(Chú Đại Bi, do Ani Choying Drolma trình bày)
Năm ngoái nước Mỹ dịch bệnh nặng về, anh em bạn bè bên VN quan tâm thăm hỏi, mình cảm ơn rất nhiều. Nay nghe tin VN, nhất là SG ngã bệnh, không biết làm gì hơn, mạn phép tóm tắt vài điều đã biết, hy vọng là hữu ích (mặc dù rất nhiều người đã biết rồi).
1. Covid có đáng ngại không ?
Có !
Tuy nhiên không phải tới mức ghê gớm như người ta đồn đoán. Thực tế, rất nhiều quốc gia khốn đốn là vì quá tải các cơ sở phương tiện tiếp nhận bệnh nhân như bệnh viện, khu cách ly, cấp cứu (ICU) …và thiếu thốn các công cụ y tế như máy trợ thở, giường bệnh, dịch truyền, oxy ..v.v.. Bên cạnh đó là sự bối rối, vụng về, thiếu kinh nghiệm trong các phương thức dự phòng, cung ứng, và cách ứng xử đối phó với dịch bệnh cỡ lớn như đại dịch lần này. Kể cả những quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ấn ..... đều bị vướng mắc những sai lầm như thế trong giai đoạn đầu, dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng. Ví dụ như dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, mà số lượng máy thở dự phòng cho cả nước với dân số gần trăm triệu dân chỉ dừng lại ở mức dưới 5 ngàn cái, thì quá nguy hiểm !
2. Phòng bị như thế nào ?
- Cho tới nay cách phòng bị hữu hiệu nhất vẫn là dựa vào từng cá nhân, và ý thức tự giác giữ gìn chung cho cộng đồng như giãn cách xã hội, cách ly, tuân thủ các quy cách phòng bị cá nhân, khẩu trang, bao tay .v.v. Thường xuyên tẩy rửa, rửa tay rửa mặt, tránh va chạm, tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, tránh hao tâm tổn lực, giữ gìn vệ sinh chung. Đừng ứng xử kiểu "điếc không sợ súng, hoặc anh hùng rơm" rồi đi lung tung, gây nhiễm cho người khác. Đặc biệt là giới trẻ, những người trẻ tuổi, sức khoẻ tốt, hệ miễn dịch tốt, bị nhiễm bệnh nhưng không biết, hoặc có thể lướt qua, hoặc không có triệu chứng, gọi là (asymptomatic). Tuy nhiên những người bị nhiễm bịnh không có dấu hiệu (asymptomatic) vẫn có thể lây lan cho người khác. Nên nếu chủ quan hoặc không hiểu biết để cẩn thận, thì thành phần này có thể trở thành lực lượng phát tán dịch mạnh nhất !
3. Bị nhiễm rồi thì sao ?
Bình tĩnh đối phó thôi. Không phải ai bị nhiễm bịnh covid thì cũng trở bịnh nặng, hoặc chết đi. Tỉ lệ tử vong rất thấp, dĩ nhiên là tuỳ thuộc vào các yếu tố khác của xã hội, trong đó có yếu tố phòng bị và chiến lược đối phó, ứng xử của chính quyền và sự hợp tác của người dân cũng rất là quan trọng. Ở nhiều nơi trên thế giới trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tử vong không phải trực tiếp bởi covid-19 mà là những người có bệnh nền nặng hoặc các bệnh khác, nhưng đã không được chữa trị đúng mức, kịp thời, vì bị quá tải nguồn lực và nhân lực do dịch bệnh, cộng với tiêu chí ưu tiên dành cho các bịnh nhân covid, nên dẫn đến các biến chứng phức tạp.
- Thực tế thì có rất nhiều người bị nhiễm bịnh vẫn chữa trị tại nhà, ăn uống, nghĩ dưỡng, xài thuốc cảm cúm hạ sốt như tylenol, motrin, patadol, paracetamol.... rồi vài tuần sau đó bình phục hoàn toàn. Chỉ có những trường hợp bị trở bịnh nặng mới được chuyển vào bệnh viện để trợ giúp bằng các biện pháp hổ trợ nặng đô hơn như máy trợ thở, truyền dịch, kháng sinh, huyết tương ...v.v. Số lượng người tự chữa trị tại nhà và khỏi bịnh sau một thời gian ngắn là rất cao so với số lượng người trở bịnh nặng phải nhập viện. Tuy nhiên báo đài thì ít nói đến số liệu này, làm bà con không nắm bắt được thực trạng càng hoang mang, lo lắng.
