Dẫu đã từng nghe, từng đọc nhiều lần về vụ thảm sát Gạc Ma, nhưng lần đầu tiên đến đài tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh, mình đã đứng lặng người. Một cảm xúc khó tả. Một nỗi buồn sâu sắc về thân phận con người và dân tộc. Những người lính chiến ngã xuống khi còn rất trẻ, những cái chết không được quyền bắn trả để tự bảo vệ mình. Thậm chí có người còn chưa bao giờ có dịp được chụp một tấm hình trong đời, nên lúc làm bia tưởng niệm chỉ để một ngôi sao tượng trưng. Mình cũng rất tôn trọng và biết ơn những người đã đủ tâm huyết và dũng khí để xây dựng nên khu di tích này cho đời sau tưởng niệm.
Đất nước VN đã trãi qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Có biết bao nhiêu thế hệ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương xứ sở và lý tưởng dân tộc. Ở từng thời kỳ lịch sử, thể chế chính trị có thể khác nhau, lý tưởng sống của mỗi cá nhân có thể có sự khác biệt, nhưng lý tưởng dân tộc bao giờ cũng là một mẫu số chung. Xưa nay triều đại nào đi ngược lại với quyền lợi của đất nước và lý tưởng của dân tộc đều không thể trường tồn, thay thế chỉ là chuyện sớm muộn. Còn đối ngoại, tất nhiên ở cạnh một người láng giềng to lớn, tham lam, và xấu tính như TQ, dân tộc VN không những phải kiên cường bất khuất, mà càng phải khó khăn hơn để học biết cách tự bảo vệ lấy mình. Và mấy ngàn năm trôi qua, bao nhiêu xương máu của con dân nước Việt đã đổ xuống trên mảnh đất này, nhưng đó chưa bao giờ là một nỗi sợ hãi !
Nhìn lại các thời kỳ Hồng Bàng, Bắc thuộc, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, rồi mãi cho đến ngày nay, TQ bao giờ cũng bắt nạt và lăm le xua quân đánh chiếm nước ta. Trên thế giới quả nhiên là chưa có một đất nước nào lại tham lam & ngang ngược dai dẳng đến thế. Tuy nhiên dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục và sợ hãi trước những thế lực ngoại xâm. Bản hùng ca dân tộc VN vẫn ngàn đời lưu danh những liệt sĩ vô danh, những anh hùng dân tộc, những tiền nhân như Triệu quang Phục, Mai Hắc Đế, Dương đình Nghệ, Bà Trưng Bà Triệu, Lý thường Kiệt, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung ...v.v... Rồi cho đến những năm tháng gần đây, những tử sĩ Hoàng Sa 1974, Tây Bắc 1979, Gạc Ma 1988....đã anh dũng chiến đấu và hy sinh góp phần gìn giữ đất nước. Những đứa con ngư dân bình thường của VN cũng phải ngày đêm đánh đổi máu, nước mắt, và thậm chí cả những đòn thù dã man để bám biển giữ làng, để mưu cầu từng chén cơm manh áo lương thiện ngay chính trên quê hương lãnh hải nước nhà.
Vậy ai đã cho họ cái quyền "không sợ hãi" ? Không ai cho họ cả, đó là quyền tự nhiên của con người, quyền được sống hiên ngang, quyền biết lẽ phải, quyền được yêu thương đất nước và dân tộc của họ, mà không một thế lực nào có thể cưỡng chế được. Một dân tộc sống trong nỗi sợ hãi sẽ không có những Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng, Phạm Hồng Thái, Cô Giang, Cô Bắc ....Một dân tộc khiếp nhược đã không thoát khỏi sự xâm lược và đồng hoá của những nước lớn để tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Lâu nay nhiều người thường quan tâm và nói nhiều đến “dân sinh, dân trí, dân khí" của đất nước. Đó là những trăn trở rất đáng trân quý trong bất kỳ thời đại nào, vì đó là tiền đồ của một dân tộc. Tuy nhiên sẽ không cần thiết nói về những điều đó, nếu như con người không có được những quyền hạn căn bản nhất, trong đó có quyền "không sợ hãi". Xưa nay trên thế giới, các thế hệ thanh niên sinh viên luôn là biểu tượng của sự mạnh mẽ, dấn thân, tiến bộ, hy sinh vì lẽ phải. Từ các nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga, Nam Phi, Hongkong ..v.v.. cho đến đất nước VN, đều như thế cả. Từ các phong trào phản chiến, chống kỳ thị, đòi bình đẳng, chống độc tài ... trên thế giới, cho đến các cuộc biểu tình đấu tranh đòi hỏi công bằng, lẽ phải trong các ngành nghề hoả xa, đồn điền, bến tàu, bến cảng vào thời Pháp thuộc, chiến tranh VN...v.v...đều bắt đầu từ sự "không sợ hãi" mà có. Suy cho cùng, sự can đảm dấn thân, hy sinh để cải cách chính là những động lực cần thiết cho sự tiến hoá của xã hội con người, ngày mỗi tốt đẹp hơn. (Ở đây mình không muốn nói đến các mặt trái tiêu cực, bị lợi dụng, lạm dụng, để tuyên truyền kích động cho những mục đích khác).
Thế nhưng trong những thập niên gần đây, sự sợ hãi ngày càng lan rộng một cách rất lạ lùng và đáng sợ. Mọi giới mọi tuổi mọi nơi, dường như đã cam chịu và quen thuộc với một nỗi sợ hãi vô hình. Có thể là sợ phiền phức, sợ liên lụy, sợ ảnh hưởng đến chén cơm manh áo. Thậm chí nhiều người đã sợ nhắc đến những "anh hùng ca" của dân tộc, sợ nói về những sự kiện lịch sử bị TQ xâm lược, và sợ nói đến những bài học đau thương của chính đất nước mình. Khó hiểu đến mức vô lý. Rất nhiều người không dám nhắc đến cuộc hải chiến Hoàng Sa, chiến tranh biên giới Tây Bắc, hoặc vụ thảm sát Gạc Ma. Phải đến bao nhiêu năm sau khi cuộc chiến tranh xâm lược 1979 kết thúc, mới thấy một số cơ quan truyền thông và báo giới dám nhắc đến ngày tưởng niệm một cách dè dặt. Vụ thảm sát Gạc Ma cũng vậy. Ngay cả cái tên đích danh cũng được thay thế bằng chữ "lạ". Và rất ngạc nhiên là ít ai thắc mắc tại sao điều đó đã xảy ra ?!
Trong khi đó, những bài viết nhảm nhí về một vài cô người mẫu ăn mặc thiếu vải, hoặc ông đại gia bà trọc phú nào đó lên mạng đôi chối nói xàm, hoặc ngài quan chức nào đó tham nhũng xộ khám... thì lại sôi nổi và lôi cuốn được đông đảo lượng người tham gia. Chuyện “thần y”, “thánh chửi”, “thầy cúng”... tào lao được quan tâm nhiều hơn một bài viết về sự tồn vong chủ quyền của đất nước. Một phong trào thơ ca "sông núi trên vai" rầm rộ, lại ít dám nhắc đến những người con đã nằm xuống ở Gạc Ma, Tây bắc để bảo vệ núi sông. Những biến cố đau thương mất mát của dân tộc như Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh Tây Bắc, biển đảo biên giới bị lấn chiếm...lại ít ngưòi biết đến hơn là chuyện của vài gã giang hồ vặt chuyên ăn hiếp dân lành, hoặc tình yêu sân sau của vài tay tham quan vơ vét. Người ta không khóc khi nghe tin người dân của họ bị TQ bắn giết đánh đập trên biển, nhưng lại khóc vật vã khi không được chen chân chào đón một ngôi sao Hàn quốc hạng ruồi. Người ta không thấy tủi nhục khi CS TQ lên mặt đàn anh "dạy dỗ" giết chết mấy chục ngàn con dân VN vô tội, nhưng lại tự hào về cây bánh tét dài nhất. Trong lúc nhà cầm quyền CS TQ đang ngang ngược trên lãnh hải quê nhà ngoài biển Đông, thì giới trẻ thanh niên VN nhập viện cả gần chục ngàn người vì nhìn đểu, hát hò hơn thua, đánh nhau dịp Tết. Nhiều người thắc mắc về chức năng của các bộ giáo dục, văn hoá, truyền thông, các ban ngành hữu trách, và đổ lỗi cho nhau. Nhưng thực ra ai cũng gặm nhấm được nỗi đau đang âm ỉ trong lòng !
Trong lịch sử của Hoa Kỳ vào thời đệ nhị thế chiến, có bài diễn văn rất nổi tiếng của tổng thống Franklin D. Roosevelt. Đó là tuyên ngôn về "Four Freedoms" (4 quyền tự do). Ông nói đến 4 quyền căn bản và cần thiết nhất của con người, đó là quyền tự do ngôn luận (Freedom of speech and expression), tự do tín ngưỡng (Freedom of worship), tự do thoát khỏi sự thèm khát (Freedom from want), tự do thoát khỏi sự sợ hãi (Freedom from fear). Nền tảng pháp lý này đã góp phần giúp người Mỹ mạnh mẽ vươn lên, vượt qua thế chiến thứ 2, và trở thành một quốc gia lớn mạnh nhất thế giới. Cho đến nay, hàng năm giải thưởng "Four Freedoms Award" vẫn được trao tặng cho những nhân vật trên thế giới đã sống và bảo vệ những tôn chỉ đó. Đức Dalai Lama, bà thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Nelson Mandela ... là những người đã từng đoạt huy hiệu cao quý này.
Nhưng đó là chuyện ở xứ người. Còn chuyện xứ ta, đôi lúc sự "khôn khéo", "dĩ hoà vi quý", được cho là những kinh ngiệm "quý báu" để mưu cầu cuộc sống yên ổn, nệm ấm chăn êm, nhưng đó cũng chính là những chất liệu nuôi dưỡng môi trường sợ hãi. Nhiều người thấy sai cũng không dám nói. Đọc mạng xã hội, có khi thấy thích cũng chẳng dám “like”. Tâm lý sợ phiền phức, sợ bị liên lụy, sợ bị chụp mũ... là những sát thủ vô hình của lòng dũng cảm. Ngay cả như việc bầu cử ở xứ tự do mà nhiều người vẫn sợ, không dám nói thẳng vì chẳng dám đi ngược lại ý kiến của bạn bè hoặc người thân chung quanh !
Mình thì vẫn luôn quan niệm rằng không ai có quyền bắt người khác phải sống trong sự sợ hãi. Tuổi thơ lớn lên của mình đã từng chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng sợ hãi và nỗi ám ảnh xảy ra chung quanh mỗi ngày. Một đứa bé con cũng phải sợ hãi "ông kẹ, ông ba bị" mà thực tế chưa bao giờ nhìn thấy. Thời đại ngày nay thông tin phát triển rộng rãi. Mọi người đều có thể kiểm chứng lịch sử thế giới, để thấy rằng không một quốc gia nào sống trong nỗi sợ hãi lại có thể phát triển vững mạnh được. Cũng không có một đất nước nào hy sinh tranh đấu để thay thế nỗi sợ hãi này bằng một nỗi sợ hãi khác. Dân sinh, dân trí, dân khí, là những điều mong muốn của mọi đất nước. Nhưng điều đó sẽ không có được, nếu như con người phải cam chịu sống với những ám ảnh mơ hồ và nỗi sợ hãi của bản thân hoặc của gia đình họ.
PN (viết ngày 14/3 - tưởng niệm Gạc Ma)
No comments:
Post a Comment
Comments: