Hôm cuối tuần rồi có ông anh quen gọi, nói chuyện chơi về nạn viết chữ xấu và sai chính tả thời nay. Tính ra thời buổi này cũng ít người viết lách, còn đọc sách thì dường như ngày càng hiếm hơn. Rảnh rang họ coi facebook, coi youtube, hát karaoke, đi nhậu, chém gió .... nhanh gọn hơn nhiều, nên chuyện viết sai chính tả cũng là bình thường thôi. Nhớ hồi nhỏ đi học, nào là chọn lựa mực xanh mực tím, bút tre, bút bầu, nắn nón từng chữ cho đẹp. Giờ thì mình viết chữ như cua bò, viết vài dòng đã mỏi tay, vì lâu quá không viết. Con nít ở Mỹ đại đa số là viết chữ xấu, vì đâu có môn tập viết kẻ ô như bên mình. Vậy mà cũng làm nên ông này bà nọ, lên cung Trăng sao Hoả .... Nhiều ông tổng thống Mỹ viết chữ xấu hoắc, viết kiểu đó mà đi học trường làng VN thế nào cũng bị khẽ tay. Còn nếu kêu mấy ông đó viết chữ thì chắc chắn là sai chính tả hà rầm, vì toàn là có người viết dùm. Vậy mà họ cũng là những nhân vật quyền lực nhất nhì thế giới. Bởi vậy mình nghĩ, thời buổi này cũng nên coi nhẹ chút nạn chữ đẹp chữ xấu, chính tả đúng sai (đừng sai nhiều quá :-)), vì đã có quá nhiều công cụ hổ trợ kiểm tra giúp cho con người. Elon Musk (Mỹ) hiện đang theo đuổi dự án Neuralink, cài chip vào bộ não con người để tương tác với môi trường chung quanh. Nên có khi vài năm nữa, chỉ cần nhìn máy tính hoặc phone và suy nghĩ thôi, là đã có công cụ viết chữ thay mình rồi. Ai biết được ? Chỉ bất tiện là khi đó ai mà "nghĩ một đường làm một nẻo" thì dễ bị tréo cẳng ngỗng thôi :-) .
Trở lại cái chữ "bảnh tỏn" mà anh nhắc đến. Thực ra mình cũng chẳng biết là có nguồn gốc từ đâu, có lẽ bắt nguồn từ tiếng địa phương hoặc từ lóng gì đó, nói riết rồi thông dụng thôi. Còn hỏi ngã gì cũng không biết, chỉ thường thấy thiên hạ viết dấu hỏi cả "bảnh" và "tỏn". Hồi nhỏ thường nghe nói như "sáu Bảnh ", thằng đó "bảnh" ghê, bảnh hả mầy ? ....v.v... nhưng không quan tâm lắm. Mãi cho đến khi đọc "Bố Già" (Godfather) của Mario Puzzo, có một câu nói của Vito Cỏleone được Ngọc Thứ Lang dịch ra tiếng Việt, rất ấn tượng, và đã đi suốt với mình mấy chục năm qua. Đó là câu - ‘Mình "bảnh" mười, nên để bạn bè nghĩ mình "bảnh" một. Mình "lỗi" một, nên để kẻ thù nghĩ mình "lỗi" mười !’
Dĩ nhiên đó chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, chẳng đúng chẳng sai gì, chỉ là tuỳ theo quan niệm mỗi người. Tuy nhiên với mình đây là một trong những câu nói hay nhất của Mario Puzzo, và từ đó nhớ hoài chữ "bảnh" này. Tất nhiên là cái "bảnh" của Vito Corleone khác xa với cái "bảnh" của mấy anh giang hồ làng xã, quan chức xôi thịt, hoặc các trọc phú đại nhân... Cho nên đôi lúc dẫu có cùng ngôn từ cũng không thể đánh đồng ý nghĩa nội dung với nhau được. Mình thì lúc nào cũng quan niệm chữ nghĩa chỉ là phần "xác", ai muốn nói sao cũng được. Quan trọng là cái phần "hồn" đằng sau mà mỗi người dành riêng cho từ ngữ đó. Nhưng đã viết lách thì thuộc về quy ước chung rồi, nhiều khi viết sai chữ hoặc bỏ dấu lộn dễ gây ra hiểu lầm :-) .
Mà muốn nói cho trọn nội dung ý nghĩa của chữ "bảnh" thì cả đời nói cũng chửa hết. Nhiều người chết lên chết xuống cũng vì chữ "bảnh". Bao nhiêu ân oán hận thù, đau khổ, ganh ghét đố kỵ cũng vì tranh giành nhau chữ "bảnh". Ở VN nhiều vụ đâm chém anh em bạn bè, cùng làng cùng xã với nhau, cũng chỉ vì hơn thua nhau chữ "bảnh". Làm quan có cái "bảnh" của nhà quan, giàu có cái "bảnh" của nhà giàu, nghèo có cái "bảnh" của người nghèo, bằng cấp có cái "bảnh" của bằng cấp, kẻ sĩ có cái “bảnh” của kẻ sĩ, liêm khiết có cái "bảnh" của liêm khiết, trọc phú có cải "bảnh" của trọc phú, VK về quê có cái "bảnh" của VK...v.v.. Còn hệ quả, hệ lụy của nó thì muôn màu muôn sắc, làm sao kể hết ?
Ngoài lề chút, nhân nói tới chuyện "bảnh tỏn" mình nhớ đến một câu chuyện xưa. Có một ông kia giàu có, quyền cao chức trọng, nức tiếng một vùng. Đại khái như là nhiều bằng cấp chức sắc, sổ đỏ cả ký, đô la cả bao, hột xoàn chọi u đầu.... Ông ta rất thích hơn thua, thích được bảnh, thích được ca tụng. Một hôm nghe nói trên núi cao có vị sư nghèo tu hành đức độ, thông hiểu nhiều vấn đề. Ông bèn sai người chở lên tìm gặp nhà sư để thử tài cao thấp. Cuối cùng thì ông cũng gặp được nhà sư nghèo, đang cuốc đất trồng rau. Ông liền bắt một con sâu bỏ vào lòng bàn tay nắm lại, đến đố nhà sư :
- Nghe nói ông tu hành thông thái, vậy ông có biết con sâu trong tay tôi đang nắm là con sâu sống hay con sâu chết ?
- Dạ thưa ngài, đó là con sâu chết. Nhà sư từ tốn trả lời .
Ông nhà giàu cười sảng khoái :
- Thế mà tưởng sư thầy tài giỏi lắm.
Ông liền xoè tay chỉ cho nhà sư thấy con sâu còn sống, và dương dương tự đắc, bảnh tỏn ra về vì đã mưu trí thắng được nhà sư.
Về nhà, ông tự hào kể lại cho người cha của ông nghe, và nói:
- Từ nay cha đừng có cái gì cũng một khen hai khen ông sư già đó nhé. Có một chuyện nhỏ vậy, mà cũng không đủ trí tuệ để đoán biết, phải chịu thua, sao đáng gọi là người thông thái ?
Người cha trầm ngâm thật lâu, rồi buồn rầu nói với đứa con tài giỏi giàu có của mình:
- Con ơi, con có biết nhà sư đã giúp con không sát hại con sâu vô tội đấy không ?
Thôi, chuyện xưa kể lại cho vui. Chúc anh một tuần an lành & nhẹ nhàng :-) .
PN
Bài viết hay và đọc vui lắm. Thanks Phước!
ReplyDeleteCảm ơn anh. Phiếm cho vui :-)
DeleteDấu hỏi,ngã đôi lúc qua kon trọng chứ em,eg. Rửa ...= Sạch. Còn Rữa ...= Thôi rồi lượm ơi.
ReplyDeleteDạ em biết là cần thiết, nhưng ý em là thời buổi bây giờ cũng có nhiều công cụ hổ trợ khac. Như tiếng Anh có spelling check, bên google còn có kiểm tra văn phạm cơ bản nữa. Tiếng VN ta có nhiều chữ đồng âm dị nghĩa, đồng nghĩa dị âm. Viết đúng chính tả mà đọc sai thì cũng trớt hướt. Cùng một chữ mà ông Quảng Nôm với ông Quảng Bình đọc đã khác nhau xa lắc. Hỏi, ngã, một số vùng miền đọc giống nhau y choang thôi. Bởi vậy có nhiều vùng miền phát âm không rõ nên cãi nhau hoài. Bảo giơ tay lên mà còn cãi nhau giơ tay nồ, tay mô, tay ni, giơ răng, giơ rứa, giơ sô :-) . Chúc vui vẻ anh !
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteHay và ý nghĩa lắm bạn👍
ReplyDeleteCảm ơn bạn . Chúc an vui .
ReplyDelete