- Các chuyên gia khuyên rằng nên cố gắng bình tĩnh, và ráng giữ tinh thần mạnh mẽ, đừng lo lắng thái quá trong trường hợp nhiễm bệnh. Ăn uống bình thường, uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều, xử dụng các loại thuốc hạ sốt, hổ trợ cảm cúm sẵn có. Nếu có điều kiện, nên uống thêm nguồn vitamin trợ giúp. Hỏi thăm bác sĩ tư vấn những loại vitamin nào phù hợp với bản thân và cách ứng phó tại nhà. Đừng nghe theo lời mấy ông lang băm, thầy cúng, thầy đề, mê tín, cúng tế oan gia trái chủ, uống bùa chú bậy bạ .... mà bị mạng mất tật mang !
4. Thuốc men như thế nào ?
- Cho đến thời điểm hiện nay, thì thế giới vẫn chưa có thuốc nào trị bịnh cúm hiệu quả hoàn toàn. Đó là mới nói về những bệnh cảm cúm thông thường chứ chưa nói đến covid-19. Nhiều người lâu nay vẫn hiểu lầm nhừng thuốc như tylenol, motrin, aspirin, patadol ..... là "thuốc cảm cúm". Không phải vậy, đó chỉ là thuốc làm giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm như nóng, sốt, ho hen, nhức mỏi thôi. Đây là một hiểu lầm rất thường gặp, nên nhiều người cứ nghĩ là thuốc "cảm cúm" có thể “giết” được con vi rút cúm. Ở Mỹ và nhiều nước khác, hàng năm thiên hạ vẫn phải đi chích ngừa cúm mùa, vì chưa có thuốc nào "giết" được nó cả. Có một số loại thuốc chuyên trị các bịnh do virus gây ra, gọi là "antiviral" như Tamiflu (oseltamivir phosphate), Relenza (zanamivir), Rapivab (peramivir), Xofluza (baloxavir marboxil) v.v... Các loại thuốc này bên Mỹ muốn mua phải có toa bác sĩ, thế nhưng đối với covid-19 thì những em này không xi nhê lắm. Từ lúc dịch cúm Vũ Hán (covid-19), có một số thuốc “antiviral” nổi bật lên như Remdesivir được dùng để trị bịnh theo cách truyền dịch. Bên cạnh đó cơ quan FDA cũng cho phép xử dụng một số thuốc antiviral khác trong những trường hợp khẩn cấp như loại Sotrovimab (monoclonal antibodies). Dưới đây là tên một số loại thuốc “antiviral” khác đang được các cơ quan chức năng như NIH, CDC, FDA theo dõi và thẩm định để điều trị cho những người bị nhiễm covid nặng. Ví dụ như Ivermectin, Nitazoxanide, Lopinavir, Hydroxychloroquine, Chloroquine, Azithromycin…v.v. Mình sẽ đính kèm đường link phía dưới cho bạn nào rành tiếng Anh theo dõi nhé. Vì các loại thông tin này thường xuyên được cập nhật trên các trang mạng của chính phủ như FDA hoặc NIH.
Bấm vào đây coi hướng dẫn điều trị COVID-19 của cơ quan y tế NIH Hoa Kỳ
(Cho đến nay thì những loại thuốc trên vẫn nằm trong danh sách để xử dụng khẩn cấp điều trị cho các bệnh nhân covid nhập viện. Tất nhiên về khoảng này các bạn trong ngành y dược chắc chắn sẽ biết nhiều hơn. Ở đây mình chỉ tóm tắt cho các bạn tham khảo thôi. Ai muốn biết sâu hơn, tốt nhất nên hỏi thăm bác sĩ của các bạn, thông tin sẽ được cập nhật hơn)
Hiện nay, có nhiều hãng thuốc tại Mỹ được sự ủng hộ của chính phủ, chạy đua nghiên cứu dạng thuốc viên uống, dành cho những ngừời mới bị covid-19, hoặc mức độ bịnh nhẹ đến bịnh vừa. Có vài loại dự kiến sẽ được ra đời vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là thuốc Molnupiravir của hãng Merck và Ridgeback Biotherapeutics. Hiện đang ở giai đoạn thử cuối cùng. Nếu thành công thì đó sẽ là loại thuốc uống “antiviral” đầu tiên trị được bịnh cúm Vũ Hán. Và chắc chắn là sau đó sẽ còn nhiều loại thuốc uống trị covid khác ra đời.
Xin lưu ý là thuốc antiviral khác với thuốc antibiotics (trụ sinh) nghen. Thuốc trụ sinh thì không trị được các bịnh gây ra bởi "viral infection" như cúm, ban trái, rubella, measles, rhinovirus, coronavirus (tổ tiên của covid-19), adenovirus ..v.v. Mặc dù ra tiệm thuốc tây ở VN thì các vị cứ phán, cứ trụ sinh mà chơi tới bến. Kệ, trật gà thì cũng trúng chim. Xin lỗi mấy cô bạn dược sĩ nghen. Chỉ nói đến một số ít "cược sĩ" bán thuốc liều thôi :-) .
- Còn nói đến thuốc ngừa (vaccin) cho dịch cúm Vũ Hán thì hiện nay trên thế giới cũng có nhiều loại. Công nghệ khác nhau, hiệu quả khác nhau, ảnh hưởng phụ cũng khác nhau. Cho nên cũng cần tìm hiểu trước khi chích, để không bị hoang mang vì các tin đồn thất thiệt. Đương nhiên là lâu nay ai cũng biết chích ngừa vaccin là phương pháp hiệu quả nhất dành cho tất cả các căn bịnh gây ra do "virus". Tuy nhiên tính hiệu quả của mỗi loại thuốc tiêm chủng và các ảnh hưởng phụ do nó gây ra, là những điều cần thiết phải biết vì không phải loại thuốc nào cũng giống nhau. Một số loại thuốc ngừa có hiệu quả rất thấp hoặc có những ảnh hưởng phụ phức tạp, nhưng do nhu cầu cấp thiết, nên vẫn được đem ra xử dụng. Trong khi đó có một số người đã được chích ngừa, chủ quan không bị mắc bệnh hoặc ỷ y tiếp xúc với nhiều người khác, nên có thể vô tình trở thành nguồn dịch lây lan.
Thứ tự hiệu quả của các loại thuốc ngừa hiện nay trên thế giới là Pfizer, Moderna, J&J, AstraZeneca, Sputnik, Sinovac ...v.v.. Tuy nhiên đây chỉ là đánh giá dựa trên số liệu thu thập được của một số cơ quan chuyên môn. Số liệu có tính tương đối của nó. Còn đối với thuốc ngừa của Nga (Sputnik) và Trung quốc (Sinovac) thì cũng như những vấn đề thường lệ khác của họ lâu nay, có thể sẽ không bao giờ có một số liệu minh bạch và chính xác được. Cho nên tuỳ vào cảm tính và vận may của đất nước vậy !
==> Có hai loại thuốc vaccin nữa sắp ra mắt, cần lưu ý:
* Novavax của Mỹ (mã số cổ phiếu là NVAX), rất tiềm năng, đang ở những bước cuối cùng để xuất xưởng trong quý tới.
* Thuốc thứ hai đặc biệt có tên gần giống Novavax của Mỹ, đó là Nano Covax của Vietnam. Hôm trước có đăng báo là sắp ra đời, tính hiệu quả trên 99%, và chi phí chỉ tốn $120,000 đồng VN cho một liều, tương đương với usd $5.2. Nghĩa là khi ra mắt sẽ trở thành loại thuốc chống covid hiệu quả nhất thế giới và rẻ nhất ! (Xin lỗi, thông tin này là mình đọc trên báo Vietnam News chính thống nghen. Hy vọng không phải nói cho vui kiểu kéo đám mây điện tử về VN)
- Cũng xin nhắc lại, chích ngừa xong không có nghĩa là sẽ không bị dịch và không lây lan cho người khác. Cho nên những người đã được chích ngừa vẫn cần phải giữ gìn, quan tâm dùm cho người chưa được chích ngừa. Nhiều người chích ngừa xong, vẫn có khả năng bị nhiễm bịnh, nhưng có thể không có triệu chứng rõ rệt, nên thường chủ quan, vô tình lây lan cho người khác. Nên biết thêm là những người đã chích ngừa thì vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng thấp hơn, và nếu có mắc bịnh thì khả năng bịnh nặng, hoặc nguy hiểm đến tính mạng cũng thấp hơn. Còn các bác theo thuyết âm mưu hoặc theo quan điểm không chích ngừa covid, thì mình cũng rất tôn trọng, và không dám nói đến ở đây.
Tuy nhiên để đạt đến mức độ "miễn dịch cộng đồng" (Herd immunity) thì cần phải đạt đến một số lượng tiêm chủng nhất định. Nhiều người cho rằng cần khoảng 70% tổng dân số cộng đồng có tiêm chủng mới tạo ra được tình trạng miễn dịch công đồng. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, không phải là tuyệt đối, đặc biệt trong các biến chủng sinh học phức tạp. Bên cạnh đó, ý thức con người, trình độ dân trí, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia, cũng là những biến số rất quan trọng trong việc dập tắt dịch bệnh. Cho nên không ai bảo đảm được điều gì. Hy vọng các loại thuốc ngừa kết hợp cùng với các loại thuốc uống đang nghiên cứu hiện nay, sẽ dẫn đến những kết quả khả quan hơn. Và cũng hy vọng qua kinh nghiệm lần đại dịch này, giúp cho giới khoa học đi gần hơn với những phương cách đối phó dịch bệnh phù hợp và hữu hiệu hơn trong tương lai.
5. Truyền thông mùa dịch ?
- Đây là một vấn đề rất quan trọng trong mùa dịch bệnh, vì ai cũng hoang mang, lo lắng vì bối cảnh mới mẻ và tin tức loạn xạ. Đám tin vịt thừa cơ thả vịt câu view, rồi nhiều người đọc tin không kiểm chứng, không phân tích, cứ thế gởi ra, truyền tải, càng làm rối loạn xã hội, gây hoang mang cho bà con anh em bạn bè. Dạo trước bên Trung đông có kẻ còn sợ quá, uống cả thuốc rầy vào để diệt covid. Phải cảnh giác chứ nghe tin vịt, rồi uống cả lá ngón, thuốc sâu, ngọc linh, ngầu pín… trị bệnh thì không tốt chút nào !
- Thông thường ở các nước phát triển đều lập ra một ban chỉ đạo toàn quốc (tập trung và duy nhất, cập nhật tin tức hàng ngày). Mọi thông tin chính thống đều do ban này thông báo. Ban bệ đó sẽ bao gồm các vị lãnh đạo đứng đầu quốc gia và những vị đại diện các ngành chính liên quan mật thiết đến tình hình đất nước như là tài chánh, y tế, an ninh, lương thực, phòng bị, cứu hộ ...v.v... Bên Mỹ bên Châu Âu, thời kỳ cao điểm, tổng thống thủ tướng ngày nào cũng lên TV họp báo cùng với ban chỉ đạo chống dịch, cập nhật tin tức trong ngày và trực tiếp thông báo các kế hoạch cụ thể, để cho người dân không bị bối rối hoặc hiểu lầm.
Còn nếu không tuân theo nguyên tắc tập trung và duy nhất, mạnh ai nấy phán, hoặc chuyện gì cũng đợi ý kiến từ một vài người không chuyên môn, e rằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, khó đồng nhất, tạo điều kiện cho bọn xấu tung tin giả. Cũng dễ bị đám gian thương, tham quan lợi dụng cơ hội để trục lợi, hoặc làm phiền phức rối loạn lòng dân, thực giả khó phân. Ở đất nước nào thì vấn nạn này cũng có thể xảy ra !
- Nên lưu ý chính những người thừa hành chống dịch kém hiểu biết, hoặc các kế hoạch phân bổ và cách triển khai thực hiện không đồng bộ là những nguyên nhân góp phần làm nhiễu loạn trật tự xã hội. Cho nên có một phương án truyền thông hợp lý và đồng nhất trong thời kỳ đại dịch là tối quan trọng.
6. Ăn uống gì, làm sao sống, tiền đâu ?
- Phần này thì hoàn toàn dựa vào chính phủ nước sở tại, mình không biết và cũng không dám ý kiến. Chỉ là rất quan tâm vì hoàn cảnh kinh tế đất nước VN khác với nhiều nước khác. Số lượng lao động hè phố, buôn gánh bán bưng, công nhân, nông dân nghèo ... lượng người dân kiếm sống từng bữa ở VN rất nhiều. Không biết nhà nước VN có phương cách nào giúp đỡ cho họ vượt qua kiếp nạn này không ?
(Mở ngoặc chút, trong đợt dịch bệnh vừa qua, chính phủ Mỹ sẵn sàng hổ trợ cho người dân của họ bằng mọi cách, không phải chỉ vì họ giàu có, mà là họ quan niệm rằng đó là những kiếp nạn "không phải do người dân gây ra". Người dân đen là nạn nhân đáng thương của cơn dịch bệnh quái ác, mà nguyên nhân còn chưa biết là do con người cố ý hay do tự nhiên gây ra.)
Tóm lại, xin có vài ý kiến vụn dựa vào cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Các bạn nào muốn có thông tin cập nhật hơn nên tham khảo với các bác sĩ dược sĩ chuyên môn nhé. Phần còn lại, chính yếu vẫn là do các bạn, tự tìm hiểm & ứng biến dựa vào hoàn cảnh của từng người. Mỗi người mỗi cảnh. Xin cầu chúc tất cả các bạn cùng gia đình nhiều may mắn, thân tâm an lạc. Mong kiếp nạn sớm qua đi và cuộc sống bình an sớm trở lại !
No comments:
Post a Comment
Comments: