Vậy là lần bầu cử giữa kỳ (midterm elections) của nước Mỹ năm nay đã bắt đầu hạ nhiệt, mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa chính thức. Những dự đoán kết quả về "làn sóng đỏ" của cựu t/t Trump và nhiều vị cảm tình viên đảng Cọng hoà đã không xảy ra như ý. Nhưng nhìn chung thì kỳ bầu cử vừa qua không những nắm giữ một vai trò rất quan trọng, mà diễn biến cũng không kém phần hấp dẫn & kịch tính. Hôm qua nói chuyện với ông anh đồng hương ở D.C, mình nói phải chi mấy vụ này xảy ra ở VN, cá độ bắt kèo dưới là ngon cơm :-).
Thực ra, bấy lâu nay bầu cử giữa kỳ của Mỹ, đảng đối lập thường chiếm ưu thế, nhưng lần này thì không như vậy. Khả năng rất cao là bên xanh nắm thượng viện, bên đỏ nắm hạ viện. Tuần rồi, trước ngày bầu cử, đi chợ Á đông, vô tình gặp ông VK kia quen hỏi thăm về chuyện bầu bán. Mình cười nói cũng chưa biết bầu cho ai. Còn ông ta thì rất tự hào - "Tôi xưa nay trước sau như một, luôn luôn tin theo ông ...., luôn luôn bầu cho ....v.v..". Gấp quá, mình cũng chào ông ấy rồi đi, hôm nay cuối tuần rãnh rang muốn phiếm chút về đề tài "trước sau như một" này.
Trước hết nói về chuyện chính trị chính em chút. Có một số người lầm tưởng là ở Mỹ ai theo đảng nào thì gắn bó với đảng đó suốt đời, trước sau như một. Không hẳn là vậy, như ông Trump cũng từng nhảy qua nhảy lại mấy đảng, từ đảng Cọng hoà nhảy qua đảng Cải cách (Reform Party), rồi nhảy sang đảng Dân chủ, mãi đến năm 2009 ông mới nhảy lại đảng Cọng hoà. Còn chuyện bầu bán, nếu cả nước ai cũng nhất nhất trước sau như một, thì thực ra không cần đi bầu nữa, vì kết quả lần nào cũng sẽ giống nhau. Có vẻ vô lý và hài hước, nhưng thực sự là vậy. Ở Mỹ, có nhiều tiểu bang và địa hạt, kết quả bầu cử thường chỉ gắn liền với một bên, bên xanh (dân chủ), hoặc bên đỏ (cọng hoà). Tất nhiên nước Mỹ là nước tự do, ai cũng có quyền lựa chọn lá phiếu cho mình, nên tiểu bang xanh đỏ gì thì cũng có những người theo phe đối lập, nhưng thường chỉ là thiểu số. Bao nhiêu năm qua, có nhiều người vẫn không hề thay đổi quan niệm, đa số vẫn “trước sau như một”, bầu cho đảng chứ không phải bầu cho người, chỉ thích lắng nghe từ một phía, và bầu cho một bên. Cho nên chưa đi bỏ phiếu thì thiên hạ đã biết trước kết quả rồi. Bởi vậy trên thực tế, kết quả cuối cùng của những cuộc bầu cử ở Mỹ lại thường lệ thuộc vào những tiểu bang "ba phải" (swing states), tức là lệ thuộc vào các cử tri độc lập, hoặc những người cử tri mới đi bầu, hoặc giới trẻ mới lớn lên. Cũng như ở các nước độc tài, mang tiếng bầu cử cho xôm tụ, chứ ông nào cũng đậu gần 100% vì "trước sau như một". May mắn là ở nước Mỹ điều đó vẫn chưa từng xảy ra :-).
Giờ nói đến cuộc sống đời thường, quả nhiên cũng không hiếm những người ngộ nhận về câu "trước sau như một". Cụm chữ này đại ý muốn thể hiện sự chung thuỷ, cam kết hứa hẹn (commitment), nhưng nhiều người lại dùng nó để gán ép cho nhiều vấn đề khác nhau. Tất nhiên là từ ngữ VN, bao giờ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng của nó, nên cần phải phân biệt rõ ràng. Ngay cả vợ chồng, mặc dù nhiều người vẫn chung sống với nhau cho đến răng long tóc bạc, nhưng chắc gì tình cảm ngày xưa lại giống tình cảm ngày nay, nghĩa tình có khác, mỗi người mỗi cảnh, đâu ai giống ai. Trong ngôn ngữ dân gian VN, cũng thường gặp những cách nói tương tự. Ví dụ mới khen "sóng sau dồn sóng trước", rồi lại nói "áo mặc sao qua khỏi đầu. Mới khuyên người ta "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau", rồi lại nói "miếng ăn là miếng tồi tàn". Mới dạy nhau "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", rồi lại phán "đầu môi chót lưỡi"..v.v... Rất nhiều câu ca dao thành ngữ trong dân gian, nói cho có vần có điệu, nhưng lại không được lý giải đầy đủ nên dễ gây ra nhiều sự hiểu lầm.
Trở lại khái niệm "trước sau như một" trong cuộc sống hàng ngày, mà ngay cả nhiều vị chữ nghĩa một bụng, tri thức tu sĩ, cũng thỉnh thoảng lý giải lệch lạc ý nghĩa của cụm chữ này. Nếu tuyệt đối tôn vinh nghĩa đen của "trước sau như một", thì chắc cũng không cần tu học nữa làm gì. Khoa học ngày nay và PG đều tin vào quy luật vô thường trong tự nhiên. Mỗi phần trăm, phần ngàn của một giây (s), một sát na trôi qua, vạn vật đều thay đổi vô thường. Từ những phần tử tạm cho là nhỏ nhất như quarks, protons, neutrons ... cho đến các cấu trúc vũ trụ, thiên thể, hành tinh to lớn nhất, cũng đều vận động liên tục. Rồi những tế bào, mạch máu, trạng thái, ý nghĩ, tư tưởng ... trong mỗi con người, động vật, thực vật cũng đều thay đổi từng phút từng giây. Quy luật "thành, trụ, hoại, diệt", "sinh, lão, bệnh, tử" .... liên tục vận hành, thì lấy gì để duy trì và bảo đảm chuyện "trước sau như một" ?
Mở ngoặc nói thêm chút, mục đích tối thượng của PG là giúp cho con người tự học hỏi, tự thực hành, tự thực chứng, tự chuyển biến để có trí tuệ tinh tấn hơn, hiểu biết giác ngộ. Còn nếu năm ngoái cũng giống năm nay, ngày trước cũng giống bây giờ, cũng hiểu bấy nhiêu chuyện, cũng làm bấy nhiêu việc, thì quả nhiên là cái ghe vẫn cột một chỗ, vẫn chưa nhúc nhích được phân nào, huống hồ chi mong mỏi chèo được qua sông. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống thì không hiếm những hiện tượng lý giải đạo pháp lệch lạc, trở thành những câu chuyện vật chất phù phiếm, hù ma nhát quỷ, oan gia trái chủ, mê tín hủ tục..v.v..Không tự thực hành để thay đổi, mà trái lại đợi chờ ở một phép lạ nào đó. Tất nhiên là bất kỳ hiện tượng xã hội nào cũng ít nhiều bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi trong đời sống. Có thể đó là những thay đổi từ nếp sống vật chất, từ thể chế chính trị, từ hệ thống giáo dục, từ dân trí, từ văn hóa, từ đạo đức xã hội, hoặc xa hơn nữa là từ kiếp nạn, nhân duyên, cọng nghiệp gì đó ..v.v...Nhưng chắc chắc là không khó khăn lắm để nhiều người nhận ra sự khác biệt to lớn giữa các sinh hoạt tâm linh xưa và nay, đặc biệt là ở quê nhà VN. Dĩ nhiên sự thay đổi đó sẽ còn tiếp tục biến tướng đa dạng hơn trong những ngày tháng tới. Âu đó cũng là quy luật thay đổi tất nhiên. Mọi chuyện cũng sẽ không bao giờ "trước sau như một", mà chỉ là thay đổi xấu hơn hoặc tốt hơn thôi !
Nói đến đây mình nhớ đến một vài câu chuyện vui ở quê nhà. Lúc trước mình có quen một ông chú là một giáo sư trung học trước 75, kiến thức rất uyên bác, nhất là khi nói về văn hoá quê hương, đất nước và con người. Chú cháu thường xuyên nói chuyện, ông thường kể cho mình nghe những mẫu chuyện ở quê nhà, có nhiều chuyện xảy ra từ trước khi mình ra đời. Đặc biệt chú rất rành rẽ nhiều nhân vật nổi tiếng ở địa phương, hỏi ra mới biết là họ từng học chung với chú từ thời tiểu học trường làng, hoặc lớp 5 lớp 6 gì đó vào thời kháng chiến. Học với nhau vài tháng hoặc một năm rồi đường ai nấy đi, vậy mà gần 6,7 chục năm sau, vẫn còn "biết" nhau nhiều đến thế. Lúc đầu, mình thấy rất lạ, có chút ngạc nhiên, nhưng riết rồi cũng quen dần. Mình vốn cho rằng đó chỉ là những ý kiến chủ quan của chú, nhưng rất tôn trọng, vì nghĩ rằng những người lớn tuổi thường thích sống với hoài niệm, chắc mai mốt lớn tuổi rồi mình cũng sẽ như vậy. Thế nhưng khi trở lại quê hương làm việc, mình mới hiểu ra đó không phải chỉ là câu chuyện của người cao tuổi. Mỗi lúc họp trường, họp lớp, ăn giỗ, ăn cưới, họp mặt đồng hương, cafe, nhậu nhẹt ....vẫn thường nghe những câu nói quen thuộc :
- Lạ gì ổng, tui biết rõ quá mà, hồi xưa học tiểu học chung với tui ...
- Biết rõ quá mà, hồi xưa thường ở truồng tắm mưa chung...
- Quen quá mà, thằng Xoài con ông Mít...chứ gì !
- v.v....và v.v..
Quả vậy, dường như ở một số nơi, khái niệm thời gian như dừng lại. Người ta dễ dàng chấp nhận một người đầu bếp trở thành lãnh tụ, một nông dân trở thành chính khách, một tiều phu trở thành lãnh đạo. Nhưng họ lại khó chấp nhận những người quen biết cũ đã thay đổi khác xưa. Nhiều người trong tâm tưởng vẫn cứ nghĩ như thưở xa xưa nào đó, vẫn những con người ấy "trước sau như một" :-). Có người lại rất rành rẽ hiểu biết, hồn nhiên phán về người khác, mặc dù mấy chục năm chưa hề gặp mặt, hoặc thậm chí ngày xưa chưa từng tiếp xúc với nhau. Trong khi đó con cái sống chung nhà mỗi ngày, thì đôi khi lại than thở là không hiểu nhau. Nhớ có một người bạn của mình than vãn: "Nhiều ông đi tập kết mới có 21 năm, về lại không nhận ra người thân, ngay cả vợ con của họ, thì lại không sao. Còn mình đi xa quê gần gấp đôi thời gian ấy, 40 năm không hề gặp gỡ chuyện trò, mà về quê không nhận ra bạn bè cũ, bị trách móc quá". Mình đùa an ủi - "Chuyện trách móc là bình thường thôi, người kia cũng đâu nhận ra bạn, nhưng họ thích trách móc cho có chuyện nói vậy thôi. Lần tới về, bạn thử đeo thêm cái ba lô, mang đôi dép râu, đội cái nón cối, coi thử có bị trách không ?". Cũng may là bạn ấy biết mình nói đùa không làm theo, nếu không khi quay về Mỹ, có khi lại bị các anh khác chụp mũ rồi. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi :-) ! (VTP)
Thực ra, cuối tuần phiếm chút cho vui, chứ nói đến những đề tài này, không đủ thời gian lý giải đầy đủ chi tiết sẽ dễ gây ra sự hiểu lầm. Như "vô thường" là khái niệm căn bản nhất, khoa học nhất, cũng là khái niệm sâu sắc nhất trong giáo lý nhà Phật, nhưng mình lan man một chút đi từ bầu cử Mỹ qua đến chuyện tôn giáo rồi. Thôi xin tạm dừng tại đây, để kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui trong thiền. Có một anh chàng bán đậu hủ, một hôm đi ngang qua thiền viện của một vị cao tăng, thắc mắc tại sao các Thầy lại ngồi im nhắm mắt vậy. Sau khi biết được là các vị Tăng đang ngồi thiền, anh cũng thích và muốn được ngồi giống như vậy. Sáng hôm sau, anh đến ngồi thiền cùng các vị Tăng, ngồi một lúc, bỗng anh la lên mừng rỡ: Thấy rồi, thấy rồi ! Mọi người nghe ngạc nhiên, tưởng anh ngộ đạo hỏi anh thấy cái gì. Anh trả lời: Pháp thiền này hay quá, nhờ ngồi thiền con nhớ được có người thiếu con mấy chục ngàn tiền đậu hủ mà từ trước tới giờ con quên. Cho nên cũng là thiền, nhưng chắc gì cái "thiền" của các vị tăng kia lại giống cái "thiền" của anh bán đậu hủ. Biết đâu câu chuyện "trước sau như một" trong đời sống của mỗi chúng ta cũng khác nhau như vậy :-) ?
Thân chúc tất cả cuối tuần an vui !
hay lắm!
ReplyDelete