Tuesday, September 06, 2022

Tản mạn cuối tuần - Chảy đi sông ơi ...

 


Nhớ lần đầu về VN, lúc ra đi người bạn nhét vô túi xách của mình tập truyện ngắn "Như những ngọn gió" của Nguyễn Huy Thiệp (NHT). Lên máy bay, đọc ngấu nghiến, vừa thích thú vừa ngạc nhiên. Thích thú vì lối viết kể chuyện rất bình dân và súc tích của NHT, ngạc nhiên là chính phủ VN đã không gây phiền phức gì cho ông. Có lẽ thời mình còn ở VN nhiều thứ bị cấm đoán quá, từ âm nhạc văn thơ cho đến lời ăn tiếng nói, nên dẫu đã  lâu vẫn còn bị ám ảnh !

Rồi thời gian qua mau, người bạn thân của mình cũng đã ra đi và nhà văn NHT cũng không còn nữa. Hôm cuối tuần rồi, ngồi bên giòng sông Niagara mịt mù sóng nước, tự nhiên nhớ đến con sông Bến Cốc trong truyện “Chảy đi sông ơi” của NHT, nhớ người xưa và những câu hát đồng dao ...

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?….

“Cuộc sống này có những điều rất ư bình thường, bỗng trở thành những điểm nhớ và điều ám ảnh”. Một người bạn cũ khác từng viết câu này lên trang đầu của cuốn sách tặng mình. Mà quả nhiên đúng thật. Mới đó mà cũng đã gần 40 năm trôi qua. Thực ra ở xứ này, đời sống cơm áo gạo tiền đã làm cho con người thực tế và đơn giản hơn. Sự cưỡng cầu hơn thua cũng làm cho con người tầm thường hơn, đôi lúc tránh né đối diện với bản thân khi chợt nhận ra mình đã vô tình đánh mất bao điều quý giá chỉ vì những mưu cầu vô nghĩa !

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…

Dường như trong cuộc đời của mỗi người VN đều gắn liền với một giòng sông nào đó, mà lúc đi xa mới thiết tha nhớ về. Một số nơi mình đi qua, có những giòng sông rất đẹp như Thames ở London, Seine ở Paris, Isar ở Munich, St. Lawrence ở Montreal ...etc...nhưng rồi lòng vòng vẫn tơ tưởng nhớ đến những giòng sông nghèo nàn nhỏ bé ở quê nhà. Nhớ có lần mình lặn lội về tận Bình Dương (QN) nơi có con sông Trà Bồng êm đềm chảy xuôi về biển (cách biển nửa ngày sông), để nhìn tận mắt "con sông quê hương" của Tế Hanh đẹp đến cỡ nào. Rồi mới hiểu ra rằng, cái đẹp nhất chỉ là những gì còn đọng lại trong tâm tưởng.

Mà chắc là ai cũng vậy, bao giờ cho đến ngày xưa ? Nhớ thời còn đi học, mình và C, một người bạn rất thân của mình, thường ghé thăm anh Năm M. Nhà anh nằm sát cầu Kinh Thanh Đa, nước sông đục ngầu, lác đác lục bình rác rưởi, sớm chiều hai buổi thuỷ triều lên xuống. Mỗi người mỗi việc, cuối tuần gặp nhau. Có những đêm thật khuya, đến hai ba giờ sáng, ba anh em vẫn còn ngồi uống rượu bên hiên chòi lá nhà anh, nhìn ánh đèn le lói dưới sông của đám người soi ếch, câu lươn, lượm ve chai …. Những đêm trăng, lăn tăn sóng nước, lấp lánh trên sông rất đẹp. Mấy năm sau đó, nghe tin anh Năm M. được chính phủ HK cho đi Mỹ theo diện H.O. Mình rất vui, ngong ngóng đợi chờ. Chưa vui bao lâu, lại nhận được hung tin anh mất vào ngày trước lúc lên máy bay, cả gia đình phải ở lại VN. Ngày đầu trở về quê hương, C chở mình ra Thanh Đa, hai đứa đứng lặng im hàng giờ nhìn giòng sông cũ mà không nói được điều gì ...

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…


Ngồi tản mạn một chút, lại lan man nhớ đến những bài hát câu thơ của một thời xa lắc. (Mà đã nhắc đến thơ, thì phải tự hào VN ta là một cường quốc :-). Nhớ có một ông nổi tiếng nào đó đã nói rằng "VN ra ngõ gặp anh hùng". Mình thì không tin là VN có nhiều anh hùng đến thế, nhưng ở quê mình chắc chắn có chuyện ra ngõ gặp nhà thơ (hoặc nhà bình thơ). Cứ đi họp lớp, họp đồng hương, đi ăn giỗ, ăn cưới một vài lần thì biết. Nhưng đa phần chỉ là làm thơ in sách, tặng nhau để làm quà lấy thảo, chứ cũng ít khi thi thố cùng ai. Có lần về quê, gặp anh bạn kia tâm sự - "Em à, thế hệ trẻ bây giờ không còn biết làm thơ và thưởng thức thơ như xưa nữa !”. Mình thắc mắc không biết đó là tin vui hay tin buồn ?

Theo quan niệm của mình thì thế hệ sau bao giờ cũng tài giỏi hơn,và luôn có điều kiện đi xa hơn thế hệ trước. Nhưng có thể vì những dị biệt về trào lưu thời đại, đôi khi cách nghĩ cách nhìn khác nhau, nên thỉnh thoảng có những ngộ nhận và hiểu lầm nhất định. Nhớ mới năm ngoái, một cô bé gốc Việt 18 tuổi đoạt giải nhất Nhà thơ trẻ (National Youth Poet Laureate) của Mỹ, có tên là Alexandra Huynh. Một người quen gởi ngay cho mình bài thơ của cô bé viết về Mùa Thu. Định bụng hôm nào sẽ dịch ra tiếng Việt gởi cho anh em bạn bè đọc cho vui, vậy mà lu bu công việc quá quên mất. Hôm nay nhắc đến mới nhớ :-) .

Hy vọng cô bé tài hoa đó sẽ còn đi xa hơn, để làm hãnh diện cho đất nước VN, một cường quốc thơ ca. Mở ngoặc chút, có một cô gái da màu khác từng được giải thưởng cao quý đó trước Alexandra Huynh, đó là Amanda Gorman. Cô bé Amanda đã từng được mời lên đọc thơ vào ngày nhậm chức của tổng thống Biden, và sau đó cuộc đời cô bé chắp cánh bay cao. Tiền bạc, danh vọng đến ào ào. Bao nhiêu tạp chí, công ty, mỹ phẩm thời trang như Vogue, Estée Lauder ... cũng thi nhau ngã giá hợp đồng. Mình băn khoăn không biết rồi em ấy có còn làm thơ hay được nữa hay không ? Xưa nay vẫn thường thấy một số tài năng vì không chống nỗi cám dỗ, nên bị tiền bạc và danh vọng "bóp chết" một cách oan uổng. Đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật hoặc một số ngành nghề như nghề làm quan và nghề làm báo. Mong rằng tài năng của các em sẽ không bị lôi cuốn vào những lối mòn đáng tiếc đó… 

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì ?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi ?…

Thôi chúc mọi người một tuần an vui. Xin chép lại bài thơ "Lời nguyện mùa Thu" của Alexandra Huynh dưới đây. (Đối với mình, thì dịch thơ từ bất kỳ ngôn ngữ nào cũng rất khó, bởi dịch ý thì bỏ từ, dịch từ thì thiếu ý. Nên chỉ mạn phép phỏng dịch bài thơ này. Đọc cho vui thôi nhé)

PN

--------------------

Autumn Prayer

it is here I receive all news,
old news of the world,
not my own
but with a passable scent

from an old man
with passable pity

he tells me about
unit title lesson number
& I swallow

until he mentions Vietnam
(the war)
that is
when I really start to listen

if I can’t be heroine
call me ornament immigrant

o the boats &
the people on those boats
so brave so different from
the refugees now we owed them

I moisten my tongue
at the sound of
almost home as the name

Duong Thu Huong loses
its river in the teacher’s mouth
and no one asks why
my face is wet.

& remembering my one sad desk,
in the desolation of that classroom
I write a prayer
for the children who fill it next:

let the children speak their names as their mothers do.
let the chorus sing it back or try & try.
let the stories have no accent.
& some sounds stay untranslated.
let the children fill the space with memory.

          yes the coriander. yes the silk. yes the stomp. the duplex. the honey.
          the beads. yes the asphalt. the drum. the sneakers. the curls. yes the
          incense. yes the white bread. yes the chainlink. the copper. yes the
          stars. the ballads. the cable buzz. the river. yes the multiple. the
          many. yes the love. yes the love.

let the memories be told by the hearts they tumored.
let the children know the name of their melancholy.
let them shape the vowels into hope.
& draw from ancestral hymn.
let honor make no hostages of them.
let their bloodlines become primary text.
let what they’ve seen become their language.

Alexandra Huynh

----------------------------------------------

(PN phỏng dịch)

Lời nguyện mùa thu, 

chính nơi đây 
tôi ghi nhận tất cả
những tin tức của thế giới ngày xưa 
không phải tự bản thân
mà với một hương vị diệu kỳ  

từ một người thầy giáo già
giàu lòng thương cảm 

ông đã giảng cho tôi nghe
những bài học buồn tẻ
& tôi gượng gạo nuốt vào ..

mãi cho đến khi ông nhắc đến tên Việt Nam
(cuộc chiến)
và đó là lúc
tôi mới bắt đầu thật sự lắng nghe

Nếu tôi không làm nên tích sự gì 
thì hãy xem tôi như một kẻ di trú trưng bày làm kiểng ! 

Ôi ! những chiếc thuyền nan
& những con người lênh đênh trên ấy
họ can đảm dị thường
chúng ta đã nợ họ, những người tị nạn !

tôi nấc giọng
theo từng âm thanh
quen thuộc & gần gũi 

những "quãng đời đánh mất" và thiên đường ảo vọng của Dương Thu Hương
như giòng sông miên man trên môi người thầy giáo
cũng chẳng ai buồn hỏi tại sao
mặt tôi đẫm ướt ?

Chợt nhớ đến chiếc bàn buồn bã của tôi,
trong xó lớp
tôi viết lên đó một lời nguyện cầu
cho những đứa trẻ mai sau ngồi vào chỗ đấy

để chúng gọi nhau bằng cái tên cúng cơm của Mẹ 
để lời ru là điệp khúc muôn đời 
và để những câu chuyện quê hương thật thà 
kể bằng ngôn từ trọ trẹ chân quê 
và để khoảng trống tuổi thơ luôn đong đầy kỷ niệm 

        nào là rau ngò. nào là tơ lụa. nào tiếng giậm chân. nào căn nhà nhỏ ngọt ngào. 
        nào những xâu chuỗi...
        Vâng, nào là mặt đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc. nào là
        nén hương. nào là bánh mì. nào là dây xích đồng thau. nào là
        ngôi sao, nào là giai điệu. nào là những tiếng rì rào. giòng sông. nào những phép nhân tích số . 
        Vâng tình yêu. vâng tình yêu......

xin hãy để ký ức tự tình bằng lời ấp ủ của trái tim
hãy để cho đám trẻ biết tên nỗi buồn thế hệ
để chúng xướng lên niềm hy vọng
từ những bản hùng ca của thế hệ cha ông
xin hãy để danh dự của chúng không bị bắt làm con tin !
để nhiệt huyết của chúng trở thành bản sắc
và hãy để câu chuyện của chúng là những điều chính mắt thấy tai nghe !

Alexandra Huynh
(PN phỏng dịch)

No comments:

Post a Comment

Comments: