nhạc sĩ TCS qua đời, thì ca khúc thất lạc này mới được ai đó tìm lại, và sau đó được nhiều ca sĩ trình diễn. Một trong những người diễn đạt ca khúc này thành công nhất, sâu lắng và tình tự nhất là anh LQA, mặc dù anh ta không phải là ca sĩ chuyên nghiệp). 

Giờ trở lại cái vụ ông bạn bảo hiểm của mình. Thấy anh tâm tư quá, nhưng gặp mình thì cũng chẳng hiểu biết nhiều về đạo giáo và triết lý sống, lại càng chẳng có nghiệp vụ khả năng gì để an ủi và khuyên giải anh ta. Nên tạm thời chỉ biết chia sẻ một vài quan niệm cá nhân mà thôi. 

Lâu nay, theo cách nghĩ của mình thì chẳng có việc làm hoặc hành động nào trong cuộc sống này mà là "dã tràng" cả. Mọi ứng xử hành động đều có những tác động nhất định nào đó. Bởi có cái này thì tất sẽ có cái kia; tạo ra thứ này sẽ luôn ảnh hưởng đến một thứ khác. Có nhân thì có quả, cho dù con người có chấp nhận hay không !

Nói cho chi tiết chút, ai cũng biết xưa nay sinh lão bệnh tử là những quy luật tất nhiên không thể tránh khỏi. Có sinh tất có diệt. Thậm chí có nhiều người sinh ra và chết đi trong cùng một bệnh viện, cùng một ngôi nhà, hoặc trong cùng một nơi chốn, một làng quê, tỉnh thành đất nước nào đó. Và đoạn đời nằm giữa 2 thời khắc sinh tử đó của mỗi con người là những đoạn ngắn dài khác nhau. Họ tìm kiếm và mưu cầu những thứ khác nhau, vui buồn khác nhau. Có người dành hết quãng đời để mưu cầu danh vị, mưu cầu tiền tài, mưu cầu tình yêu, mưu cầu quyền lực ..v.v. hoặc đeo đuổi những thứ mà họ cho rằng thành đạt hoặc hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều những con người dành cả cuộc đời để tu tập sống buông bỏ, sống vì người khác, tập xa dần với những gắn bó (attachments) và ham muốn, thực hành sống đơn giản và tỉnh thức ..v.v.. Và dĩ nhiên càng không hiếm những mảng đời sinh ra chỉ để lam lũ kiếm sống, chịu đựng lo toan từng ngày từng khắc cho đến chết mà vẫn chưa hề có dịp để nghĩ đến những thứ rộng lớn hơn, những ý nghĩa hoặc mục đích sống xa hơn chén cơm manh áo. Đó là sự thật và thế gian này quả nhiên là đa dạng. Mỗi người mỗi cảnh !

Tuy nhiên, cho dù giàu nghèo hay sang hèn, bất kỳ ai cũng có một cái "tôi" riêng biệt dành riêng cho họ. Còn cái "tôi" đó lớn hay nhỏ, cao siêu hay thấp bé, ngạo nghễ hay khiêm tốn .... là tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên khác nhau. Nhưng theo quan niệm của đạo Phật, cái "tôi" cái ngã đó vốn không có thực, chỉ là ảo tưởng do các thức tạo thành, nên mới có từ gọi là "vô ngã" ! Tiếng Pali gọi là Anatta, tiếng Sanskrit gọi là Anatman, còn tiếng Ăng lê thì gọi là “non-self” hoặc “substanceless”. Mà thôi, nói đến mấy chuyện này, cả đời nói chưa hết. Có khi không thấy "vô ngã", mà lại chỉ thấy "cãi vả nhau" :-) .

Nhớ mới cách đây mấy năm, Robert Wright cho ra cuốn sách “Why Buddhism is True" (tạm dịch: Tại sao đạo Phật là sự thật". Và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times năm đó. Thế là ôi thôi nhiều ông nhiều bà đăng đàn phân tích tranh cãi, phê phán, phỏng vấn tùm lum. Cũng may là cuối cùng cuốn sách vẫn chỉ là cuốn sách :-).

Thực ra thì dẫu có theo tôn giáo nào chăng nữa, hoặc tin theo văn minh khoa học, triết ta triết tây gì, cuối cùng thì ai cũng đồng ý với nhau là sự hiện hữu của con người vốn đơn giản được tạo ra bởi 2 thứ, đó là thân và ý (body & mind). Còn những chuyện linh hồn cao xa hơn nữa thì chưa thấy chưa biết, nên không dám bàn thảo ở đây.

Đại đa số các nhà khoa học và tôn giáo đều cho rằng mỗi con người sinh ra, cho dù đen trắng vàng đỏ gì thì cũng bình đẳng như nhau, đều được làm chủ một "doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn", gồm có 5 nhân viên và một giám đốc. Hoặc nói cách bình dân hơn là có 5 thợ 1 thầy. Năm nhân viên đó có chuyên môn cao, mỗi người phụ trách một lãnh vực, làm việc độc lập nhau, không ai thèm nói chuyện với ai. Đó là "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân". Còn ông giám đốc là "mind", chỉ đạo hết 5 anh kia. Năm nhân viên đó ra ngoài tiếp cận với thế giới chung quanh bằng cách nghe, nhìn, sờ nắm, ngửi, nếm .. xong về báo cáo cho lãnh đạo là anh giám đốc. Thế rồi lãnh đạo quyết hết, chỉ đạo cái nào ngon dở, nóng lạnh, sướng khổ, vui buồn, đẹp xấu, vinh nhục, hơn thua ....trong kiếp sống này.

Còn nếu có ai hỏi là đội ngũ nhân viên đó tài giỏi không ? tin tưởng được không ? Thì chắc chắn trả lời là nhất rồi. Đích thân sờ nắm tận chỗ, ngửi nếm tận nơi, thấy nhìn tận mắt, nghe ngóng tận tai, sao sai được ? Mặc dù khoa học đã từng chứng minh rằng giác quan con người không nhạy bén bằng con vật, mắt con người không nhìn rõ bằng mắt con diều hâu, tai con người thính không bằng con nai con báo, mũi con người không nhạy bằng con chó con chồn ....Nhưng không ăn thua, ta là nhất, lãnh đạo quyết thì phải đúng thôi :-).
Và cũng chính nhờ có 5 nhân viên giác quan này, và một ông sếp (ý - mind) mà con người mới có thể tương tác được với thế giới chung quanh, mới hình thành nên những sự cảm nhận, thụ hưởng, hoặc nhận thức về vũ trụ quan & thế giới quan. Rồi từ đó, tuỳ theo những hình thức tương tác và trạng thái thọ tưởng, cũng như các hệ quả phát sinh từ nghiệp lực của chính họ,  mỗi cá nhân lại tiếp tục xoay vòng tạo ra những duyên nghiệp khác. Người ta gọi những nhận thức, ý thức, và sự thọ tưởng đó bằng những danh từ khác nhau như giác quan, uẩn, ấm, căn, trần, thức (consciousness) .v.v. Nhiều vị cao siêu hơn nữa thì dùng cả tiếng Phạn, tiếng Anh, tiếng Hán, để giải thích cho rõ ràng, nhưng thực tế thì ngôn ngữ lúc nào cũng hạn chế, không diễn tả hết được, mà chỉ có mỗi người tự thân trải nghiệm. Nôm na thì cũng vẫn tạo ra bởi năm thợ và một thầy đấy thôi. (Đây là một đề tài tương đối sâu sắc của PG, với phạm vi một vài bài phiếm luận không thể nào nói hết được. Xin lỗi nếu có gây ra những hiểu lầm. Mình không biết nhiều, chỉ mạn phép bàn đến một vài ý nhỏ thôi, nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm, nên tra cứu về "Eight Consciousnesses").

Riêng anh giám đốc lãnh đạo (ý - mind) thì mới là ghê gớm. Cái "tôi" của mỗi con người khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ, thiên đường hay địa ngục, là cũng do anh lãnh đạo này. Không như 5 anh nhân viên quèn kia, phải ở cự ly gần hoặc tiếp xúc trực tiếp mới nhận biết sự việc. Anh giám đốc thì tài ba hơn nhiều, trên thông thiên văn dưới rành địa lý. Chuyện không anh có thể biến thành có, chuyện có anh có thể biến thành không. Chuyện lớn anh có thể hoá giải thành nhỏ, chuyện nhỏ anh có thể vẽ thành to. Tất cả đều do anh liên tưởng mà thành, thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng bắt đầu từ chỗ anh mà sinh ra. Ngồi VN mà biết chuyện ở Mỹ ở Tàu. Ngồi chùa Ba Vàng mà biết chuyện "oan gia trái chủ". Ngồi quán nhậu mà biết chuyện Trump chuyện Biden. Ngồi trong công ty mà biết thằng kia đang chửi lén mình bên ngoài. Cùng ngồi nhà đọc internet, nhưng biết đám kia đọc "fake news" hiểu bậy, còn mình đọc đúng hiểu đúng. Nằm ngủ mà biết ngày mai xổ số ra con gì. Thậm chí không cần nhìn, không cần nói chuyện, cũng biết thằng hàng xóm kia đang suy nghĩ chê mình cái nhà nhỏ, cái xe cùn. Hãy đợi đấy, tao sẽ làm cái lớn hơn cho mầy sợ chơi :-)...v.v.

Tài ba như thế, thông thái như thế, nên vui sướng hay khổ hạnh, mạnh mẽ hay yếu đuối, ngục tù hay thanh thản, hoang tưởng hay thực tế, huyễn mộng hay tỉnh thức ....của mỗi con người, đều do anh giám đốc có tên Ý thức (Mind) này quyết định tất cả. Và cũng theo quan niệm của Duy thức học, thì chính anh giám đốc "Mind" này dưới sự cố vấn tối cao của "manas consciousness" (Mạt na thức), mà tạo ra những ứng xử khác nhau trong đời sống hàng ngày. Đây cũng chính là nguồn gốc của nghiệp lực cho từng mỗi cá nhân. Cho nên mỗi con người luôn có tính cách hành xử khác nhau. Dẫu là cha con anh em ruột thịt, đồng bào đồng chí đồng rận, thì chắc gì tham ái hỉ nộ hoặc trí huệ lại giống nhau …? Thực ra mỗi người sinh ra đều có sẵn cho mình một anh "giám đốc lãnh đạo", tuyệt đối không anh nào giống anh nào. Nhưng giỏi hay dở, thông thái hay ù lì, mạnh hay yếu, ngạo nghễ hay khiêm tốn, thiện lương hay gian ác ... cũng đều nhờ vào sự tu dưỡng, và cái vốn liếng nhân duyên nghiệp lực của họ.

Một số người cho rằng cái "công ty trách nhiệm hữu hạn 6 thành viên" đó chết là hết, không cần khai phá sản. Nhưng các tôn giáo thì lại có những quan niệm về sự sống và cái chết khác nhau riêng biệt. Những khái niệm về linh hồn & đấng cứu rỗi, thiên đường & địa ngục, sự sống sau khi chết...v.v. luôn tồn tại ở thế gian lâu nay và là những đức tin cho con người dựa dẫm. Mình luôn cho rằng bất kỳ một đất nước hoặc thể chế chính trị nào, đức tin luôn đáng kính, và tự do tín ngưỡng của con người luôn phải được tôn trọng. 

Riêng đạo Phật, vốn đề cao sự tu tập và tỉnh thức của mỗi cá nhân để tìm ra sự giải thoát cho chính họ, chứ không dựa vào sự cứu rỗi. PG quan niệm rằng cuộc sống không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chỉ là biến đổi theo đạo lý vô thường, thành trụ hoại diệt. Cho nên những trình tự của sự sống và tái sanh (nếu có) là hoàn toàn tuỳ thuộc vào nguồn năng lượng sống cũng như những nghiệp lực của mỗi chúng sinh tự tạo ra. Đạo Phật có một quan niệm rất khác biệt so với một số tôn giáo khác. Đó là khái niệm về 8 Thức trong Duy Thức học (Eight Consciousnesses). Nói một cách chính xác hơn là khái niệm này được hình thành từ Phật giáo Đại thừa, để giải thích quá trình tái sanh của con người sau khi chết. Nôm na là con người sinh ra do nghiệp lực của sự vô minh (ignorance) từ tiền kiếp. Ngoài 6 thức "nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý" (6 consciousnesses) kể trên, con người còn có thức thứ 7 (Mạt-na thức) và thức thứ 8 (A-lại-da thức). Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, giải thích sự hiện hữu của "con người". Theo đó, các chủng tử, tức là các hạt mầm của Nghiệp (sa. karma, pi. kamma) được chứa đựng trong A-lại-da thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng và hành động. 

Nói một cách dễ hiểu nhất, A-lại-da thức được ví như một kho tàng của các loại hạt giống, gồm những thiện nghiệp và ác nghiệp mà mỗi chúng sinh đã tạo ra trước đó. Nên khi ra đời, mỗi chúng sinh đều đeo theo một bao hạt giống sau lưng, tạm ví như có cả đậu đen (xấu) và đậu trắng (tốt). Khi gặp thời cơ thuận lợi, đủ nắng đủ nước, thì hạt giống sẽ được nảy mầm, lên cây, và đơm hoa kết trái. Có những trái ngon trái ngọt, thì cũng có những quả đắng quả chua. Kết quả thu gặt được là "quả" do những "nhân" trong quá khứ đã làm ra, mà không thể trốn tránh, chối bỏ nó. Những hạt (chủng tử) này sẽ liên tục được thay đổi, thêm bớt mỗi ngày trong cuộc sống. Hoặc là thiện hơn (hoàn thiện), hoặc là ác hơn và tiếp tục lưu trữ lại vào kho tàng A-lại-da thức. Nhiều đậu đen hơn hay nhiều đậu trắng hơn, là do những hành động và ý thức của mỗi chúng sinh trong cuộc đời của họ tạo ra (karmic seeds). Người nào tu tâm dưỡng tánh, thực hành thiền định, chánh tâm, chánh nghiệp, chánh ngữ ...v.v.. cho đến khi túi hạt giống đó chỉ còn đậu trắng thôi, đậu đen đem ra nấu chè ăn hết, thì coi như ngon lành :-). Kinh sách PG cũng nói đến nhiều cách để tự thay đổi mình, để tu sửa bản thân, để học hỏi và thực chứng. Ai cũng có quyền bình đẳng chọn lựa cách sống, đức tin, và phương pháp học hỏi phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nhất thiết phải đi theo thuyết của ông sư tiến sĩ này, hoặc của bà thượng sư nọ thì mới giác ngộ được. Thời buổi này kinh sách, tài liệu chính thống có nhiều, nêm tìm hiểu thêm để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Còn đối với những bậc giác ngộ cao siêu hơn nữa, thì chắc cũng chẳng còn thấy đậu trắng đậu đen, chẳng hạt chẳng mầm, chẳng duyên chẳng nghiệp gì nữa. (Tất nhiên đây cũng chỉ là những quan điểm tôn giáo, mỗi người nên tự tìm hiểu và chọn lựa niềm tin cho riêng mình. Đạo Phật không chủ trương ‘blind faith’, tức là tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu bản chất sự việc). 

Nói đến đây mới nhớ đến sách Phật ngày xưa có câu chuyện như sau. Một nhà thông thái đi tìm ông sư đắc đạo mà hỏi: 

- Ngày xưa khi chưa đắc đạo, ông làm gì ?
- Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Vậy sau khi đắc đạo ông làm gì ?
- Thì cũng vậy thôi. Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm...
- Sao lạ vậy ? Vậy thì khác nhau chỗ nào ?
- Khác là hồi trước lúc gánh nước thì nghĩ tới chẻ củi. Lúc chẻ củi thì nghĩ tới nấu cơm. Giờ thì làm cái gì nghĩ cái nấy !

Cho nên mình cũng không ngạc nhiên lắm nếu có một ngày nào đó, ông bạn bảo hiểm của mình tới nói rằng:
- Hồi xưa chưa đọc sách Phật, thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Bây giờ đọc xong sách Phật, cũng thấy công lao cả đời chỉ là dã tràng. Chỉ khác nhau là hồi đó buồn, giờ lại thấy vui !

Rất mong là vậy. Hì hì hì ...:-)

PN (11/2020)

No comments:

Post a Comment

Comments: