Monday, January 31, 2022

Tống cựu nghinh tân !

 


Ngày mai là Tết rồi. Hôm qua mới vừa dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Đúng ra ở xứ này cuối tuần nào cũng vậy, công việc giặt đồ, dọn nhà, hút bụi ... được coi như thường lệ. Nhưng tuần này thì khác, mình nói với mấy đứa con là “tống cựu nghinh tân". Dọn dẹp nhà cửa xong, hớt tóc cạo râu, chuẩn bị ăn Tết :-) .

Thật ra bên Mỹ nói đùa vậy để tiếu lâm cho vui, nhưng bên nhà, "tống cựu nghinh tân" là chuyện có thực. Không biết bắt đầu từ đâu, khi nào, nhưng mỗi khi Tết về ai cũng mong muốn tống tiễn những lo âu, buồn bực, áp lực, khó khăn trong năm cũ. Nhà nhà náo nức, mọi chuyện dĩ hoà vi quý, lo dọn dẹp nhà cửa, hớt tóc cạo râu, làm móng làm chân, chùi lư sơn nhà, rửa xe rửa cộ, tân trang lên đời ... chuẩn bị đón Xuân. Mà cũng chính vì tục lệ đó, nên mấy ngày Tết mới trở nên rộn ràng, hấp dẫn, rạo rực, và thiêng liêng đối với mọi người. Ba ngày Tết vô cùng quan trọng với người Việt vì ngoài việc đón năm mới, gia đình sum họp, ăn chơi lễ hội, thì còn có tâm linh, tài lộc, hên xui, gắn liền với từng nụ hoa, cái bánh, dĩa mứt, câu chúc, lời chào ...Cho nên ông nào mà khuyên người Việt bỏ ăn tết ta thì chắc là khó lắm đấy, mặc dù hiện nay VN là nước nghỉ Tết nhiều nhất trên thế giới. Nhiều nhà sản xuất ngoại quốc muốn vô VN làm ăn cũng phải biết qua cái văn hoá này, rồi rùng mình ba cái, kiểu như vào ba ra bảy trong "quy trình" uống rượu của quê nhà. Đó là chưa nói đến nạn về quê ăn Tết vui quá, đợi hết tháng giêng là tháng ăn chơi, rồi mới vô lại. Sợ gì ? Bịnh gì mà kiêng ? Cho nên mấy anh cai, anh chủ, qua VN làm việc một thời gian dễ bị hư răng vì lầm bầm, cắn răng, nghiến răng ....nhiều quá :-).

Mà đã nói đến Tết thì phải nói đến phần chuẩn bị “tống cựu nghinh tân". Ở quê ta chuyện sắm Tết kéo dài nhiều ngày có khi hết cả tháng Chạp. Ngoài những chuyện như sửa nhà sửa ngõ, sơn mới, tỉa lá gọt cây, chùi lư chùi tách, ngâm rượu, làm mứt, lựa nếp gói bánh, giả cốm rang nổ, trả nợ đòi nợ .… nhiều địa phương còn tổ chức lễ hội tưng bừng như lễ ban sóc, phất thức, tảo mộ, cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép, hoá vàng, dựng nêu, cúng đình hoàng, tất niên khu phố, lô tô bài chòi …v.v. Mỗi địa phương mỗi khác. Đối với bà con xóm giềng, dù trong năm cũ có điều gì xích mích cũng xí xóa hết. Dầu không thực lòng cũng tỏ ra ôn tồn hòa nhã, không ai nói khích bác hoặc bóng gió ác ý trong ngày đầu năm, với ai cũng tay bắt mặt mừng. Quét nhà cũng không dám quét. Ví dụ như trước Tết có bàn luận chuyện anh hùng lao động Việt Á, hoặc chuyến bay nhân đạo giải cứu ngạo nghễ gì gì đó thì cứ nói thoải mái, chứ đầu năm những chuyện như thế sẽ được coi như điều cấm kị :-).

Nhưng chuyện chuẩn bị thì lâu vậy thôi, chứ thời khắc quan trọng vẫn chỉ là giờ G. Giờ khắc để tống tiễn cái cũ và nghinh đón cái mới là giờ Giao thừa. Nhớ hồi xưa mỗi lúc đón giao thừa là mình nhớ đến bài Đêm Trừ Tịch của Nguyễn Trãi. Cứ thắc mắc lúc thay ca, ông thần nào trắng ông thần nào đen ? Nhưng phải nói đọc bài thơ đó thấy thương cảm cho cái cô độc và cốt cách của một ẩn sĩ thiên tài như Nguyễn Trãi. Mở ngoặc chút Nguyễn Trãi là một trong các vị anh hùng dân tộc mà mình tôn kính nhất. Rất khâm phục sự nhẫn nại, cam chịu thiệt thòi, hy sinh bản thân, sẵn lòng vì nước vì dân của ông. Cái tâm của một kẻ sĩ thực thụ. Còn thế hệ mình thời nay quá may mắn, đầy rẫy công nghệ gục gờ, FaceTime, Facebook…Cũng chẳng cần phải là ẩn sĩ thiên tài gì, cứ bấm máy là chuyện gì cũng biết. Như năm nay không có google thì cũng chẳng biết bao giờ là đêm trừ tịch giao thừa. Cũng may là không có em nào để đến thăm đêm 30, chứ nếu có thì lại bị bom hàng vì năm nay chỉ có ngày 29 :-).

Mười hai tháng lọn mười hai,

Hết tấc đông trường sáng mai.

Hắc đế Huyền minh đà đổi ấn,

Sóc phong bạch tuyết hãy đeo đai.

Chong đèn chực tuổi cay con mắt,

Đốt trúc khua na đắng lõ tai.

Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi,

Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài.

(Nguyễn Trãi)

Kỳ thực là nói cho vui vậy thôi, chứ tục lệ là cứ xưa bày nay làm, “tống cựu nghinh tân" thì năm nào cũng tống, cũng nghinh. Nhưng đó chỉ là những tống tiễn hình thức bên ngoài. Tất nhiên là đưa đón phải có chọn lựa, cái nào không thích thì mới “tống”, cái nào thích thì mới “nghinh”, chứ còn những cái ở trong lòng thì dễ dầu gì :-). Đã bảo là quê ta có truyền thống "trước sau như một", cớ sao lại dễ dàng đổi thay như vậy ? Cho nên nghinh tân (đón nhận cái mới) đã khó, tống cựu (buông bỏ cái cũ) lại càng khó hơn. Có những quan niệm hoặc tập tục được hình thành từ thời xa lắc xa lơ, từ thời đèn bấc lúa sạ, nhưng vẫn còn giữ cho đến thời kỳ công nghệ bốn năm chấm. Có nhiều người cho rằng đi xa bao nhiêu năm về quê gặp lại, vẫn cái cũ ấy, vẫn câu chuyện ấy, vẫn định kiến ấy, vẫn phán xét ấy .... tống đi đâu cho được ?

Sơn cái nhà là xong, chùi cái lư là mới, còn cái tư duy cố hữu đâu dễ gì sơn phết được ? Tất nhiên không "tống cựu" được, thì cũng khó "nghinh tân" được. Như ly nước đầy, rót vào cũng chỉ tràn ra thôi. Mà hạnh phúc thực sự vốn đến từ bên trong, chứ không phải đến từ bên ngoài. Cho nên những chuyện vui buồn bởi ngoại cảnh rồi cũng chóng qua đi. Hết ba ngày Tết, lại đâu vào đấy !

Đức Phật ngày xưa nói rằng "The root of suffering is attachment". Ngài Dalai Lama cũng thường nói "Attachment constrains our vision so that we are not able to see things from a wider perspective". Những tu sĩ hoặc những người nghiên cứu đạo Phật ở phương Tây thường chú trọng vào những phương thức thực hành mỗi ngày để giảm thiểu những "desire and attachment" (ham muốn và gắn bó) nơi chính bản thân họ. Thực tập để bỏ đi những định kiến cố hữu hoặc những cố chấp gắn bó nhiều năm, vì đó chính là cái nguyên nhân sâu xa của mọi sự phiền não và cũng chính là những rào cản lớn nhất của sự tỉnh thức. Đó cũng là việc "tống cựu nghinh tân", nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉnh thức mỗi ngày, thật không dễ chút nào. Mình cũng có quen biết vài ông VK, thực tập "tu hành" buông bỏ nhiều năm, nhưng tới mùa bầu cử Mỹ hoặc mấy ngày lịch sử đặc biệt của VN, thì phải “đình chiến” một thời gian, để chửi phe bên kia cho đã, rồi lại "tu tập" buông bỏ tiếp :-).

Trong sách nhà Phật có một câu chuyện mà chắc nhiều người cũng đã từng nghe qua, nói về 2 ông sư huynh sư đệ cõng một cô gái qua suối. Nhắc lại chút cho những ai chưa biết. Hai ông thầy tu đi ngang qua một con suối, nước sâu. Có một cô gái (có sách nói là sexy, hấp dẫn) đang đợi ở đấy nhờ cõng qua suối. Ông sư huynh không ngần ngại cõng cô gái qua suối, rồi đi tiếp. Ông sư đệ lẽo đẽo theo sau, đầu óc cứ thắc mắc chịu không nỗi "Tại sao sư huynh mình lại đụng chạm xác thịt với cô gái sexy kia như vậy ?". Gần đến chùa, chịu hết nỗi, phải hỏi "Tại sao sư huynh làm như vậy ?". Ông sư huynh cười ha hả: "Cô gái ấy cần giúp, ta đã cõng cô gái ấy rồi bỏ lại bên kia bờ suối lâu rồi. Còn đệ thì cõng cô ta về đến chùa cho tới bây giờ !".

Câu chuyện có vẻ khôi hài, nhưng trong thực tế cuộc sống, biết bao nhiêu người trong số chúng ta cũng từng "cõng" nhiều chuyện cho đến hết cuộc đời. Nhớ nhiều năm trước, mình có dịp quen biết một vị đồng hương rất thông thái, từng nắm giữ nhiều chức vụ ngày xưa. Ông kể cho mình nghe vanh vách nhiều mẫu chuyện cách đây 6, 7 chục năm về trước. Nhưng đến chuyện của con cái đang ở chung nhà mấy chục năm nay thì ông lại “không nhớ” gì. Tương tự, thỉnh thoảng về quê mình cũng gặp nhiều trường hợp, nhiều tuồng tích chỉ phán xét dựa vào một vài thông tin nghe đi nghe lại ở đâu đó, hoặc dựa vào những định kiến từ thời lâu lắc lâu lơ để kết luận cho thì hiện tại. Cho nên tính ra thì ông sư đệ chỉ mới “cõng” cô gái từ suối đến chùa thôi cũng là ngon lành rồi :-). Nói đùa cho vui chứ riêng mấy vụ định kiến hoặc bảo thủ, thì nhiều người cả ngàn cái Tết cũng không "tống cựu nghinh tân" nỗi huống hồ gì một vài cái mùa Xuân !

Lan man chút về chuyện tống cựu nghinh tân của ngày Tết, lại nhớ đến thơ phú. Mình vốn không phải dân văn chương thi ca, nên đọc thơ thì chỉ nhớ những bài nào có sự đồng cảm hoặc những câu thơ hay theo cách hiểu của riêng mình. Mình cũng không thích loại thơ "đặt hàng", hoặc loại thơ mà ráng gượng ép ghép chữ cho ra bằng ra trắc nhưng lại không có cảm xúc gì. Thực ra làm thơ Tết cũng không dễ, cho nên số lượng thì có nhiều nhưng bài hay lại hiếm hoi. Mà những bài đã hay rồi, thì vượt thời gian, vượt không gian, năm nào đọc cũng thấy hay. Như bài Ông Đồ của VDL, năm nào đọc cũng thấy man mác. Nôm na là ngoài những nhân vật nổi tiếng như Đổ Phủ, Thôi Hiệu, Vương Duy, Lý Bạch, Lý Hạ, Vương Bột ... hoặc các thiền sư nổi tiếng như Chân Không, Mãn Giác, Giác Hải, Vạn Hạnh, Tiêu Dao ... thì mình thích nhất là thơ Tết của Nguyễn Trãi. Còn mấy vị thi sĩ đương đại sau này thì thích cách làm thơ của Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Vũ Hữu Định .... Có lẽ hợp với cái đời sống lang bạt tha phương của mình. Nhắc đến Nguyễn Bính mới nhớ là ông cũng ra đi vĩnh viễn vào ngày 29 tết của một năm không có ngày 30 như năm nay. 

Còn nói đến chuyện làm thơ, thì đâu phải ông thi sĩ nào lựa chữ ghép vần hay cũng có tâm hồn phóng khoáng. Như ông Tố Hữu ghép chữ ghép vần hay, nhưng thơ đầy máu lửa và mang nặng tính tuyên truyền. Ở VN lạng quạng làm thơ mà gặp trúng ông sếp "thi sĩ" có tư tưởng thuộc loại "tống cựu" không đi, tư duy bảo thủ giáo điều, thì cũng khổ. Như ông Vũ Hoàng Chương làm bài thơ Xuân dưới đây, chỉ vì một chữ "Về" mà bị Chế Lan Viên trù dập thê thảm. Mấy vụ này thì những nhà thơ nổi tiếng như Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần .. kinh nghiệm đắng cay đầy mình. Ngay cả mấy ông nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn ...cũng từng ít nhiều được trải nghiệm những cay đắng này :-) ...

Mười năm qua, đến bây giờ

Nhìn nhau thấy cả giấc mơ thưở nào ..

Xuân về nhớ thưở ngát chiêm bao

Giòng nước trôi xuôi chợt nghẹn ngào


Mười phần xuân có gầy hao

Tấm lòng xuân vẫn dạt dào như xưa.

Mấy phen biếc đón hồng đưa

Dẫu rằng xong vẫn là chưa thoả nguyền

...

Cảm thông giữa lúc hàn huyên

Ta nghe cặp mắt u huyền nao nao

Vũ Lăng nhớ chuyện suối Đào

Chia tay chẳng biết phương nào tìm quê.


Có nghĩa gì đâu một chữ “về”

Nếu không ngàn dặm ngược sơn khê

Nếu không ngược cả mười năm ấy

Về tận kinh đô của Ước Thề!


Mùa xuân quạt gởi thơ đề

Bảo giùm ta – chúa Xuân hề! – còn không?

Hỡi ơi, một phút mơ mòng

Đã tan rồi, mấy phương lòng sầu lên!

...

(VHC)

Thôi lan man chút cuối năm, bên này đã gần trưa. Giờ này bên VN chắc đã chuẩn bị đón giao thừa, tống cựu nghinh tân. Thân chúc quý bằng hữu, anh chị em, một năm mới an vui hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ, công việc thuận lợi. Chúc những gì không tốt sẽ được tống tiễn đi xa, để nghinh đón cái an lạc về với bản thân, với gia đình, và những người thân yêu !

PN
(Ngày 29 Tết)



No comments:

Post a Comment

Comments: