Showing posts with label Âm nhạc. Show all posts
Showing posts with label Âm nhạc. Show all posts

Saturday, September 22, 2018

Lời thiên thu gọi ...



Đọc được tin ông chủ tịch nước VN mất sớm, lúc còn tại chức, điều đầu tiên mình nghĩ đến bịnh gì nan y đến thế, mà khoa học thế giới ngày nay cũng phải bó tay. Nhiều tờ báo thế giới cũng đăng tải tin tức và chia buồn cùng VN. Tuy nhiên tất cả đều thắc mắc về cách giải trình chết bởi nguyên nhân "vi khuẩn độc & hiếm". Dẫu sao thì người cũng đã ra đi, sinh tử xưa nay vốn không ai tránh khỏi, nhưng có những câu chuyện mãi mãi vẫn còn là câu hỏi dở dang.... Nhiều người VN trong nước cũng mong mỏi cơ quan chăm sóc sức khoẻ lãnh đạo sẽ sớm tìm ra nguyên nhân của những căn bịnh lạ, nan y, ngày càng nhiều.

Nhớ có lần đọc bài phỏng vấn của ông hiệu trưởng (hay thầy cũ) của ông CT dưới quê Kim Sơn, Ninh Bình. Ông thầy cũ nói ông CT sẽ là "Đinh Bô Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình". Mình thắc mắc, không hiểu ý ông nói là chuyện làm vua hay là chuyện "dẹp loạn 12 sứ quân". Chuyện làm vua thì dễ hiểu, còn chuyện dẹp loạn sứ quân thì thời nay khác hẳn thời xưa. Thời này sứ quân cũng không chỉ đơn giản là cỡi ngựa cầm gươm. Thực ra người dân làng quê VN bao giỡ cũng tự hào và hy vọng về những người con của xứ sở mình, quê mình cũng vậy. Nhiều vua nhất, nhiều tướng nhất, nhiều công trạng nhất, nhiều lãnh đạo nhất, nhiều tể tướng nhất ..v.v... Nên có lẽ sự ra đi đột ngột nào cũng làm cho người dân quê ngỡ ngàng !

Sáng nay cũng mới đọc được trên báo VN nói rằng ông thủ tướng Hun Sen được ông TDQ cắt tóc cho đến 5 lần. Một kỷ niệm đẹp, và cũng phải nói trí nhớ ông Hun Sen này tốt thật. (Nhớ hồi mình học đại học, ở ký túc xá, bạn bè cũng hớt tóc cho nhau hoài, mà giờ làm sao nhớ nỗi mấy lần ?). Hôm qua, thấy nhiều lãnh đạo thế giới gởi lời phân ưu đến gia đình ông CT và đất nước VN. Hãy cứ cho nhau những lời tốt đẹp khi người nằm xuống, RIP. Thời nào cũng thế, những chuyện đóng góp cho chính trường hay quyền lực lúc còn tại vị thì cũng dễ đọc thấy qua báo đài, nhưng thành tựu thực sự của một người lãnh đạo là những gì còn đọng lại trong lòng người dân sau khi nằm xuống. Cứ trông dân mà nghiệm ra quan !

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Nguyễn Du)


Thursday, September 20, 2018

Một thời mơ ước ...

Mấy hôm nay nhìn thiên hạ xôn xao chuyện chú Ủn nắm tay bác Moon đi ăn mì lạnh, sashimi, đi thăm núi thiêng Paektu. Bỗng nhớ tới những bài hát cũ rất quen thuộc, một thời mơ ước của bao người dân Việt .... Oh, nhớ quá !

















Friday, September 14, 2018

Tản mạn : Đợi bão, nhớ quê ...



Cơn bão Florence được dự báo là siêu bão trong mấy chục năm nay, nhưng may mắn là khi đổ bộ vào bờ thì lại giảm cấp gió rất lẹ. Ngược lại nó di chuyển rất chậm và bán kính rộng, nên có khả năng gây nhiều thiệt hại về lũ lụt hơn là gió bão.
Ngoài đường hiện giờ đang vắng hoe, nhiều nơi đã bị cúp điện, nơi mình ở dự báo chiều nay bão mới đến. Mấy đứa con vừa nóng lòng hồi hộp, vừa nôn nóng đợi chờ, lâu lâu lại chạy ra cửa sổ ngóng vì chưa từng thấy bão ... Con nít bao giờ cũng thế, không hiểu được cái lo lắng của người lớn. Giống mình hồi nhỏ, mỗi lần có lụt, nôn nóng hồi hộp, thức trắng cả đêm chờ đợi nước lên.

Ngồi uống cafe, nghe nhạc, đợi bão đến, mà nhớ đến ngày xưa ở quê nhà. Quê mình hầu như năm nào cũng có mưa gió bão lụt, không lớn thì nhỏ. Thực tình mà nói, hồi nhỏ nhiều đứa còn mong cho có lụt bão, được nghĩ học mà lại được "ăn ngon". Nói đến món ăn mùa lụt bão thì làm gì có chuyện cao sang mỹ vị, nhưng lại là những món nhớ đời, cho mãi đến ngày hôm nay. Ngồi mà kể lại thì cả ngày chưa hết.

Nào là canh khoai, cá chuồng kho mít, cá khô, mắm chưng, cá trôi, cá diếc, dế cơm chiên dòn, kho quẹt tóp mỡ, mắm cá cơm, mắm mực, mắm ngừ ... Trước 75, còn có cả thịt hộp, cá hộp, mì tôm trong thực đơn bão lụt. Sau 75, thời bao cấp nghèo đói, thì khoai lang khoai mì, bo bo gao mốc, có gì ăn nấy. Nhưng ngày lụt ăn gì lại chẳng thấy ngon ? Ăn xong lội nước, lội phố, ra sông coi thiên hạ vớt củi, cất rớ, gỡ lờ, cắm câu, bủa lưới ... Đi một vòng về đã thấy đói bụng lại.

Nói chuyện đồ ăn, mấy hôm rồi thiên hạ ở đây ùn ùn đi mua đồ ăn nước uống dự trữ cho những ngày bão đến. Mấy siêu thị sạch trơn, nhất là khu vực bánh mì lương thực khô. Thực ra món ăn của người Mỹ đơn giản, đơn điệu, và họ ít có thói quen dự trữ nhiều. Còn dân An Nam ta thì có đi tới đâu cũng vậy, đồ ăn đồ uống lúc nào cũng dự trữ, lo xa, trừ mấy anh độc thân trên răng dưới rún. Chỉ tính sơ sơ mì gói, gạo mắm, xì dầu, lạp xưởng, chà bông, chả lụa, thịt cá đông lạnh trong tủ ... thì nếu cả tháng trong nhà, dân Mít ta vẫn ung dung tự tại mà coi phim Tàu phim Hàn, phim hài, Paris by night, hát karaoke, gọi VN, gọi bạn bè, bàn chuyện chính trị thời sự online, chơi facebook .... trừ khi bị cúp điện !

Hôm rồi, mình cũng ghé tiệm á đông chơi trái mít cho "có phong trào". Nhưng thực ra là mình không thích mít chín bằng mít non. Xứ này hiếm khi thấy bán mít non tươi, đa phần là trong hộp. Nói mới nhớ, hồi mấy chục năm trước, thời mới tị nạn đến Mỹ, một số ít dân Việt cũng tự kỳ thị nhau, phân biệt kẻ đến trước người đến sau. Quả là đất nước trọng hơn thua, nên mới có chuyện thân phận tị nạn với nhau mà vẫn "mít ướt, mít ráo". Có ông hồi đó hỏi mình - Phải tại dân VN thích trồng mít và ăn mít nên được gọi là VN mít không ? Làm mình lặn lội vô thư viện kiếm quyển sách nói về Annamite đưa cho ổng coi. Luôn tiện, để ổng biết thêm chút ít về cái ý nghĩa của Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và tại sao dân ta lại "thích" phân biệt đến thế.

Trở lại vụ mít non, là một trong những món ở quê hương mà mình ghiền nhất. Mình thuộc loại dân quê nghèo, nên toàn là khoái món dân dã. Mít non, nấm rơm, nấm mối, măng tre, bắp chuối, canh khoai, bông bí ... Về quê lần nào cũng kiếm mấy món đó mà ăn. Nhiều khi cũng ngại, may là chưa có thằng bạn nào nói xấu " thằng VK đó kẹo kéo quá, rủ mình mà đãi toàn rau thôi, không thấy món thịt cá tiến vua gì cả  :-). Nhà Ngoại mình ở quê trồng nhiều mít, nên ôi thôi nhiều món lắm. Từ huê mít chấm mắm ruốt, cho đến mít non kho cá cơm, kho cá chuồn, kho thịt ba chỉ, kho chay. Rồi đến món gỏi mít xúc bánh tráng thần thánh. Nhớ lần đầu về VN, hồi ông TCS còn sống, mấy người bạn rủ mình vô quán Tib TCS, chỉ đãi đơn giản gỏi rau muống bào, và mít trộn xúc bánh tráng, mà say lúy túy. Bây giờ thì SG quá nhiều quán bán món dân dã như quán Ba Miền, Cô Ba xứ Quảng ...Còn bên Mỹ thì Bolsa, San Jose, Atlanta, Washington DC ...cũng đầy, nhưng vẫn không đâu ngon bằng món của Ngoại mình làm. Mà đứa con nào lại chẳng thấy món của Mẹ, của Ngoại, là ngon nhất ? Mùa mưa bão mà ăn cơm nóng với nồi cá chuồn kho mít non, canh khoai môn nếp tấm, rau tập tàng chấm kho quẹt, thì thôi rồi :-) .

Công bằng mà nói thì xứ nào cũng có những món tuyệt chiêu của nó, tây tàu gì cũng thế. Nhưng với mình thì có đi đâu đi đó, dẫu là Jamon Iberico, Caspian Caviar, Foie gras, Boudin, Rillettes, Schweinsbraten, Asiago, Camembert ... sơn hào hải vị gì rồi cũng không nghiện bằng mấy món dân dã ở quê nhà. Nhưng thời này quán xá nhà hàng ở quê, rồi cũng chạy theo cái xu hướng "thời thượng", nên về quê cũng không dễ tìm được những món bình dân thời thơ ấu. Năm ngoái về quê thằng bạn chở mình đi 3 cái nhà hàng mà tìm không ra cái món bắp chuối hà nàm trộn gỏi, cá chuồn nấu ngót cà chua xanh. Mới tháng rồi về quê, ông anh hỏi mình muốn ăn nhà hàng nào, món gì đặc biệt ? Mình nói thèm bữa cá nục hấp cuốn bánh tráng nướng nhúng nước, đọt rau muống, mắm cáy chua. Ảnh đãi thiệt, ngon tuyệt !

Suy cho cùng, chuyện ăn uống thì ở đâu chắc cũng vậy. Đắt chưa phải là ngon, mà sang chưa phải là quý. Ăn thua là cái "hồn" còn đọng lại trong mỗi con người. Ai tha phương lại không mang theo bên mình những hương vị của một thời? Nhớ một người rất thân với mình đã từng nói "...Có những điều bình thường nhất bỗng trở thành những điểm nhớ quay quắt & những điều ám ảnh ...". Ngẫm lại, cũng đúng. Ngoài trời mưa bão không lo, lại ngồi đây tản mạn chuyện mít non, mít chín ....:-)



Tuesday, August 07, 2018

Cõng Mẹ đi chơi

Cuối tuần rồi, SG trời mưa tầm tả. Đi ra phi trường, trên xe ông anh mở bài nhạc này... Wow, quê hương níu lại !


Tuesday, June 12, 2018

Hãy đến với nhau bằng tình yêu thương ! (United By Love)

Find your way, never lose your faith... Love will always take the throne ...We are united by one love !

Hãy chọn cho bạn con đường, đừng bao giờ đánh mất niềm tin ....Tình yêu bao giờ cũng chiến thắng... Hãy đến với nhau bằng tình yêu thương !

Bài hát được chọn cho giải World Cup Russia 2018


Wednesday, June 06, 2018

Phiếm: Niềm tin



Có một câu nói người Tây phương thưòng nhắc đến đó là "Respect/Trust is not given, it is earned !". (Tạm dịch là : Sự kính trọng/tin tưởng không phải là cho không, mà phải tự kiếm về". Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng trong đời sống hàng ngày, lại gặp rất nhiều những trường hợp ngộ nhận. Ví dụ như nhiều vị làm quan chức, có quyền hành, thì nghiễm nhiên nghĩ rằng người khác sẽ kính trọng hoặc tin tưởng mình. Điều đó không hoàn toàn đúng vậy. Cho nên có nhiều trường hợp bị kết án hoặc buộc tội "nói xấu cán bộ" vì những câu chuyện hiểu lầm như thế. Sự tôn trọng là ở chỗ giá trị cá nhân con người và những việc làm của họ, chứ không phải là do chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là chức vụ đó không phải do người dân tín nhiệm và chính thức bầu bán lựa chọn. Thiết nghĩ chính quyền và xã hội nên cần thiết suy gẫm lại vấn đề này, để khỏi có những cái nhìn lệch lạc, e rằng không những không sửa chữa được sai phạm, mà còn gây ra sự bất công đối với người dân lành hoặc những thuộc cấp trung thực.

"Nói xấu" nghĩa là hành động dựng chuyện, hư cấu, thiêu dệt, bôi bác, có thành không, không thành có, để hạ thấp giá trị người khác. Còn nếu mình thực sự làm xấu, hoặc nói bậy nói sai, mà thuộc cấp hoặc người dân phản ánh đúng, nói lên sự thật, phản biện vấn đề đúng, thì đó không thể cho là nói xấu được. 

Sở dĩ mình muốn nhắc đến chuyện này, vì mấy hôm nay đọc báo thấy quá nhiều ý kiến phản biện việc quốc hội VN dự luật cho mướn đặc khu 99 năm. Nhưng cũng có người cho rằng nhiều người lợi dụng chuyện đó để "nói xấu" quan chức. Mình thì luôn nghĩ là những câu chuyện quốc gia quan trọng như thế này cần phải rất rạch ròi, minh bạch, không nên nhập nhằng. Nếu không, sẽ dễ dàng tạo ra sự hiểu lầm và làm lợi cho những kẻ cơ hội chủ nghĩa, tham lam tư lợi.

Thứ nhất, thực tế là lâu nay không hiếm những vị quan chức phát biểu vô tội vạ, kiến thức hạn chế, có những sai phạm cơ bản, hoặc mơ hồ, thiếu tính thuyết phục, nên làm cho người dân lo ngại. (Tất nhiên là cũng có nhiều người tài giỏi đúng đắn chứ không phải ý vơ đũa cả nắm). Ví dụ như nói chuyện đặc khu kinh tế, một ông ban kinh tế TW, phát biểu về việc bảo vệ dự luật đặc khu, nhưng lại không hiểu gì về ý nghĩa của "đặc khu", đem so sánh đặc khu kinh tế với những khu như Chinatown, Phước Lộc Thọ ... ở Mỹ. Điều đó làm người dân quá lo lắng về tư duy và kiến thức của người hữu trách. Cho nên nhiều người dân lo sợ quá, phản biện lại, chứ không phải là nói xấu. Hoặc là như một ông quan chức khác phát biểu rất "ngây thơ" là lâu nay không biết người TQ có mua nhà đất ở VN, trong khi ông là trưởng cơ quan hữu trách về vấn đề này, đúng ra phải là người nhận biết điều đó sớm nhất. Còn một số ông khác trong lúc họp QH bàn chuyện quốc gia đại sự, lại ngồi ngủ gục..v.v. Thử hỏi, với những câu chuyện chính mắt thấy tai nghe như thế, thì làm sao người dân không lo ngại? Họ quan tâm, và nói lên sự thực chứ không phải bịa chuyện nói xấu. Thực ra thì đất nước nào lại không có tình trạng này, chỉ là nhiều hay ít. Khác nhau là ở nhiều nơi trên thế giới, quốc hội và các chức vụ quan trọng trong chính quyền là do người dân trực tiếp chọn lựa bầu ra, còn ở một số ít quốc gia khác là do bố trí sắp đặt. Suy cho cùng thì chuyện "nói xấu" "nói tốt" chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn là làm sao để thay đổi được ấn tượng tốt xấu và tạo được niềm tin trong lòng người dân. Thiết nghĩ một chính phủ cũng không nên quá lo lắng về chuyện đồn đãi, vì những người có trí khôn chắc chắn sẽ hiểu được đâu là sự thật, đâu là tin đồn. Do vậy điều quan trọng muốn nói đến ở đây là nguyên nhân và sự thật về niềm tin của người dân đối với quan chức và chính quyền trong một đất nước.
Thử nghĩ dăm ba hôm lại đọc được một số phát biểu khôi hài, và những ứng xử trịch thượng của một vài vị quan chức trên báo trên đài, làm sao tránh khỏi chuyện hoài nghi. Ví dụ những câu chuyện như buôn chổi đót, nuôi heo, chạy xe ôm để làm giàu mà cũng nói được, như thế sẽ không bao giờ thuyết phục và tạo dựng được niềm tin của người dân. Mà một khi đã không tạo dựng được niềm tin, thì làm sao người ta lại có thể tin tưởng mà dựa dẫm vào những quyết định hoặc khả năng của họ ? Nếu có chăng, thì cũng chỉ là gật gù bên ngoài vì sợ phiền phức. (Again, trust is earned, not given !). Thời đại hôm nay, dân trí ngày càng cao, không thể cứ coi thường sự hiểu biết của người dân, càng không thể bắt buộc người ta phải nghe theo những điều vô lý được. Tôn trọng trí tuệ người khác cũng chính là tôn trọng chính mình vậy !

Thứ hai, cũng lại là câu chuyện niềm tin. Thử nghĩ tại sao khi nghe đến chuyện cho mướn "đặc khu", là người dân nghĩ ngay đến chuyện cho TQ mướn ? Và tại sao khi nghĩ đến TQ, thì người dân lại lo lắng sợ hãi đến thế ? Chuyện này thì chắc ai cũng hiểu câu trả lời, khỏi cần bàn thảo ở đây. Ông bà xưa thường nói "có lửa mới có khói". Ngay cả những chuyện rõ ràng như ngư dân bị tàu TQ đánh đập hoặc lãnh hải bị TQ vi phạm lấn chiếm, mà báo chí vẫn chỉ có thể dám nói là tàu “lạ” người “lạ”, thì làm sao người dân có thể vững lòng tin ? Mình vẫn luôn nghĩ rằng niềm tin không phải tự nhiên mà có được, và chuyện đánh mất niềm tin cũng không phải là chuyện chỉ xảy ra trong một buổi một ngày. Do vậy, để khôi phục lại niềm tin đối với người dân, thì sự kiện "đặc khu" này chính là một cơ hội tốt nhất để các ngài hữu trách thể hiện cái tư duy, cái tâm, cái tầm đối với đất nước và đồng bào của họ.

Suy cho cùng thì người dân của đất nước nào cũng vậy, họ luôn gởi gắm tâm tư nguyện vọng vào những cấp lãnh đạo và người đại diện cho họ. Có những nơi người dân được quyền bầu bán, có những nơi không được quyền bầu bán. Nhưng điểm chung vẫn là nỗi thiết tha mong mỏi ở các cấp lãnh đạo có những quyết định sáng suốt để dẫn dắt đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, và cho đất nước của họ. Tất nhiên càng mong đợi nhiều, càng tin tưởng lớn, thì lại càng dễ thất vọng và bức xúc khi sự mong mỏi đó không được đáp ứng. Khi niềm tin không còn, người dân thường có những nỗi lo sợ mơ hồ, nhạy cảm, và dễ vỡ oà.

Còn nói đến sự nguy hiểm tiềm ẩn và hậu quả của những chính sách đầu tư, xâm lược, tận thu, lợi dụng ý đồ, mưu toan chính trị ..v.v. của TQ đối với những quốc gia khác trên thế giới, đến nay không còn là điều mới lạ nữa. Chỉ cần mở mạng lên, từ những đặc khu Boten của Lào, những "Baoding villages" ở châu Phi,  SEZ ở Nam Á, Sri Lanka v.v.. mọi người đều có thể tự mình nhận định được giá trị hư thực về triết lý đầu tư của chính phủ TQ. Dĩ nhiên ở nước nào cũng có người tốt kẻ xấu, bên cạnh những nhà đầu tư tham lam lũng đoạn, cũng không hiếm những nhà đầu tư đàng hoàng nghiêm túc. Không khéo phân tích rõ ràng lại dễ dàng lôi cuốn vào những bài xích vô căn cứ. Cũng không nhất thiết cứ cho ngoại quốc mướn đất là phải sai bậy. Điều đó còn lệ thuộc vào các điều khoản hoạt động kinh doanh và mức độ kiểm soát chủ quyền đối với từng quốc gia hoặc địa phương. Và càng không phải là cứ mở đặc khu kinh tế thì thành công. Trên thế giới cũng có nhiều đặc khu "tiền mất tật mang", bởi lẽ điều kiện cần và đủ cho một đặc khu kinh tế thành công, còn nhiều yếu tố liên quan khác nữa. Cho nên cũng tuỳ vào cách làm như thế nào, sự lựa chọn triết lý kinh doanh của nhà đầu tư, quan niệm lợi ích chung & riêng của những người điều hành, cũng như các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của cả đôi bên.

Lâu nay, quan điểm chung và nổi bật nhất của thế giới về các nhà đầu tư TQ (đa số), là triết lý kinh doanh tiếm đoạt, thiếu tính nhân văn, thiếu sự tôn trọng các quyền lợi dân sinh môi trường tại những nước sở tại. Bởi vậy nên các nhà đầu tư TQ, đặc biệt là những công ty có liên quan đến chính phủ nhà nước, thường có xu hướng đầu tư và "thành công" ở những nước chậm phát triển, thiếu vốn, không tôn trọng bản quyền, tham nhũng, thích hối lộ, chính sách đầu tư còn nhiều kẽ hở…v.v. Đây không phải là một sự kỳ thị hoặc chủ trương bài xích, mà là những hiện tượng thực tế, hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Bởi vậy, TQ không hề có một "quyền lực mềm" trên thế giới, cho dù họ sở hữu một nền kinh tế mạnh mẽ như hôm nay. Từ bỏ sự nghèo đói lâu đời của nền kinh tế quốc dân XHCN, để đi lên bằng mọi giá, và trở thành thị trường lao động giá rẻ, phát triển công nghệ gia công cho các nước tư bản phương Tây, chính phủ TQ cũng phải trải qua những mất mát đánh đổi nhất định. Và dĩ nhiên họ cũng nhận ra điều đó, nên cố gắng để thay đổi và khắc phục hàng ngày, để tạo uy thế mới đối với thế giới. Tuy nhiên đây có lẽ là một thử thách khó khăn nhất của TQ bởi triết lý kinh doanh của họ đã lâu đời gắn liền với những nét đặc thù văn hoá nhân văn, và những hạn chế tất yếu bởi cơ chế chính trị ở đất nước họ.

Tất nhiên là thời đại nào cũng vậy, quốc gia nào cũng thế, những yếu tố quyết định dẫn đến hiểm hoạ cho quốc gia dân tộc chủ yếu vẫn là do những người trong cuộc, do những người trực tiếp điều hành đất nước gây ra. Trong đó có sự đánh đổi và lựa chọn giữa quyền lợi đất nước và quyền lợi cá nhân bao gồm lợi ích nhóm. Những lựa chọn đó hoàn toàn lệ thuộc vào tư duy ngắn dài của các thế hệ lãnh đạo. Một đất nước như VN đã từng trải qua bao cuộc chiến, từng bị lấn chiếm, bị đô hộ, bị thiệt thòi, bị lệ thuộc ngoại bang….Chắc hẳn hơn ai hết, người dân VN sẽ thấu hiểu những nỗi buồn thân phận, hiểu được những mất mát, tủi nhục, ám ảnh lâu dài. Và cũng chính dân tộc VN là một dân tộc có nhiều kinh nghiệm sâu sắc nhất trong việc nếm trải những hệ lụy xung đột, mâu thuẫn nội tại chồng chất kéo dài qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, mà nguyên nhân sâu xa được gây ra bởi những đánh đổi vội vàng và tư duy ngắn hạn trong quá khứ.

Tóm lại, dân tộc nào cũng thế, sự lựa chọn sáng suốt ở hiện tại sẽ quyết định vận mệnh tương lai của đất nước trong tương lai. Đó là chuyện tất nhiên không gì phải bàn cãi. Mình cũng luôn hy vọng là niềm tin của người VN hôm nay và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn “niềm tin" của ngày hôm qua. Rất mong vậy !



Friday, June 01, 2018

Nghe Trịnh công Sơn hát .....

Hôm nay ngày lễ thiếu nhi nghĩ về những gì sẽ còn lại. Gia tài của Mẹ chắc chắn không nên chỉ là những con số 1000, 100, 20, 99 ....



Tuesday, April 10, 2018

Nhớ Phạm Duy

Nhớ ngày đó nghe người bạn kể lại trong đám tang của nhạc sĩ Phạm Duy, không có một vòng hoa phúng điếu nào của hội nhạc sĩ Vietnam hoặc nhạc sĩ TP đem đến để tiễn biệt ông, mình cảm thấy thất vọng vô cùng. Một cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam ra đi, một gia tài văn nghệ đồ sộ để lại, những lời ca tiếng nhạc còn vang vọng mãi trên mọi nẻo đường ngõ ngách quê hương hôm qua, hôm nay, và mai sau ... Thế mà không một lời tri ân, không một vòng hoa tiễn biệt cho một người đã chết ? Thật là một sự khôi hài cho những danh từ hoa mỹ vẫn thường nghe như cái tâm, cái tầm, cái sĩ, cái dũng, cái nghĩa, cao thượng, vị tha, trí thức, văn hoá...v.v. Đáng buồn !

Cuộc sống này bao giờ cũng thế, một khi nổi tiếng, hay có những thành đạt nhất định, bên cạnh những vinh quang, người ta thường phải đối diện với cái mặt trái nhất định của nó. Đó là những tin đồn, hẹp hòi, định kiến, ghen tị, đố kị, thù ghét, nhỏ nhen .....từ người khác. Nhiều hay ít là do bản chất văn hoá và tính nhân văn, cũng như sự hiểu biết của từng con người, từng địa phương, từng đất nước. Nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như bao nhiêu con người thành đạt khác đều không ngoại lệ, bởi họ cũng chỉ là con người. Nhiều người thậm chí còn chính trị hoá, đạo đức hoá, thần tượng hoá, nhân cách hoá những câu chuyện đời thường của những người nổi tiếng để tôn sùng hoặc để phỉ báng, dèm pha họ. Dĩ nhiên là cũng có những câu chuyện thực, cũng có những câu chuyện giả, cũng có những câu chuyện chỉ là "câu chuyện làm quà", nghe đi nghe lại, tiếng được tiếng mất, bên lề cuộc sống ... Để rồi cuối ngày người ta quên mất những thành tựu, những công ơn lớn lao của các nhà văn nghệ sĩ đã cống hiến cho xã hội.

Văn nghệ là văn nghệ. Cho dù có thêm thắt là vị nghệ thuật, vị nhân sinh, vị chủ nghĩa, vị chế độ ... thì cũng thế. Cho dù có thêm thắt chuyện đời tư, chuyện cá nhân, chuyện quan điểm chính trị .... thì âm hưởng của lời ca, của tiếng hát, của dòng thơ, của cuốn sách, của những tác phẩm văn nghệ giá trị vẫn cứ còn đọng lại trong lòng mỗi người, bất kể dòng thời gian hay bất kỳ thể chế chính trị nào. Và dĩ nhiên là cho dù ở đất nước nào, thời đại nào, chính phủ nào, ít nhiều cũng có những tay bồi bút văn nô, xử dụng khả năng của mình để tạo dựng những tác phẩm hoặc bài viết mang tính phiếm diện, tuyên truyền, phản bác, để cổ suý và phục vụ cho mục đích chính trị hoặc thương mại nào đó. Cũng có nhiều văn nghệ sĩ không vượt qua nỗi cái giới hạn kiểm soát của chính quyền từ đất nước họ bởi những lý do khác nhau, nên có xu hướng sáng tác gói gọn trong một phạm vi hạn hẹp nhất định. Nhưng điều đó không khó lắm để thiên hạ nhận ra, thông thường những tác phẩm đó chỉ mang giá trị giai đoạn, và càng không phải là điều muốn nói ở đây. Mặt khác, cũng không phải cứ ông nhạc sĩ thi sĩ nào nổi tiếng thì làm bài nào cũng hay. Có ông nhà thơ làm cả vài trăm bài, mới được vài bài thành danh là qúy rồi. Cho nên xưa nay những tác phẩm văn học nghệ thuật nào được phổ biến rộng rãi, tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ, đủ để chứng minh thuyết phục nhất về giá trị thực của nó .

Công bằng với giá trị văn hoá nghệ thuật chân chính là công bằng với chính tri thức và lương tâm của mình. Trên thế giới, có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ nghiện ngập, nghèo đói, tình cảm phóng khoáng, lưu vong trôi nổi, tù đày... Nhưng họ đã để lại cho đời sau những tác phẩm bất hủ, đáng trân trọng. Họ không phải là nhà đạo đức, càng không phải là nhà chính trị, mà chỉ là những con người bình thường, có ưu có khuyết, tài hoa, cần ngẫu hứng, cần sự tự do để sáng tác những gì họ muốn nói, muốn nghe. Thật là nghịch lý và buồn cưòi khi cố áp đặt những khuôn khổ, định kiến nhỏ nhen lên những sáng tạo phi khuôn khổ !

Nhớ hồi xưa còn bé, những bài ca ê a đầu đời là tình tự quê hương man mác. Từ Quê Nghèo, Tôi yêu tiếng nước tôi, Việt nam nghe tự vào đời, Em bé quê, Ông trăng xuống chơi .... Rồi cho đến khi lớn lên, đi học, sinh viên, ra nước ngoài, đi làm, đi xa .... những bài tình ca của Phạm Duy cứ đi theo suốt hành trình của mình, vui buồn mỗi lúc. Thỉnh thoảng cũng có nghe báo đài, bàn nhậu, đồn đóan râm ran chuyện đời tư, chuyện nhà cửa con cái, đi về ....của ông, mình cũng ít khi quan tâm mấy. (Thực ra thì lâu nay mình cũng không thưởng thức lắm cái tư duy chỉ cần coi được đoạn phim 2 phút là đủ để thao thao bất tuyệt phán xét nội dung một cuốn phim dài :-)). Mình chỉ yêu âm nhạc của ông, yêu cái ca từ mang nặng tình tự quê hương dân tộc, và tôn trọng tài năng của ông.

Những năm tháng còn ở Sài gòn, thỉnh thoảng có gặp ông ngoài Trần Cao Vân (Hồ Con Rùa). Vẫn thích cái phong thái lãng tử, phóng khoáng của ông. Cuộc sống này mà làm được cái mình thích làm, sống được với chính mình, thì cũng là một khí khái và bản lĩnh rồi. Mới tuần rồi ăn tối với một ông giáo sư người Mỹ, từng viết nhiều bài nghiên cứu về âm nhạc Phạm Duy bằng tiếng Anh, được nghe ông chia xẻ nhiều câu chuyện thú vị. Nhớ hôm tháng rồi có một người quen tặng mình đĩa nhạc "Nhớ Phạm Duy", thâu âm vào dịp 5 năm tưởng niệm ngày mất của cố NS Phạm Duy. Phải cảm ơn những con người như các anh chị ấy, đã bỏ công sức để duy trì, để tuởng nhớ, và công bằng tri ân những đóng góp giá trị của một người nhạc sĩ VN tài hoa.
Sáng nay mở ra nghe, tự nhiên nhớ quê nhà ghê. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng vẫn còn đâu đó .....  những cánh đồng cát dài, có lũy tre già tả tơi, ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày.....






Saturday, February 17, 2018

Một ngày đầu năm





Đầu năm mới, bạn bè trong nước nhắn tin "Đầu năm làm gì, vui không ?" Nhớ lại là hình như năm nào mình cũng được hỏi câu này vào ngày đầu năm :-). Thực ra thì ở đâu cũng vậy, ngày đầu năm bao giờ cũng thấy vui hơn, phơi phới hơn, nhưng cũng trang nghiêm và sâu lắng hơn. Người Việt nào chắc cũng thế thôi, đã lâu quen rồi !

Lâu nay, nếu ăn Tết ở nước ngoài, mình luôn ở nhà vào ngày mùng một. Thông thường mấy hãng lớn của Mỹ cũng có một ngày "floating holiday" (ngày lễ tự chọn) cho những người công nhân của họ, để phù hợp với môi trường làm việc đa chủng tộc, đa tôn giáo. Người đạo Hồi, đạo Chúa, đạo Phật đạo Hindu, tết Lào, tết Thái, tết Việt, tết Tàu .v.v.. sẽ chọn lựa những ngày nghỉ khác nhau. Còn mình thì dẫu hãng có cho hay không, vẫn nghỉ, vì đêm giao thừa nào cũng đi chùa đến 2,3 giờ sáng mới về đến nhà :-).
Chùa VN bên Mỹ hay châu Âu gì cũng làm lễ giao thừa nửa đêm. Bên Mỹ thì đông người hơn, càng ngày càng đông. Nhớ hơn 30 năm trước, thưa thớt hơn nhiều, nhất là những năm thời tiết lạnh lẽo. Giờ thì đông đảo hẳn lên, áo dài, áo vét, xanh đỏ tím vàng, iphone, ipad, Samsung, Canon, Nikon, đủ kiểu đủ pô. Chen nhau lễ Phật, chen nhau chụp hình. Có khi dẫm cả lên hoa, leo cả lên bệ thờ mà tạo dáng tạo kiểu. Người xin xăm, người hái lộc, người nhét tiền cầu phúc, người quơ hương cầu duyên, người chen chân lễ bái, người nọ lạy người kia ... đủ sắc màu, đủ kiểu tin. Chỉ có đức Phật là năm nào cũng thế, năm nào cũng cười, năm nào cũng bao dung. Chẳng màng tiền "hối lộ" nhét đầy, chẳng quan tâm quà khủng, nhang tấn, hứa hẹn đủ điều. Vẫn lắng nghe những lời khấn nguyện, hiền từ nhìn chúng sinh mỗi đứa mỗi vẻ, ngày một tinh tấn hơn :-) .

Ngày xưa còn vào được bên trong chánh điện, ngồi tĩnh niệm hàng giờ, đọc một thời kinh trong đêm giao thừa. Bây giờ có khi chỉ kịp đứng bên ngoài, lạy vội ngôi chùa hay tượng Phật, rồi nhường chỗ cho người khác. Mà điều đó không quan trọng lắm, cái chính là khoảnh khắc đầu năm, cái giao mùa của tạo hoá, cái hồn của mùa xuân, tiếng chuông tiếng mõ, câu kinh hồi kệ, hương trầm thoang thoảng ... đã tạo nên sự cảm nhận sâu lắng của một năm nhìn lại đời mình chuẩn bị bước qua năm mới.

Ngày xưa khi chưa có con, sáng đầu năm ngủ nướng, mở nhạc Xuân nghe. Giờ sáng mùng một, vẫn phải dậy sớm đưa con đi học. Về nhà, nhìn bánh tét bánh chưng, hủ dưa món, nồi thịt kho, chưa ăn no mất. Hẹn bạn bè ra quán uống cafe đầu năm, chuyện xưa chuyện nay, chuyện "xuân này con không về". Điện thoại thì tò tí te, tin nhắn từ bạn bè VN...:-).

Năm nay trời đẹp, đang lạnh, Tết về lại ấm. Chiều về dẫn con, dẫn chó, đi chơi một vòng. Con không thích ăn mứt ăn bánh, vì ăn chưa quen. Nên cả nhà đi ra ngoài ăn tết Việt với món Mỹ. Buồn cười, nhưng mấy đứa nhỏ bên này dễ gì chịu ăn dưa món củ kiệu, thit kho dưa giá. Tối lai rai với gia đình & bạn bè gần nhà, nghe nhạc xuân, gọi phone chúc tết người thân.

Thực ra Tết ở nước ngoài đại loại cũng chỉ có thế, chủ yếu là phần hồn, phần ý tưởng. Nhớ về, nghĩ về một nơi chốn nào đó. Nhớ về quê hương và gia đình, để thấy mùa Xuân, để thấy cái Tết của lòng mình lạc lõng giữa cái "không tết" chung quanh. Nếu năm nào Tết rơi vào cuối tuần thì vui hơn. Cộng đồng người Việt, chùa chiền nhà thờ VN lúc nào cũng có tổ chức hội chợ, lễ lộc, nhưng thường chỉ vào cuối tuần, không nhất thiết phải là ngày đầu năm. Những vùng đông người VN như Bolsa Cali, San Jose Cali, Bellaire Houston, Eden Virginia, Buford Atlanta ... thì linh đình hơn. Chào cờ đầu năm, dạ vũ hội chợ, tưng bừng hoa lá. Bên Châu Âu thì vắng hơn bên Mỹ. Nhưng Tết bên châu Âu nhiều gia đình sắm sửa đơn giản mà lại sâu sắc hơn. Nhớ có năm mình đi từ Soho (London) qua quận 13 (Paris), rồi về Metz (France) ăn Tết. Thưởng thức cái không khí Tết gia đình, những món quốc hồn quốc tuý của bạn bè ở đó, nhớ nhà muốn khóc !

Bởi vậy, ngày đầu năm xa quê bao gìơ cũng nhiều tâm trạng. Vui buồn lẫn lộn. Nhưng đó cũng là một phần của đời sống, chuyện tất nhiên thôi. Một cành đào ven rừng, một chậu mai, một bài ca quen thuộc, một tà áo lụa, một món ăn xưa .... cũng đủ làm ngẩn ngơ cả buổi. Một đời người có mấy mùa xuân ? Một năm đi qua đã qua đi. Bắt đầu một năm mới, một ngày mới, một hành trình mới. Lạc quan, an vui, tha thứ, hạnh phúc, bi quan, ghen tức, hận thù, đố kị ... dĩ nhiên tất cả đều bắt đầu từ chính bản thân mình.

Chúc tất cả năm mới thân tâm an lạc !



Friday, February 09, 2018

Saturday, December 30, 2017

Phiếm - cuối năm 2017...

Cuối năm, trời lạnh hơn. Pha ly cafe đậm, muốn ngồi viết mà lại chẳng biết viết chuyện gì. Cái lạnh cũng thường lệ, tiệc tùng cũng thường lệ, kết thúc một năm cũng thường lệ . 
Một người bạn hỏi mình năm nay có gì nổi bật không . Mình trả lời :
- Thêm một tuổi như thường lệ !
- Sao đơn điệu thế ?

Ừ nhỉ, cuộc sống này cũng ngộ. Cũng bấy nhiêu chuyện đó xảy ra, nhưng khi nhìn ở góc cạnh này thì cho là phức tạp, nhìn ở góc cạnh khác lại cho là đơn điệu. Nhưng cuối năm thì bao giờ cũng là thời khắc thú vị nhất để nhìn lại những đơn điệu hay phức tạp đó.

Tính ra, thì từ ngày có internet, quá nhiều thứ đổi thay, trong đó chính nhất là mảng thông tin & truyền thông. Con người bây giờ ngồi một chỗ biết tất chuyện thiên hạ, từ đông sang tây, từ âu sang á. Nên thời này người ta cuối năm nhìn lại, thì không những chỉ nhìn chuyện mình, mà còn nhìn cả chuyện thế giới chung quanh. Dĩ nhiên lợi có, mà hại cũng có ! 
Mình có ông bạn quen thường nói: "Hồi xưa đấu tố ở ngoài bắc, ít ra là có tập trung lại, nghe thằng nào đó kể tội, thấy mặt thấy mũi, rồi mới ném đá. Giờ ở quê ta, thì khỏi cần nghe, khỏi cần thấy mặt. Muốn đấu tố đứa nào, cứ nêu tên nó lên mạng vài ngày, thì ông bà cha mẹ, chú bác cô dì nó, thậm chí nó ăn chỗ nào, ngủ chỗ nào, ỉa đái chỗ nào cũng được khai ra, mà chẳng cần biết đúng sai !" . 

Mình thì luôn nhìn truyền thông ở góc cạnh tích cực hơn. Mình tin vào sự minh bạch và đa dạng của thông tin sẽ làm cho xã hội văn minh hơn, con người ít bị giam hãm trí tuệ, it thiển cận, và ít cuồng tín vào những điều không có thực. (Cũng có thể là minh may mắn được sống ở những môi trường, mà ở đó tính xác thực của tin tức, và giá trị riêng tư của con người, được tôn trọng nhiều hơn).
Cuối năm, như một thường lệ, ngồi lướt qua một vòng trên mạng, đọc những bài tổng kết cuối năm của báo, đài. Dĩ nhiên là vui có buồn có, hỉ nộ ái ố, đủ hết, nhưng đó cũng là những hiện tượng và trình tự nhất định ở đời thường. Coi cho biết, coi cho vui, coi để chấm hết một năm cũ qua đi, và để bắt đầu một năm mới .
Thường thì tin tức bên nước ngoài đa dạng hơn nhưng lại rõ ràng hơn, đọc để biết, không vui không buồn. Còn tin tức bên quê nhà, định hướng rõ hơn, tội nhiều hơn công, chồng chéo hơn, đọc thấy buồn nhiều hơn vui. Nhưng rồi vẫn mong năm tới tốt hơn năm nay, tin tốt nhiều hơn tin xấu !
Ngày mai tiệc cuối năm rồi, đón giao thừa, thêm một tuổi. Đếm ngược, đếm xuôi, những ly rượu, những vòng tay, những nụ hôn, những nụ cười ... thân thiện và vui nhộn. Năm nào cũng thế, không thể thiếu được. Mà Saigon bây giờ cũng vậy thôi, nhiều nơi tổ chức cũng vui nhộn ác liệt, chỉ có cái tiết mục hôn nhau lúc giao thừa thì hơi khác thôi 🙂 . Nhớ mấy năm còn ở bên VN, giao thừa tết tây, nhiều nơi dưới Q1 đông nghịt ... Level 23 Bar, Liquid Sky Bar, Saigon Saigon Rooftop , La Dolce Vita Bar, Sofitel, Legend, REX .... chật cứng. Không biết bây giờ mấy thế hệ KS sau như Park Hyatt, Reverie Saigon, InterContinental ... có làm xôm tụ, sôi nổi hơn không ? Nhưng chuyện vui tết tây ở VN thì cũng chỉ là 1 số rất ít thôi, quê ta dân ta thì vẫn quan tâm tết ta thôi !
Thôi hết năm, vui buồn, sướng cực, giận hờn gì, thì cũng nên cho qua đi, vì sẽ qua đi. Thân chúc tất cả các bạn và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng, dồi dào sức khoẻ !
(Ngẫm lại thì người VN mình may mắn hơn Tây phương, vì được chúc tết đến 2 lần, đã lâu quen rồi. Nên ông nào xúi bỏ tết âm lịch, thì căng đấy, căng cả hơn ông Bùi Hiền )




Monday, August 07, 2017

Hè ....

Ngồi cafe sau vườn, rỉ rả tiếng ve ..... oh, tự nhiên nhớ mấy bài này ghê !





Friday, July 28, 2017

Bên ni bên nớ,

Hôm qua có ông giáo sư Mỹ rủ đi ăn phở, nhưng đến nơi, mình ăn bún bò Huế, ổng ăn bún chả giò. Ông này đang dịch một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, từ tiểu luận đến phân tích. Đây là lần đầu tiên mình gặp một người Mỹ hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, văn hoá, và âm nhạc Việt nam đến thế. Dạo trước ông ta phụ trách khoa Đông phương của 1 trường đại học danh giá ở Mỹ, nên kiến thức nghiên cứu rõ ràng rất là "hàn lâm" so với các bạn ngoại quốc khác .
Nôm na về ông như thế, nhưng câu chuyện chính phía sau ly cafe sữa nóng và tô bò Huế vẫn là những trăn trở "bên ni, bên nớ " của người VN tha phương. Ối dà, chuyện này thì trăm năm chưa hết chuyện, nói chút đã tới giờ đi, hẹn ngày nói tiếp :-) .

Có một câu chuyện tiếu lâm ông kể, khi nhận định về nhân sinh quan của 2 nhà nhạc sĩ VN nổi tiếng trước đây, làm mình suy nghĩ cả đoạn đường về. Một bên lạc quan thái quá và bên kia bi quan thái quá ! Ngẫm lại đôi khi cái nhìn của mình và  nhiều người VN về đất nước cũng như thế. Nhưng liệu đó có phải là bi quan hay lạc quan thái quá không, hay chỉ là những sự khiếm khuyết nhất định và ảo giác quyền lực cũng như kiến thức ?
Dĩ nhiên sẽ không ai nhận là mình "thái quá". Bởi con người lâu nay vẫn thường không biết những thứ mà mình không biết. Thế mới là rách việc ! Đọc tin tức, cứ dăm ba bữa là nghe báo chí phê phán ông này ông nọ phát biểu linh tinh, nói chày nói cối, nói gà nói vịt. Trong nước cũng thế mà ngoài nước cũng thế. Từ những câu chuyện về văn hoá, chính trị, kỹ thuật, môi trường, kinh tế, đấu tranh, cộng đồng. Nhiều ông tưởng mình có mệnh số là "minh chủ" thật. Có ông tưởng mình có khả năng lãnh đạo thật. Có ông tưởng mình có chức quyền thì đồng nghĩa với thì có kiến thức thật. Có ông tưởng mình có đi học giáo sư tiến sĩ thật. Có ông tưởng mình chửi  hoài thì đất nước sẽ thay đổi thật  ..vv...Và cứ thế nhầm lẫn, thật giả, khó lường, người lạc quan kẻ bi quan, ngày ngày vẫn thế.

Gần nửa thế kỷ để đấm đá nhau, dối gạt nhau, giết chóc nhau, vu khống nhau. Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946, Geneve 1954, Paris 1973 .... và thân phận một đất nước nhỏ bé trên bàn cờ tranh chấp của những nước lớn. Được mất những gì ?
Rồi gần nửa thế kỷ khác để hận thù chống đối, để bắt bớ tù đày, để rêu rao vô cớ, để khóc để cười, để ai oán để kiêu binh, để lần mò dọ dẫm, để bào chữa sửa sai ...  Và nhìn lại vẫn những lối mòn tư duy, những con đường gian nan ngổn ngang đá gạch !

Bên ni bên nớ, ông GS dùng chữ này rất hay. Bi quan hay lạc quan ? Nỗi lòng của những người VN tha phương, hay chính trên quê hương mình ... vẫn cứ như là những câu dân ca đầy trắc ẩn, những giai điệu thăng trầm bên bờ sông quê hương đang ngày mỗi cạn dần.