Wednesday, January 05, 2022

Phiếm: Chuyện trên trời



Đầu năm dương lịch, truyền thông và báo giới các nước Tây phương thường đăng tải nhiều tin tức, bài viết rất hay về những dự đoán hoặc kế hoạch phát triển trong năm mới ở nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, tài chánh, khoa học, xã hội, công nghệ kỹ thuật.... Mở những trang mạng quê nhà, cũng thấy nhiều chuyện lạ, tin lạ. Nhưng có nhiều tin tức đọc xong không biết phải nói như thế nào ? Thôi thì "mạng" của ta ta cứ đọc, tin của ta ta cứ tin. Hy vọng mai này VN có cái mạng xã hội riêng, thì cứ tha hồ mà đăng tin trên trời dưới đất. Nhớ cách đây mấy năm, ông bộ trưởng 4T của VN tuyên bố đến năm 2020 số người dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ đạt 90 triệu. Năm nay bước sang 2022 rồi, trễ chút nhưng chắc là cũng đã sắp tới đích. Hãy kiên nhẫn đợi thôi !

Cũng nhân nói đến những chuyện ở tương lai, mình bỗng nhớ đến vài cơ duyên cũ. Mấy chục năm trước mình may mắn được nghe 2 buổi nói chuyện khoa học về "thì tương lai", mà tới giờ này vẫn còn nhớ. Một là của ông T/S Nguyễn Hoàng Phương, nói về trường Sinh Học (chữ "trường" ở đây giống như trường điện từ, từ trường trong vật lý, chứ không phải là trường sinh bất tử). Nghe nói ông T/S NHP từng học ở đại học Lô-mô-nô-xốp ( Lomonosov Moscow State University). Đó là vào đầu thập niên 80, ông NHP vào SG và có buổi nói chuyện với giới SV về đề tài "trường Sinh học". Thực ra hồi đó nghe đề tài này, ai cũng mắt mũi tròn xoe, lạ quá và hấp dẫn quá. Nhớ là đến cuối buổi nói chuyện, ông ta còn nhắc nhở đây là những chuyện khoa học có thực, tuy nhiên còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, cho nên không phù hợp phát tán ở môi trường đại chúng. Dạo đó, mình cũng rất quan tâm theo dõi đề tài này, nhưng rồi nhiều năm trôi qua, cũng không nghe tin tức gì thêm. Sau này về lại VN đi làm, nghe tin ông đã qua đời. Còn đề tài trường Sinh Học của ông cũng không nghe nói đến nhiều nữa, ngoài những chuyện của các nhà ngoại cảm đi tìm mộ, hoặc chuyện cầu hồn lên đồng ở các tỉnh miền Bắc. Nhớ là khoảng năm 2006 hoặc 2007 gì đó, mình có cơ hội gặp được ông T/S V.T.K là sếp lớn của ngành "vật lý ứng dụng" tại VN. Có hỏi thăm ông về sự phát triển của lãnh vực trường Sinh Học, nhưng chắc có lẽ đây là những chuyện "bí mật quốc gia" của VN, nên ông cũng không tiết lộ gì.

Buổi nói chuyện thứ 2 thì rộng lớn hơn nhiều, truyền thông truyền hình các kiểu. Đó là buổi nói chuyện của T/S Carl Sagan vào khoảng năm 1990 tại trường NC State University (Mỹ). Thực ra mình cũng không biết phải gọi ông Carl Sagan như thế nào cho đúng. Nhà bác học, nhà khoa học, nhà thiên văn học, nhà vũ trụ học ... hay là tác giả, học giả nổi tiếng chăng ? Tóm lại, tên tuổi không quan trọng lắm, nhưng ông là một người mà mình rất kính trọng. Và có lẽ rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. Cái mình nể trọng nhất ở ông là ông có thể biến những câu chuyện trên trời thành những câu chuyện dưới đất, cho những con người bình thường nhất như mình có thể hiểu được về cái vũ trụ chung quanh. Đúng là nhiều đề tài ông nói vào thời đó còn quá xa lạ với người nghe, ngay cả với giới khoa học. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, nhiều vấn đề lần hồi được sáng tỏ và xác thực hơn, từ chuyện biến đổi khí hậu cho đến những khám phá vũ trụ, sao Kim, sao Hoả. Ông cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi dự đóan đúng về cách thức ứng xử của con người trong xã hội tương lai. Điều mà gần đây, trong thời kỳ "fake news" và dịch bệnh hoành hành, nhiều người và báo chí thường nhắc nhở đến. Carl Sagan luôn cho rằng khoa học không phải chỉ là kiến thức mà còn là phương cách suy nghĩ, tư duy ứng xử. Chính tư duy, cách hiểu, và sự cảm nhận của con người đã tạo ra thế giới chung quanh. Rất thú vị vì đây cũng là điểm tương đồng với quan niệm của Duy thức học (Consciousness-only school) trong PG. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những quan điểm này, nhất là ở một số tôn giáo có những đức tin khác biệt hơn. Ví dụ như đoạn trích một phát biểu của Carl Segan mà gần đây nhiều báo đài thường nhắc đến, vì có vẻ phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. 

“I have a foreboding of an America in my children’s or grandchildren’s time — when the United States is a service and information economy; when nearly all the key manufacturing industries have slipped away to other countries; when awesome technological powers are in the hands of a very few, and no one representing the public interest can even grasp the issues; when the people have lost the ability to set their own agendas or knowledgeably question those in authority; when, clutching our crystals and nervously consulting our horoscopes, our critical faculties in decline, unable to distinguish between what feels good and what’s true, we slide, almost without noticing, back into superstition and darkness.”

Nhưng dĩ nhiên không phải chỉ có Carl Sagan, mà còn có bao nhiêu nhà khoa học, bác học, thiên văn học khác cũng nổi tiếng không kém. Ai cũng có những di sản nghiên cứu quan trọng để lại cho đời sau. Tất nhiên nhiều dự đóan hoặc công trình nghiên cứu của họ ở vào thời điểm nào đó, có thể cũng chỉ là những chuyện trên trời, những điều chưa hề được khám phá trước đó. Nhưng rồi lần hồi những lý thuyết này đã được thế giới khẳng định và ứng dụng, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội loài người hôm nay. Nào là Einstein, Nikola Tesla, Neil deGrasse Tyson, Payne-Gaposchkin, Stephen Hawking, Clyde Tombaugh, Harlow Shapley ...v.v.. ai cũng để lại những công trình nghiên cứu mà ngày nay NASA cũng như các cơ quan vũ trụ khác, các nhà nghiên cứu, khoa học, bác học, hoặc các trường đại học đều rất trân trọng.

Nhưng đó là những chuyện trên trời có thực của thế giới. Còn ở quê ta khi nói đến "chuyện trên trời" là để ám chỉ những câu chuyện không đâu vào đâu. Quả thực nhiều khi coi báo coi đài, thấy nhiều tuyên bố hùng hồn, nghe cứ tưởng như thực, nhưng rồi một thời gian sau chuyện trước mắt lại trở thành những câu "chuyện trên trời". Bao năm trôi qua, vẫn là điệp khúc "vũ như cẩn", nói cho có nói, nói hết hồi thì thôi. Còn những câu chuyện thành tích to nhất, dài nhất, giỏi nhất, nhiều nhất, lớn nhất, hay nhất, ngon nhất ..v.v..thì gặp hoài. Thỉnh thoảng lại được nghe, được thấy, được nhắc trên báo trên đài. Đặc biệt là phát biểu của một số chư vị quyền cao chức trọng. Theo mình thì kiểu tuyên bố tự sướng, thiếu trách nhiệm như vậy sẽ lợi bất cập hại, làm mất lòng tin đối với người dân. Thời buổi này dân trí cũng khác, thông tin cũng dễ dàng kiểm chứng hơn. Tuy nhiên có thể là vì những lý do đặc biệt nào đó, mà cho đến nay vẫn còn tình trạng nói gà nói vịt. Mới đây nhất là vụ bộ kit thử Việt Á, tuyên bố kết quả chính xác 100%. Trong khi đó những chuyện đơn giản hơn như là sản xuất ở đâu, từ nhà máy nào ở VN ? ai là chủ nhân thực sự của nó ? Không xưởng, không công nhân mà sao vẫn được huân chương lao động ...v.v...thì đến nay vẫn chưa biết ! Còn chuyện chất lượng chính xác mà đến 100% thì thế giới đã xin chào thua VN rồi :-).

Công bằng mà nói thì những câu chuyện “trên trời” ở bàn nhậu hoặc chém gió trong giới bình dân thường ít được thiên hạ quan tâm như những câu chuyện ở chốn quan trường, hoặc những đề tài quốc gia đại sự. Và ngay cả trong thế giới tâm linh của tôn giáo, nơi đức tin được gởi gắm một cách tôn nghiêm, vẫn nhiều lúc bắt gặp những câu chuyện hoặc bài thuyết giảng rất “trên trời”. Thỉnh thoảng có nghe được một số bài nói chuyện của các vị “sư phụ” trên YouTube về các vấn đề như thế giới cõi âm, oan gia trái chủ…rất ư là hoang đường. Nhiều ông “sư” còn đem cả ông "Phật" ra để giảng kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoặc chuyện ứng dụng tâm linh ma quỷ vào tình báo quốc tế ..v.v.. Thú thật là không biết những chuyện hoang đường như thế đã dựa trên cơ sở nào, và sẽ giúp ích được gì cho người tu tập? Còn nói đến những chuyện hoang tưởng về thành tích ảo, chính trị chính em vô căn cứ, với mục đích chỉ để lai chim lai chuột, "câu view" trên mạng thì nhiều vô vàn, khỏi bàn cãi. Mà đó không phải chỉ là chuyện ở trong nước, ra đến nước ngoài cũng gặp nhiều câu chuyện “trên trời” như vậy, nhản nhản khắp nơi, không ngoại lệ. Chỉ cần vô YouTube rảo bước một vòng biết bao nhiêu kênh tin tức nói chuyện trên trời :-). Ai nghe được cứ nghe. Ví dụ cách đây không lâu, gặp nhiều đồng hương hoặc kênh tin tức tiếng Việt khẳng định như đinh đóng cột, bầu cử ở Mỹ đã bị đánh tráo. Rồi nào là thuyết này thuyết nọ, thu giữ máy đếm phiếu, thiết quân lực, đảo chính, thiên sứ sẽ xuống trần tát cạn đầm lầy ..v.v.. Đến hôm nay gần cả năm trôi qua, thậm chí ngày mai là kỷ niệm một năm ngày bạo loạn ở quốc hội Mỹ, mà "thiên sứ" vẫn còn kẹt ở trên trời, chưa xuống trần gian được. Nhiều ông VK còn tuyên bố chính mắt thấy số phiếm đếm bị thay đổi trên TV, nhưng đến nay, ban điều tra kiếm người ra làm nhân chứng thì lại không thấy ai lên tiếng cả :-) .

Tất nhiên thực tế thì ai muốn phán cứ phán, tự do ngôn luận, còn mọi việc thì vẫn cứ đổi thay, vũ trụ vẫn cứ tuần hoàn theo cách vận hành của nó. Có những quy luật tự nhiên của tạo hoá mà không ai có thể thay đổi được. Nói đâu xa, mới cuối tuần rồi ở miền Đông nước Mỹ, đêm giao thừa tết Tây ấm áp lạ thường, ngày hôm sau tuyết rơi phủ trắng, xe cộ bị kẹt đầy xa lộ. Nói xa hơn chút nữa, cách đây không lâu, con người cho rằng phân tử (molecule) là dạng vật chất nhỏ nhất. Nhưng sau đó không lâu lại tìm ra nguyên tử (atom), và khẳng định đó là phần tử nhỏ nhất. Rồi bây giờ thì loài người lại tìm ra những thứ khác nhỏ hơn nữa, như là hạt lượng tử Quark, Neutrino v.v... Ngày mai này ra sao, đâu ai dám chắc điều gì ? Một năm nữa lại trôi qua, đầu năm dương lịch, cũng là cuối năm âm lịch. Cả thế giới vẫn còn gian nan đối phó dịch bệnh, chưa biết bao giờ mới hết. E rằng sẽ còn nhiều diễn biến mới lạ xảy ra. Bên cạnh đó thì công nghệ vẫn cứ phát triển ào ạt, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Mà thay đổi nào thì cũng có tính hai mặt của nó, tốt có xấu có. Chỉ mong thế giới sẽ có nhiều chuyện vui hơn. Cũng mong là sẽ đọc được nhiều tin vui ở quê nhà, thực tế hơn, gần gũi hơn, và ít bay bổng ảo tưởng như những "chuyện trên trời" nữa :-). 

Chợt nhớ đến một mẫu chuyện vui nho nhỏ. Có chú muỗi con lần đầu được bay solo (một mình) vào một hội trường rộng lớn. Về nhà tự hào, chân thật kể cho gia đình bạn bè nghe:

- “Mọi người có biết không, hôm nay tôi bay vào tham quan một đại hội toàn những quan chức tai to mặt lớn. Vậy mà bay tới đâu, cũng được mọi người vỗ tay hoan hô chào đón !”. 

Trong khi đó, muỗi cha muỗi mẹ và những con muỗi khác hiểu chuyện, vừa nghe kể mà vừa hú hồn sợ hãi :-). 

Thôi phiếm chút cho vui, chúc mọi người một tuần an lành!

PN

No comments:

Post a Comment

Comments: