Monday, February 20, 2023

Phiếm chuyện Tam quốc


Hàng năm cứ đến tháng 2, trên mạng xã hội VN lại có nhiều bài viết nhắc nhở về cuộc chiến tranh xâm lược của TQ ngày 17/2/1979. Nhiều gia đình VN, đặc biệt ở vùng Tây Bắc cũng cứ đến mùa này là bắt đầu giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ chồng, giỗ con ... trong lặng thầm tức tưởi. Trong khi đó thì chính quyền và những tờ báo chính thống vẫn "kiên cường" im lặng, hoặc chỉ đăng tải xôn xao về những đề tài sôi động khác như "lấy phiếu tín nhiệm cán bộ", "quan to tham nhũng sa lưới pháp luật", "TP HCM mừng chiến thắng đầu tại V-League ", "xin TQ mở cửa cho du lịch vào VN" .v.v.. Thực ra cũng hơn 40 năm rồi, những người biết chuyện năm ấy giờ cũng đã trở thành người lớn cả rồi, ai cũng biết bản chất câu chuyện, đâu là thật đâu là giả. Chỉ còn một số rất ít người chưa hiểu, vẫn rụt rè, thắc mắc một cách mơ hồ tại sao "ông anh" lại đánh "người em" :-)

Mình thì không cần phải đợi đến ngày 17/2 mới nhớ về những tủi nhục đau thương đó. Còn viết lách thì thiên hạ đã viết nhiều rồi, cũng chẳng thêm bớt được chút nào. Nên hôm nay chỉ muốn bàn loạn về một đề tài khác, ngoài lề chút. Đó là phiếm bàn về Tư Mã Ý thời Tam quốc, một nhân vật được cho là đỉnh cao về thủ đoạn chính trị, một trong những người có nhiều mưu sâu kế bẩn nhất trong lịch sử văn hoá chính trị của TQ. 

Nói mới nhớ, hôm trước về VN, nghe mấy ông anh nhắc qua chuyện Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, có người cho đó là truyện thật. Tất nhiên lâu nay không ai phủ nhận Tam quốc chí là một tác phẩm hay, thuộc hàng Tứ đại danh tác của TQ. Tuy nhiên chi tiết trong truyện không phải hoàn toàn là sự thật, mà do La Quán Trung phóng tác lại dưới hình thức dã sử "bảy phần thực, ba phần hư". 

Thực ra thời Tam Quốc xảy ra từ cuối thế kỷ thứ 2, đầu thế kỷ thứ 3 sau CN. Đến cuối thế kỷ thứ 3, một viên quan sử tên là Trần Thọ viết lại thành Tam quốc chí. Cuốn sách dựa vào những sử liệu chính thức và những mẫu chuyện kể về thời đại Tam Quốc. Nhưng Trần Thọ là quan nhà Tấn, do đó phải dựa vào triều đại đã nhường ngôi cho Tấn là Tào Ngụy làm "tư tưởng chỉ đạo" để viết cuốn sách này. Trần Thọ cũng đã căn cứ vào các sử liệu cơ bản như Ngụy thư của Vương Thẩm, Ngụy lược của Ngư Hoạ, Ngô thư của Vi Chiêu để viết nên Tam quốc chí, cho nên về niên kỷ là tương đối chính xác, nhưng có nhiều tình tiết khác thì ông phải chọn lọc thêm thắt. Sau khi Trần Thọ mất hơn trăm năm, nhiều đời vua thay đổi lên xuống, có nhiều sử liệu mới về thời Tam quốc xuất hiện thêm. Lúc bấy giờ vua nhà Tống là Tống Văn Đế thấy nội dung của Tam quốc chí quá sơ lược nên đã ra lệnh cho nhà sử học Bùi Tùng Chi sửa lại, chỉnh sửa thêm bớt các phần không chính xác hoặc đã bị đời trước "kiểm duyệt" bóp méo bỏ đi. Từ đó ra đời một bản Tam quốc Chí đầy đủ hơn vào thế kỷ thứ 4. Rồi cả ngàn năm sau đó, mãi đến thế kỷ thứ 14, La Quán Trung mới thâu lượm các tài liệu trong dân gian, tham chiếu với bản Tam quốc Chí của Trần Thọ và Bùi Tùng Chi, thêm thắt "bảy phần thực ba phần hư" mà viết nên Tam Quốc diễn nghĩa lừng danh vào thời bấy giờ. 

Chưa xong, tới đời Khang Hy nhà Thanh thế kỷ 17, hai cha con ông Mao Luân, Mao Tôn Cương lại tu sửa, sắp xếp, biên chính lại bản Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Mao tôn Cương cũng đã gọt tỉa rất nhiều những chương tấu, những bình luận râu ria, những lời phán già phán non trong phần chú thích, để thêm vào những lời bình luận của ông. Nôm na với mục đích là thay đổi hình thức để cho truyện hoàn chỉnh hơn, dễ đọc hơn, dễ tán gẫu và truyền bá rộng rãi hơn. Nhưng phàm xưa nay những chuyện đã thêm bớt, qua tay người này người nọ, thì làm sao tránh được ảnh hưởng của những suy diễn chủ quan, cho dù vô tình hay cố ý. Còn bị chi phối nhiều hay ít là tuỳ vào căn cơ, trình độ, và đạo đức nghề nghiệp của người chỉnh sửa. 

Nhưng vẫn chưa xong đâu. Đến năm 1958, đảng CS TQ sau khi lên ngôi, đã ra lệnh cho nhà xuất bản Nhân dân Văn học xã Bắc Kinh chỉnh lý lại Tam quốc diễn nghĩa cho đúng "lập trường quan điểm cách mạng". Riêng phần này thì dân ta ai cũng rành rẽ rồi, khỏi cần phải giải thích thêm. Nói chung các phiên bản TQC ngày nay hầu hết là lấy từ bản in này. Bởi vậy cho nên đừng nghĩ rằng Tam quốc Chí là sự thật hết. Riêng mình hồi nhỏ khoái nhất là ngồi mấy xe mì Các Chú, vừa ăn vừa ngắm các hình trong tuồng tích Triệu Tử Long, Đổng Trác, Lã Bố Điêu thuyền. Nhớ hồi ở SG, có xe bán phá lấu, cháo lòng bò chỗ ngã tư Cao Thắng/ Phan thanh Giản, khúc gần khách sạn Lục Quốc, vẫn còn ông già người Hoa vừa bán vừa kể tích tuồng. Sau này về lại VN mình có đi tìm “cố nhân" mà không gặp, có lẽ ông đã qua đời rồi, hay đã bị thu hồi mặt bằng chăng ? :-).

Dông dài quá, giờ trở lại chuyện Tư Mã Ý. Nhớ hồi nhỏ đọc Tam quốc Chí, ghét nhất là Tư Mã Ý. Sau này lớn lên chút, đọc lại thì lại "sợ" nhân vật này, bởi ông có quá nhiều thủ đoạn thâm sâu, và một khả năng nhẫn nhục tuyệt đối. Rồi lớn hơn chút nữa, mỗi lần nghe ai nhắc đến Đặng Tiểu Bình thì lại nghĩ đến Tư Mã Ý. Ấn tượng nhất là cái cúi đầu rạp mình của Đặng tiểu Bình trước tổng thổng Jimmy Carter (Mỹ) năm 1979. Nhưng tới khi đánh VN, ông lại phát biểu một cách ngạo nghễ, khinh miệt "Khi một đứa trẻ không biết nghe lời, đến lúc phải đánh đòn" !


Ngày xưa Tư Mã Ý đã từng bò xuống cho Tào Tháo bước lên lưng để khỏi lấm chân, mặc dù trong lòng chưa hề coi trọng Tào Tháo chút nào. Nhưng Tào Tháo đã nhìn thấy tâm can của Ý nên hỏi "Ngươi có biết tại sao lòng bàn chân của con người trắng không ?". Tư Mã Ý sợ, giả vờ thưa không biết. Còn ngày nay không biết ông Jimmy Carter có nhìn thấy tâm can của Đặng tiểu Bình chăng ? Một nhà nông, một nhà thơ, và cũng là một người làm thiện nguyện bền bĩ, có lẽ ít ai nghĩ rằng ông Carter sẽ có được cái nhìn như Tào Tháo ngày xưa. (Xin lỗi, hôm qua mới biết tin cựu tổng thống Carter từ chối vào bệnh viện vì muốn dành thời gian còn lại ở nhà với gia đình. Năm nay ông 99 tuổi. Cầu mong ông được an lạc cho tới lúc ra đi).

Còn nói đến tầm nhìn xa và khả năng chịu đựng nhẫn nhục, thì Tư Mã Ý là một nhân vật đáng nói trong lịch sử TQ. Và cũng chính nhờ những khả năng nhẫn nhục đó, ông đã tạo dựng được nhà Tấn sau này. Nhớ nhiều lần ông sợ mưu tài của Khổng Minh, chỉ đóng quân cố thủ trong thành không dám ra đánh,  mặc dù bị quân Thục chửi mắng thậm tệ. Tướng lĩnh của ông bức xúc vì chịu nhục không nỗi, nhưng ông thì vẫn ung dung ngồi nghe chửi. Khổng Minh sai người đem tặng ông bộ quần áo phụ nữ và cái yếm. Tướng lĩnh quân đội đều thấy xấu hổ, tức giận, nhưng ông thì lại bình thản mặc áo, mang yếm, đi tới đi lui dưới trướng, rồi còn gởi lời cảm tạ Khổng Minh. Tất nhiên phàm làm người ai lại không biết nhục nhã, nhưng khả năng chịu đựng tới mức đó thì không phải người "quân tử" nào cũng làm được. Và Đặng Tiểu Bình thời nay dường như cũng có khả năng như thế. Thuyết Con Mèo "Không cần biết mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt" của Bình đã giúp TQ thoát ra bối cảnh quá nghèo đói của thời kỳ kinh tế XHCN lúc bấy giờ.

Ngày xưa Tư Mã Ý nhìn thấu khả năng yếu kém của thế hệ con cái nhà Tào Ngụy, nhìn rõ quy luật tuổi tác sức khoẻ của Khổng Minh, nên nhẫn nhục chờ đợi thời cơ, bao nhiêu năm sau gầy dựng lên nhà Tấn. Thời nay, từ lúc được Nixon và Kissinger bật đèn xanh cho vào cuộc chơi của thế giới tự do, TQ cũng đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội ngàn vàng này. ĐCS TQ cũng từng nhẫn nhục chịu đựng, nhưng không biết cuối cùng sẽ đi về đâu? Một điều chắc chắn là dẫu Tư Mã Ý có sống lại, thì cũng chưa chắc đóan ra được những chiêu thức của TQ ngày nay như làm công xưởng cho thế giới, ăn cắp công nghệ, vẽ đường lưỡi bò lưỡi trâu, thả bong bóng thám thính, rải tình báo công nghệ khắp nơi, cậy mạnh hiếp yếu, gài độ bẫy nợ, bắt nạt nước nhỏ ..v.v. Hoặc mới đây nhất là chiêu thức âm thầm tiếp tế cho Putin để làm cạn kiện "sức mạnh" của Mỹ và phương Tây. Cách đây vài tuần, một ông tướng Không quân HK cảnh báo TQ đang dòm ngó theo dõi sự phân hoá của lưỡng đảng HK, và ông cũng tuyên bố khả năng có thể có chiến tranh với TQ vào năm 2025. Thế nhưng tạo hoá thì luôn thay đổi, xã hội thì mỗi thời mỗi khác, cuộc đời mỗi người mỗi nghiệp, đâu ai bảo đảm được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Trong lịch sử thế giới xưa nay, TQ là nước có nhiều cuộc nội chiến đẫm máu nhất nhân loại. Nguyên nhân chính cũng chỉ đơn giản là tham quyền đoạt lợi mà thôi. Hy vọng với thể chế chính trị ngày nay, ông Tập có thể hạn chế được phần nào những rủi ro này. Đợi xem vậy !

Thôi đầu tuần mới, uống cà phê bàn loạn cho vui. Chúc tất cả một tuần an lành !

PN


1 comment:

Comments: