Nhớ ngày xưa còn nhỏ, đọc sách lịch sử có hình, mê lắm. Thưở đó, chưa phân biệt được đâu là chính sử, dã sử, điển tích, thần thoại, hư cấu, truyền thuyết... Cứ thương ghét dựa vào thiện ác. Sách nói sao tin vậy, từ thời dựng nước, chuyện con Rồng cháu Tiên, Sơn tinh Thuỷ tinh, Trọng Thuỷ Mỵ Châu, Thánh Gióng ...cho đến thời giữ nước, dời đô Thăng Long, Kim Quy mượn kiếm, Lý Công Uẩn "sơn hà xã tắc" ...v.v.. Nói chung lịch sử nước ta kéo dài đến mấy ngàn năm, thì có biết bao nhiêu chuyện để kể, để tự hào. Có những câu chuyện chỉ mang tính hư cấu, truyền thuyết, nhưng lại dựa vào một số sử kiện trùng hợp, nên cũng dễ làm cho người ta hiểu lầm về tính hư thực của nó. Lâu nay, thỉnh thoảng cũng gặp một số trường hợp tranh cãi gây ra do ngộ nhận lịch sử. Một trong những câu chuyện gây hiểu lầm nhiều nhất đó là chuyện Trọng Thuỷ - Mỵ Châu.
Thực ra, cho đến ngày nay thì tài liệu lịch sử cũng nhiều, kỹ thuật kiểm tra niên đại và phương pháp đối chiếu dữ kiện cũng chính xác hơn, nên khả năng phân tích vấn đề cũng hợp lý hơn. Theo nhiều tài liệu đối chiếu và nghiên cứu của các nhà sử học thì hoàn toàn không có câu chuyện Trọng Thuỷ Mỵ Châu, và tất nhiên ông Triệu Đà là người chịu nhiều oan ức trong lịch sử.
Thứ nhất, chẳng có ông Triệu Đà nào đánh Lạc Việt cả, mà vào thời điểm đó phải là nước Tần (TQ) đánh Lạc Việt mới đúng. Ông Triệu Đà là người Việt chính gốc, sinh ra ở đất Thái Bình chứ không hề ở Hà Bắc, Trung Quốc. Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) cũng lấy vợ (hoàng hậu Trình Thị) và sinh con ở Đồng Xâm, Thái Bình. Đền thờ của ông ngày nay vẫn còn ở đó. Cho nên ông không thể nào là người Tàu dẫn quân Tần đánh Lạc Việt được.
Thứ hai, nhiều sử gia VN dựa vào sách sử của TQ (Tư Mã Thiên) quá nhiều, và tin tưởng tuyệt đối vào điều đó thì cũng có khi nhầm lẫn. Có nhiều sách ghi lại, tính theo niên kỷ thì ông Triệu Đà sống tới 121 tuổi. Đại loại như ngày xưa nhiều sách sử ghi là 18 ông vua Hùng chứ không phải 18 đời vua Hùng, thành ra ông nào cũng sống cũng thọ vài trăm năm. Bởi vậy, đọc lịch sử mà không cầu thị, thu thập và phân tích dữ kiện tài liệu một cách logic, thì chuyện cãi nhau dài dài cũng không có gì là lạ. Đặc biệt ông nào càng cho mình là cái rốn của vũ trụ, thì cãi càng dữ hơn :-). Cuối cùng, chuyện nõ thần là yếu tố thần thoại hư cấu thôi. Chứ nếu chuyện nõ thần có thực, mình nghĩ chắc các vị Thần linh đã cho VN một cái đem ra biển Đông bảo vệ ngư dân, và lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa (một số đảo) bị TC cưỡng chiếm !
Thế nhưng câu chuyện Nõ thần và Trọng Thuỷ Mỵ Châu lại là một trong những giai thoại lịch sử mà mình yêu thích nhất. Mình nghĩ các vị tiền nhân đất Việt đã rất tâm huyết và trí tuệ khi để lại một di sản quý báu như vậy cho con cháu của họ. Quả nhiên là vậy. Có lẽ tổ tiên ta cũng chỉ mượn hình tượng của Trọng Thuỷ Mỵ Châu để dạy dỗ con cháu rằng kẻ thù thực sự của ta là chính mình. Kẻ thù lớn nhất đang ở đằng sau lưng, ngồi sẵn tự bao giờ, chứ tìm đâu xa :-).
Lâu nay chắc có nhiều người từng nghe qua câu nói "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Nhiều sách vở cũng phân tích và giảng dạy về triết lý sống này, nên chắc cũng không lạ lẫm gì. Friedrich Nietzsche cũng nói "the worst enemy you can meet will always be yourself". (Tạm dịch: Kẻ thù lớn nhất mà anh gặp luôn chính là bản thân anh). Còn trong kinh điển PG thì cũng có quá nhiều câu chuyện và bài giảng về đề tài này, bởi đạo Phật quan niệm cái "Ngã" (cái tôi, cái tớ, cái tao, cái "bố mày", cái bản thân ...) luôn luôn tồn tại và là rào cản lớn nhất của mỗi con người trên con đường tìm đến sự tỉnh thức.
Nhìn lại trong cuộc sống, thì không ai có thể phủ nhận giá trị của câu nói trên được, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên chắc chắn là mỗi người sẽ có những cách hiểu khác nhau tuỳ theo khả năng nhận thức của họ. Một vị thiền sư có thể hiểu về câu nói đó khác hơn một nhà chính trị. Một nhà lãnh đạo có thể hiểu khác hơn một người nông dân. Một ông bác sĩ có thể hiểu khác với một kẻ giết người. Một nhà từ thiện có thể hiểu khác với một kẻ gian thương ... Nhưng chung cuộc thì có lẽ ai cũng dễ dàng nhận ra sự thất bại thường bắt đầu từ chính bản thân (ngoại trừ mấy ngài chuyên đổ thừa).
Nói cụ thể hơn, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện thành bại cá nhân đến quốc gia đại sự, kẻ thù sau lưng (nội hàm bản thân) bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng. Một cá nhân mà kiêu ngạo ảo tưởng, tham lam quyền lực tất sẽ gây ra bao hệ lụy cho người chung quanh. Một gia đình mà anh em mâu thuẫn, tranh giành xào xáo, tất sẽ dẫn đến tán gia bại sản. Một hội đoàn mà cứ hơn thua, đâm thọc, tất sẽ èo uột rã đám. Một cộng đồng mà cứ ganh ghét đố kị, chia rẽ đấu đá, hám danh, vu khống chụp mũ, làm sao mạnh mẽ và được tôn trọng ? Một đất nước mà cứ hận thù chia cắt, giết chóc lừa đảo, phe nhóm lợi ích, tham nhũng kiêu binh, bảo thủ lạm quyền, thì làm sao hạnh phúc và phồn thịnh ? Lịch sử thế giới lâu nay những nước giàu có nhất, hạnh phúc nhất, đáng sống nhất đều là những nước không có nội chiến triền miên, dân chúng họ không thù hận nhau, không dối gạt nhau, không nghi kỵ nhau .... Tất nhiên với thời đại internet ngày nay, thì không khó khăn lắm cho bất kỳ ai muốn kiểm chứng sự thật và hiểu đúng những vấn đề này.
Nhớ hồi nhỏ đọc truyện Trọng Thuỷ Mỵ Châu, rất thương cho 2 cha con An Dương Vương. Thương cả Trọng Thuỷ yếu đuối, vì phải nghe lời cha mà bán đứng cả bản thân và người yêu. Chỉ có ghét Triệu Đà, vì là kẻ gian ác, tài hèn sức mọn, lợi dụng ngay cả người thân yêu con ruột của ông. Đúng là hồi nhỏ quan niệm ghét thương, thiện ác chỉ đơn giản đến thế. Bây giờ thì lại thấy thương Triệu Đà, vì chính ổng phải chịu oan khuất nhiều nhất, để cho đời sau có một điển tích giá trị "nõ thần" như thế này. Mà sự oan ức của ông, sự hy sinh của các bậc tiền nhân, hoặc những bài học lịch sử của dân tộc chắc gì đã được đời sau ghi nhớ và thực hành. Đôi khi vì một ít quyền lợi cá nhân, nhiều người sẵn sàng đem cái "nõ thần" vô tiệm cầm đồ ngay, chứ cần gì đến một Trọng Thuỷ lường gạt Mỵ Châu !
Nhớ năm ngoái bầu cử Mỹ, mấy ông bạn quen nói chính sự chia rẽ ở quốc hội và mâu thuẫn các đảng phái của Hoa kỳ làm cho đất nước ngày càng suy yếu, kẻ thù dễ lấn lướt. Mình thì nghĩ ở đâu lại chả thế, chỉ là lúc nọ lúc kia, lúc thịnh lúc suy. Hoa Kỳ là nước dân chủ minh bạch, người dân còn thấy đảng phái quốc hội tranh chấp, chứ nhiều quốc gia khác họ cứ im lìm mà đấu đá, thì còn khủng khiếp hơn nhiều. Lãnh đạo tài ba, nhìn xa, trung thực thì đất nước phát triển, dân chúng được nhờ. Còn lãnh đạo yếu kém, tham quyền, dối gạt, thì đất nước suy đồi. Vậy thôi, kẻ thù đâu xa !
Mới hôm vừa rồi, ngồi coi tin tức dịch bệnh ở quê nhà. Vừa lo lắng, vừa thương cảm, lại vừa cảm thấy bất lực. Từ chuyện "cách ly tập trung", chuyện phân bổ thuốc ngừa, chuyện xét nghiệm, chuyện ngăn đường cấm chợ ...cho đến hình ảnh từng đoàn người lũ lượt về quê mệt mỏi, thiểu não. Những đứa bé còn bồng bế trên tay, những cụ già mếu máo, với hành trình trăm dặm trở về cố hương. Để rồi gặm nhấm nỗi buồn sợ hãi và bế tắc "tiến thoái lưỡng nan" ngay chính trên quê hương mình. Thực ra VN đã có quá nhiều thời gian để chuẩn bị mua sắm các phương tiện dụng cụ y tế, và đặt mua các loại thuốc ngừa, mua thuốc đặc trị antiviral, monoclonal antibodies…v.v. Ngoài ra nước nhà cũng quá dư đủ thời gian để học hỏi kinh nghiệm cách chống dịch từ các nước khác. Thế nhưng vì quá bận rộn với những tung hô vô cớ và sự ngạo nghễ thiếu hiểu biết, nên đã không có được những chuẩn bị cần thiết khi dịch bệnh bùng phát. Còn hậu quả ra sao thì hôm nay ai cũng thấy rồi !
Nhớ lại ngày xưa thời còn mê chuyện Tàu. Có những mẫu chuyện nhỏ còn đọng mãi cho đến ngày hôm nay. Một Lưu Bị bỏ qua sống chết, cùng dân đi bộ rút về Giang Lăng, nhất định không bỏ dân chúng, vì cho rằng muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc. Một Khổng Minh tài trí hơn người, lại dùng cách quan sát đối phương thua trận để biết tài năng và trí tuệ của đối phương. Nhìn cách quân địch thua trận mà không "vỡ trận", thất bại mà không bát nháo, rút lui mà không sợ hãi, thì có thể đoán biết tướng địch là kẻ đại trí hay kẻ tiểu nhân. Nhưng đó là những chuyện ngày xưa lắm rồi, so với thế giới ngày nay chắc đã lạc hậu !
Gần đây hơn, thời mình còn là sinh viên, mê lắm những tác phẩm của Eric M. Remarque và Mikhail Sholokhov. Những cuốn sách cũ nát còn sót lại, lén lút chuyền tay nhau, đọc để biết những nỗi bất hạnh của đất nước và con người vào những thời kỳ biến động khó khăn, dịch bệnh. Những "Chiến Hữu", "Bia mộ đen và bầy diều hâu gãy cánh", "Sông Đông êm đềm", "Đất vỡ hoang", "Số phận một con người" ..v.v.. nghiệt ngã và thực tế. Nghĩ đến vẫn còn như mới hôm qua !
Lan man quá rồi, từ đông sang tây. Nhưng cuộc sống vốn có những lúc cảm xúc như thế. Túm lại, mình nghĩ mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi, dịch bệnh cũng thế. Mọi việc rồi sẽ được thay thế bằng một điều gì đó mới hơn, tốt hơn hoặc xấu hơn, hoặc là một sự bình thường mới (new normal). Từ biến cố của bản thân hoặc gia đình, cho đến biến động của xã hội đất nước, đều có lúc phải trãi qua những giai đoạn rất khó khăn. Mỗi tình huống sẽ có những ứng xử khác nhau, nhưng cái triết lý "kẻ thù lớn nhất là chính mình" thì bao giờ cũng đúng. Những "rào cản tư duy" sẽ càng được thể hiện rõ nhất trong những lúc nguy biến, mà không ai có thể che dấu được. Mấy hôm trước đọc tin tức quê nhà, nghe câu "Diệt dịch cũng như diệt giặc". Tự nhiên, mình liên tuởng đến câu chuyện nỏ thần diệt giặc năm xưa. Ước gì ông thần ngày xưa lại cho VN quê ta một chiếc nõ thần chống dịch.
Nghĩ đến mấy câu thơ của Tố Hữu:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...
Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù:
“Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu ”
Giặc thời nay chắc khác giặc ngày xưa. Và cũng không hiểu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy lại có liên quan gì đến cô du kích không sợ rắn xóm Lai Vu. Tiếc là ông TH đã mất. Nếu không, mình sẽ xin ông đổi lại là "Dịch hại trăm nhà, lo diệt trước. Thiệt, mình em chịu, có sao đâu". Nhưng đó lại là một câu chuyện không có thực, chưa bao giờ xảy ra !
Thôi lan man chút, chúc mọi người bình an may mắn. Cầu mong dịch bệnh sớm kiểm soát được, và tất cả bà con đồng bào có được miếng ăn, chỗ ngủ an toàn.
PN
No comments:
Post a Comment
Comments: