Hôm nay đã mùng 7 Tết. Hoa lá vẫn còn tươi, bánh chưng bánh tét vẫn chưa "dám" ăn hết. Mấy chậu Quince thì nở rộ, rất đẹp. Ăn tết ở nước ngoài chỉ đơn giản vậy. Chùa chiền nhà thờ, bạn bè họp mặt cũng tổ chức vào cuối tuần thôi, vì ngày thường nhiều người phải đi làm như thường lệ. Vậy là cũng xong một cái tết, thêm một tuổi, râu mọc nhiều hơn, và tóc bạc nhiều hơn :-) .
Sáng nay pha ly cà phê, nhìn ngày lịch dương hôm qua là 27/1 .... một ngày thật đáng nhớ của nhiều người VN. Đó là ngày Hiệp định Paris được ký kết 27/1/1973, ngày của 50 năm về trước. Mới đó mà đã nửa thế kỷ trôi qua. Những người trẻ tuổi chắc chỉ biết đến ngày này qua sách vở, báo đài. Những người lớn tuổi hơn thì tuỳ theo là lớn lên ở vùng miền nào, có thể hiểu biết vấn đề dưới những góc cạnh khác nhau. Tất nhiên là vậy, bởi xưa nay cái biết của thiên hạ vốn lệ thuộc vào môi trường sống, sách vở, báo đài, gia đình, trường học, hoặc đơn giản hơn nữa là từ bàn nhậu, cafe, đám tiệc..v.v. Còn lịch sử thì bao giờ cũng vậy, thường được ghi chép lại qua một lăng kính chính trị nhất định nào đó. Nôm na là lịch sử luôn được viết lại bởi bên thắng cuộc. Không phải chỉ là VN mà nước nào cũng vậy. Cũng không phải thời này mới có chuyện đó, mà ngày xưa cũng vậy thôi. Còn sự thật thì cứ là sự thật, cả thế giới này đều biết như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên cả. Cho nên kiến thức hiểu biết về lịch sử của mỗi cá nhân có khách quan hoặc trung thực hay không thường bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cho dù là học hành bằng cấp tới đâu. Tuy nhiên với thời đại internet hôm nay, tài liệu sách vở phong phú, chắc cũng không khó khăn lắm cho những ai muốn nghiên cứu trở về "gần" với sự thật :-).
Khi nói đến Hiệp định Paris 1973 thì chắc chắn nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Henry Alfred Kissinger. Và sự kiện đi đêm với TQ để chấm dứt cuộc chiến VN được cho là một sự kiện xấu hổ nhất trong lịch sử chiến tranh và uy tín cam kết với đồng minh của chính phủ Hoa Kỳ. Tất nhiên, qua đó mỗi bên liên quan đều rút tỉa được những bài học xương máu đáng giá nhất cho mình (hy vọng là vậy). Cuộc đi đêm giữa Mỹ và TQ năm 1972/1973 và sự trỗi dậy của TQ, đã để lại những di chứng to lớn cho thế giới, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Và cũng từ đó, chính phủ TQ đã nhanh chóng bám vào cơ hội này để khởi sắc vươn lên, hội nhập vào thế giới văn mình, vượt qua nạn đói nghèo triền miên của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ.
Mãi cho đến hôm nay, vẫn còn rất nhiều người lên án các nguyên tắc chính trị và khinh rẻ giá trị đạo đức của Kissinger trong cuộc chiến tranh VN. Những người lính trận chân chính thì coi ông như một tay sen đầm chính trị, đáng bị nguyền rủa. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người coi trọng kiến thức của ông. Mới năm ngoái đây mặc dù tuổi đã gần 100, nhưng ông vẫn còn tham gia ý kiến về giải pháp hoà bình giữa Ukraine-Nga. Một lần nữa, mặc dù những giải pháp đề nghị của ông có vẻ phần nào khả thi, nhưng nếu nhìn nhận từ phương diện khác, thì những khái niệm về giá trị đạo đức và sĩ diện dân tộc dường như lại là những điều quá khó hiểu đối với ông ta !
Mà một khi nói đến chuyện lịch sử, thì tây ta gì cũng vậy, nếu chỉ đọc, nghe từ một phía, hoặc mang sẵn định kiến trong người, hoặc tư duy cực đoan, hoặc chỉ nghe ngóng từ những nguồn tin mang tính tuyên truyền, phiếm diện thì nhiều khi hiểu sai cả đời mà cũng không biết. Có nhiều người hiểu lầm rồi cãi nhau, chửi nhau ra rả, rốt cuộc chẳng rút ra được bài học giá trị nào, ngoài những ngạo nghễ hoặc cay đắng về những hơn thua, đánh đấm, hận thù vô cớ, kéo dài hết đời này cho đến đời khác. Ví dụ như hồi nhỏ đọc lịch sử chiến tranh VN trước 1975, mình cứ thắc mắc tại sao Noel năm 1972, ông Nixon lại cho phép thả bom miền Bắc vào dịp Giáng Sinh "Christmas Bombings" ? Nếu có thả bom sao không chọn ngày thường mà lại chọn vào dịp Giáng Sinh ? Việc làm này chắc chắn sẽ gây ra sự phản đối mãnh liệt từ người dân Mỹ và cả thế giới nói chung. Rõ ràng như vậy, có thế nào những tay chính trị gia lão làng như Nixon/Kissinger lại không nhận ra. Có vẻ vô lý quá ?
Mãi đến sau này khi đọc lịch sử từ những nguồn khác nhau, mình mới hiểu ra là vì ngày 13/12/1972 cuộc đàm phán của Hiệp định Paris không thành công, phía VNDCCH không chịu đồng ý đàm phán tiếp. Cho nên ông Nixon ra lệnh triển khai chiến dịch "Linebacker II" thả bom ở Hà nội và Hải phòng, buộc phía VNDCCH phải trở lại bàn đàm phán, gây ra hơn 1,600 người bị thiệt mạng. Cuối cùng đến ngày 29/12/1972 phía VNDCCH đồng ý trở lại bàn đàm phán, và bên Mỹ chấm dứt thả bom. Cuộc đàm phán tiếp tục kéo dài mấy tuần sau đó, đến ngày 27/1/1973 thì hiệp định Paris được ký kết. Nhớ có lần về VN làm việc, ngồi nghe một anh giám đốc nhân sự trong công ty kể về chuyện thời của anh ngoài Bắc, "giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc năm 1972". Nhưng do Phạm Tuân đã bắn rơi B52 và dân quân miền Bắc cũng bắn hạ nhiều máy bay khác của Mỹ. Cuối cùng Mỹ thất bại, sợ hãi quá, phải chấm dứt ném bom. Lúc đó, nghe xong mình cảm thấy ngậm ngùi và chua chát cho thân phận của người dân ở những đất nước nhỏ bé, thông tin bị hạn chế. Tuy nhiên lịch sử thì bao giờ cũng có những mặt khác bị che khuất, cho dù là ở đất nước nào chế độ nào cũng vậy, chỉ là nhiều hay ít. Cho nên lịch sử cần phải được tìm hiểu một cách rõ ràng, minh bạch, để không trở thành nạn nhân của những thông tin tuyên truyền lệch lạc.
Và cũng chính Hiệp định Paris 1973 đã thay đổi vận mệnh của đất nước VN. Cuộc chiến tranh VN cuối cùng chấm dứt. Bao nhiêu triệu người vui, và bao nhiêu triệu người buồn, bao nhiêu triệu gia đình đoàn tụ, bao nhiêu triệu gia đình tan nát. Thực tế có nhiều quốc gia trên thế giới cũng tranh đấu cho nền độc lập (một cách đúng nghĩa) và thống nhất, nhưng họ không phải trãi qua cuộc chiến tranh đẫm máu như ở VN. So với những đất nước bạn bè chung quanh, thì đất nước VN đã phải chịu quá nhiều hy sinh, mất mát và đau thương. Và cả một dân tộc với những hy sinh đắt đỏ như thế để đánh đổi được điều gì ? Chắc chắn là gần 50 năm qua, mọi người dân VN ai cũng hiểu rõ và đều có những cảm nhận vui buồn sâu sắc đối với đất nước và dân tộc của mình. Mỗi người mỗi cảnh, có lẽ không ai giống ai, nên không cần thiết bàn đến ở đây !
Trở lại chuyện mùa Xuân năm nay, ngày mùng một Tết mưa xuân cả ngày, còn mấy ngày sau lại nắng ấm, ngộ thiệt. Sáng nay tưới nước, chụp hình hoa lá vẫn còn xanh tươi. Thực ra tết nhất thì hoa lá bên Mỹ bên Tây không thể nào so sánh với ở quê nhà, vì tết ta thường rơi vào những ngày mùa đông lạnh lẽo ở bên Tây. Mấy ông anh mình chụp hình gởi qua, thấy hoa lá bên VN đẹp quá !
Còn nói đến chùa chiền cũng thế. Ở Mỹ chùa chiền cũng đơn giản. Bên châu Âu càng ít hơn và nhỏ hơn. Nhưng ở VN thì “khí thế” hơn nhiều. Những năm gần đây, VN ngày càng mọc lên nhiều chùa to, chùa lớn. Nhiều nơi còn đậm nét tính thương mại, phô trương. Mình thì vốn không quan tâm lắm đến những nơi này, nên cũng mau quên. Thực ra mình cũng không hiểu chùa to chùa lớn thì có liên quan gì đến việc tu tập trí huệ của mấy ông sư và những người đạo hữu đến chùa ?
Hôm rồi về quê, người bạn chở mình chạy qua cây cầu bắt ngang cửa biển, chỉ cho mình ngôi chùa to trên núi và cái tượng đài đang xây, dự định sẽ là lớn nhất VN, châu Á, hay thế giới ... gì đó. Thực ra mình không để ý lắm vì đang bận rộn nhìn ra cái cửa biển ngày xưa gắn liền với tuổi thơ của mình, và nghĩ đến một câu chuyện xa xưa, cũng vào dịp Tết ...
Dạo trước, mình có một anh bạn vong niên, làm cùng công ty, rất tài hoa. Trước đây anh từng là một trung tá K.Q, nhưng văn chương lưu loát, uyên bác cổ kim, đạo đời sâu sắc. Anh cũng là nhà thơ T.N.N.V, thường viết văn làm thơ trên các tạp chí hải ngoại. Có năm nọ, lâu lắm rồi, thầy Mãn Giác về đây thăm. (Mở ngoặc giải thích chút, vì thấy có nhiều người nhầm lẫn thầy Mãn Giác với thiền sư Mãn Giác. Thiền sư Mãn Giác là người nổi tiếng với bài thơ thiền "Cáo Tật Thị Chúng", ông sinh vào thế kỷ 11, thời nhà Lý. Còn hoà thượng Thích Mãn Giác là nhà thơ Huyền Không, ở vào thời này, hiện nay đã qua đời. Hoà thượng Mãn Giác sau khi hoàn thành học vị T.S bên Nhật năm 1965, về dạy Triết học và Phật học ở các trường đại học Văn khoa, Vạn Hạnh ....v.v..). Thầy Mãn Giác có bài thơ "Nhớ Chùa" rất nổi tiếng, có 2 câu cuối là "Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông". Nhớ lần đó, anh bạn T.N.N.V của mình chuẩn bị từ sớm (có rủ mình đi theo), để lãnh giáo và "tranh luận" với Thầy Mãn Giác về 2 câu thơ đầy "tham vọng" này :-). Tiếc là những năm gần đây mình không gặp lại anh T.N.N.V, nếu không mình sẽ rủ anh về VN để tham quan mấy cái chùa lớn nhất, cây bánh tét dài nhất, cái bánh chưng lớn nhất, mâm ngũ quả to nhất, câu đối dài nhất, tô bún riêu bự nhất, toà nhà cao nhất .... của đất nước nhiều quán nhậu nhất, nhiều ước mơ nhất :-).
Nói tới đây mới nhớ, năm nào ngày mùng một Tết, nếu có dịp đi chùa, mình cũng thường đảnh lễ ông Phật Di Lặc, vì ngày mùng một Tết cũng là ngày vía của Ngài. Hôm trước có mấy người quen chê trách chùa này chùa kia hình ông Di Lặc không giống ông Di Lặc. Thực ra tết nhất chủ yếu là vui vẻ, hoan hỉ, mừng xuân năm mới, hoa lá tốt tươi. Nhìn ai ai cũng mới hớt tóc cạo râu, mặc đồ đẹp, có bao lì xì, chào nhau niềm nở, không dám chửi lộn, cãi lộn, quét nhà .... vậy là mừng Xuân Di Lặc rồi. Còn ông Di Lặc thực sự có ai biết mập ốm ra sao mà đòi cho giống ? Cái hình ông Phật Di Lặc mà VN ta đang có cũng là sao chép từ mấy ông TQ ra thôi :-)
(Hình của Ngài Maitreya - Di Lặc)
Theo kinh điển thì Ngài Di Lặc có tên là Maitreya. Ngài được cho là Người sáng lập ra trường phái Yogachara (Duy Thức), và sau đó được 2 vị luận sư tài giỏi Asaṅga and Vasubandhu viết lại cho đời sau vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Theo Phật giáo Bắc Tông (Mahayana), Ngài Di Lặc được cho là vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai. Hiện nay có nhiều nước thờ Ngài Di Lặc dưới những tên gọi khác nhau và hình tượng khác nhau, chứ không nhất thiết phải như là hình tượng "Bố Đại Hoà thượng" hoặc "ông Phật cười" của TQ. Ví dụ bên Nhật gọi Ngài là Miroku; TQ gọi là Miluo Fo; Tây tạng gọi là Byams-pa; Vietnam gọi là Di lặc; Hàn quốc gọi là Mi-rug. Hình tượng ông Phật Di Lặc bụng bự cười tươi vui vẻ như hiện nay chỉ có TQ và VN thờ thôi. Bởi vậy cũng nên xem nhẹ hình thức một chút, cho nhẹ nhàng vấn đề, vừa khoẻ người vừa khoẻ ta. Suy cho cùng, lạy ông Phật chắc là khác với lạy đống xi măng ...hihihi :-).
Thôi đầu Xuân viết tản mạn đôi dòng. Một lần nữa chúc tất cả anh em bạn hữu năm mới bằng an, hạnh phúc, vạn sự như ý.
PN
==============================
Nhớ chùa
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Tối đến dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Huyền Không
No comments:
Post a Comment
Comments: