Cách đây vài tuần, đi với mấy ông anh lên Đà Nẵng ăn mì Quảng. Chạy ngang Non Nước (Ngũ Hành Sơn), trời mưa như trút nước. Trong xe có người nhắc đến chuyện một ông quan địa phương nào đó đã từng đề nghị xây dựng một công trình du lịch hoành tráng ở Ngũ Hành Sơn, vì nghĩ rằng năm xưa Tề thiên bị Phật Tổ bắt nhốt ở đây. Hài hước thật, nhưng mình lại cảm thấy rất khâm phục tài năng của tác giả "Tây Du Ký". Viết một câu chuyện hư cấu hoàn toàn, mà bao nhiêu năm sau, bao nhiêu thế hệ trôi qua, vẫn có người cứ tin như thật !
Dài dòng chút, Tây Du Ký ra đời vào thời nhà Minh TQ (khoảng thế kỷ 16), mặc dù truyện viết về bối cảnh của Thầy Huyền Trang thời Đường đi thỉnh kinh, một câu chuyện xảy ra cả ngàn năm trước đó (thế kỷ thứ 6). Tức là theo chính sử thì Tây Du Ký ra đời sau thời Hồ quý Ly Hồ Nguyên Trừng, Lê Lợi Nguyễn Trãi của quê ta. Còn ai mà mê kiếm hiệp, thì tính theo lịch là sau thời của Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn quận chúa :-) . (Bởi trong truyện "Cô gái Đồ Long" thì Chu Nguyên Chương, vị vua sáng lập lên triều đại nhà Minh TQ, lúc này còn làm nghĩa quân trong Minh giáo, giả dạng nằm vùng làm phu xe kéo để hoạt động cách mạng). Nôm na là bộ truyện TDK xuất hiện vào khoảng năm 1592 với tác giả ẩn danh. Sau đó cũng gây ra nhiều tranh cãi, cuối cùng tạm kết luận là tác phẩm của Ngô Thừa Ân, sau khi ông qua đời nhiều năm. Tây Du Ký được truyền bá rộng rãi ở các nước châu Á. Mãi đến thời trước đệ nhị thế chiến, một dịch giả người Anh là Arthur Waley dịch truyện này ra tiếng Anh, và được nhiều người phương Tây biết đến. Nói chung, TDK là một bộ truyện hư cấu hoàn toàn, nhưng rất hay, đậm nét văn hoá đông phương và mang nhiều triết lý tư tưởng tôn giáo sâu sắc, không chỉ riêng gì PG Bắc truyền, mà có cả Đạo giáo và Nho giáo trong đó.
Nhớ hồi nhỏ đi học, ghiền truyện tranh, khoái lắm bộ truyện tranh Tề thiên đại thánh. Bẵng đi bao nhiều năm, trở về lại quê nhà, ngạc nhiên khi thấy ai ai cũng mê cũng thuộc Tây Du Ký, Bao Công ... Mới biết ra là TV nhà ta giờ phát hành phim ảnh TQ rộng rãi.
Nhưng tất nhiên là hôm nay không ngồi đây kể chuyện Tề thiên Đại thánh, mà chỉ muốn nói đến câu chuyện cái lò luyện linh đan của Thái Thượng Lão Quân và Tôn Ngộ Không.
Một khi nói về Thái Thượng Lão quân (TTLQ), thì có rất nhiều giả thuyết. Từ Đạo giáo Tam Thanh bên TQ cho đến các vị Cao Đài của VN ta, đều cho rằng quyền uy của Ngài TTLQ là tối thượng trên cõi Thiên đàng. Có nhiều nơi còn gọi tôn hiệu của Ngài là Vô cực chí tôn, Vô cực lão tổ. Mình thì không rành rẽ các chức sắc hoặc danh hiệu mà các đạo giáo dành cho Ngài, nhưng trộm hiểu rằng nếu Ngài mà một tay nắm giữ linh đan, sinh sát ở cõi Trời, thì từ thiên binh thiên tướng cho đến ông Ngọc Hoàng cũng phải nghe lời Ngài chứ chẳng phải dạng vừa. Bởi vậy trong Tây Du Ký, khi mọi giải pháp dựa vào vũ lực, mềm mỏng, dụ ngọt, luật pháp, hành pháp ... trên cõi Trời đều bó tay trước Tôn Ngộ Không, thì Ngọc Hoàng và các chư thiên chư tướng phải nhờ đến Thái Thượng Lão quân ra tay cứu giúp. Và chắc là ai cũng biết nhờ cái vòng "Kim Cương Trác" của Thái Thượng lão quân, mới bắt được Tề thiên đại thánh. Tuy nhiên, cái vũ khí ghê gớm nhất của Thái Thượng Lão quân không phải là cái vòng Kim cương, mà là cái Lò, lò luyện linh đan cho cõi Trời !
Cho nên sau khi bắt được Tôn Ngộ Không, Thái thượng lão quân bàn với Ngọc Hoàng rằng: "Con khỉ ấy ăn đào tiên, uống rượu ngự, xơi cả linh đơn. Rượu thuốc, rượu ngâm, ngọc linh, rắn hổ, đông trùng hạ thảo, mật gấu, hổ cốt, gì cũng uống qua hết. Nó lại luyện thân thể bằng thứ lửa tam muội nữa, nên người tựa một khối kim cương rắn chắc, không vật gì hại được. Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò Bát Quái, đốt nó bằng cái thứ lửa thần kỳ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi". Ngọc Hoàng nghe vậy, ưng cái bụng, lập tức sai thần Lục đinh Lục giáp giải Tôn Ngộ Không đến Lò của Thái Thượng lão quân.
Còn nhắc đến cái Lò của TTLQ thì khỏi nói rồi, xưa nay độc nhất vô nhị. Ngoài thì thiên binh thiên tướng, lục đinh lục giáp ngày đêm canh gác cẩn thận. Trong thì bố trí thiên la địa võng, phong thuỷ, ngũ hành bát quái, vô cùng phức tạp. Mờ mờ ảo ảo, nhìn vô không thấy mà nhìn ra cũng mịt mù, nếu có giải thích thì cũng chẳng có mấy ai hiểu nỗi !
Về đến Cung Đâu Suất, TTLQ sai người gom củi, đốt lò quạt lửa, khí thế ngút trời. Tiếng lành đồn xa, lại thêm các ngài thiên lôi vác loa thông báo, cõi trời cõi đất, mấy vạn cõi sinh linh gần xa nghe qua đều khiếp vía. Nhưng cũng có nhiều người vừa sợ vừa lo, bán tín bán nghi, cố chờ đợi kết quả xem sao. Nghi lễ rình rang, TTLQ đem thả Tôn Ngộ Không vào lò, then cài chốt kỹ, thêm lửa thêm củi, rồi yên tâm chờ đợi đến 49 ngày sau.
Ai dè, điểm mạnh nhất của cái Lò là phương vị Bát quái, thì cũng chính là cái điểm yếu nhất. Bởi nguyên thuỷ, lò này được cấu trúc tám ngăn dựa theo các cung quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Tôn Ngộ Không khôn ngoan chui ngay vào ở cung Tốn. Tốn là gió, mà phàm có gió thì không có lửa. Cùng lắm thì lâu lâu có chút khói thổi vào cay mắt, dụi dụi là xong. Tôn Ngộ Không vốn có sở trường là nhổ nắm lông rồi biến hoá đủ thứ, nên món gì lại chẳng có. Cho nên cũng không ai biết được rõ ràng cuộc sống thực sự của Tôn Ngộ Không trong lò Bát quái là như thế nào.
Đúng 49 ngày sau, TTLQ sai người mở nắp Lò ra, đinh ninh là Tôn Ngộ Không đã thành tro bụi rồi, còn sống thì chắc cũng sẽ quỳ lạy xin chừa. Nào ngờ đâu không phải như vậy. Còn kết quả sau đó thì ai cũng biết rồi !
Tất nhiên, ngay sau đó cả cõi Trời rúng động, Ngọc Hoàng liền triệu tập bộ sậu họp kín khẩn cấp để nghe TTLQ giải trình. Thiên đình đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập, chốt đóng then cài. Thiên binh thiên tướng, Nam tào Bắc Đẩu, lục đinh lục giáp ... vừa hồi họp vừa tò mò, đứng bên ngoài rình rập nghe ngóng. Kẻ áp má người nghiêng tai, kẻ dùng thiên lý nhãn người dùng thiên lý nhĩ, nhưng tuyệt nhiên không một tiếng động nào lọt ra ngoài. Mấy ngày sau, cửa thiên đình đột nhiên mở rộng, một chiếc bóng bay vèo ra. Các thiên binh thiên tướng cõi Trời chỉ kịp nhìn thấy cái bóng dáng liêu xiêu của cây phất trần phất phơ trong gió. Ngài TTLQ che mặt phi thân như một tia chớp về hướng Cung Đâu Suất, và sau đó không ai thấy Ngài đi ra nữa ...
Cõi Trời cõi Đất lại một phen dậy sóng. Nghe đồn rằng ai cũng sợ không dám lên tiếng hỏi han hó hé gì cả, nhưng đêm về vẫn cứ thầm thì, lén lút to nhỏ với nhau. Mấy ông ở quan trường, thiên binh thiên tướng, chiều về thường rủ nhau đi hái đào tiên, lai rai vài ly thiên tửu, lân la dò hỏi, nghe ngóng tin tức. Nhưng tin đồn thì vẫn cứ mãi là tin đồn, tam sao thất bổn, chẳng trúng trật gì. Tuy nhiên ai cũng có một nỗi lo chung, và dường như đó là mối quan tâm lo lắng nhất, không biết Lão Tôn có bỏ lại mấy nhúm lông trong lò hay chăng ? Nếu có, thì e rằng còn bao nhiêu Lão Tôn nữa chưa ra lò, mà không ai có thể đoán biết hết được !
Những thiên tướng quyền cao chức trọng thì không dành thời gian đoán già đóan non như hàng thiên binh thiên mã đồn đãi, mà họ lại nghĩ đến những điều "tư duy" hơn, hệ thống hơn. Đồn rằng có một số ít rất thông minh và trí tuệ, quan tâm đến trạng thái của TTLQ lúc rời khỏi thiên đình sau khi họp kín với Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, thông tin chẳng bao giờ rõ ràng, có người thề thốt cho rằng đã thấy TTLQ mĩm cười một cách mãn nguyện, nhưng một số người khác lại nói chính mắt thấy TTLQ đưa tay che mặt khóc tức tưởi. Tất nhiên đó chỉ là tin tức hành lang, lời đồn đãi của những câu chuyện làm quà. Cũng có thể đây sẽ là một bí mật muôn đời mà không ai biết được, trừ khi Ngô Thừa Ân sống lại .... :-).
Và kể từ sau lần thử thách thất bại đó, sinh linh trong các cõi cũng không còn mặn mà nhắc đến chuyện cái Lò nữa. Những lời đồn đãi ca tụng của các thiên lôi, thiên tướng cũng thưa dần. Còn đám thiên ngưu, thiên mã vẫn hàng ngày đi gom củi đốt lò luyện linh đan, nhưng không còn cờ xí như xưa. May là cuối cùng Phật Tổ đã thu phục được Lão Tôn và bắt nhốt ở Ngũ Hành Sơn (mà ông quan nào đó cho là ở Non Nước, Đà Nẵng :-)). Nhưng nhiều người hiểu chuyện thì cho rằng Ngô Thừa Ân muốn nói đến chính tính cách tự cao tự đại, ảo tưởng "kiêu binh" của Tôn Ngộ Không đã tự hại bản thân Ngài, chứ không ai có thể làm phương hại đến Đại Thánh được. Ngẫm lại âu cũng là một mẫu chuyện hay !
Thôi cuối tuần phiếm chút cho vui. Chúc tất cả một tuần mới an lành.
PN
No comments:
Post a Comment
Comments: